Aa

Buông lỏng quản lý tại các dự án tái định cư

Thứ Sáu, 29/09/2017 - 12:01

Hàng chục tòa chung cư tái định cư (TĐC) trên địa bàn Hà Nội tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng và phát sinh những xung đột lợi ích trong sử dụng diện tích tầng 1. Thực tế này đã được điều tra phản ánh từ năm 2014, nhưng đến nay tình hình diễn biến phức tạp bởi sự buông lỏng quản lý chưa được giải quyết.

Trục lợi từ xà xẻo tầng 1 nhà tái định cư

Có tới 28 điểm với hàng nghìn mét vuông diện tích tầng 1 ở các chung cư TÐC ở khu Ðồng Tàu (quận Hoàng Mai), Xuân La (quận Tây Hồ), Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), Vĩnh Phúc (quận Ba Ðình)… đã bị Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác Khu đô thị (Xí nghiệp) tự ý cho thuê và bán dưới hình thức "đi đêm" - chưa được sự chấp thuận của UBND thành phố Hà Nội. Ðến nay, khi cơ quan chức năng có quyết định thu hồi, người đi thuê mới tá hỏa tìm đầu mối mình đã từng "lót tay" thì chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Liên tiếp nhận được thông báo "thúc" phải di dời do sử dụng trái pháp luật diện tích ga-ra ô-tô, nhà để xe tại tòa nhà N2, N7 (KÐT Ðồng Tàu, Hoàng Mai), ông Lê Tiến Hùng, trú tại phố Trương Ðịnh, bức xúc: "Làm sao gia đình tôi và 20 hộ dân khác có thể tự ý vào sửa chữa, kinh doanh nếu không được lãnh đạo của Xí nghiệp đồng ý đưa vào? Làm sao chúng tôi có thể mất trắng một cách oan ức như vậy?".

Diện tích tầng 1 các tòa tái định cư bị cho thuê trái thẩm quyền bằng cách “đi đêm”, gây nhiều bức xúc.

Diện tích tầng 1 các tòa tái định cư bị cho thuê trái thẩm quyền bằng cách “đi đêm”, gây nhiều bức xúc.

Theo Kết luận thanh tra số 4126/SXD-TTr ngày 17-6-2014 của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, diện tích 207 m2 tầng 1 tại các nhà chung cư N2, N3, N7 mà ông Hùng đang kinh doanh thuộc dạng trái pháp luật. Ngay từ lần đầu nhận thông báo, ông Hùng và các hộ dân, doanh nghiệp đã gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan chức năng. Trong lá đơn gần đây nhất (tháng 4-2017), ông Hùng tố cáo ông Chử Văn Tráng, Phó Giám đốc Xí nghiệp, một đơn vị trực thuộc Công ty THHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội của Sở Xây dựng Hà Nội, đã "đem con bỏ chợ"!

Qua thu thập thông tin chúng tôi được biết, giữa năm 2012, ông Hùng gặp ông Trần Văn Bẩy, là Tổ trưởng Quản lý (QL) chung cư khu Ðồng Tầu, rồi được ông này dắt mối gặp ông Chử Văn Tráng, khi đó là Trưởng phòng QL vận hành nhà chung cư. Hai ông này "mồi" với ông Hùng rằng, Xí nghiệp có chủ trương bán diện tích tầng 1 nhà N1, N2, N3… N10 với thời hạn 50 năm. Ông Hùng kể: "Nghe bùi tai, tôi đã nhờ ông Bẩy đưa tới nhà riêng gặp ông Tráng, rồi lại tiếp tục đến Xí nghiệp gặp riêng và được hướng dẫn mua ba điểm kinh doanh tầng 1, diện tích 207 m2 với tổng số tiền là 930 triệu đồng. Sau một năm không được ký hợp đồng, tôi lên Xí nghiệp hỏi mới vỡ ra diện tích này chưa được phép cho thuê".

Ðể làm rõ vấn đề, chúng tôi đã cố gắng liên hệ với Xí nghiệp để gặp ông Chử Văn Tráng, là người liên quan đến những tố cáo nêu trên, nhưng ông Trần Thắng, Giám đốc Xí nghiệp từ chối, với lý do công an đang điều tra.

Qua tìm hiểu, có 21 đơn vị, cá nhân nhờ các mối quan hệ giới thiệu, đã đến thỏa thuận miệng, "đi đêm" làm việc với cán bộ của Xí nghiệp để thuê và mua các điểm kinh doanh tầng 1 ở nhiều KÐT trên địa bàn Hà Nội. Chưa kể đến chuyện các đơn vị, cá nhân này cải tạo rồi tiếp tục chuyển nhượng cho hàng chục cá nhân khác để dùng vào mục đích ở hoặc kinh doanh dịch vụ.

Trong đó nhiều người thuê với diện tích lớn có bà Hoàng Tuyết Lan, với danh nghĩa là chủ Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Sơn Mai, thuê tại khu TÐC Cánh đồng Mơ; bà Bích Ngọc (số điện thoại 0913567XXX) - người phải "chạy" cả tỷ đồng mới được suất thuê tại khu Ðền Lừ (quận Hoàng Mai), CT1 Xuân La, phố Vĩnh Phúc (quận Ba Ðình); Công ty TNHH Mực in Thăng Long INKO; Công ty TNHH Ngọc Báu thuê tại CT1 Xuân La, Nam Trung Yên…

Chị Nguyễn Hiền ở tòa CT1 Dự án TÐC Thành phố Giao Lưu (quận Bắc Từ Liêm) vì tiếc của, cũng đã làm đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Chị bức xúc: "Ngày đó người ta hứa ngon lắm, rồi đợi mãi không thấy. Chúng tôi đã biết mình bị lừa. Giờ thì có… bắc thang lên hỏi ông giời!".

Liên hệ với Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, ông Bùi Quốc Dũng, Phó trưởng phòng Quản lý nhà TÐC cũng thể hiện sự bức xúc trước những sai phạm của Xí nghiệp vì đã để xảy ra tình trạng nhức nhối kéo dài. "Từ năm 2010 đến nay, Xí nghiệp đã tự bố trí trái thẩm quyền tổng 28 điểm, diện tích hơn 4.000 m2. Số tiền đó đúng ra là tiền làm quỹ tu sửa nhà TÐC, nhưng đã không được nộp về công ty. Năm 2013, công ty kiểm tra, phát hiện, đã yêu cầu Xí nghiệp xử lý và chỉ mới thu hồi được tám điểm. Hiện nay, vẫn còn 20 điểm chưa thu hồi được…", ông Dũng cho biết.

Ðiều đáng nói là, trong kết luận của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, ngày 3-3-2014, đã chỉ ra nhiều sai phạm trong quản lý của Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, Xí nghiệp, như để nợ đọng tiền thuế, cho thuê và bán trái thẩm quyền diện tích dịch vụ, chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư, chưa thật sự hợp tác chặt chẽ với đoàn thanh tra về cung cấp hồ sơ thanh tra…

Trên cơ sở đó, ngày 17-6-2014, Sở Xây dựng Hà Nội đã có Kết luận số 4126/SXD-TTr, về những sai phạm của các đơn vị liên quan, trong đó xử phạt hành chính Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội 420 triệu đồng; yêu cầu khôi phục lại nguyên trạng những phần diện tích bị cho thuê trái thẩm quyền; truy thu tiền thuê nhà của các đơn vị, cá nhân đã được bố trí vào thuê trái thẩm quyền. Tuy nhiên, việc xử lý trên thực tế lại quá chậm chạp. Mãi đến năm 2016, ông Lương Văn Hữu là Giám đốc Xí nghiệp mới bị đình chỉ công tác, còn một số cán bộ bị cảnh cáo.

Ðến nay, những câu hỏi về nguồn quỹ, và hơn thế là việc cho thuê và bán "chui" 28 điểm, hay nhiều hơn thế, vẫn treo đó. Nếu số tiền hơn 20 tỷ đồng thất thoát kia được dùng vào việc duy tu, bảo trì các tòa nhà TÐC thì cư dân đã không phải sống trong tình trạng phập phồng vì sự xuống cấp và sụt lún nghiêm trọng của công trình.

Cần siết chặt quản lý

Ðể giải quyết thực trạng trên, mấu chốt phải là thắt chặt quản lý, và xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm. Vì thế, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị, cần chấn chỉnh lại bộ máy của Công ty cũng như Xí nghiệp. Trong trường hợp không đáp ứng yêu cầu năng lực quản lý vận hành nhà chung cư, kiến nghị UBND thành phố giao cho đơn vị khác…

Muốn lập lại kỷ cương trong quản lý diện tích chung tại các khu TÐC, ông Vũ Ngọc Thành, Phó trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) cho rằng, cần làm rõ lại vụ việc trên. Một khi có dấu hiệu lừa đảo thì cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để tiếp tục điều tra mở rộng vụ án và xử lý nghiêm những người vi phạm.

Ðược biết, vào đầu tháng 8-2017, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội có văn bản "thúc" Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thu hồi toàn bộ diện tích đã bị chiếm dụng, dành một phần ba diện tích làm nhà sinh hoạt cộng đồng, phần còn lại thực hiện Quy chế đấu giá quyền thuê diện tích kinh doanh dịch vụ để lấy tiền duy tu, vận hành các tòa nhà.

Ðồng thời, kiến nghị UBND thành phố Hà Nội giao lại cho Ban quản lý các công trình nhà ở và công sở quản lý toàn bộ diện tích dịch vụ tại các nhà TÐC. Lãnh đạo công ty cũng hứa dù đã xử lý về mặt hành chính cán bộ, nhưng sẽ chờ kết luận chính thức của cơ quan công an để tiếp tục xử lý những người đã trục lợi từ các công trình nhà TÐC.

Hiện ở nhiều khu TÐC, những khu vực bị "xà xẻo" đã bị cắt điện, nước phục vụ việc cưỡng chế. Các đơn vị, cá nhân từng chọn "đi đêm" để có diện tích kinh doanh đang có nguyện vọng được ưu tiên thuê lại để ổn định cuộc sống và kinh doanh. Chọn phương án bóc tách hết hay xem xét để cho tồn tại một số khu vực, là quyết định của cơ quan quản lý trực tiếp. Tuy nhiên, một lần nữa cần nhấn mạnh rằng, quyết định đó phải bảo đảm sự nghiêm minh và chặt chẽ trong quản lý nhà nước, tránh để tình trạng nhờn với pháp luật và kỷ cương của Nhà nước!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top