Họp báo tổng kết quý III/2017 của Bộ Tài chính được tổ chức mới đây công bố, lũy kế 9 tháng đầu năm 2017 đã có 34 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng giá trị thực tế của 34 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 80.636 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 20.881 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, các đơn vị đã thoái được 3.838 tỷ đồng, thu về 15.998 tỷ đồng.
Nhìn vào con số này, so sánh với 60.000 tỷ đồng mà Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra về thu ngân sách nhà nước từ cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước năm 2017 có thể thấy rằng, đây là một áp lực không hề nhỏ. Và việc đạt được mục tiêu 60.000 tỷ đồng trong năm nay là không dễ dàng.
Bước vào quý cuối cùng năm 2017, dường như mọi hy vọng vẫn đang nhìn về phía các doanh nghiệp lớn như Sabeco, Habeco, Vinamilk. Ngay cả Cục trưởng Cục Tài chính nghiệp (Bộ Tài chính) - ông Đặng Quyết Tiến - cũng nhắc đến những doanh nghiệp này khi đưa ra quan điểm về kỳ vọng đạt được trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước trong năm nay.
Tuy nhiên, hy vọng ở những đại gia lớn nhất ngành bia và sữa Việt Nam này có khả quan?
Với hai “ông lớn” của ngành bia, đích thân Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nhận trách nhiệm với Thủ tướng Chính phủ và cam kết hoàn tất thoái vốn Nhà nước trong năm nay.
Trong nỗ lực thúc đẩy nhanh quá trình thoái vốn Nhà nước khỏi các doanh nghiệp, Cục Tài chính doanh nghiệp đã có yêu cầu Habeco và Sabeco hoàn tất cáo bạch trong tháng 9. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có thông tin mới về bản cáo bạch để thoái vốn Nhà nước tại 2 doanh nghiệp này.
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Công Thương cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện bán toàn bộ cổ phần Nhà nước tại Sabeco và Habeco, 2 doanh nghiệp bia lớn nhất hiện nay, đảm bảo trước ngày 1/12/2017 phải hoàn tất thương vụ và chuyển tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Hiện tại, Bộ Công Thương đang là đại diện Nhà nước nắm giữ 89,59% vốn tại Sabeco với giá trị thị trường lên tới 6,7 tỷ USD.
Còn với Vinamilk, một “đại gia” khác cũng đang nhận được nhiều kỳ vọng trong tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước, mới đây SCIC (chủ sở hữu 39,33% cổ phần Vinamilk) cũng cho biết đơn vị này chỉ bán 3,33% vốn điều lệ Vinamilk trong tháng 10 năm nay. Và với mức giá khởi điểm là 145.000đồng/cổ phiếu, số tiền tối thiểu mà SCIC ước tính thu về cũng chỉ dừng ở khoảng 7.400 tỷ đồng, nếu thương vụ thành công.
Đưa ra ý kiến về vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, tiến độ thoái vốn đang diễn ra chậm, tuy nhiên Bộ Tài chính cùng tất cả các Bộ ngành liên quan đang nỗ lực để có thể đạt được mục tiêu 60.000 tỷ đồng mà Nghị quyết của Quốc hội giao phó.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo thống nhất đầu mối theo dõi, tổng hợp tình hình cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.