Aa

Dịu dàng hạt mưa trên má em…

Thứ Bảy, 16/04/2022 - 06:06

Mưa đi vào thơ ca, âm nhạc và văn chương nói chung. Những ca khúc hay về mưa không chỉ là tình ca cho tuổi đang yêu hờn giận, nhung nhớ mà cả những ca khúc dành cho tuổi con nít, tuổi học trò.

Mưa. Mưa vàng, mưa bạc trút xuống quê hương những ngày rang róc. Dịu mát. Cả không gian trời, đất, muôn người... được tưới tắm. Tôi ngồi trong nhà ngắm mưa. Làn da được nuông chiều, cưng nựng... Trước mặt là mưa trời đất, trong lòng “mưa hoài niệm” ùa về.

Tôi nhớ thời xưa trẻ. Cứ những lúc như thế này, mấy đứa tuổi lý nhí, trần truồng hết chạy trên đường làng, chạy ra sân kho hợp tác xã tắm mưa. Và hò hét, và reo vui... Vừa chạy vừa vuốt nước tràn đầy trên khuôn mặt. Ếch nhái, ễnh ương cùng hòa tấu rầm trời. Những chú cóc vàng sau những ngày trốn nắng, nhảy ra đường uống nước, con đực tìm con cái. Hồi bé, chẳng biết chúng nó tìm nhau làm gì.

Ảnh minh họa: Internet.

Tôi nhớ thời xưa trẻ. Những cánh đồng trước mặt làng đang khô khốc là vậy, mưa xuống chỉ cần ngập ngang lưng khóm mạ xuân là chạch đâu ra lắm thế. Hình như chúng chui lên từ đất. Đám chạch đực và chạch cái quấn riết vào nhau cho một vòng sinh sản mới. Mấy đứa trẻ mục đồng cầm dao, cầm rựa cứ thấy chạch cuộn lên là bổ. Nhiều con bị chém mạnh đến mức đứt đôi. Nghĩ trong muôn loài, vì miệng ăn, con người thật quá tệ. Những kẻ “sát sinh” vĩ đại, ngay từ bé thơ đã biết cầm dao, cầm rựa bắt chạch, bắt lươn... Bắt đến đầy giỏ thì về. Đứa nào đứa nấy sũng mưa, da hồng chuyển sang xanh tái vì ngấu lạnh.

Năm 2018, nhờ một cơ duyên tôi có mặt tại Cộng hòa Hồi giáo Iran và được đi từ Bắc xuống Nam đất nước này. Tôi phải dùng chữ “cơ duyên”, bởi đây là nơi đặc biệt, Iran đang ở trong hoàn cảnh đặc biệt. Dọc con đường của “Văn minh Lưỡng Hà” chỉ có gió, núi đá, sa mạc và cát... thi thoảng mới nhìn thấy màu xanh cây, cỏ. Iran cũng như nhiều nước Trung Đông rất ít mưa, mỗi năm chỉ có tháng 11 có mưa. 

Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Hồi giáo Iran, người bạn học Nguyễn Hồng Thạch có kể với tôi rằng, tại Trung Đông, nước là vấn đề tồn vong của cả dân tộc, quốc gia và cả nền văn hoá. Chính vì vậy, 5.000 năm qua, họ đã không ngừng nghỉ đào giếng ngầm bằng tay qua các lớp đá cứng, nằm sâu 18m ngầm dưới mặt cát cằn cỗi để có nước ăn và cấy hái, dưới sự hướng dẫn của các trưởng lão tôn kính, có kinh nghiệm truyền đời. Anh đã đưa tôi đi thăm một số nơi như thế.

Để có nước cho sinh hoạt, nước cho nông nghiệp những người nông dân ở đây phải đào hầm xuyên núi. Những hạt nước ngưng tụ tí tách nhỏ vào các bồn chứa, từ đó theo hệ thống ống dẫn về với từng gia đình. Tôi đã được ngắm công trình kỳ công “tạo nước” của những người dân ở đây. Tôi không thể hình dung được công sức họ bỏ ra để đổi lấy giọt nước, dành dụm giọt nước.

Ảnh minh họa: Internet.

Có đi như vậy, mới nhận ra, không đâu được thiên tạo ưu đãi, không đâu đẹp bằng Việt Nam. Đất nước bốn mùa mưa nắng, nước trên mặt hồ, sông suối, nước ngầm dưới lòng đất... đều có nước. Trong gió sớm, trong sương mai, trong lá, trong hoa... đều ngân ngấn nước. Nước như mẹ thảo thơm, tảo tần khuya sớm.

Đi xa để hiểu gần, người bạn tôi là nhà thơ, đại tá Lê Va ở Hòa Bình đã nói câu này. Anh là một nhà nghiên cứu, bảo tồn văn hóa Mường. Thưa anh, tuyệt đối đúng. Có lẽ không đâu trên thế giới có một đất nước nằm ở vùng địa tự nhiên, khí hậu lý tưởng như Việt Nam. Sông dài, biển rộng, mặt nước khắp nơi và quanh năm đều có mưa.

Đi xa để hiểu gần. Những ngày lang thang giữa sa mạc muối của đất nước vùng Lưỡng Hà mới thấy trân quý màu xanh, dẫu chỉ là một ngọn cỏ. Đất nước mình nhìn đâu cũng thấy sự sống phồn sinh, mọi thứ “trời cho” dư thừa. Thường “bội thực” nên con người coi thường giá trị. Biết bao nhiêu nguồn gen thực vật, động vật đã biến mất. Biết bao dòng sông đã chết, mặt hồ đã bị san lấp, bê tông hóa và nước ngầm nữa. Đã tụt sâu và ô nhiễm...

Từ lâu toàn cầu đã “khủng hoảng nước”. Từ năm 1992 Liên Hợp Quốc đã quyết định chọn ngày 22 tháng 3 hằng năm là “Ngày nước thế giới”. “Ngày Nước Thế giới năm 2022” sẽ nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước ngầm trong hệ thống nước và điều kiện vệ sinh, nông nghiệp, công nghiệp, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Một số sự kiện, hội nghị liên quan được tổ chức năm 2022 nhằm hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2022 - “Nước ngầm”, có lẽ cũng cần truyền thông; đó là Diễn đàn nước thế giới lần thứ 9 - “An ninh nguồn nước vì hòa bình và phát triển” được tổ chức từ ngày 21 - 26/3/2022; Hội thảo quốc tế “Nước ngầm - Chìa khóa cho các mục tiêu phát triển bền vững” sẽ được tổ chức từ ngày 18 - 20/5/2022; Hội nghị cấp cao về nước sẽ được tổ chức vào tháng 6/2022 tại Thủ đô Dushanbe của Tajikistan; Sự kiện bên lề Diễn đàn Chính trị cấp cao về Phát triển bền vững tại Liên Hợp Quốc (HLPF): “Tác động khí hậu từ tầng băng tuyết đến nước ngầm” sẽ được tổ chức vào tháng 7/2022; Tuần lễ Nước Thế giới sẽ được tổ chức từ ngày 29/8 - 2/9/2022; Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 77 sẽ có cuộc thảo luận của Ủy ban pháp lý về “Luật các nguồn nước xuyên biên giới” sẽ được tổ chức vào ngày 13/9/2022; Hội nghị thượng đỉnh về nước ngầm của Liên Hợp Quốc sẽ được tổ chức từ ngày 7 - 8/12/2022.

Việt Nam ở vùng được thiên nhiên ưu đãi, cưng nựng nên mấy ai thấy quý giọt nước. Hầu như trong đầu óc, suy nghĩ của con người chưa biết quý giọt nước, quý hạt mưa, hầu như chưa được giác ngộ nước là một tiềm năng. Có chăng, những người nông dân vùng hay hạn hán của dải đất miền Trung kéo dài đến tận cực nam Trung bộ mới biết trân quý hạt mưa. Có năm hạn hán kéo dài, chừng 4 - 5 năm tháng mới có mưa, chứ không dễ. Nhìn những đàn cừu, đàn dê nhảy trên những mỏm đá tìm nước đến tội nghiệp.

Cuộc đời con người sinh ra rồi lớn lên, hẳn ai cũng ít nhiều có kỷ niệm về mưa. Có thể mưa là cả một bầu trời hoài niệm khi được đợi chờ nhau trong cơn mưa, uống những nụ hôn chan đều trong mưa gió. Có thể đó là chạy lũ trong những ngày dài dai dẳng mưa. Mưa có thể là nỗi niềm...

Ảnh minh họa: Internet.

Mưa đi vào thơ ca, âm nhạc và văn chương nói chung. Những ca khúc hay về mưa không chỉ là tình ca cho tuổi đang yêu hờn giận, nhung nhớ mà cả những ca khúc dành cho tuổi con nít, tuổi học trò. 

Hạt mưa mùa xuân dịu dàng mưa nhẹ hôn má em nồng nàn

Hạt mưa mùa xuân là hạt mưa lòng em ngời lên ánh mắt

Hạt mưa mùa xuân từng hạt mưa nhẹ vương trên áo em lung linh

Hạt mưa mùa xuân đậu vào hoa tình yêu mùa xuân phơi phới”.

Đây là một số ca từ thuộc điệp khúc 1 trong ca khúc “Mưa xuân” của nhạc sỹ, thiếu tướng Đức Trịnh. Nó nhẹ nhàng mưa xuân, kỳ ảo và mong manh như tình yêu. Khao khát như đợi chờ, ước ao như tận hiến, trút trao.

Việt Nam bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Mùa nào cũng có mưa. Hạt mưa mùa nào cũng đều đi vào văn học nghệ thuật. Mưa theo mùa, ở nhiều vùng có nhiều cách gọi. Những người sinh ra và lớn lên ở phía Bắc hẳn nhớ mưa xuân, mưa rào, mưa rươi, mưa ngâu, mưa phùn...; những người sinh ra và lớn lên ở phía Nam, dẫu đi đâu cuộc đời sẽ không quên được hạt mưa sa châu thổ. Không như phía Bắc, mưa bốn mùa; phía Nam có hai mùa mưa nắng, hằng năm mưa thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10.

Tôi từng sống ở Cà Mau xưa đúng một năm trời, bắt đầu từ mùa khô. Ngóng hạt mưa giữa mùa khô hơn cả mong mẹ đi chợ về. Hồi đó, đồng bằng sông Cửu Long chưa có nước sạch, kể từ giai đoạn một của “văn minh” là chương trình nước sạch nông thôn. Bây giờ thì nước ngọt đã ê hề vì đâu cũng có nhà máy nước. 

Thời đó, nhà dân nào cũng có lu to, lu nhỏ đựng nước ngọt. Nước trời hết thì mua của những thuyền bán trên kênh rạch. Nước ngọt thời đó chỉ dành cho nấu cơm, đun nước uống; tắm giặt đã có hệ thống kênh/kinh rạch hào phóng. Vùng nào kênh rạch nhiễm mặn thì sau khi “lội kinh” ba má cho một vài gáo nước ngọt dội qua. Tôi đã từng ở trong nhà má Hai thuộc một thị trấn nghèo. Nước ngọt sau khi rửa rau, còn được dùng cho nhiều công dụng khác. Trong cộng đồng dân cư phía Nam, nghèo nhất là đồng bào Khomer. Tài sản của họ trong mái nhà lợp bằng dừa nước trống huơ trống hoác chỉ là một chiếc xe đạp lai, phương tiện kiếm sống là lu nước đặt cạnh nhà. Nước như vàng. 

Tôi chờ mưa như nỗi chờ em. Mưa là cuộc sống muôn loài trong đó có tôi. Em là cuộc sống của riêng tôi. Giữa hạ, thiếu mưa tôi còm cõi. Giữa đời, thiếu em tôi chẳng còn ham sống. Mưa đỏng đảnh, em dỗi hờn đều làm trái tim tôi nghẹt thở.

Nửa mưa nửa nắng là em

Nắng thưa mưa nhặt vườn thêm bùi ngùi

Lòng anh quả lựu chín mùi

Lắm khi vừa vỡ vừa cười đó em”.

Đây có lẽ là bài thơ tình ngắn nhất của nhà thơ Xuân Diệu. Quả lựu của thế giới tự nhiên có thể vỡ ra vì mưa nắng, lòng anh như “quả lựu” chín không chỉ vỡ mà tan nát mỗi lần em dỗi hờn, ngúng nguẩy.

Trong mênh mông rừng hoa trắng

Mắt em xanh say lòng anh

Bao yêu thương trào dâng lòng khát khao”,

Cám ơn nhạc sỹ Đức Trịnh với những cao trào trong ca khúc. Hạt mưa đất trời luôn làm cuộc đời trào dâng khao khát. Cũng như em, làm đầy anh, tràn anh, khát khao...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top