Aa

Các ý kiến đóng góp đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu

Thứ Sáu, 07/04/2023 - 10:05

Chiều 6/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà báo cáo một số vấn đề lớn cần xin ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã tiến hành cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ngay sau đó, các cơ quan hữu quan đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên phạm vi cả nước để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của nhân dân, Chính phủ đã tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. 

Tổ chức lấy ý kiến nghiêm túc, đầy đủ, khoa học, thực chất

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ cùng với các cơ quan Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan truyền thông, báo chí đã tổ chức hiện nghiêm túc, đầy đủ, khoa học, thực chất việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức ở trung ương tổ chức các hội nghị lấy ý kiến. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố; Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế và các Ủy ban khác của Quốc hội, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, khảo sát lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý và đối tượng chịu sự tác động của dự thảo Luật…

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đã được các cơ quan Trung ương, bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp triển khai nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, chuyên sâu, bảo đảm thực chất và hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến tận cơ sở xã, phường, thị trấn, khu dân cư, tổ dân phố, huy động được hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các giai tầng trong xã hội tham gia, thu hút được sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp Nhân dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thực sự trở thành cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng, sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng.

Tính đến hết ngày 2/4/2023, đã có 11.685.461 lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo Luật" được tập hợp gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Các ý kiến góp ý tập trung vào các nhóm vấn đề sau:

Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: 1.159.990 ý kiến, chiếm 9.93%.

Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất: 1.004.674 ý kiến.

Tài chính đất đai, giá đất: 979.736 ý kiến.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: 951.748 ý kiến.

Chế độ sử dụng đất: 915.486 ý kiến.

Thu hồi đất, trưng dụng đất: 888.018 ý kiến.

Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận: 881.021 ý kiến.

Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất: 871.653 ý kiến.

"Việc tổng hợp ý kiến Nhân dân đã được thống kê đầy đủ, có số liệu rõ ràng của các bộ, ngành, địa phương. Công tác tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân được thực hiện ngay trong quá trình lấy ý kiến. Cơ quan soạn thảo đã chủ động phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các bộ, ngành có nhiều nội dung quản lý liên quan đến lĩnh vực đất đai để nghiên cứu, tiếp thu", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định.

phó thủ tướng trần hồng hà
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà báo cáo một số vấn đề lớn cần xin ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. (Ảnh: VGP/ĐH)

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, nghiêm túc

Các ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tập hợp, tổng hợp đầy đủ. Đa số ý kiến nhân dân đánh giá dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có nhiều điểm đổi mới phù hợp với các quan điểm, định hướng đổi mới chính sách pháp luật về đất đai theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18- NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, đã cơ bản giải quyết được các tồn tại, vướng mắc hiện nay, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước.

Các quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với quy định của Hiến pháp và các điều ước quốc tế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai; tăng cường vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai từ Trung ương đến cơ sở.

Các ý kiến góp ý đã được nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ bố cục, kỹ thuật soạn thảo, rà soát tính thống nhất với các pháp luật liên quan, các chính sách trọng tâm và các quy định cụ thể tại các chương, mục, điều, khoản của dự thảo Luật.

Các ý kiến phù hợp với Hiến pháp, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, nội dung đã chín, đã rõ được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, cơ quan soạn thảo đánh giá tác động, có đầy đủ cơ sở để thể chế hóa và thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích của đa số người dân, đồng thời tạo nguồn lực cho sự phát triển của đất nước đã được tiếp thu thành điều, khoản chi tiết.

Những ý kiến chưa phù hợp với Hiến pháp, chủ trương chính sách của Đảng, chưa có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn thì đã được giải trình trong Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Nhân dân.

Bố cục của dự thảo Luật sau khi tiếp thu gồm 16 chương, 246 điều, trong đó tăng 3 mục (Mục 1, Chương VII và Mục 1, 2 chương XVI), bổ sung mới 22 điều, bỏ 12 điều.

Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, với tinh thần "từ sớm, từ xa", sáng ngày 6/4 Thường trực Chính phủ đã thống nhất về một số vấn đề lớn về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và tiếp tục tiếp tục hoàn thiện.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã báo cáo rõ một số nội dung được đông đảo nhân dân quan tâm cũng như một số nội dung còn có ý kiến khác nhau về: thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giá đất; chế độ sử dụng các loại đất; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính đất đai; hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai;…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top