Aa

Cá xe...

Thứ Tư, 13/05/2020 - 07:00

Trải qua những cuộc bể dâu, dân làng biển quê tôi giờ có câu: “Cá xe đè cá vó”, đè lên các cuộc mưu sinh với muôn nẻo đường đời có bao gập ghềnh...

Tên các loại cá đánh bắt được của làng biển quê tôi thường hay dựa vào tên dụng cụ đánh bắt để gọi cho dễ nhớ. Ví như cá vó, là loại cá được đánh bắt bằng vó ánh sáng. Đội vó với hai thuyền và một “vàng vó” rộng hàng trăm mét vuông. Đêm xuống, máy phát điện đặt trên thuyền bật đèn dọi các loa đèn xuống mặt biển. Cá thấy ánh sáng là tụ lại tầng tầng, lớp lớp với những vũ điệu bầy đàn. 

Thường, đó là các loại cá nổi như cá trích, cá nục, cá bạc má... Vó được tung ra giữa hai thuyền tạo thành trũng vó và xuồng ánh sáng từ từ bơi để dụ cá theo vào. Cá đang say ánh sáng thì vó được kéo lên. Rồi cá tàu, nghĩa là đánh bắt bằng các loại tàu lớn, to hơn thuyền. Lại có cá lưới 10, được đánh bắt bằng lưới có mắt rất nhỏ, cỡ 10mm, để bắt các loại cá con và cả ruốc. 

Lâu đời nhất vẫn là cá câu, là cá do các thuyền câu nhỏ, thường là của gia đình, câu các loại cá đặc sản... Gần đây có một loại cá mới là cá xe. Cá xe không gọi theo tên dụng cụ đánh bắt mà theo phương tiện chuyên chở. 

Quê tôi “biển xanh đã chảy máu trắng” đang dần cạn kiệt các loại cá. Ngày trước, chỉ cần qua mũi Lạch Sót là đã đánh bắt được cá. Cá quây lại ở những cây “rạo vàng”, cá tụ hội ở những lườn cát lắm phù du. Cá tha hồ đẻ trứng dưới những rạn đá san hô bình yên nơi đáy biển. Cá cứ thế theo mùa mà thơm ngon, được xếp loại như “chim, thu, bù, ngứa”. Tóm lại là cá sạch, cá tươi. Con cá tươi còn lấp lánh ánh bạc nguyên vị lân tinh, vị của nước biển mặn mòi đậm phù sa muối. Con cá cứ nần nẫn, roi rói và hương vị cứ thế tỏa ra từ các lò than nướng, đến nỗi có loại cá béo như cá mòi, mỡ cá chảy ra có thể làm tắt cả bếp nướng. 

Thế nhưng lòng tham con người đã gây nên tai họa. Như là những tiếng mìn nổ dựng lên những cột nước trắng. Cá lật bụng trôi từng thảm vì sức ép của mìn nổ. Tôi thỉnh thoảng gặp những người đàn ông cụt tay, chột mắt. Hỏi ra mới biết, những người này cầm mìn đợi cho dây cháy chậm cháy gần chạm kíp nổ mới ném xuống để mìn nổ ở lưng chừng nước, sức ép sẽ lớn hơn là nổ ở đáy biển hoặc trên mặt nước. Có lần họ xử lý không kịp nên tai nạn xảy ra. 

Những cây “rạo vàng” là nơi cho cá sinh sôi, thì một dạo, tàu lạ chạy thăm dò dầu khí ngoài thềm lục địa đã kéo theo, làm mất tăm, mất tích, đến nỗi dân biển trắng tay theo. Khi các ngư phủ đang tập làm quen dần kỹ thuật đánh bắt bằng vó ánh sáng với công suất nhỏ thì tàu lớn ở phía Nam ra với nhưng dàn đèn cao áp cực sáng lấn chiếm và quét sạch cá. Ánh sáng trắng đèn cao áp mạnh đến nỗi mắt cá không chịu được phải lồi ra và vùng vẫy, lảo đảo vì say đèn, say sáng. 

"Lạ thay, nhìn con cá, tuy thân hình hơi cứng nhưng rất đẹp mã, thế nhưng đám ruồi gặp cá xe cũng dửng dưng". (Ảnh: Internet)

Còn nữa, khi cá áp lộng vào bờ đẻ trứng thì đã có dàn lưới mắt nhỏ giăng sẵn quây hết lũ cá con, không cho nó kịp trưởng thành. Vì thế mới có loại cá “cơm bún”, nghĩa là cá cơm li ti chưa mở mắt, còn như sợi bún, cũng đã bị vớt cho bằng hết. Cách đánh bắt kiểu “ăn xổi, ở thì” phản khoa học như trên đã làm cho biển sạch dần cá.

Làng biển quê tôi, từ một ngư trường giàu có các loại cá, giờ đã trở thành đại lý mua bán cá. Cá bây giờ chính là loại cá xe chở ở nơi khác về. Cá xe có một đường dây liên lạc khá đặc biệt. Người dân vay vốn ngân hàng xây nhà kho, trang bị máy đông lạnh hiện đại. Chủ hàng liên hệ với các tỉnh, nhất là các tỉnh phía Nam, nơi ngư trường còn cá. 

Cá mới đánh bắt về được xếp trong khay xếp lên xe chở về nhập kho ở đây. Để bảo quản cá với thời gian dài, người ta ướp cá với đá cùng các loại hóa chất pha trộn để giữ độ tươi không ươn cho cá. 

"Làng biển quê tôi, từ một ngư trường giàu có các loại cá, giờ đã trở thành đại lý mua bán cá" (Ảnh: Internet) 

Lạ thay, nhìn con cá, tuy thân hình hơi cứng nhưng rất đẹp mã, thế nhưng đám ruồi gặp cá xe cũng dửng dưng. Khi con cá xe đến tay người tiêu dùng, đã phải gánh trên mình bao nhiêu giá gọi là: “Đội giá”. Bắt đầu tính giá tiền, con cá được đánh bắt từ biển về nhập kho đông lạnh cho tươi rồi ướp đá, ướp hóa chất, sau đó các khay cá được xếp lên xe đông lạnh, gánh thêm giá vận chuyển, chưa kể giá “làm luật” trên đường. 

Đến quê tôi, cá nhập kho đông lạnh thêm giá lần nữa và bán cho dân buôn chợ cá. Dân buôn nướng cá lại tăng thêm giá. Cá nướng xong lên xe vận chuyển chủ yếu là xe máy, xe đạp đến các chợ quê hay vào các ngõ xóm thôn quê để bán. Cứ thế một con cá đã "gánh" trên mình hàng chục giá mới đến được bữa ăn người tiêu dùng. 

Dạo này, thịt lợn giá cao nên cá xe, cá nướng là món ăn thường trực. Nhưng hỡi ôi, ta đâu có biết ăn cá giá cao nhưng không phải là cá sạch mà là con cá đã tẩm hóa chất dùng độ nóng của than lửa át đi cái tanh tưởi, đưa lại vị thơm giả tạo đánh lừa khứu giác. Người nông dân có lúc phải bán đi chục trứng gà sạch nuôi trong vườn mới đủ tiền để mua về chục cá “nục xe” để đổi món ăn thường ngày và rước bệnh vào người, mà không hay biết. 

 Nhà tôi gần biển nhưng không bao giờ ăn cá xe vì đã biết được nguồn gốc xuất xứ. Sáng sáng, người nhà tôi ra gò biển mua cá tươi từ thuyền câu mới về. Cạnh nhà tôi có người làm nghề chạy chợ bán cá xe nướng nhưng không bao giờ ăn loại cá đó. Như người nông dân thời nay trồng hai luống rau, rau nhà ăn sạch, còn rau xanh tốt có phun hóa chất là để mang đi bán... 

Trải qua những cuộc bể dâu, dân làng biển quê tôi giờ có câu: “Cá xe đè cá vó”, đè lên các cuộc mưu sinh với muôn nẻo đường đời có bao gập ghềnh hơn cả lô xô ngọn sóng bạc đầu giữa muôn trùng biển khơi...

                                                                                      Hà Tĩnh, tháng 5/2020

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top