Aa

Cà Mau: Quy hoạch bất động sản nghỉ dưỡng xanh để phát triển du lịch xanh

Hữu Lễ
Hữu Lễ huule.baodnhn@gmail.com
Thứ Bảy, 26/10/2024 - 06:24

Xu hướng đầu tư các khu bất động sản nghỉ dưỡng du lịch cao cấp, mô hình tổ hợp nghỉ dưỡng ven biển đa tiện ích ngày càng phổ biến và được du khách ưa chuộng, thu hút cả khách nội địa và quốc tế. Tại đây, du khách được nghỉ dưỡng giữa thiên nhiên trong lành, tận hưởng đầy đủ dịch vụ từ chăm sóc khỏe, làm đẹp, cho tới giải trí, mua sắm, ẩm thực, vui chơi các hoạt động thể thao trong nhà và ngoài trời…

Du lịch sinh thái là mô hình du lịch dựa trên khai thác các giá trị tự nhiên và văn hóa địa phương, gắn với bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững. Nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển du lịch sinh thái với thiên nhiên đa dạng, với bờ biển dài hơn 3.200km cùng nhiều đảo lớn, nhỏ, hệ sinh thái động vật, thực vật phong phú, độc đáo…

Được biết, Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 2 hệ sinh thái điển hình là đất ngập nước và rừng ngập mặn. Trong đó, tỉnh Cà Mau chiếm ưu thế, với hoạt động du lịch hấp dẫn là du lịch sông nước, miệt vườn, ngày càng hấp dẫn đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cà Mau: Quy hoạch bất động sản nghỉ dưỡng xanh để phát triển du lịch xanh- Ảnh 1.

Du lịch sinh thái là nét đặc trưng của Du lịch Cà Mau. (Ảnh: Hữu Lễ)

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng, khai thác điểm mạnh vị thế vùng bán đảo Cà Mau

Đất Mũi - Cà Mau có rừng ngập mặn cùng sự khác biệt về địa lý, tập quán sống, văn hóa so với các địa phương khác, tạo nên lợi thế vượt trội để phát triển ngành du lịch.

Cà Mau: Quy hoạch bất động sản nghỉ dưỡng xanh để phát triển du lịch xanh- Ảnh 2.

Du khách trải nghiệm tham quan xuyên rừng, khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia - Khu Ramsar - khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. (Ảnh: Hữu Lễ)

Trao đổi với Reatimes, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau chia sẻ, du lịch nghỉ dưỡng là loại hình du lịch với mục đích nghỉ ngơi, thư giãn nhằm hướng đến việc cải thiện và phục hồi sức khỏe, cả về vật chất lẫn tinh thần và hướng đến một lối sống lành mạnh, bớt căng thẳng và tiêu cực.

Đối với loại hình du lịch này, Cà Mau có nhiều tiềm năng, lợi thế phù hợp để khai thác, phát triển; trong đó ven biển Cà Mau có vùng đất ngập nước Mũi Cà Mau đã được công nhận là nơi có tầm quan trọng trong việc bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn di tích lịch sử và bảo vệ an ninh quốc phòng. Cà Mau cũng được UNESCO công nhận nằm trong khu dự trữ sinh quyển thế giới, được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới và là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam. Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cà Mau không chỉ đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế mà còn tạo môi trường sinh thái trong lành, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng và nghiên cứu khoa học.

Trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh, Cà Mau xác định tập trung theo hướng khai thác loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là loại hình thế mạnh. Một số sản phẩm trải nghiệm như: các tuyến du lịch xuyên rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, giới thiệu đến du khách sản phẩm trải nghiệm về sự đa dạng đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn Mũi Cà Mau - Khu Ramsar thế giới gắn với trải nghiệm đời sống thường nhật của người dân dưới tán rừng, tìm hiểu các kinh nghiệm khai thác sản vật; trải nghiệm khám phá hệ sinh thái ngập ngọt Vườn quốc gia U Minh Hạ với các sản phẩm như: tham quan xuyên rừng tràm, trải nghiệm các hoạt động câu cá đồng, ăn ong, gác kèo ong...

Theo đó du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng đã được nhiều nhà đầu tư quan tâm, thực hiện dưới hình thức mang đến cho du khách những trải nghiệm tận hưởng không gian thiên nhiên đẹp mắt kết hợp với các hoạt động khám phá văn hóa tại một số địa phương ven biển. Với những tiếp xúc với thiên nhiên hoang sơ, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đất trời, hít thở bầu không khí trong lành, nơi không có khói xe, nhà cao tầng che tầm mắt, du khách dễ dàng cảm nhận sâu sắc hơn những chi tiết nhỏ trong cuộc sống, giúp chữa lành và cân bằng cuộc sống qua vị ngon ngọt của từng món ăn dân dã, ngắm nhìn những ngôi sao đêm, nghe những âm vang buổi đêm của miền biển Cà Mau…

Cà Mau: Quy hoạch bất động sản nghỉ dưỡng xanh để phát triển du lịch xanh- Ảnh 3.

Cà Mau: Quy hoạch bất động sản nghỉ dưỡng xanh để phát triển du lịch xanh- Ảnh 4.

Nét hoang sơ, gần gũi với thiên nhiên là điểm mạnh để Cà Mau thu hút du khách, định hướng khai thác loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, trải nghiệm. (Ảnh: Hữu Lễ)

"Trong tương lai gần, đây chắc chắn sẽ trở thành là loại hình du lịch nổi trội của tỉnh, giúp mang lại những trải nghiệm quý giá cho du khách cũng như thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp, góp phần tiếp cận thêm nhiều đối tượng khách du lịch trong và ngoài nước", ông Hùng nhấn mạnh.

"Cú hích" để đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng xanh

Hiện nay, xu hướng đầu tư các khu bất động sản nghỉ dưỡng du lịch cao cấp, mô hình tổ hợp nghỉ dưỡng ven biển xanh, đa tiện ích ngày càng phổ biến và được du khách ưa chuộng, thu hút cả khách nội địa và quốc tế. Bởi vì tại đây, du khách được nghỉ dưỡng giữa thiên nhiên trong lành, tận hưởng đầy đủ dịch vụ từ chăm sóc khỏe, làm đẹp, cho tới giải trí, mua sắm, ẩm thực, vui chơi các hoạt động thể thao trong nhà và ngoài trời… Từ đó, khách sẽ lưu trú dài ngày hơn, sẵn sàng chi tiêu nhiều và cơ hội trở lại cũng cao hơn.

Cà Mau: Quy hoạch bất động sản nghỉ dưỡng xanh để phát triển du lịch xanh- Ảnh 5.

Cà Mau: Quy hoạch bất động sản nghỉ dưỡng xanh để phát triển du lịch xanh- Ảnh 6.

Cột cờ tại Mũi Cà Mau được mô phỏng theo kiến trúc cột cờ Hà Nội, công trình gồm 3 tầng đế và thân cột cờ với tổng diện tích hơn 16.000 mét vuông với độ cao 42 mét. (Ảnh: Hữu Lễ)

Để có giải pháp căn cơ, lâu dài, ngành du lịch Cà Mau cũng có những kế hoạch đột phá theo xu hướng tương lai. Cụ thể, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tập trung lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau và lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau; trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; tham mưu xây dựng hoàn thiện Nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2030.

Bên cạnh đó, Sở đã và đang triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển du lịch, chương trình, sự kiện "Cà Mau - Điểm đến" hằng năm, lồng ghép các chương trình khác ở địa phương; tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 14/02/2023 về tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 10/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 240/KH-UBND ngày 02/10/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Phát triển ý thức cộng đồng, tạo điều kiện và nâng cao khả năng của cộng đồng tham gia vào các hoạt động du lịch, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên thông qua chia sẻ lợi ích từ hoạt động kinh doanh du lịch cho cộng đồng địa phương; khuyến khích cộng đồng đầu tư trực tiếp, tạo ra sản phẩm du lịch cũng là giải pháp quan trọng.

Cà Mau: Quy hoạch bất động sản nghỉ dưỡng xanh để phát triển du lịch xanh- Ảnh 7.

Mô hình kinh doanh lưu trú hướng tới giá trị sinh thái tự nhiên đặc biệt là những khu nghỉ dưỡng gần gũi thiên nhiên, ven biển, kế rừng... là tiềm năng để phát triển BĐS nghỉ dưỡng. (Ảnh: Hữu Lễ)

Ngoài ra, Sở chú trọng xây dựng và hình thành một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu du lịch thông minh của Cà Mau; ưu tiên phát triển các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch như: Du lịch trực tuyến, du lịch thông minh, trí tuệ nhân tạo; tăng cường sử dụng các kênh thông tin nhanh chóng và có sức lan tỏa cao như Facebook, Youtube, Instagram, Blog,… trong công tác quản lý, thông tin, quảng bá và kinh doanh du lịch.

"Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050" (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 1/10/2021) đã phê duyệt 4 mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2030, như giảm phát thải khí nhà kính; xanh hóa các nền kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu; đồng thời, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu, trong đó có việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong ngành du lịch.

Đối với ngành du lịch, phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang là yêu cầu được đặt ra. Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017, của Bộ Chính trị, về "Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn" đã nhấn mạnh quan điểm phát triển du lịch bền vững; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên...; đồng thời, xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển du lịch là tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao. Điều 4 Luật Du lịch quy định nguyên tắc phát triển du lịch bền vững, theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế của từng địa phương và tăng cường liên kết vùng.



Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top