Aa

Các vấn đề cần tháo gỡ khó khăn trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường

Chủ Nhật, 24/05/2020 - 06:30

Sáng 23/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ TN&MT và đại diện một số bộ, ban, ngành có liên quan về công tác tài nguyên môi trường, đất đai.

Tham dự cuộc làm việc có Ủy viên T.Ư Đảng: Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; các Thứ trưởng Bộ TN&MT, lãnh đạo một số bộ, ngành T.Ư, Tư pháp, KH&ĐT, KH&CN, NN&PTNT; đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và các sở, ban, ngành TP. Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nêu rõ, vấn đề quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biển đổi khí hậu luôn là vấn đề quan trọng trong quá trình phát triển, nhất là đối với đô thị đang có tốc độ phát triển nhanh như Hà Nội.

Trong những năm qua, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Thành ủy Hà Nội luôn quan tâm, chỉ đạo, cụ thể hóa thành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng để triển khai. Thực tế, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, công tác này vẫn là một vấn đề lớn cả trước mắt và lâu dài, liên quan đến những vấn đề dân sinh bức xúc. Do vậy, thông qua hội nghị, lãnh đạo Thành phố mong muốn các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, có giải pháp giúp Thành phố giải quyết căn cơ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững...

Triển khai nhiều biện pháp bảo vệ môi trường

Theo Báo cáo Ban cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội, từ năm 2015 đến nay, Thành ủy, HĐND, UBND TP ban hành 1 chương trình, 2 nghị quyết, 8 kế hoạch, 10 quyết định, 2 đề án và 2 chỉ thị về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, trước nhu cầu cấp bách của công tác bảo vệ môi trường, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

Sau 3 năm triển khai thực hiện, đã triển khai thực hiện Chương trình phối hợp hành động bảo vệ môi trường với 6 tổ chức chính trị xã hội nhằm phát huy vai trò của các tổ chức, huy động sức mạnh toàn dân tham gia công tác bảo vệ môi trường. Từ 2016 - 2019, các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường các cấp trên địa bàn TP Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra tại 10.883 cơ sở và xử lý vi phạm hành chính 4.894 cơ sở với tổng số tiền phạt là 61,1 tỷ đồng. Đã tập trung triển khai thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường nước 90 hồ tại khu vực nội thành và 44 hồ tại khu vực ngoại thành. Đã xây dựng 8 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt với tổng công suất khoảng 296.700 m3/ngày đêm đáp ứng được khoảng 30% tổng lưu lượng nước thải phát sinh.

Quang cảnh cuộc làm việc.

Từ tháng 12/2016, TP đã đưa vào vận hành 11 trạm quan trắc không khí tự động và chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí của TP. Đồng thời, triển khai 19 giải pháp tổng thể, đề xuất tiến hành tưới nước rửa đường trong những ngày thời tiết hanh khô để giảm nồng độ bụi phát sinh. Hiện nay, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại các quận trung tâm TP là 100%; tại các huyện ngoại thành 88 - 89% và 100% rác thải sinh hoạt thu gom được xử lý đúng tiêu chuẩn…

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế như: Khoảng cách thu gom và vận chuyển từ nguồn thải đến nơi xử lý xa, chưa hiệu quả; hạ tầng thu gom nước thải còn thiếu đồng bộ….

Dự kiến hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai trong 6/2021

Đối với công tác quản lý đất đai, thành phố đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối. Hằng năm, UBND thành phố thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thu ngân sách thành phố (chiếm khoảng 15 - 20% tổng thu ngân sách Nhà nước của thành phố).

Trên cơ sở rà soát điều kiện giao đất dịch vụ, tổng nhu cầu đất dịch vụ toàn thành phố là 51.566 hộ, tương ứng 539,162ha. Kết quả đến ngày 21/4/2020, UBND các quận, huyện, thị xã đã giao đất dịch vụ cho 40.472 hộ với diện tích 361,59ha, đạt 78,49%. Trong cấp Giấy chứng nhận (GCN) lần đầu và kê khai đăng ký đất đai cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư, đã hoàn thành thực hiện đăng ký kê khai đất đai lần đầu 1.551.951 thửa; trong đó, đã cấp GCN 1.355.510 thửa, còn 196.441 thửa đất chưa cấp được GCN do còn tồn tại, vướng mắc.

Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý đất đai trên địa bàn thành phố cũng được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, không chồng chéo, tránh trùng lặp. Từ kết quả thanh tra, UBND thành phố đã thu hồi đất hoặc bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất với 28 dự án với tổng diện tích 1.758,6ha đất; kiến nghị gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với 24 dự án với tổng diện tích 35,8ha đất; trình Chủ tịch UBND thành phố ban hành 42 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TN&MT với với số tiền trên 924,3 triệu đồng.

Ngoài ra, thành phố đã triển khai đồng bộ công tác đo đạc, số hóa, biên tập chỉnh lý bản đồ lồng ghép với công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn. Dự kiến hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trong tháng 6/2021.

Đề xuất sớm ban hành chính sách quản lý chất lượng không khí

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng cả hai lĩnh vực nêu trên đều còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần quan tâm giải quyết. Trong đó, nhiều vấn đề vượt thẩm quyền của thành phố. Do đó, Hà Nội đã nêu 4 kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường về lĩnh vực bảo vệ môi trường và 8 kiến nghị, đề xuất về quản lý đất đai.

Hà Nội kiến nghị, đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường đảm bảo đồng bộ với các Luật như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng... và ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành nhằm khắc phục các tồn tại, vướng mắc.

Đồng thời, kiến nghị, đề xuất với Bộ TN&MT sớm ban hành các cơ chế, chính sách về quản lý chất lượng không khí; xem xét ủy quyền cho Thành phố Hà Nội phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án nhóm A trên địa bàn đã được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư; đề xuất cơ chế và quy định chi tiết giữa Thành phố với các Bộ ngành, địa phương khác để thực hiện có hiệu quả các chương trình bảo vệ môi trường, nhất là các vấn đề môi trường liên tỉnh như ô nhiễm không khí và quản lý các lưu vực sông liên tỉnh (sông Nhuệ - Đáy, sông Bắc Hưng Hải..)…

Bộ sẽ tham mưu, tư vấn, hỗ trợ cho Hà Nội nhằm tháo gỡ những vướng mắc

Về những kiến nghị, đề xuất của TP Hà Nội, các đại biểu Bộ Tài nguyên & Môi trường đã có trao đổi cởi mở và thẳng thắn. Theo đó, đối với lĩnh vực đất đai, các tồn tại, vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn với tài sản khác gắn liền, Tổng Cục trưởng Tổng Cục quản lý Đất đai Lê Thanh Khuyến cho rằng, Hà Nội cần xây dựng phương án với từng trường hợp cụ thể, không nên đưa ra tình trạng chung. Trên cơ sở đó, Tổng cục sẽ tham mưu cho Bộ TN&MT có những phương án tháo gỡ phù hợp, giúp Hà Nội xử lý tình trạng này.

Về kiến nghị Bộ TN&MT xem xét, hướng dẫn cho thuê đất đối với trường hợp thực hiện dự án xây dựng bãi đỗ xe của dất công cộng hoặc sử dụng diện tích đất công, đất do TP đã giải phóng mặt bằng đã được UBND Thành phố kêu gọi đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư thì có phải thực hiện đấu giá không hay phải thực hiện đấu thầu lựa chọn Chủ đầu tư thực hiện dự án? Ông Khuyến cho rằng, việc sử dụng đất này hiện còn rất phức tạp, nếu để đáp ứng được thì phải sửa đổi qui định của Luật nên cần phải nghiên cứu kỹ để có đề xuất.

Liên quan đến kiến nghị chung về tổ chức bộ máy, trong đó, đề xuất không tổ chức Chi cục Quản lý đất đai trực thuộc Sở như hiện nay mà sắp xếp thành lập 3 Phòng chuyên môn trực thuộc quản lý trực tiếp của Sở, vì lĩnh vực đất đai tại Hà Nội có đặc thù, hồ sơ quản lý đất đai qua nhiều thời kỳ rất phức tạp, khối lượng công việc lớn, nhiều công việc thực tiễn của Thủ đô yêu cầu phải giải quyết đồng bộ; công việc thường xuyên phải cập nhật, báo cáo các cơ quan T.Ư và Thành phố, đòi hỏi công tác quản lý đất đai rất chi tiết, cụ thể, kịp thời, chất lượng, Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai cho rằng, giảm chi cục quản lý đất đai nhưng lại tăng đầu mối làm việc là bất cập. 

Bởi, quản lý tài nguyên là vấn đề lớn, phức tạp nhưng mang lại nguồn thu lớn nên rõ ràng cần bộ máy tương đối lớn. Đồng thời, đề nghị Hà Nội cần thanh kiểm tra lại việc sử dụng đất, nhất là đối với đất dự án, giao đất đã lâu nhưng vẫn quây tôn để đó nhiều năm khiến lãng phí tài nguyên đất.

Đối với hệ thống sông Bắc Hưng Hải, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ đã có kế hoạch trung hạn 2021 - 2025, nâng cấp hệ thống này để nâng cao năng lực cung ứng cho sản xuất nông nghiệp và giảm thiểu ô nhiễm. Về vấn đề sông Nhuệ - Đáy, Bộ đã có dự án nạo vét giai đoạn 1, còn giai đoạn 2 Bộ cũng đã có kế hoạch. Tới đây, Bộ xin phép sẽ làm việc cụ thể với Thành phố để lên phương án chi tiết, tháo gỡ một số khó khăn, nhất là việc giải phóng mặt bằng.

Vấn đề khu vực bãi bãi ven đê sông Hồng, Bộ cũng đã có nghiên cứu, sẽ sớm có phương án tháo gỡ cho Thành phố. Tuy nhiên, sông Hồng còn có cái rất bất cập nữa là các hồ thủy điện và tình trạng khai thác cát cho nên mực nước sông Hồng hạ thấp rất nhanh, nhất là đoạn qua Hà Nội dẫn đến cảnh quan càng bị ảnh hưởng. Bộ xin tiếp thu và sẽ có nghiên cứu, sớm thông báo với Thành phố.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc làm việc

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhận định, Bộ TN&MT luôn ghi nhận đẩy đủ mọi mặt của Hà Nội, chỉ cần nhìn vào Hà Nội là biết được chính sách đang gặp vấn đề gì. Từ mục tiêu về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng trước đây rất khó khăn hay các vấn đề về môi trường còn nhiều tồn tại và phát sinh mới, Hà Nội đều đã và đang giải quyết được. Ngay như đại dịch Covid-19 mặc dù là địa bàn có diễn biến dịch bệnh phức tạp nhưng Hà Nội đã xử lý rất tốt, chứng tỏ khả năng lãnh đạo điều hành của lãnh đạo Hà Nội.

Qua báo cáo của Hà Nội và nắm bắt thực tế, Bộ TN&MT thấy môi trường Hà Nội đang phải đối mặt với các vấn đề về chất thải sinh hoạt, chất thải rắn, xử lý nước thải và chất lượng không khí Hà Nội. Hay vấn đề quản lý đất đai, Hà Nội có nhiều loại hình đất đai, trong khi đó lại là nơi có sự phát triển đa ngành nghề, nhất là các ngành nghề sử dụng dịch vụ đất thực sự đa dạng cho thấy Hà Nội đang có nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

“Đây là hạn chế, bất cập nhưng tôi cho rằng cũng lại là cơ hội để Hà Nội có sự bứt phá trong việc đưa ra những quyết sách phù hợp để giải quyết. Trong vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường, tôi cho rằng chúng ta đang thiếu tính chủ động. Mặc dù đã phân cấp quản lý cho từng bộ, ngành trong vấn đề môi trường nhưng hiện nay, vẫn chưa thực hiện được đúng vai trò, trách nhiệm của mỗi cấp. Hay là vướng mắc trong vấn đề xử lý nước thải, ô nhiễm không khí thì với Luật bảo vệ Môi trường mới đang sửa đổi, tôi cho rằng sẽ giải quyết được vướng mắc này. Đối với hoạt động bảo vệ môi trường không chỉ có Nhà nước mà phải có sự tham gia của rất nhiều đối tượng cùng tham gia. Vì vậy, Hà Nội cần huy động được sức mạnh tập thể của cả cộng đồng để bảo vệ môi trường”, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Đối với vấn đề quản lý đất đai, Bộ trưởng Bộ TN&MT đề nghị Hà Nội cần quan tâm đến cán bộ quản lý đất đai từ cấp phường xã, tránh sự nhũng nhiều, buông lỏng quản lý để việc thực hiện việc quản lý, sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí.

Bộ trưởng cũng yêu cầu cán bộ lãnh đạo Bộ dự hội nghị lưu tâm về đề nghị cho phép Hà Nội thực hiện cơ chế đặc thù khi giải phóng mặt bằng như TP Hồ Chí Minh. Còn một số kiến nghị khác của Hà Nội liên quan đến quy định của pháp luật thì cần phải tiếp tục nghiêm cứu kỹ để đưa ra những đề xuất, giải pháp phù hợp.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhận định, những vấn đề đặt ra trong buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội cũng chính là trách nhiệm của Bộ cần phải nghiên cứu, giải quyết và Bộ sẽ có tham mưu, tư vấn, hỗ trợ cho Hà Nội nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiệu quả trong thời gian tới.

Hà Nội mong nhận được sự chia sẻ của các bộ, ngành

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã nêu một số khó khăn của Hà Nội và mong nhận được sự chia sẻ của các bộ ngành. Nêu ví dụ đối với những lĩnh vực đặc thù như công tác xử lý rác thải trên Sóc Sơn, Chủ tịch UBND TP cho biết, hiện chỉ có 2 đơn vị chuyên ngành đang thực hiện; công việc duy trì vườn hoa cây cây cảnh trong công viên Thống nhất, chăm sóc các loại thú ở Công viên Thủ Lệ hiện rất khó có thể tổ chức đấu thầu vì không phải đơn vị nào cũng có thể đảm đương được các công việc này tham gia thầu. Nếu tổ chức đấu thầu thì hàng trăm lao động của đơn vị đang thực hiện các hạng mục công việc này từ vài chục năm nay sẽ thế nào?.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc làm việc

Trao đổi về vấn đề cải thiện chất lượng không khí của Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội kiến nghị các Bộ, ngành cần phải đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật khí thải đối với tất cả các loại phương tiện nhưng phải cập nhật các tiêu chuẩn của quốc tế, tránh việc ban hành tiêu chuẩn đuổi theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đối với việc nâng cấp tiêu chuẩn khí thải xe ô tô, Chủ tịch UBND TP cho biết, đây đang là xu hướng toàn cầu nhằm bảo vệ môi trường. Các nước châu Âu thậm chí còn đang áp dụng tiêu chuẩn Euro 6 thế nhưng Việt Nam mới đang áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 và đến tận 2022 mới áp dụng mức 5.

“Giữa tiêu chuẩn khí thải Euro 4 và Euro 5 có sự khác biệt đáng kể về công nghệ, chưa nói đến tiêu chuẩn Euro 6. Do đó, việc TP. Hà Nội nhập máy móc từ các nước áp dụng tiêu chuẩn mức 6, mức 5 trong 3 năm trở lại đây lại buộc phải bỏ một khoản kinh phí nữa để điều chỉnh linh kiện, xử lý bộ phận xúc tác cho phù hợp với tiêu chuẩn trong nước”, Chủ tịch UBND TP cho biết.

Tạo chuyển biến căn bản về ùn tắc giao thông, chất lượng không khí

Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị sau hội nghị, Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự đảng Bộ TN&MT sẽ ban hành thông báo chung. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của TP và Bộ trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất được nêu tại cuộc làm việc.

“Mỗi vấn đề phải phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ quy trình, rõ hiệu quả. Trên cơ sở đó thúc đẩy việc giải quyết và phấn đấu từ nay đến hết năm 2020 sẽ tạo ra được chuyển biến rõ rệt về quản lý tài nguyên môi trường trên địa bàn TP”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm trong bảo vệ môi trường của TP, Bí thư Thành ủy yêu cầu, TP tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn; đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt tập trung, các dự án áp dụng công nghệ đốt rác phát điện trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm xử lý nước thải; triển khai từng bước chương trình thu gom xử lý nước thải sinh hoạt sông Đáy, nạo vét chính sông Nhuệ; phối hợp với các tỉnh, xây dựng đề án bảo vệ môi trường hệ thống sông Bắc Hưng Hải; hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường nước gắn với tăng cường quản lý các nguồn xả thải.

Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu, Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp và 2 bệnh viện còn lại. Đặc biệt, chỉ đạo kiện toàn bộ phận giảm sát hệ thống cấp nước sạch trực thuộc Sở TN&MT, giám sát, phát hiện kịp thời, không để xảy ra sự cố để phục vụ tốt nhất cho người dân.

“Ban Cán sự Đảng UBND TP cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống ô nhiễm không khí với tinh thần phải quyết liệt; đơn vị nào thực hiện không đúng quy trình, làm kém hiệu quả phải cắt hợp đồng. Mục tiêu từ nay đến cuối năm phải tạo chuyển biến căn bản hai lĩnh vực là ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí”, Bí thư Thành ủy lưu ý.

Về quản lý đất đai, Bí thư Thành ủy đề nghị, Ban Cán sự đảng UBND TP sớm hoàn thành hệ thống hồ sơ địa chính; tăng cường thanh tra, xử lý kịp thời vi phạm; tăng cường phối hợp với các bộ ngành đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ. Đối với các dự án có vướng mắc về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, phải rà lại từng dự án gắn với hoàn cảnh lịch sử cụ thể để xem xét, giải quyết bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top