Aa

Các thị trấn vệ tinh có thể “cứu” tương lai đô thị?

Thứ Sáu, 23/11/2018 - 23:30

Thị trấn vệ tinh với nhiều ưu điểm riêng, có thể sẽ giúp giảm tải áp lực cho các đô thị trung tâm. Tuy nhiên, khi phát triển mô hình này, nhiều nơi cũng gặp phải những trở ngại nhất định.

Được kỳ vọng thành những nơi đáng sống

Khi bắt đầu xây dựng thị trấn Palava, nơi cách phía Đông Mumbai (Ấn Độ) khoảng 1 giờ lái xe, trên một cánh đồng rộng khoảng 1.800ha, các nhà phát triển đã sử dụng khái niệm 5-10-15 (Hàng ngày nên đi bộ 5 phút; Cách vài ngày nên đi bộ 10 phút làm việc vặt; Mỗi tháng một lần nên làm việc gì đó đòi hỏi đi bộ ít nhất 15 phút). Họ cho rằng đây là công thức lý tưởng cho một cuộc sống hạnh phúc.

Palava, hiện là nơi ở của 8.500 hộ gia đình, là một thử nghiệm quy mô lớn nhằm giải quyết các thách thức xã hội và địa lý do tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng ở Ấn Độ, đã tăng gấp đôi trong 8 năm qua. Thu nhập hộ gia đình điển hình của những người mua nhà mới ở Pavala nằm trong khoảng từ 18.000 đến 30.000 USD. Nhà phát triển, Tập đoàn Lodha, đã đặt mục tiêu Palava sẽ có dân số 500.000 người với 100.000 việc làm, trở thành top 50 thành phố đáng sống nhất thế giới vào năm 2025. Hiện tại, chưa có thành phố nào của Ấn Độ được xếp hạng trong top 100.

Các thị trấn vệ tinh như Pavala đã nổi lên trong thập kỷ qua như là một phương cách hóa giải các vấn đề tạo ra bởi mối liên hệ giữa các thành phố và vùng ngoại ô, điển hình phải kể tới tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm, chi phí nhà ở tăng vọt, sự phân chia sâu sắc trong chất lượng trường công cho người giàu – người nghèo, sự gia tăng của số lượng người đi lại và tỷ lệ béo phì tăng cao....

Những người ủng hộ các thị trấn vệ tinh lập luận rằng, việc thiết lập nhiều khu đô thị tự cung tự cấp nhỏ hơn so với các thành phố lớn sẽ hỗ trợ tối ưu cho khu vực trung tâm bởi với vị trí không quá xa, nơi đây sẽ là lựa chọn mới cho cư dân nhờ nhá giá rẻ hơn, không gian sống thoáng đãng hơn…

Không những thế, việc phát triển về phía ngoài các thành phố lớn sẽ mang đến cơ hội việc làm và nhiều người sẽ không cần phải chuyển đến trung tâm thành phố để tìm việc.

Bên cạnh đó, nhờ vào sự gia tăng của các phương tiện giao thông như siêu xe, xe tự lái, xe chia sẻ, máy bay không người lái giao hàng…, khoảng cách giữa các thành phố vệ tinh và trung tâm đô thị lớn sẽ được thu hẹp và sự kết nối được gia tăng.

Sự phát triển của các đô thị vệ tinh cũng được kỳ vọng có thể giúp thu hẹp sự phân chia chính trị, xã hội, dân tộc, văn hóa và kinh tế ngày càng tăng giữa dân số thành thị và nông thôn.

Các thành phố và thị trấn vệ tinh đã phát triển qua nhiều năm với mức độ thành công khác nhau, có thể thấy rõ nhất ở các quốc gia đang phát triển, nơi các vấn đề về tình trạng quá tải đô thị, ô nhiễm và bất bình đẳng kinh tế, xã hội ngày càng trở nên rõ ràng hơn so với các quốc gia phát triển.

Trung Quốc đang đi tiên phong trong vấn đề này. Một ví dụ điển hình là thị trấn vệ tinh Thành Đô, nằm cách thành phố Thành Đô hiện tại 3,2km. Nơi đây được quy hoạch cho 80.000 người. Hệ thống giao thông đường quy hoạch để đến bất kỳ vị trí nào cũng không mất quá 15 phút đi bộ. Hai kiến trúc sư trưởng của dự này là Adrian Smith và Gordon Gill đặt ra mục tiêu, chỉ một nửa diện tích đường có thể được sử dụng cho xe cơ giới, còn lại ưu tiên người đi bộ. Thị trấn mới này cũng sẽ kết nối bằng phương tiện công cộng đến thành phố Thành Đô.

Nhiều quốc gia Đông Phi cũng đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển các thị trấn vệ tinh. Như ở Kenya, thị trấn Tatu (dự kiến ​​cho 62.000 dân) được kỳ vọng sẽ gánh bớt sức ép cho thủ đô Nairobi gần đó.

Những khó khăn nhất định

Trái ngược với các quốc gia đang phát triển, những quốc gia đã phát triển như Mỹ lại không có nhiều tham vọng phát triển thị trấn vệ tinh. Điều này có lẽ là bởi xu hướng lâu dài về kinh tế và nhân khẩu học. Ngày nay, hơn 80% dân số Mỹ sống tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, trong năm qua, 11 bang gồm Utah, Colorado, Washington, Oregon, Florida, Idaho, Delaware, Texas, Arizona, Bắc Carolina và Nam Carolina cũng cho thấy mức tăng trưởng nhất định ở các thị trấn nhỏ. Điều tạo nên xu hướng này được cho là do chất lượng cuộc sống ở những nơi này được tăng lên, gồm các yếu tố như giáo dục, giao thông vận tải, nhà ở và việc làm. Tất cả các bang này đều nằm trong nhóm 15 bang tốt nhất của Mỹ về tăng trưởng việc làm; 7 bang nằm trong top 15 thu hút giới trẻ nhất.

Dân số ở Vineyard, bang Utah, một thị trấn vệ tinh công nghiệp công nghệ cao, tăng trưởng 24% so từ năm 2015 đến 2016. Đại học Utah Valley đang xây dựng một cơ sở ở Vineyard sẽ được kết nối bởi một tuyến đường sắt mới và hệ thống giao thông công cộng. Các nhà quản lý địa phương ở Utah cho biết, theo quy hoạch, nhiều ngôi nhà đáng sống với view ra sông hồ và núi non sẽ được hình thành.

Tuy nhiên, lịch sử cũng cho thấy nhiều đô thị vệ tinh đã thất bại, nhiều kế hoạch hoành tráng bị bỏ xó, dễ thấy như thị trấn vệ tinh Fordlandia ở Brazil, thị trấn vệ tinh Harlow ở Anh, thị trấn vệ tinh Cairo mới ở Ai Cập. Chi phí tốn kém quá mức và sự trì trệ trong việc phát triển được cho là nguyên nhân khiến những kế hoạch xây dựng các thị trấn vệ tinh này thất bại.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là thị trấn vệ tinh không có tính khả thi. Bởi từ những nơi đã phát triển thành công, thị trấn vệ tinh là mô hình mà nhiều quốc gia nên xem xét và thử nghiệm, áp dụng cho các đô thị của mình. Với những ưu điểm riêng, các thị trấn vệ tinh có thể sẽ mang lại những lợi ích tích cực, giúp các thành phố cũng như vùng ngoại ô lân cận trở nên đáng sống hơn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top