Aa

Bùng phát gian lận thi cử: Trách nhiệm của ai?

Chủ Nhật, 28/04/2019 - 06:00

Có thể nói không sợ sai là, sự việc ở ba tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang chỉ như phần nổi của tảng băng chìm mang tên “gian lận thi cử” mà thôi.

Vừa rồi ngành giáo dục nước ta nổ bùng với chuyện gian lận thi cử. Khiến cho dư luận xã hội hết sức bức xúc. Nhưng có người lại nói, chuyện gian lận thi cử thì thời nào cũng có, ở đâu cũng có, không có gì lạ!

Nước Việt ta xưa vốn nổi tiếng văn hiến, trọng khoa cử. Thế nhưng cái sự gian dối trong thi cử xưa thực ra cũng đầy rẫy. Sử Việt còn chép cả. Chỉ kể mấy cái tên lừng lẫy cũng dính vào như: Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Nguyễn Siêu, Ngô Sách Tuân... thì suy ra, mức độ thi gian ngày xưa của dân ta chắc cũng khá! Đấy là chưa kể thời kỳ suy vong của các chế độ quân chủ, thì khỏi phải nói, sách cũng còn chép đầy đủ, sĩ tử cứ mang tiền đến trường thi là thành ông nghè ông cống ráo.

Ngay đến văn minh như bên Mỹ, cũng vừa mới khui ra cả đường dây gian lận để vào trường danh giá, có cả con cái minh tinh màn bạc, đại gia dính vào, hứa hẹn sẽ khối án tù.

Nên cái sự gian lận thi cử hình như có tính toàn cầu!

Thế nên chuyện vừa khui ra cái trò gian lận thì cử, thiết nghĩ đúng là không có gì bất ngờ lắm. Bởi thực ra dư luận đã râm ran từ lâu về cái sự mua điểm chạy trường của ngành giáo dục nước nhà. Có chăng bất ngờ ở đây là quy mô của các vụ gian lận điểm thi trên ba tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La mà thôi.

Ảnh minh hoạ

Nguồn: Internet

Quãng từ những năm 1970 trở về đến gần đây, kỳ thi tuyển sinh vào đại học của nước ta vốn được coi là khó khăn và nghiêm túc. Rất ít điều tiếng về gian lận trong các kỳ thi này. Ai đã từng trải qua kỳ thi này đều biết, chỉ hơn nhau nửa điểm đã là một trời một vực!

Tuy vậy, sau nhiều lần cải cách cải tiến cải lùi các kiểu mà mỗi lần cải thì hình như chất lượng và tính nghiêm túc của kỳ thi cứ lùi dần đều! Cho đến năm 2015, ngành giáo dục có “sáng kiến” đột phá là tổ chức kỳ thi “ba chung”: Chung đề, chung đợt và sử dụng chung kết quả để xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học! Lúc đó nhiều trí thức mẫn tiệp thông hiểu tình hình giáo dục nước nhà đã góp ý là không nên làm vậy, bởi đặc điểm của giáo dục đại học và phổ thông của Việt Nam, thực hiện “ba chung” có khi lợi bất cập hại.

Điển hình là giáo sư Ngô Bảo Châu đã từng có ý kiến: Nên giữ và củng cố kỳ thi tuyển sinh đại học đang được đánh giá khá nghiêm túc lại. Còn kỳ thi tốt nghiệp thì nên nhẹ nhàng hóa nó đi, và giao chủ yếu cho các trường trung học phổ thông tự tổ chức tự chấm theo đề chung cả nước. Bộ, Sở chỉ đóng vai trò thanh kiểm tra thôi. Thế nhưng chả ai thèm nghe. Hai kỳ thi các năm 2015, 2016 của “ba chung” do các trường đại học chủ trì còn khả dĩ. Đến các kỳ thi các năm 2017, 2018 được giao về cho các Sở giáo dục địa phương chủ trì thì ôi thôi, gian lận bùng phát như nấm sau mưa!

Có thể nói không sợ sai là, sự việc ở ba tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang chỉ như phần nổi của tảng băng chìm mang tên “gian lận thi cử” mà thôi. Hầu như cấp học nào, địa phương nào mấy năm gần đây cũng bị đại dịch này xâm nhập. Chỉ có điều hình như các địa phương khác họ làm không thô thiển như mấy ông coi trời bằng vung kia: Thí sinh điểm thực ba môn được 1 điểm mà dám nâng lên thành 29 điểm để thành thủ khoa luôn! Mà nâng ào ào tới cả trăm thí sinh! Sự việc này gây bức xúc trong dư luận cả nước đến tột cùng. Bởi nó đánh vào niềm tin và tước đoạt cơ hội của những học sinh thực học nhà nghèo. Một sự phỉ báng công bằng xã hội trắng trợn nhất!

Vậy ai phải là người chịu trách nhiệm cho tình trạng gian lận thi cử này?

Bộ Giáo Dục mà đích danh là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phải chịu trách nhiệm chính về việc này!

Lên nhậm chức Bộ trưởng tháng 4/2016. Đến kỳ thi năm 2017, ông Nhạ đã bỏ ngoài tai mọi lời can ngăn để quyết đưa kỳ thi “ba chung” giao về cho các Sở giáo dục địa phương. Mà giao cho các địa phương tự tung tự tác trong khi không có các chế tài thanh tra, kiểm tra, giám sát độc lập và đủ mạnh để ngăn chặn gian lận, ngang bằng với “tháo khoán”! Và thế là thời cơ để cho các "ông giời con" ở các nơi kia khua tay trong bị. Gian lận thi cử nổ bùng như một quả bom hẹn giờ...

Sự thất bại thảm hại của kỳ thi “ba chung” đã thấy rõ: Thay vì tuyển chọn được những học sinh ưu tú nhất vào các trường đại học để đào tạo nhân lực cao cho nước nhà, thì lại tuyển được những thí sinh kém nhưng gian dối nhất! Về sâu xa, đó cũng là sự thất bại tất yếu của một nền giáo dục lầm lạc, không có triết lý căn bản.

Ảnh minh hoạ. Nguồn ảnh: Internet

Nguồn: Internet

Sự loay hoay thử nghiệm bao năm nay, biến học sinh thành những con vật thí nghiệm, biến ngân sách nhà nước thành con bò sữa để một số quan chức làm giáo dục moi móc tiền dân chia chác với nhau đã dẫn đến những hệ lụy xã hội khôn lường. Điều đó được phản ánh rõ ràng trên hành động, thái độ sống, nhân sinh quan của thế hệ trẻ nước Việt gần đây. Rất đáng báo động. Rất đáng để cho những người còn có trách nhiệm với tương lai nước Việt trong thượng tầng chính trị suy nghĩ và làm một điều gì đó. Hãy làm ngay trước khi mọi sự trở nên mất kiểm soát!

Nhưng trước mắt cần có ngay những biện pháp ngắn hạn nhưng quyết liệt, đủ mạnh để ngăn chặn tiêu cực trong kỳ thi năm 2019, đảm bảo công bằng cho thí sinh và mọi gia đình. Còn về lâu dài, cần phải cải cách cơ bản việc tổ chức kỳ thi hết phổ thông. Một kỳ thi quốc gia tốt nghiệp phổ thông trung học trên toàn quốc là việc nên làm. Thế nhưng như đã nói, thay vì các cơ quan quản lý như Bộ, Sở giáo dục chủ trì thì hãy giao cho các trường trung học phổ thông họ chủ trì. Hãy giao cả quyền ký trên bằng tốt nghiệp phổ thông cho các thày hiệu trưởng. Họ sẽ (phải biết) trân trọng chữ ký của mình. Bộ, Sở chỉ nên đóng vai trò kiểm tra giám sát.

Còn quan trọng nhất là việc tuyển sinh vào các trường đại học, hãy giao trả cho các trường đại học tự chủ. Họ có thể sử dụng kết quả thi trung học phổ thông quốc gia hay thi tuyển riêng là do từng trường theo phương án riêng của họ. Phương án của từng trường theo đặc thù đào tạo riêng sẽ trình lên Bộ duyệt. Các trường đại học có phương án tuyển sinh riêng, là họ sẽ chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình, từ đầu vào đến đầu ra. Và với đặc điểm đào tạo đại học của nước ta hiện nay đã gần như là một “dịch vụ giáo dục”, thì các trường phải làm nghiêm túc. Bởi nếu không, trường sẽ đứng trước nguy cơ giải thể.

Viết đến đây tôi chợt nhớ ra UNESCO vừa ra nghị quyết kỷ niệm 650 năm ngày sinh của nhà giáo vĩ đại nhất trong lịch sử nước Việt: Thày Chu Văn An. Người khi đang là Tế tửu Quốc Tử Giám (tương đương như hiệu trưởng trường đại học duy nhất của quốc gia bây giờ) đã dâng “Thất trảm sớ”, xin vua chém 7 tên nịnh thần làm nát nước! Không được ngài đã từ quan về núi ở ẩn. Ngành giáo dục hiện nay đang nát be bét mà sao tôi chả thấy mấy thày cô giáo lên tiếng đòi vị Bộ trưởng đứng đầu đầy tai tiếng kia từ chức nhỉ? Lạ thật!

Chả lẽ khí phách của người thày số 1 nước Việt đã thất truyền rồi sao?

Thế thì UNESCO hô hào kỷ niệm để làm gì?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top