Ngân hàng bán lẻ là các dịch vụ ngân hàng hướng đến đối tượng khách hàng cá nhân. Các dịch vụ chủ yếu của ngân hàng bán lẻ là tiết kiệm, thanh toán, cho vay tiêu dùng, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ. Ngân hàng bán lẻ dù đã hoạt động lâu đời trên thế giới nhưng mới phổ biến tại Việt Nam vài năm trở lại đây. Với xu hướng phát triển của nền kinh tế cùng với nhu cầu chi tiêu hiện đại, mảng bán lẻ đang có nhiều động lực để phát triển.
Đánh giá về các nhân tố tác động đến ngành ngân hàng năm 2018, SSI Research đã chỉ ra 6 yếu tố chính sẽ tác động đến tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng. Trong đó, kế hoạch tăng trưởng tín dụng chậm lại, điều kiện thuận lợi để giảm lãi suất cùng tiềm năng phát triển mảng tín dụng tiêu dùng là những nhân tố chính tác động lên mảng kinh doanh cốt lõi.
Như vậy, tín dụng tiêu dùng đặc biệt được kỳ vọng trong năm nay. Đối với hoạt động cho vay truyền thống, tăng trưởng tín dụng có khả năng sẽ giảm xuống so với năm 2017 bởi những lo ngại về lạm phát đã khiến NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 xuống 17% so với kế hoạch cùng kỳ và thấp hơn so với mức 18,17% thực hiện năm 2017. Giới hạn tăng trưởng tín dụng phân bổ cho các ngân hàng do đó có thể giảm so với các năm trước.
Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn tối đa đã giảm từ 50% xuống 45%. Tuy nhiên, mức giảm trên vẫn dễ thở hơn cho các ngân hàng bởi kế hoạch trước đó là giảm tỷ lệ này xuống 40%.
Liên quan đến hoạt động cho vay, Chính phủ đã nhiều lần đưa ra thông điệp về việc yêu cầu hệ thống ngân hàng giảm lãi suất. Điều này cũng đặt ra câu hỏi về ảnh hưởng chính sách tới tỷ lệ NIM của ngành.
Theo SSI Research, chi phí vốn bình quân năm 2018 sẽ giảm xuống nhờ các chính sách hỗ trợ của chính phủ cùng sự cải thiện đáng kể của cán cân thanh toán năm 2017 và 2018. Cụ thể, các lãi suất điều hành và lãi suất cho vay OMO đều đã giảm xuống 0,25% trong hơn một năm qua. Cùng đó, việc bán vốn nhà nước từ các doanh nghiệp nhà nước và các công ty tư nhân vào năm 2018 có thể tiếp tục thu hút một lượng lớn dòng vốn nước ngoài, dẫn đến việc phải bơm một lượng lớn đồng nội tệ vào hệ thống.
Điều này cũng sẽ mang lại một khoản tiền lớn cho ngân sách nhà nước, làm giảm nguồn cung cấp trái phiếu chính phủ và trái phiếu do Chính phủ hỗ trợ đồng thời tăng nguồn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại. Theo bộ phận phân tích của SSI, lượng tiền trên có thể giúp thanh khoản cho hệ thống ngân hàng tăng lên đáng kể, lãi suất ngắn hạn có thể giảm trong khi lãi suất trung và dài hạn duy trì được ở mức thấp. Dòng vốn chảy vào sẽ giúp hệ thống ngân hàng có thể giảm lãi suất.
Lãi suất thấp hơn cũng cho phép các ngân hàng chuyển đổi cơ cấu vốn vay bằng cách mở rộng nhiều hơn sang mảng cho vay bán lẻ / tiêu dùng. Đây vốn là lĩnh vực có tỷ lệ NIM cao hơn, đồng thời, đóng vai trò thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Do mảng tín dụng cá nhân vẫn đang trong giai đoạn đầu của chu kỳ, SSI Research cho rằng rủi ro tổng thể sẽ có thể được quản lý và đa dạng hơn trong một hoặc hai năm tới. Tỷ lệ thâm nhập các khoản cho vay bán lẻ hiện vẫn ở mức thấp. Lãi suất thấp và ổn định có thể tạo điều kiện đẩy mức độ thế chấp cao hơn. Theo đánh giá của SSI, Việt Nam có một cơ hội đặc biệt để “tỏa sáng” ở lĩnh vực này.
Tỷ trọng cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ tín dụng gia tăng là một trong các yếu tố tác động tích cực lên tăng trưởng ngành năm 2018. Theo đánh giá của SSI Research, mảng bán lẻ nên là hướng đi tất yếu của hệ thống. Mảng này cũng đang nhận được nhiều hỗ trợ phát triển từ thị trường cũng như các cơ quan quản lý.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tín dụng tiêu dùng năm 2017 ước tăng 65%, trong khi năm 2016 tăng 50,2%; giúp đưa tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng tăng từ 12,3% (2016) lên tới 18% (năm 2017). Nguyên nhân bởi người dân đang có nhu cầu vay vốn cao cho các mục đích mua, sửa chữa nhà cửa, mua phương tiện đi lại…
Ngoài ra, để khai thác mạnh hơn mảng bán lẻ, dịch vụ ngân hàng điện tử đã ngày càng được nâng cấp, hoạt động thanh toán thẻ - thanh toán không dùng tiền mặt được Chính phủ xây dựng thành đề án để tăng tỷ trọng, giúp các tổ chức tín dụng có thêm cơ hội và điều kiện để phát triển.
Trong định hướng chiến lược phát triển năm 2018, nhiều ngân hàng cho biết sẽ đẩy mạnh mảng bán lẻ và đặt mục tiêu là mảng đem lại nhiều doanh thu. Được biết, các ngân hàng đều đang nỗ lực để phát triển công nghệ thông tin, đổi mới dịch vụ và cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Theo đó, hệ thống Internet Banking, dịch vụ thanh toán qua di động, dịch vụ thẻ cùng các dịch vụ cho vay tiêu dùng, liên kết với các công ty bảo hiểm, phát triển nguồn nhân lực bán lẻ chuyên nghiệp… đang được các ngân hàng lưu tâm.
Khi nhiều ngân hàng cùng đặt mục tiêu khai thác mạnh mảng bán lẻ đồng nghĩa với việc cuộc chơi mới giữa các bên sẽ tự động hình thành. Thị trường cho vay bán lẻ rộng mở, ngân hàng nào có chiến thuật tốt sẽ tận dụng được cơ hội mới. Đặc biệt, cuộc cạnh tranh đầy thú vị cũng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, đồng thời hệ thống ngân hàng nhanh chóng được các ngân hàng chủ động nâng cấp.