Trước đó, Qũy tiền tệ quốc tế IMF cũng đã dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 6,5% trong năm nay và giảm xuống mức 6,3% trong năm 2018, sau khi chỉ đạt mức 6,2% trong năm 2016. Tương tự như Fitch, IMF cũng có đánh giá về động lực tăng trưởng Việt Nam trong 2 năm tới đến từ khu vực FDI và tiêu dùng tư nhân.
Đây đều là các mức tăng trưởng cao, xét cả trong khu vực cũng như trên thế giới, cho thấy các tổ chức tài chính toàn cầu có cái nhìn tương đối lạc quan về kinh tế Việt Nam.
Cũng trong báo cáo, Fitch nâng triển vọng tín nhiệm Việt Nam lên mức tích cực, định hạng tín nhiệm của Việt Nam được tổ chức này giữ nguyên ở mức BB-, định hạng tín nhiệm đối với trái phiếu bằng nội tệ và ngoại tệ không được bảo lãnh của Việt Nam cũng duy trì ở mức BB-.
Động thái nâng triển vọng tín nhiệm Việt Nam lên mức tích cực của Fitch, theo tổ chức này đánh giá, là xuất phát từ sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam diễn ra mạnh mẽ và tiềm năng tăng trưởng cao, thặng dư tài khoản vãng lai bền vững, chi phí vay nợ có thể kiểm soát được, và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào đều đặn.
Cùng với đó, Việt Nam đang xây dựng chính sách tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô - bao gồm tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn, tăng cường tập trung vào ổn định lạm phát - đã góp phần giúp Việt Nam thu hút dòng vốn FDI mạnh và giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao.
Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt, mặc dù lạc quan, nhưng mức định hạng tín nhiệm BB- cũng phản ánh các rủi ro vĩ mô như tỷ lệ nợ công cao, đệm dự trữ ngoại hối còn thấp, rủi ro trong hệ thống ngân hàng, một vài chỉ số cấu trúc còn yếu hơn so với các quốc gia ngang tầm, bao gồm thu nhập bình quân đầu người và tiêu chuẩn phát triển con người...
Fitch cũng đưa ra cảnh báo về mức nợ công gia tăng của Việt Nam, từ mức 50,1% GDP vào cuối năm 2015 lên mức 53,4% GDP vào cuối năm 2016. Nếu tính cả những khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh, thì mức nợ công đã lên tới 63,7% vào cuối năm ngoái, đã rất sát trần 65%.