Aa

Bước lại thuở nào trên phố

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng tunhi2007@gmail.com
Thứ Tư, 04/05/2022 - 06:09

Tôi sẽ cùng con tôi đi trên phố, để nói rằng, trên con đường này, đã có những bước chân gia đình nhà ta, những con người bình thường, lành thiện.

Đi trên phố, dễ có liên tưởng ngày xưa mọi người đi lại qua đây như thế nào. Cũng là những bước thông thường đến trường sở như mình đây mỗi ngày, hay có nhiều suy nghĩ khác lẫn vào đấy nữa, cho nên bước chân ai đó mới ríu lại, bước chân hôm khác lại sải dài vội vã, hôm khác, hôm khác nữa, những bước chân hơi lệch nghiêng hẫng lại, hơi lê dài mệt mệt trên mặt hè, hơi đảo nhanh, hơi run rẩy… Những bước chân nhìn để đọc ra tâm trạng.

Cố nhiên cũng đã tưởng tượng đến ngày sau nữa, nhưng hơi chóng mặt vì nghĩ cảnh người ta phổ biến xe bay trên không nên sẽ veo véo qua đầu. Ra phố được vài bước mà cứ phải ngong ngóng lên cao đề phòng thì cũng hãi. Tưởng tượng gần, nếu không xa nữa, khu phố cổ chỉ để dành cho đi bộ, xe cộ có những điểm tập kết ở vòng ngoài chẳng hạn, thì cũng sẽ thong dong đấy. Khi đó, phố cổ chỉ dành cho đi bộ và xe đạp, bước đi bước lại nhẹ nhàng, chậm rãi hơn. Có vội mấy thì cũng không gây thành va đạp. Một không khí thanh lịch, bình yên hơn sẽ được giữ gìn. Và người sống trong không gian ấy, bước vào thăm thú nơi đó, sẽ cùng hưởng nhịp chuyển động của hôm nay mang đậm màu thời gian. Rồi có những thời khắc thư thư hơn mà suy tưởng về lịch sử người, lịch sử phố, về những con người ai đó đã đi qua, đứng đây, nhìn ngắm những ngã tư, góc phố này, như mình đây, hôm nay.

Tôi mường tượng bước chân của những người bên họ nội nhà mình. Vì gia đình ở quanh trong mấy phố cổ nên thể nào mọi người cũng nhiều lần đi qua chỗ này tôi đang đứng, bên hồ Gươm, đi qua những phố quanh quanh đây, Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Bạc, Hàng Bồ... Như bố tôi hồi bé đi học, đi chơi với bạn chẳng hạn, qua các phố khác, trẻ con ở đó hay chặn đường dọa. Chúng nó đông, bố tôi kể, mình chạy, nhưng để ý xem đứa nào đuổi theo gần nhất thì mình dừng phắt lại mình đấm luôn. Rồi mình lại chạy vượt lên tiếp. Như thế vài lần thì bọn nó không dám bắt nạt mình nữa.  

Đi trên phố, dễ có liên tưởng ngày xưa mọi người đi lại qua đây như thế nào. (Ảnh: Bùi Văn Doanh)

Nhưng hồi đó, ông nội cũng quản chặt lắm. Các con đi học về, thường ông bắt phải ở trong nhà, hoặc là học bài, hoặc ngồi tập thêu. Cụ nội và ông lành nghề thêu, còn gốc nhà bà nội có nghề khâu giày, cả nhà bao năm tất bật với kim thêu kim khâu, vải vóc, chỉ màu. Bác Hải trên bố thấy em về còn nấn ná trong cửa hàng thì giục, đi chơi đi, để anh làm cho, đừng loanh quanh ở đấy cậu lại bắt ngồi vào làm bây giờ. Bác Hải sau là chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, khi gia đình đi tản cư về mạn Thường Tín, Phú Xuyên thì bác ở lại cùng đồng đội chiến đấu trong các phố, rồi rút khỏi đô thành qua sông Hồng. Người thanh niên đứng lên bảo vệ phố phường ấy, sẽ không bao giờ tôi được biết bác đã sống những ngày tháng rực lửa như thế nào, không bao giờ, trên những bước chân đầm mồ hôi hành quân lên Tây Bắc, bác đã sống ra sao. Bởi chỉ vài năm sau, bác đã trở về trong hình hài chiếc ba lô đồng đội gửi lại gia đình, thư không có, ảnh bác cũng không còn. Bác nằm lại miền rừng sương lạnh nào phía những dãy núi xa khuất, sẽ không bao giờ chúng tôi có thể tìm đến.

Tôi chỉ có những bước chân chầm chậm và nhẫn nại của bố bước lên hè, lên bậc tam cấp đền liệt sỹ phường Hàng Gai nằm trên phố Hàng Quạt để vào trong đền chào anh. Bố cố gắng nhìn lên tấm bia lớn tìm tên bác Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1925, địa chỉ ở Hàng Mành, nhập ngũ năm 1945, hy sinh tháng 10 năm 1948. Tấm bia đen bóng, chữ nhỏ phủ nhũ vàng đã nhạt màu, mắt bố đã mờ và hay chảy nước mắt. Tôi thường nhìn thấy nhanh và chỉ cho bố. Năm nào cũng vậy, 27/7, từ Hà Đông ra gặp anh mình, bố lại tìm trên mặt bia vì làm sao sau một năm lại nhớ được vị trí, thứ tự ấy. Bố còn muốn chắc chắn thấy, để đinh ninh một điều, tên bác còn ở đấy, trên danh sách xếp hàng mặt bia, người liệt sỹ vẫn được thắp hương tưởng niệm. Cũng như trên ban thờ ở nhà, không còn tấm ảnh nào của bác, bố chỉ có thể để tên bác trong khung ảnh. Và mỗi lần thắp hương, nhìn tên thay cho thấy mặt.

Rời đền liệt sỹ, bố đi chậm, xiêu xiêu trên phố xưa nay đã chen chân người, tiếng xe. Bố muốn ra ngồi bên hồ Gươm. Ngồi dưới giàn hoa giấy nhà Thủy Tạ trông ra mặt hồ để nhớ lại. Khi tuổi đã cao nhưng còn khỏe, mỗi lần từ Hà Đông ra, bố vẫn thích đi loanh quanh, nghĩ về tuổi trẻ. Bà chị dâu trưởng trong họ, nhiều năm ở liền với ông bà nội, chăm sóc ông bà, khi bố đã vào làm việc và ở trong Hà Đông, biết chuyện có những năm, vào tối ba mươi Tết, bố ăn mặc đẹp trở ra Hà Nội, gặp lại người bạn gái ngày xưa đang là cô giáo, bố và cô đi dạo một lúc, hỏi thăm vài câu chuyện, rồi chia tay.

Hồ Gươm với vẻ đẹp thơ mộng và lãng mạn. (Ảnh: Bùi Văn Doanh)

Bây giờ cả người bạn gái của bố cũng không còn nữa rồi. Bà chị dâu một hôm chợt nhớ ra điều gì, nói bà giáo ấy đã mất, chị có lên nhà thắp hương. Bà chị dâu cũng không biết bố tôi và cô giáo ấy ngày xưa đã quen nhau như thế nào. Chỉ có những dấu chân người trên phố cũ chắc là từng được nhớ lâu lâu từ những lần hẹn nhau thời trai trẻ, và về sau này lúc tuổi tác đã hoa râm. Những dấu chân lúc tối trời lạnh lạnh, giữa đông người, khuất lấp trong nhịp bước trăm nghìn con người, nhưng lung linh mãi trên những bước trở về một mình. Rồi chắc cũng lặng lẽ đi dần những bồi hồi chân thành trong tháng năm lấn bấn đời sống, trong những mùa đau ốm nhọc nhằn, và rồi những gương mặt xưa nhớ nhớ quên quên. Tôi chỉ biết về cô mỗi một lần, hồi còn nhỏ, một hôm bố thấy ảnh cô trên trang bìa tờ báo chào mừng ngày 20/11, cô đang tươi cười nhận bó hoa của học sinh. Bố bảo, cô giáo ấy là bạn bố. Tôi nghĩ, mỗi lần gặp lại cô, bố muốn gặp cả tuổi trẻ của mình, gặp những câu chuyện cũ.

Đi qua công viên Thống Nhất, tôi mường tượng nhịp chân gấp gáp của bố bên nhiều bạn trẻ cùng lứa, đẩy xe bò đất đào hồ. Phong trào lao động công ích xây dựng Thủ đô những năm sau 1954 lan đến nhiều thanh niên thành phố. Bố kể còn lên đào đất đắp con đường Thanh Niên vốn là đường Cổ Ngư ở giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Hồi đó bố mới 15, 16 tuổi, có những bạn cùng lớp nhìn thấy bố từ xa đang đẩy xe bò, thì gọi: Pa ven Coóc xa ghin! Pa ven Coóc xa ghin! Lại có người bạn quen, ít tuổi hơn một chút, sau này trở thành ca sĩ, lúc ấy đang đẩy xe, thấy bóng các bạn thì nhảy lên hè, đút tay vào túi như đang đi dạo, chắc là ngượng ngượng nếu bạn thấy mình lao động chân tay.

Nhớ những bước chân ngày xưa, nên hồi chúng tôi còn nhỏ, đưa con ra Hà Nội chơi với họ hàng, khi về Hà Đông, bố thường đạp xe đi hết Quang Trung, rẽ theo đường Trần Nhân Tông qua cổng công viên, qua cổng rạp xiếc rồi rẽ phải phía Khâm Thiên. Khi đã già rồi, nhưng còn nhớ được ít nhiều, bố vẫn nhắc lại ước mơ lớn đẹp của thành phố trong phong trào cải tạo, xây dựng hồi bấy giờ. Nó làm cho bố cũng mơ mộng theo. Đó là sẽ có những dòng sông trong thành phố, để nối những cái hồ, và người ta có thể ngồi thuyền chèo đi khắp nơi. Bây giờ tôi đi trên đường Thanh Niên, nhìn những chiếc thuyền thiên nga xinh xắn đã trở lại nhiều hơn trên mặt hồ thả các bè thủy trúc, lòng lan man nghĩ, nếu có con sông nhỏ nối từ đây tỏa đi, thiên nga sẽ đưa bạn trẻ qua dưới những hàng cây các con phố dài, có những cây cầu xinh đẹp bắc qua phía trên đầu. Như thế, khung cảnh có đẹp hơn bây giờ không.

Nhiều khi nghĩ vơ vẩn lại thấy bâng khuâng, tiếc những điều không thể thấy thì ít ra cũng nên được nghe lại, để mình có thể mường tượng đôi chút về đời sống gia đình, họ hàng. Điều đó rất cần cho một gia đình, một cá nhân ai đó nếu anh muốn hiểu mình hôm nay, và muốn gieo cho con cái những suy nghĩ, tư thế gì đó tốt đẹp, tử tế trong cuộc đời rộng mở sau này. Đến đây lại suy đoán rằng ngày xưa, như bố kể thì đến bữa cơm, các anh chị em ngồi nghiêm ngắn, ăn là ăn, không bao giờ có chuyện mang bát ra đường ăn rong, đứa nào vừa ăn vừa rung đùi là ông nội vụt cho, thế thì bây giờ và sau này, lứa trẻ có khi ăn không đúng bữa, lại vừa ăn vừa ngọ nguậy, ngó nghiêng, điện thoại đủ thứ, thì mình sẽ “đe” chúng nó thế nào nhỉ? Thời đã chuyển dịch, bao nề nếp đã điều chỉnh, mình giữ lấy điều gì? Chắc sẽ không thể chặt chẽ như ông nội thuở xưa, giờ ăn thì thế, còn mùng Một Tết thì trẻ con trong nhà cấm có đi đâu, bao giờ người lớn đi chúc Tết mà cho mới được theo. Nhưng nhắc con giữ một cái nếp người điềm đạm, thong thả, không hấp tấp, không lộn xộn, việc nào ra việc ấy, kể cho con những chuyện nào đấy để từ nhỏ tuổi, con đã có thể nghĩ về nghĩa tình giữa người người, như thuở nào các cụ đã rất cố gắng để sống như thế, thì cũng đã là điều mình nên có cho hôm nay.

Tôi sẽ cùng con tôi đi trên phố, để nói rằng, trên con đường này, đã có những bước chân gia đình nhà ta, những con người bình thường, lành thiện./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top