Theo phương án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vừa được Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long) đã trình Bộ Giao thông vận tải.
Đoạn mở rộng sẽ có chiều dài 24km trong tổng chiều dài 55km toàn tuyến, chiều rộng mặt đường được mở rộng từ 4 làn xe hiện tại lên 8 làn xe. Điểm đầu từ cầu Bà Dạt (quận 2, TP.HCM) đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (huyện Long Thành).
Trong đó, đoạn cao tốc qua địa bàn TP.HCM, từ nút giao An Phú đến đường Vành đanh 2 sẽ mở rộng mỗi bên 5,25m, nâng bề rộng mặt đường lên 36m cho 8 làn xe (không tính làn xe thô sơ).
Đoạn từ đường Vành đai 2 đến nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chia làm hai phần: Phần cầu cạn từ đường Vành đai 2 đến Sông Tắc sau khi mở rộng sẽ tách biệt hai bên, mỗi bên rộng gần 20m; phần đi trên nền đường đắp từ Sông Tắc đến nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, sẽ mở rộng lên 42,5m.
Tại khu vực cầu Long Thành sẽ xây dựng thêm một cầu khác quy mô như cầu hiện hữu, khoảng cách giữa hai cầu khoảng 13m. Riêng đoạn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2 và từ đường Vành đai 2 đến nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, phía ngoài các cầu hiện hữu trên tuyến sẽ xây dựng mỗi bên một cầu, rộng từ 17,5m đến 19,5m.
Được biết, Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được khởi công xây dựng vào cuối năm 2009 với quy mô bốn làn xe, dài hơn 55km có điểm đầu tại quận 2 (TP.HCM) và kết thúc tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai). Tổng vốn đầu tư dự án là 20.630 tỷ đồng. Dự án được thông xe toàn tuyến vào năm 2015.
Trong năm 2019, lưu lượng phương tiện đi qua tuyến cao tốc này đã đạt 16,5 triệu lượt, vượt xa con số thiết kế ban đầu gần 10 triệu lượt. Do đó, tuyến cao tốc thường xuyên rơi vào tình trạng ùn ứ, kẹt xe kéo dài.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã có kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ xem xét, đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ 4 làn xe như hiện tại lên 10 - 12 làn xe theo quy hoạch đã được duyệt trước đây.