Aa

“Lợi nhuận ngân hàng năm 2018 sẽ tăng từ 20-25%”

Thứ Bảy, 17/02/2018 - 02:01

Mức tăng này tuy thấp hơn những gì đã được trong năm 2017 nhưng vẫn được đánh giá là khả quan và phù hợp với đà tăng trưởng tốt của nền kinh tế...

Năm tài chính 2017 đã kết thúc, đánh dấu một năm đầy biến động với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực về những nhận định, đánh giá của ông về ngành ngân hàng năm 2017 và triển vọng cho năm 2018.

Nhìn lại năm 2017, theo đánh giá của ông, đâu là những điểm thành công và điểm chưa đạt được của ngành ngân hàng?

Theo đánh giá chung thì đây là một năm thành công của ngành ngân hàng với các điểm sau.

Thứ nhất, là chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành theo hướng chủ động, linh hoạt nên giữ được lạm phát cơ bản ở mức tương đối thấp, 1,5%, qua đó góp phần ổn định lạm phát chung là 3,53%.

Thứ hai, là điều hành tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 ở mức hơn 18% là tương đối hợp lý trong bối cảnh chúng ta đang cố gắng nâng cao chất lượng tín dụng, cũng như tăng trưởng nền kinh tế. Tín dụng tiếp tục gắn vào những lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát rủi ro.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng.

Thứ ba, NHNN đã chủ động, điều hành linh hoạt chính sách tỷ giá trung tâm, qua đó giữ được tỷ giá tương đối ổn định, đặc biệt trong bối cảnh đồng USD năm vừa rồi giảm giá gần 10%, như vậy, có nghĩa nhiều đồng tiền khác trong năm vừa qua tăng 3-7%. Trong khi đó, tỷ giá VND gần như không thay đổi, chỉ tăng giá nhẹ so với USD, ở mức khoảng 0,3% trên thị trường. Điều này đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ các doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu và vay vốn ngoại tệ.

Cũng nhờ tỷ giá ổn định trong bối cảnh vĩ mô như vậy đã giúp niềm tin vào đồng VND tăng lên, NHNN đã mua được khá nhiều ngoại tệ, tính đến cuối năm 2017 lên đến 53 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

Thứ tư, đối với quản trị giám sát và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, năm vừa rồi NHNN cũng có thành công lớn là hoàn thiện thêm một bước về thể chế, đã trình Chính phủ, Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, được Chính phủ ban hành quyết định về tái cơ cấu các TCTD gắn với nợ xấu giai đoạn 2016-2020, cuối năm cũng đã trình Chính phủ, Quốc hội ban hành luật các TCTD sửa đổi.

NHNN cũng đã xác định rõ hơn phương án hợp lý đối với các ngân hàng yếu kém, yêu cầu các TCTD lành mạnh hoá, tăng cường quản trị điều hành theo Basel II.

Thứ năm là việc phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá tiếp tục phát huy tốt giúp Bộ Tài chính phát hành Trái phiếu Chính phủ thành công với lãi suất thấp hơn, kỳ hạn dài hơn.

Thứ sáu là giữ được mặt bằng lãi suất ổn định, thậm chỉ là giảm nhẹ 0,5% cho một số lĩnh vực ưu tiên.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng vẫn còn một số vấn đề có thể làm tốt hơn.

Cụ thể, quá trình tái cơ cấu các TCTD, đặc biệt là các TCTD yếu kém cần phải được xử lý nhanh hơn. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn điều hành cơ chế về thị trường ngoại hối, tỷ giá, tạo ra thị trường mua bán ngoại tệ thuận lợi hơn nữa, qua đó có thể giảm quan hệ vay mượn bằng ngoại tệ.

Có thể nói, năm 2017 là năm kinh doanh rất khả quan đối với ngành ngân hàng khi hàng loạt nhà băng báo lãi lớn, tăng trưởng mạnh so với năm 2016. Theo ông, nhờ đâu mà ngành có được kết quả như vậy?

Đối với các TCTD thì năm vừa rồi hoạt động kinh doanh khá tốt, lợi nhuận tăng trưởng trung bình từ 30%-35%.

Tôi cho rằng, có hai nguyên nhân chính giúp lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng tốt. Thứ nhất, năm vừa rồi tín dụng tăng trưởng tốt, quá trình xử lý nợ xấu cũng đã có nhiều cải thiện hơn so với những năm trước đây, các ngân hàng vì thế cũng đỡ phái trích lập dự phòng nhiều như năm trước, góp phần tăng lợi nhuận.

Thứ hai, các TCTD năm vừa rồi cũng rất chú trọng trong việc phát triển dịch vụ, do đó, họ có được nguồn thu khá lớn từ hoạt động phi tín dụng. Ước tính tỷ trọng nguồn thu này/tổng thu nhập nhà băng đã tăng đáng kể từ 20% trước đây lên 22-28% năm vừa qua.

Với những gì đã đạt được trong năm 2017, theo ông, chúng ta có thể kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh giảm trong năm 2018?

Tôi cho rằng, nếu phấn đấu thì chúng ta có thể làm được nhưng cũng không phải dễ do lãi suất đầu vào khó giảm vì kỳ vọng lạm phát năm nay cao hơn năm ngoái. Trong khi đó, các kênh đầu tư khác cũng rất hấp dẫn, nếu giảm lãi suất đầu vào thì tiền có thể sẽ chảy sang các kênh khác.

Một lý do nữa là các ngân hàng cũng tiếp tục cần thời gian để xử lý nợ xấu, việc này không phải ngày một ngày hai là giải quyết xong.

Bên cạnh đó, chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra của các ngân hàng Việt Nam năm 2017 dù có tăng một chút, lên 2,5%-2,7% nhưng vẫn ở mức thấp so với các ngân hàng trong khu vực, từ 3%-3,5%.

Cuối cùng, chi phí hoạt động toàn bộ nền kinh tế nói chung và trong hệ thống ngân hàng nói riêng vẫn còn ở mức cao. Tất nhiên hệ thống ngân hàng có thể phấn đấu giảm chi phí dù không nhiều và giảm nhẹ lãi suất theo chỉ đạo NHNN và Chính phủ nhưng cơ bản sẽ chỉ giảm được cho lĩnh vực ưu tiên.

Cũng lưu ý rằng chúng ta không nên chỉ đạo hành chính giảm lãi suất mà nên để cho thị trường quyết định. Rõ ràng hiện nay lãi suất cũng không phải là điểm nghẽn đối với sự phát triển của doanh nghiệp, bởi nếu là điểm nghẽn thì tín dụng đã không thể tăng trưởng hơn 18% trong năm qua, doanh nghiệp cũng đã không vay nhiều đến thế để phát triển hoạt động kinh doanh.

Từ một loạt các chính sách, luật quan trọng đã được thông qua trong năm 2017 cùng với việc môi trường kinh doanh đã trở nên thuận lợi hơn, ông đánh giá như thế nào về triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2018 này?

Tôi cho rằng lợi nhuận năm nay sẽ khá khả quan, dù mức tăng trưởng có thể sẽ thấp hơn so với 2017 nhưng sẽ vẫn ở mức tương đôi tích cực, từ 20-25%. Mức tăng này cũng phù hợp với đà tăng trưởng tốt nền kinh tế, các doanh nghiệp cũng làm ăn tốt hơn.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top