Aa

Các doanh nghiệp bất động sản còn lơ đãng trong bảo vệ thương hiệu

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 22/08/2018 - 01:01

"Có thể nhận thấy doanh nghiệp bất động sản đang lơ đãng với quyền chính đáng của mình, lơ đãng kéo dài dẫn đến việc doanh nghiệp không tự bảo vệ được thương hiệu của mình. Chỉ riêng trong CLB Bất động sản Hà Nội, tính ra mới chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp đăng kí nhãn hiệu cho dự án của doanh nghiệp", ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty Reeco Sông Hồng nhận định.

Những "lỗ hổng" dẫn đến tranh chấp

Sáng 21/8, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Mạng kết nối Doanh nhân Việt (VINET) tổ chức chương trình Cafe Doanh nhân với chủ đề: “Bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp bất động sản”. Tại diễn đàn, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp bất động sản đã chia sẻ, hiện nay, chưa có một văn bản pháp lý nào về sở hữu trí tuệ nói về việc nhà nước bảo vệ thương hiệu, mà chỉ có các đối tượng được quyền sở hữu trí tuệ từ sáng chế, giải pháp hữu ích, thương mại, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bí quyết thương mại... Theo đó, các ý kiến đều cho rằng, nên tập trung vào bảo hộ nhãn hiệu doanh nghiệp. Theo đó, khi trùng nhãn hiệu thì xử lý thế nào và trong trường hợp xử lý không thành công thì ảnh hưởng ra sao tới hoạt động của doanh nghiệp?

Chia sẻ tại buổi cafe doanh nhân, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, Chủ tịch GP Invest cho biết: "Không chỉ logo, hình ảnh của các dự án cũng đang bị vi phạm nghiêm trọng. Bởi tên tiếng Việt dài và thường khác nhau ở phần đuôi của tên nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn chấp thuận nên mới có sự trùng lặp. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý xử lý thông tin còn rất nhẹ, thậm chí là vẫn chưa đưa ra được các quy định rõ ràng nên khó xử lý".

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản Hanhud cũng chia sẻ doanh nghiệp của ông sau khi cổ phần hoá đi đăng ký lại tên doanh nghiệp thì không thể đăng ký được vì đã có doanh nghiệp khác đăng ký tên “Công ty kinh doanh phát triển nhà Hà Nội”. Vì không đăng ký được, doanh nghiệp phải thêm hai chữ “đô thị”. Điều này cho thấy một hạn chế hiện nay trong việc đăng ký kinh doanh đó là mới chỉ đăng ký bằng tên và địa chỉ. Còn những yếu tố khác như hình ảnh, logo, slogan của doanh nghiệp thì chưa được chú trọng.

ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SLAW

Ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SLAW

Dưới góc nhìn luật sư, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SLAW cho hay: “Có một thực tế hiện nay, một số doanh nghiệp trẻ hoặc startup, khi đăng ký tên doanh nghiệp thường lấy những tên giống các doanh nghiệp lâu đời, nối tiếng hoặc thành công... và thêm các chữ cái khác hoặc chỉ có sự thay đổi một chút. Chính điều này cũng đã là sự “cố ý” tạo ra sự nhầm lẫn thương hiệu”.

Hiện nay, cơ quan đăng ký kinh doanh chưa có kết nối với Cục Sở hữu trí tuệ. Vì vậy, đơn vị đăng ký kinh doanh khó có thể tìm kiếm và xác nhận được thông tin mà chỉ đơn thuần là search google nếu không trùng với tên một doanh nghiệp nào đó cho doanh nghiệp đăng ký. Luật yêu cầu các doanh nghiệp tự bảo vệ mình, trong những trường hợp bị nhầm lẫn thương hiệu, nhà nước sẽ không thay thế doanh nghiệp trong việc bảo hộ thương hiệu. Nếu phát hiện ra việc bị “nhái” thương hiệu nên áp dụng biện pháp hành chính, dân sự để bảo vệ...

Doanh nghiệp vẫn phải tự bảo vệ mình

Hầu hết các ý kiến của doanh nghiệp đều cho rằng, việc bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu trong các Luật, văn bản pháp lý hiện nay chưa có bảo vệ thương hiệu mà chỉ mới dừng lại ở việc bảo hộ. Ngoài ra, việc thực thi các chế tài xử lý việc nhầm lẫn thương hiệu thường chậm chạp, khó đưa ra toà để giải quyết, thường thì sẽ dẫn đến việc tự thoả thuận để giải quyết.

Dưới góc nhìn là chuyên gia về thương hiệu truyền thông, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation nhận định: "Phần lớn các dự án bất động sản rơi vào tranh chấp, nhầm lẫn thương hiệu đều là các thương hiệu không mang tính đặc trưng, đặc thù cao và các dự án không được bảo vệ thương hiệu bài bản. Về thương hiệu có 2 phần 1 là hữu hình (hình ảnh có thể nhìn thấy) và 1 là vô hình. Nhãn hiệu là phần hữu hình. Vấn đề bảo hộ nhà nước có thể bảo hộ hữu hình còn giá trị vô hình thì doanh nghiệp phải tự bảo vệ. Bảo hộ nhãn hiệu doanh nghiệp có thể đến cơ quan về sở hữu trí tuệ nhưng bảo hộ thiết kế hình ảnh, công trình thì phải tìm đến cơ quan về bản quyền tác giả. Về pháp lý thì 2 việc đó doanh nghiệp phải làm. Song song với nó cần bảo hộ bằng hoạt động truyền thông, được cơ quan pháp lý, xây dựng hoạt động truyền thông xây dựng nhãn hiệu, hình ảnh trên các “điểm chạm” người tiêu dùng có thể tiếp xúc, từ đó có thể tránh sự trùng lắp trong tương lai để tránh những thiệt hại sau này".

Ông Vinh cũng chia sẻ, có nhiều thương hiệu lớn mặc dù không cần đăng ký bản quyền nhưng vẫn rất mạnh và doanh nghiệp khác không thể “nhái”. Ngoài ra, cũng có những nhãn hiệu mặc dù đã đăng ký song cũng không “bị nhái”. Điển hình là dự án khu đô thị Linh Đàm, không cần bảo hộ vì không có bất cứ dự án nào khác “nhái” nhãn hiệu này tại các tỉnh thành khác vì nó gắn liền với địa danh tại Hà Nội. Bản thân tên dự án đó đã có tính biểu trưng cao và khó bắt chước được.

ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty Reeco Sông Hồng

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty Reeco Sông Hồng

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty Reeco Sông Hồng nhận định: "Quan trọng là các doanh nghiệp bất động sản đang hoạt động phải tự bảo vệ thương hiệu của mình một cách kiên quyết. Nếu dự án nhỏ thì vài năm kết thúc một dự án đã cần bảo vệ nhãn hiệu thì các khu đô thị lớn kéo dài vài chục năm càng cần bảo vệ. Dự án nhỏ không bảo vệ hay bảo vệ dễ dãi sẽ ảnh hưởng lớn lới hoạt động kinh doanh bất động sản của cả doanh nghiệp, thậm chí ảnh hưởng cả thị trường. Có thể nhận thấy doanh nghiệp bất động sản đang lơ đãng với quyền chính đáng của mình, lơ đãng kéo dài dẫn đến việc doanh nghiệp không tự bảo vệ được thương hiệu của mình. Chỉ riêng trong CLB Bất động sản Hà Nội, tính ra mới chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp đăng kí nhãn hiệu cho dự án của doanh nghiệp".

Ngoài ra, ông Điệp cũng đề xuất, bên cạnh việc phải có chế tài dành cho các cơ quan quản lý cũng nên thực hiện việc tuyên truyền nhận thức về quản lý thương hiệu cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần có chế tài đối với các địa phương để xảy ra tình trạng tranh chấp thương hiệu xảy ra nhiều.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top