Aa

Các đặc khu được ưu tiên phát triển thêm ngành, nghề gì?

Thứ Năm, 05/04/2018 - 01:00

Với dự thảo luật mới nhất, các ngành nghề ưu tiên phát triển tại từng đặc khu đã được bổ sung...

Từng gây rất nhiều tranh cãi, dự án Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt sẽ tiếp tục được bàn thảo sâu hơn, tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 4/4.

Tại dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật phục vụ hội nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã bổ sung thêm tên các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vào tên gọi của Luật cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh, thành "Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc".

Phú Quốc, bổ sung ngành, nghề nghiên cứu, phát triển và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.. Nguồn: Internet

Phú Quốc, bổ sung ngành, nghề nghiên cứu, phát triển và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. (Ảnh minh họa)

Chỉ bổ sung khi thực sự cần thiết

Cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư kinh doanh là một trong những vấn đề lớn còn nhiều quan điểm khi thảo luận về dự án luật tại kỳ họp trước của Quốc hội.

Có ý kiến đề nghị không quy định cụ thể các ngành, nghề ưu tiên phát triển mà chỉ quy định định hướng, thế mạnh của từng đặc khu. Một số vị đề nghị cần tránh sự dàn trải, trùng lặp về ngành, nghề ưu tiên phát triển giữa các đặc khu (ví dụ ngành dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino). Đối với từng đặc khu, có đại biểu đề nghị sửa đổi hoặc bổ sung mới một số ngành, nghề cụ thể tại các phụ lục về ngành, nghề ưu tiên phát triển tại từng đặc khu.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì các ngành, nghề ưu tiên phát triển tại từng đặc khu đã được Chính phủ nghiên cứu, cân nhắc thận trọng trong quá trình soạn thảo luật.

Nhấn mạnh đây là nội dung mang tính trọng tâm, xuyên suốt, thể hiện mục tiêu, định hướng phát triển của từng đặc khu, là căn cứ để xác định và thực hiện các chính sách ưu đãi và chính sách khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần được quy định rõ trong dự thảo luật nhằm bảo đảm nguyên tắc ưu đãi có trọng tâm, trọng điểm, phát huy lợi thế của từng đặc khu. Và chỉ xem xét, bổ sung trong một số trường hợp thực sự cần thiết, phù hợp với chủ trương của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế xã hội, phát triển ngành đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan rà soát và chỉnh lý theo hướng: đối với đặc khu Vân Đồn, chỉ bổ sung ngành, nghề dịch vụ tài chính quốc tế và logistics. Với đặc khu Bắc Vân Phong, chỉ bổ sung ngành, nghề sản xuất sản phẩm phục vụ quan trắc, giám sát biển, hải dương; chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực hàng hải, sinh học và sinh thái biển, cơ học và công trình biển.

Còn Phú Quốc, chỉ bổ sung ngành, nghề nghiên cứu, phát triển và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Như vậy, ngoài những ngành nghề chung được ưu tiên phát triển như du lịch, khách sạn... mỗi đặc khu đều có ngành nghề ưu tiên riêng.

Dự thảo luật cũng "mở" trường hợp xuất hiện các yếu tố quan trọng tác động tới định hướng phát triển của đặc khu, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh ngành, nghề ưu tiên phát triển đối với từng đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tăng 23 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Tại kỳ họp thứ 4, Chính phủ trình Quốc hội danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại đặc khu gồm 108 ngành, nghề (cắt giảm 135 trên tổng số 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư).

Qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị cần cắt giảm mạnh mẽ hơn các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; có ý kiến băn khoăn, đề nghị giữ lại thêm một số ngành, nghề. Có ý kiến đề nghị không quy định "cứng" về danh mục này trong luật mà chỉ nên quy định mang tính định hướng hoặc có quy định "mở" để có tính ổn định lâu dài, đồng thời, bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn phát triển của các đặc khu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại đặc khu trong dự thảo luật là nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan trao đổi, thống nhất các tiêu chí để rà soát danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trên cơ sở đó, phối hợp với các bộ, ngành rà soát một cách tổng thể về danh mục này.

Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện sau khi được rà soát, chỉnh lý bao gồm 131 ngành, nghề, tăng 23 ngành, nghề so với dự thảo luật đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top