Việc Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm (Dự án Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm) tìm được nhà đầu tư đã giúp Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cởi bỏ một phần nỗi lo “trắng tay” tại các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Cởi dần áp lực
“Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi Bộ trưởng Bộ GTVT ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Dự án Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.
Với việc dự án thành phần đầu tiên triển khai theo hình thức PPP tại Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 xác định được nhà đầu tư, chúng tôi hy vọng sẽ có được kết quả tích cực từ 2 dự án thành phần còn lại”, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) chia sẻ.
Lãnh đạo Vụ Đối tác công tư cho biết, 2 dự án PPP thành phần còn lại là Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - Bãi Vọt đều đã hoàn tất quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu và có thể công bố kết quả vào cuối tháng 12/2020.
Vào đầu tuần này, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Quyết định số 2306/QĐ-GTVT. Theo đó, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải được đề nghị là nhà đầu tư trúng thầu Dự án Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm với giá trị đề nghị trúng thầu (vốn góp của Nhà nước được sử dụng để hỗ trợ xây dựng công trình nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính cho dự án - VGF) là 1.788,28 tỷ đồng/1.800,28 tỷ đồng.
Theo hồ sơ mời thầu, Dự án có thời gian xây dựng 2 năm; thời gian thu phí và vận hành khai thác 16 năm 3 tháng 28 ngày. Tổng vốn đầu tư Dự án được cập nhật sau bước thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình là 5.536,15 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 2.556,99 tỷ đồng; phần Nhà nước tham gia khoảng 2.979,16 tỷ đồng (gồm vốn VGF khoảng 1.800,28 tỷ đồng và vốn hỗ trợ của Nhà nước khoảng 1.178,88 tỷ đồng thuộc trách nhiệm của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
Tại Quyết định số 2306, Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, trong vai trò là đại diện Cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ kết quả lựa chọn nhà đầu tư được phê duyệt tiến hành công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư theo quy định, đồng thời căn cứ quy định tại hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu và các quy định pháp luật có liên quan, phối hợp với nhà đầu tư rà soát nội dung dự thảo Hợp đồng Dự án trước khi trình Bộ GTVT tổ chức đám phán, ký kết hợp đồng đảm bảo tiến độ.
“Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh phải tiến hành xác minh thông tin về năng lực của nhà đầu tư trước khi ký Hợp đồng Dự án”, Văn bản 2306 do ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT ký nêu rõ.
Cần phải nói thêm rằng, áp lực đối với Bộ GTVT trong việc tuyển chọn nhà đầu tư cho các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam triển khai theo hình thức PPP là rất lớn. Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã phải giảm từ 8 dự án thành phần xuống 5 dự án và hiện chỉ còn 3 dự án triển khai theo hình thức PPP.
Vẫn còn nhiều ẩn số
Được biết, Công ty TNHH Sơn Hải là một trong 2 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu tại Dự án Đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (ứng thầu còn lại là liên danh Vinaconex - Duy Tân - Trường Long). Tại bước đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, trong khi Vinaconex - Duy Tân - Trường Long không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, thì Sơn Hải đạt tổng 83,72 điểm (yêu cầu tối thiểu là 70/100 điểm).
Theo lãnh đạo Vụ Đối tác công tư, việc Sơn Hải được chọn là nhà đầu tư Dự án Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm là hoàn toàn xứng đáng, bởi đây là một trong những đơn vị xây dựng hạ tầng giao thông lớn, làm ăn tử tế bậc nhất Việt Nam hiện nay.
Mặc dù được đánh giá cao, nhưng để có thể chính thức nhận được Dự án Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Sơn Hải vẫn sẽ phải trải qua nhiều thử thách nữa.
Cụ thể, ngoài việc phải sớm huy động đủ 2.557 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, Sơn Hải sẽ phải thuyết phục Ngân hàng TNHH Indovina - đơn vị cam kết tài trợ vốn chính thức trao hợp đồng tín dụng trị giá 2.979 tỷ đồng để thực hiện Dự án. Trong trường hợp nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng trong vòng 6 tháng kể từ khi ký Hợp đồng BOT, Sơn Hải sẽ bị loại khỏi Dự án và bị tịch thu bảo lãnh thực hiện hợp đồng.
Trên thực tế, trong hơn 2 năm qua, các dự án BOT giao thông đã phát sinh những vướng mắc về thu phí, dẫn đến doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến. Những vướng mắc này đến nay chưa được xử lý dứt điểm, nguy cơ phát sinh nợ xấu, phải chuyển nhóm nợ, cơ cấu lại khoản vay... gây rủi ro, tạo áp lực rất lớn cho các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, mặc dù trong bước sơ tuyển, các ngân hàng có thể có văn bản cam kết cung cấp tín dụng, song chưa có sự ràng buộc về pháp lý. Các ngân hàng chỉ cam kết về nguyên tắc, kèm theo các điều kiện như: nhà đầu tư phải trúng thầu, dự án phải bảo đảm khả thi về tài chính, nhà đầu tư phải đáp ứng đủ các điều kiện về cung cấp tín dụng và bảo đảm tiền vay, có hủy ngang và không có giá trị đòi tiền trong mọi trường hợp...
Một rủi ro lớn nữa cần phải kể đến là, để hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, hệ thống ngân hàng đã dành một lượng lớn vốn tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, tiêu dùng thiết yếu..., nên hạn mức tín dụng cho vay trung và dài hạn sẽ bị ảnh hưởng.
Thêm vào đó, dự báo có một tỷ lệ không nhỏ các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn, rút khỏi thị trường, tạm dừng kinh doanh hoặc phá sản trong thời gian tới, dẫn tới rủi ro gia tăng nợ xấu tại các ngân hàng; các ngân hàng phải tăng tỷ lệ trích lập quỹ dự phòng rủi ro, nên việc cấp tín dụng dài hạn cho các dự án PPP trong giai đoạn hiện nay càng khó khăn hơn.
“Đây chính là lý do khiến chúng tôi chỉ có thể công bố thắng lợi cho đến khi cả 3 dự án PPP (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo) chính thức ký được hợp đồng tín dụng”, một lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.
Theo quy định của Luật Đấu thầu, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đầu tư theo hình thức PPP phải áp dụng hình thức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư.
Tháng 5/2019, Bộ GTVT phát hành hồ sơ mời sơ tuyển toàn bộ 8 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc - Nam. Đến tháng 7/2019, có 60 nhà đầu tư trong nước, quốc tế nộp hồ sơ dự sơ tuyển. Trong bối cảnh thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, để phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư dự án trọng điểm quốc gia, trên cơ sở ý kiến của cấp có thẩm quyền, Bộ trưởng Bộ GTVT đã quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế và chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư.
Tháng 4/2020, Bộ GTVT phê duyệt kết quả sơ tuyển 5 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP (3 dự án đã được Quốc hội có nghị quyết chuyển sang đầu tư công), có 16 nhà đầu tư trong nước đã vượt qua sơ tuyển.
Tháng 10/2020, bên mời thầu đã thực hiện đóng/mở thầu toàn bộ 5 gói thầu lựa chọn nhà đầu tư. Theo kết quả đóng/mở thầu và đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, có 3/5 dự án được đề xuất có nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật là: Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo).
Đối với 2 dự án thành phần còn lại không lựa chọn được nhà đầu tư (đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu), Chính phủ đang báo cáo Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển sang đầu tư công.