Trong khi tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang đẩy mạnh những khâu quan trọng, chuẩn bị vận hành thử để đưa vào khai thác cuối năm 2021 thì dự án metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), cũng đang được TP.HCM dồn lực giải phóng mặt bằng (GPMB) để đẩy nhanh tiến độ.
Gấp rút hoàn thành giải phóng mặt bằng
Dự án metro số 2 qua địa bàn 6 quận, gồm quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú, với tổng diện tích hơn 251.000m2. Theo kế hoạch đề ra, năm 2020 dự án sẽ tập trung hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng để khởi công vào năm sau, thi công đến năm 2025 và vận hành thử, khai thác chính thức năm 2026.
Về việc giải phóng mặt bằng tại dự án, theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị (QLĐSĐT) TP.HCM, từ năm 2016, do vướng mắc ở khâu điều chỉnh dự án, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tạm dừng, đồng thời phải cập nhật lại kế hoạch tái định cư. Sau khi vướng mắc lớn nhất của dự án là điều chỉnh tổng mức đầu tư được tháo gỡ, bước tiếp theo là UBND TP sẽ thông qua chính sách bồi thường thuộc kế hoạch tái định cư đã cập nhật.
Đồng thời với những địa phương có dự án đi qua cũng sẽ tổ chức các công tác bồi thường, bao gồm nhiều đầu việc như thông báo thu hồi đất, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm... Các sở, ngành liên quan cũng đang tập trung phối hợp thực hiện các phương án để đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng.
Tại dự án tuyến metro số 2, theo Ban QLĐSĐT, Tân Bình là địa phương có số hộ dân phải giải tỏa lớn nhất, với 49 hộ giải tỏa toàn phần và 305 hộ một phần. Kế đến là quận 3, gồm 113 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án. Hiện các địa phương nêu trên đã hoàn thành chi tiết phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư... Khoảng 10% số hộ dân bị ảnh hưởng đã nhận được bồi thường và 5% số hộ đã bàn giao mặt bằng. Trong đó, riêng khu vực depot rộng 26ha đã hoàn tất 99% công tác đền bù, GPMB. Đồng thời, đã triển khai thi công và hoàn thành gói thầu xây lắp đầu tiên - gói CP1 (xây dựng tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại Depot Tham Lương).
Gần 1.500 tỷ đồng cho hệ thống tiếp cận
"Hiện Ban QLĐSĐT đang tập trung công tác tổ chức đấu thầu các gói thầu tư vấn và thi công chính của dự án trong năm 2020 và sẽ trao thầu, ký hợp đồng vào năm 2021. Ban cũng đang phối hợp cùng các đơn vị quản lý và chủ sở hữu hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng bởi dự án để thống nhất phương án cũng như kế hoạch triển khai đồng bộ", đại diện Ban QLĐSĐT cho biết.
Liên quan đến tuyến metro này, UBND TP.HCM cũng vừa có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng Bộ Giao thông Vận tải xem xét, có ý kiến về đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án giao thông đô thị bền vững cho tuyến metro số 2 đến năm 2026 (quyết định ban đầu thực hiện giai đoạn 2014 - 2019 nhưng do dự án tuyến metro 2 chậm khoảng 3 năm chờ điều chỉnh, dẫn đến dự án nêu trên cũng phải điều chỉnh lại phù hợp).
UBND TP cũng kiến nghị điều chỉnh dự án giao thông đô thị bền vững cho tuyến metro số 2 với tổng mức đầu tư từ 1.353 tỷ đồng lên 1.489 tỷ đồng do các yếu tố liên quan đến trượt giá, tỉ giá thay đổi và quy định về quản lý chi phí đầu tư.
Việc thay đổi nêu trên, theo UBND TP không vượt tổng giá trị khoản vay ODA của dự án đã ký với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đồng thời tổng mức đầu tư điều chỉnh dự kiến bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện cho các gói thầu của dự án với thời gian thực hiện kết thúc tháng 12/2026. Dự án giao thông đô thị bền vững cho tuyến metro số 2 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (trước đây là Khu Quản lý giao thông đô thị số 1) làm chủ đầu tư, với mục tiêu xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc tiếp cận các nhà ga tuyến metro số 2.
Dự án được thực hiện với phạm vi nghiên cứu từ 500m - 1.000m xung quanh 10 nhà ga của tuyến metro số 2 (nhà ga Bến Thành không thuộc dự án này). Dự án có 3 hợp phần chính, gồm cải tạo tiếp cận nhà ga - xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị phục vụ tiếp cận nhà ga và xây dựng các dịch vụ giao thông công cộng tích hợp cùng việc nghiên cứu các chính sách, quy định.
Kinh nghiệm từ metro số 1
Khó khăn lớn nhất trong việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án metro số 1 và 2 tại TP.HCM đã được tháo gỡ, đang tăng tốc thực hiện. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giao thông đô thị, quy hoạch không gian đô thị tại tuyến số 1 có nhiều bất cập và đó là bài học cho việc thực hiện tuyến số 2 cũng như những dự án metro khác.
Các chuyên gia nhìn nhận các dự án đường sắt đô thị đều có tổng mức đầu tư rất lớn, hàng tỉ USD. Trong khi đặc thù các dự án là công trình giao thông công cộng, khả năng thu hồi vốn rất khó do chủ yếu thông qua hình thức bán vé, phát triển thương mại cùng các dịch vụ kèm theo... Mặt khác, một yếu tố bắt buộc để hình thành hoàn chỉnh các tuyến metro phải có quỹ đất để xây dựng các công trình phụ trợ, kết nối...
Nhưng như tuyến metro số 1, quỹ đất cho các công trình kết nối với nhà ga như đường tiếp cận, các bãi đậu xe trung chuyển..., trước đó không có quy hoạch hay kế hoạch đầu tư cụ thể. Đặc biệt, khi metro xây dựng, giá trị bất động sản xung quanh tăng lên rất cao nhưng cũng chưa được xác định cụ thể để tận dụng.
Một vấn đề Ban QLĐSĐT cũng từng nêu ra với lãnh đạo TP là do chưa có kinh nghiệm nên trong quy hoạch các tuyến metro trước đây, các dự án chỉ được giao đất theo đúng phạm vi chiếm dụng của ranh tuyến và nhà ga, còn quỹ đất cho các công trình phụ trợ cũng như tận dụng giá trị bất động sản xung quanh lại chưa có. Qua ghi nhận thực tế ở tuyến metro số 1, dọc công trình trên xa lộ Hà Nội hiện là các dự án bất động sản liên tục mọc lên, kiến trúc không đồng đều, hầu hết đều thuộc sở hữu của tư nhân. Metro chưa khai thác nhưng giá trị đất không ngừng tăng. Chủ đầu tư các dự án nhà ở, thương mại... cũng đang liên tục quảng cáo, rao bán xung quanh tuyến, trước nhu cầu mua lớn.
KTS Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận một bất cập lớn ở dự án metro số 1 là trước đây TP chỉ giao Sở Giao thông Vận tải là cơ quan quản lý, đầu tư xây dựng mà thiếu sự phối hợp đồng bộ từ Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính... bởi những cơ quan này có vai trò lớn trong quy hoạch kiến trúc xung quanh, xác định ranh đất, phương án khai thác quỹ đất... Việc đó đã dẫn đến sự xung đột trong không gian đô thị dọc tuyến, dẫn đến sự thiếu đồng bộ và khó đạt hiệu quả cao khi metro khai thác.
"Như tuyến số 1, TP khi muốn đầu tư xây dựng một công trình công cộng nào xung quanh phải giải phóng mặt bằng với chi phí cao hơn rất nhiều so với việc nếu có quy hoạch cụ thể từ đầu. Do đó, trước mắt với tuyến số 2, TP cần đưa ra cơ chế riêng với định hướng thu lợi từ các dự án bất động sản, dịch vụ… xung quanh tuyến, bởi giá trị thu về có thể tương đương cho việc đầu tư một tuyến metro mới.
Ngoài ra, cũng cần quy hoạch quỹ đất từ nhà ga metro đến các trạm trung chuyển với bán kính là 800m và phạm vi từ metro ra khu vực 2 bên là 200m, việc này vừa tạo bộ mặt đô thị vừa bảo đảm công tác vận hành hiệu quả. Nếu thực hiện tốt, TP còn có các cơ chế thu hút đầu tư khai thác quỹ đất xung quanh...", ông Ngô Viết Nam Sơn góp ý.
Khởi động tuyến metro số 5
Theo Ban QLĐSĐT, với dự án metro số 5 - giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn), hiện ban đã ký hợp đồng gói thầu tư vấn lập hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và rà soát báo cáo kế hoạch hành động tái định cư cho dự án. Dự kiến những vấn đề này được trình UBND TP.HCM trong tháng 4 năm nay, sau đó là Hội đồng thẩm định nhà nước, Chính phủ và Quốc hội để dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2020.
Giai đoạn 1 dự án metro số 5 chiều dài khoảng 8,9km, bắt đầu từ ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình) đến cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh). Công trình gồm 1 bãi đỗ tàu và 9 nhà ga (gồm 8 ga ngầm và 1 ga trên cao). Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 vào khoảng 1,9 tỷ USD, thực hiện bằng nguồn vốn ODA.