Sau khi Bộ Công Thương công bố kế hoạch cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, các bộ ngành khác cũng lần lượt đưa ra phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực mình quản lý.
Môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã thuận lợi?
Với cái nhìn lạc quan hơn về quá trình cải cách điều kiện kinh doanh của các bộ ngành, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận: hai năm gần đây môi trường kinh doanh đã có sự thay đổi lớn, trọng tâm nhấn mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.
“Chính Phủ đang quyết liệt trong việc triển khai thực hiện mục tiêu nay. Chính phủ vừa ký Nghị định 08 bãi bỏ khoảng 600 điều kiện kinh doanh trong ngành công thương, trong số hơn 1.200 điều kiện hiện có. Đó là kết quả rất khác biệt, và cũng rất mới so với trước đây, là nỗ lực kéo dài liên tục của nhiều bên, nhiều phía", ông Cung nhấn mạnh.
Điểm nhấn đáng chú ý trong quá trình cắt giảm, theo Viện trưởng CIEM, là đã hoàn thiện đưa ra dự thảo cuối cùng để sửa Nghị định 38 của Chính phủ về an toàn vệ sinh thực phẩm. Dự thảo nghị định này "tốt đến mức mà doanh nghiệp đang chờ ký hàng ngày hàng giờ".
Ông Cung cũng thông tin thêm rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang chuẩn bị bãi bỏ 34% điều kiện kinh doanh và đơn giản hoá nhiều phần lớn các điều kiện khác; Bộ Xây dựng đã chỉ đạo quyết liệt, không những bãi bỏ điều kiện mà bãi bỏ cả ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Những chuyển động được này TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh rằng: đó là những thay đổi khác biệt "từ bên trong". “Đây là những chuyển động thực chất từ bên trong, chứ không quá phụ thuộc vào áp lực bên ngoài như trước”, ông Cung nhấn mạnh.
Về phần mình, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, hiện nay vẫn còn tình trạng trên nóng dưới lạnh. “Chính các cán bộ địa phương mới là những đối tượng mà doanh nghiệp phải thường xuyên tiếp xúc. Các cơ quan cấp trên chỉ đạo mạnh mẽ nhưng do thiếu sự kết nối chặt chẽ cùng với những lợi ích cá nhân dẫn đến thiếu sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan địa phương.”
Cần kết quả thực chất
Không có cái nhìn lạc quan như TS Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ sự lo ngại về kết quả “thực chất” của quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh.
“Theo Báo cáo Doing Business 2017 của ngân hàng thế giới, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng lên 14 bậc xếp hạng 68/190 nền kinh tế được đánh giá. Báo cáo này lại được tính dựa trên những chính sách mới ban hành nhưng tôi cho rằng vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ được tính bởi các chính sách mới, mà chúng phải được tính bằng hiệu quả của việc thực thi các chính sách này”, bà Lan nhấn mạnh.
Mặt khác, theo quan điểm của bà Lan chúng ta không nên quá vui mừng trước việc các ngành công bố cắt giảm điều kiện kinh doanh.
“Tôi ngạc nhiên vì quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ ngành lại nhận được nhiều lời khen gợi đến thế. Khi các bộ đó đẻ ra quá nhiều điều kiện kinh doanh gây bao nhiêu khó khăn cho doanh nghiệp thì việc cần làm là phải chặn, phải phạt chứ không phải giờ chạy theo để cắt để rồi được “khen gợi”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Theo quan điểm của bà Lan, ngoài việc cắt giảm điều kiện kinh doanh thì việc ngăn chặn các điều kiện kinh doanh khác tái mọc cũng là điều cần thiết.
“Khi đọc dự thảo Nghị định về hướng dẫn giá cước vận tải của Bộ Giao thông-vận tải, tôi thấy giật mình bởi các điều kiện kinh doanh mang nặng tính “kiểm-quản” vẫn tồn tại trong luật. Vấn đề quan trọng hiện tại là làm sao phải “ngăn chặn” được những điều kiện kinh doanh như thế, để chúng không thể đi vào thực tế cuộc sống chứ không thể để họ “đẻ” ra bao nhiêu thứ điều kiện vô lý đến khi họ cắt vài điều kiện thì khen ầm cả lên thì không đúng, không sòng phẳng chút nào cả", bà Lan nói.
Để quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh đạt được hiệu quả như mong muốn, ông Doanh đề xuất: Tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm 1/3 đến một nửa số điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ và hướng tới hoàn thành trong quý 3/2018. Giảm ít nhất 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành trong từng lĩnh vực, đặt mục tiêu hoàn thành trong quý IV/2018.
“Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải thiện các chỉ số còn thấp điểm, thấp hạng và chậm cải cách, đẩy mạnh Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trực tuyến, kết nối giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong các hoạt động quản lý nhà nước. Đồng thời thiết lập cơ chế theo dõi, đánh giá và giám sát độc lập”, ông Doanh nhấn mạnh.