Aa

Các nhà đầu tư Châu Á mở rộng đường đầu tư ra nước ngoài

Thứ Ba, 22/08/2017 - 06:11

Theo dữ liệu được JLL công bố mới đây, ngày càng có nhiều nguồn vốn đầu tư vào BĐS chảy từ thị trường Châu Á đến các điểm đích hàng đầu như Hoa Kỳ, Anh và Đức.

Các nhà đầu tư đang phân bổ thêm nhiều nguồn vốn hơn vào thị trường BĐS trên toàn cầu, trong đó các nhà đầu tư Châu Á chiếm một nửa số nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất. Đầu tư liên khu vực đã đạt 19,5 tỷ USD trong quý II/2017, tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đứng vị trí thứ ba trong danh sách các quốc gia có dòng vốn đầu tư ra nước ngoài vào BĐS lớn nhất toàn cầu với trị giá 6,2 tỷ USD, chỉ sau Đức và Anh.

Theo sau Trung Quốc, những nhà đầu tư lớn nhất đến từ các khu vực của châu Á như Hồng Kông chiếm 4,9 tỷ USD, Singapore là 4,1 tỷ USD, Hàn Quốc là 1,9 tỷ USD và Nhật Bản 1,6 tỷ USD. Hầu hết nguồn vốn đến từ những quốc gia, vùng lãnh thổ này đều nhắm đến ba thị trường BĐS lớn nhất và có tính thanh khoản tốt nhất thế giới, bao gồm Hoa Kỳ nhận 10 tỷ USD, Anh chiếm 6 tỷ USD và Đức là 2 tỷ USD.

Trung Quốc - ngôi sao của khu vực

Tháng 5 vừa qua, Tập đoàn HNA của Trung Quốc đã thâu tóm tòa tháp văn phòng 245 Park Avenue ngay trung tâm New York với giá 2,21 tỷ USD.

Theo ông Green-Morgan, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Thị trường vốn Toàn cầu của JLL, giao dịch này chứng tỏ dòng vốn mạnh mẽ từ Trung Quốc vẫn tiếp tục dịch chuyển vào các thị trường BĐS toàn cầu bất chấp sự tăng cường giám sát của chính phủ nước này. 

Do đây là đợt sóng đầu tư ra toàn cầu đầu tiên của Trung Quốc, nên dòng vốn vẫn tập trung chủ yếu vào các thị trường lớn nhất, thanh khoản tốt nhất trên thế giới.

Trong khi các nhà đầu tư châu Á đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nước ngoài, họ cũng không ngừng quan tâm và săn tìm những cơ hội gần hơn với những bất động văn phòng và Logistics trong khu vực.

Đầu tư trong nước trong quý II/2017 đã lên đến 49 tỷ USD. Nhu cầu trong nước tiếp tục thúc đẩy thị trường BĐS Trung Quốc nói riêng, cũng như sự quan tâm đầu tư nước ngoài đang không ngừng gia tăng, chiếm 1/3 tổng khối lượng giao dịch trong quý II.

Đại diện JLL cho biết, các biện pháp siết chặt kiểm soát nguồn vốn cho các cá nhân và tổ chức đầu tư Trung Quốc có thể làm chậm lại hoạt động đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu đầu tư BĐS trong nước gia tăng.

Các chủ đầu tư trong nước nói riêng sẽ trở thành một nhóm người mua mới cho các tài sản hiện hữu khi họ tìm cách triển khai phần vốn thừa. Do sự tăng giá ở các đô thị cấp 1, các nhà đầu tư đang bắt đầu nhìn vào các thành phố cấp 2 ở Trung Quốc đối với những BĐS bán lẻ và logistics tốt, cũng như những dự án tiềm năng chuyển đổi công năng, chẳng hạn như bán lẻ thành không gian văn phòng, hay khách sạn thành căn hộ dịch vụ.

BĐS công nghiệp - Sự lựa chọn tiếp theo của các nhà đầu tư

Nhìn toàn cầu, lĩnh vực văn phòng vẫn là lựa chọn hàng đầu cho các nhà đầu tư, tuy nhiên, BĐS công nghiệp đã và đang trở thành phân khúc hấp dẫn tiếp theo, với nguồn cầu đầu tư lên đến 24 tỷ USD trong quý II năm nay, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. 

"Còn rất nhiều nguồn cầu trong phân khúc BĐS có quy mô lớn như khu công nghiệp và lĩnh vực logistics trên toàn cầu", ông Green-Morgan giải thích. Những thị trường trưởng thành hơn và có xu hướng phát triển như Mỹ, Anh, Đức, Canada và Nhật Bản.

Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, tổng khối lượng giao dịch lên đến 31 tỷ USD trong quý II/2017, tăng 6% so với quý II. Khối lượng đầu tư trong khu vực là 61 tỷ USD trong nửa đầu năm 2017, so với 54 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Tổng khối lượng giao dịch BĐS toàn cầu đạt 153 tỷ USD trong quý II/2017, tăng 7% so với quý I. Tính đến nửa đầu năm 2017, tổng khối lượng giao dịch đã lên đến 297 tỷ USD, tăng so với 290 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top