Dường như, khi ra khơi vào lộng, với những chuyến đi dài dặc xa cách đất liền, xa cách làng quê, nơi mình được sinh ra và lớn lên, các ngư phủ thường chọn cách làm nên những vật dụng trên thuyền gợi cho họ cảm giác thân thiết, gần gũi như đang sống trên bờ. Tôi quan sát và ngẫm nghĩ trong những chuyến “đi thép” với nhà thuyền, thấy dân biển rất chú tâm sử dụng nhiều thứ đồ được làm bằng thân cây tre, như muốn mang theo bóng tre làng lên thuyền ra khơi cùng với mình vậy.
Cái đồ nhỏ nhất dùng thường ngày là cái rá vo gạo là đan bằng tre. Nan tre ngả màu nhẵn bóng mà vẫn giữ được cảm giác ram ráp, xù xì, chắc bền, dẻo dai, xiết chặt tin cậy và gửi gắm chứ không phải như cái đồ nhựa trơn lì vô cảm, không níu giữ. Hạt gạo được vo lựa trên cái rá tre có gì đó thân thiết hơn rất nhiều trên rá nhựa. Đến cái rế kê nồi, đựng xoong cũng đan bằng tre. Hình như mỗi nấc nấc tre như ấn định thời gian, là giao kèo son sắt không chối từ, không buông bỏ.
Cái mai thuyền giống như mai rùa úp lên thuyền là một công trình tinh xảo, đòi hỏi ngoài việc phải chọn vật liệu phải kỹ càng cho cái áo giáp che mưa che nắng gió, thì còn phải khéo léo chằm lợp và sắp xếp kỹ lưỡng, tỉ mỉ từ những nan tre già vừa rắn chắc vừa dẻo dai. Ngắm cái vòm mai thuyền, tôi có cảm giác đây như một tấm dù che tạo nên mái nhà thuyền uyển chuyển trong trạng thái luôn bồng bềnh theo những con sóng cả mà vẫn tạo nên cảm giác cân bằng, thư thái với tâm thế bình an của người ngư phủ.
Cái mái chèo bằng gỗ nhưng cọc chèo lại đóng bằng tre, loại tre đặc ruột, mắt dày và những sợi mây cuốn chặt. Như thể, ta nghe được cả tiếng cọt kẹt của nhịp tre tâm tình để bớt đi trống vắng giữa xa khơi.
Đồ tre còn là cái thạng đựng cá, đựng muối, đựng mắm. Các nan tre già săn chắc cuốn chặt quanh từng thanh gỗ như đai trống khăng khít và thân thiết. Nước cá rỉ ra là một loại keo bền chặt dính chặt.
Đến cái cũi để đựng dây neo cũng “dựng” bằng các thanh tre có đáy lưới tre chặt dày.
Tre cứ thế quấn quýt, từ cái ống thổi lửa bằng tre, cái gáo dừa múc nước cán bằng tre, đôi đũa ăn cơm bằng tre và cả cái muôi chắt nước mắm cũng bằng tre, cái gối đan bằng song mây và tre mềm mại đưa ngư phủ vào giấc ngủ phiêu bồng ngỡ như đang gối lên gió, lên sương của vị phù sa của cánh đồng nơi vườn quê rậm rạp.
Tôi có đọc các tài liệu, thấy các hải đội Hoàng Sa khi đi ra biển, đều mang theo cặp chiếu và các cặp nẹp tre để khi có người chết, thì họ bó lại thành chiếc quan tài chiếu tre. Tre khăng khít đến tận cái chết của người đi biển.
Tre ăn ở thật thà, tre thẳng ngay, không quanh co, lươn lẹo, đưa đẩy. Nhà thuyền được làm bằng bè, bằng luồng. Những thân tre xếp vào nhau cơi nới tầng lớp để chinh phục biển khơi. Cây sào tre là vật dụng gắn bó thân thiết với người dân chài. Cây sào đẩy thuyền ra để chấp nhận với sóng gió. Cây sào cũng neo giữ cắm thuyền tĩnh tại để chuẩn bị cho một chuyến ra khơi mới. Cây sào tre có thể dài ngắn, to nhỏ khác nhau, nhưng người đứng mũi chịu sào đầu mũi thuyền luôn có tính cách giống nhau: Dám làm dám chịu, có phần phần kiêu hãnh nhưng lại rất uyển chuyển, thoái lui nhịp nhàng. Khi xa bờ, cây sào được xếp cạnh mạn thuyền như đang ngơi nghỉ. Đến khi đêm về, kéo lưới lên, cây sào lại được gắn với vợt cá để múc, để xúc cá và cũng là nhịp cầu nối hai thuyền vó song song kết lại với nhau. Cây sào như cánh tay nối dài, hào hiệp, bền bỉ, dẻo dai.
Đồ làm bằng tre trên nhà thuyền chính là hơi thở, hình dáng, nếp sống thôn quê dân dã...
Đóng thuyền (Ảnh: Internet)
Từ xa khơi về lại đất liền, tôi hình dung chiếc nôi đặt trẻ con nằm, được đan bằng tre, như một con thuyền nhỏ lắc lư ru giấc ngủ tuổi thơ êm đềm. Chiếc nôi như một thế giới thu nhỏ, quanh nôi buộc những cái chuông gió bằng tre, gõ nhịp thong thả như thuyền chài gõ lách cách xua cá. Tiếng chuông gió vang lên theo làn gió biển là tiếng vọng của xa khơi, phóng khoáng và dào dạt, lại có âm hưởng của thần linh tôn nghiêm, như bồi đắp cho đứa trẻ một tâm hồn phóng khoáng, một ý chí mạnh mẽ qua từng ngày lớn lên.
Tôi lại nhìn ra biển, gặp cánh buồm với khung buồm dựng bằng tre săn dẻo. Cánh buồm như cánh diều, xương buồm như xương cá lợp vào nhau, căng rộng, kẽo kẹt cả một đời mà không mòn mủn giữa gió mặn trùng khơi, lại như vang lên tiếng vẫy gọi ta tiếp tục lên thuyền ra khơi xa...
Hà Tĩnh, tháng 4 năm 2020