Aa

Các yếu tố chính chi phối thị trường chứng khoán cuối năm

Thứ Hai, 22/10/2018 - 03:00

Thị trường chứng khoán cuối năm ghi nhận có nhiều yếu tố hỗ trợ, tuy nhiên cũng đối diện với nhiều yếu tố mang tính rủi ro hiện hữu.

Theo nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), về mặt tích cực, các chỉ số vĩ mô của năm 2018 nhiều khả năng sẽ đạt được mục tiêu Chính phủ đặt ra đầu năm sẽ có tác động lên thị trường. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục có cải thiện, đặc biệt ở các nhóm ngành ngân hàng, dầu khí, dệt may và thủy sản.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong 3 tháng cuối năm cũng đối diện nhiều yếu tố mang tính rủi ro hiện hữu như: biến động của đồng USD, đồng NDT, rủi ro lạm phát khiến NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thận trọng. Bên cạnh đó, việc FED tăng lãi suất theo đúng lộ trình sẽ tiếp tục mang đến rủi ro cho đồng tiền các nước mới nổi, khiến NHTW nhiều nước phải nâng lãi suất. Một mặt bằng lãi suất cao hơn ở nhiều nước đang được hình thành, đây cũng là một sức ép với mặt bằng lãi suất trong nước và lãi suất tăng thì luôn là thông tin không tích cực đối với thị trường chứng khoán.

P/E của Việt Nam đã ở mức khá cao

Xét về chỉ số P/E, thị trường Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm có chỉ số cao của khu vực, sau 2 năm tăng trưởng liên tiếp từ mức thấp trong khu vực, hiện chỉ số P/E của HSX đã lên mức khá cao. Khi so sánh với thị trường Thái Lan, Indonesia, Philippines, Pakistan và Ấn Độ, chỉ số P/B của Việt Nam đang ở mức 2,9 - tương đương với P/B của sàn SENSEX - Ấn độ, cao nhất trong 11 nước. Khi xem xét đến chỉ số P/E, thì chỉ số P/E của VN Index đang ở mức 18,4, nằm trong nhóm khá cao ở các thị trường so sánh, chỉ thấp hơn SENSEX của Ấn độ, hay JCI của Indonesia.

Tăng trưởng EPS của Việt Nam theo quý từ 2014 đạt mức trung bình 10,8%, cao thứ 3 trong 11 thị trường nghiên cứu. Chỉ số ROE của Việt Nam cũng ở mức hấp dẫn, 13,8% chỉ thấp hơn ROE của SENSEX của Ấn độ và KSE của Parkistan. Tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam nằm ở sự chắc chắn và ổn định của các chỉ số vĩ mô.

Các giải pháp của Chính phủ tiếp tục hỗ trợ thị trường

Thứ nhất, việc hoàn thiện dự thảo luật chứng khoán sửa đổi và công bố rộng rãi sẽ giúp cho nhà đầu tư tự đánh giá được khả năng Việt Nam sẽ được MSCI và FTSE xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi trong thời gian sắp tới hay không. Khả năng cao là luật chứng khoán sửa đổi sẽ giải quyết được các vấn đề còn tồn đọng được đưa ra trong bản báo cáo định kỳ hàng năm của FTSE và MSCI.

Thứ hai là việc Quốc hội có khả năng sẽ thông qua CPTPP trong kỳ họp tháng 10 này. Theo điều khoản được quy định của Hiệp định CPTPP, cần có ít nhất 6 thành viên tham gia thông qua hiệp định này để nó có hiệu lực.

Thứ ba, Ủy ban châu Âu đã kết thúc phiên họp và thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức EVFTA (dự kiến cuối năm 2018) và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn (đầu 2019). Việc tiếp xúc với hàng loạt nước Châu Âu nhằm có được sự ủng hộ thông qua EVFTA, từ đó giúp hàng hóa của Việt Nam có được thêm ưu đãi khi vào thị trường Châu Âu, phần nào giảm thiểu tác động không mong muốn từ cuộc chiến thương mãi Mỹ - Trung nhờ vào việc đa dạng hóa thị trường.

Ảnh hưởng tâm lý liên quan tới chiến tranh thương mại đang giảm dần

Tính đến nay, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã leo thang khá rõ rệt so với thời điểm cách đây khoảng 4 đến 5 tháng. Đánh giá về tác động của chiến tranh thương mại lên thị trường chứng khoán Việt Nam, chúng tôi cũng cho rằng do các nhà đầu tư đã dần làm quen với diễn biến này nên mức độ ảnh hưởng lên tâm lý thị trường đã giảm đi so với những tháng trước. Tác động của các sự kiện chiến tranh thương mại từ tháng 8 trở lại đây, lên chỉ số VNIndex và các chỉ số chứng khoán của Mỹ, Trung Quốc và Hongkong đã không còn quá rõ rệt. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh thương mại có thể tác động cả tích cực lẫn tiêu cực lên thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua các yếu tố cơ bản thiên về kinh tế và sản xuất

Rủi ro từ việc FED tăng lãi suất

Sau 3 đợt tăng vào tháng 1, tháng 6 và tháng 9/2018, FED có thể sẽ còn một lần tăng lãi suất vào kì họp tháng 11 hoặc tháng 12/2018. Năm 2019, FED có thể tăng tiếp 3 lần, và 1 lần vào năm 2020 với mức lãi suất mục tiêu là 3.25%.

Điều này đã và sẽ tiếp tục khiến dòng tiền đầu tư phân bổ lại cơ cấu tài sản, phân bổ lại giữa các thị trường và không tránh khỏi việc rút vốn ra khỏi các thị trường có tỷ lệ nợ vay cao. Diễn biến này sẽ mang đến cả tác động tích cực lẫn tiêu cực cho Việt Nam. Về mặt tích cực, việc dòng tiền đầu tư và đầu cơ đổ về Mỹ sẽ làm tăng giá trị của đồng Đô La Mỹ so với các đồng ngoại tệ khác. Nói cách khác, giá trị của Việt Nam Đồng có thể sẽ tiếp tục yếu đi so với Đô La Mỹ và trong kịch bản này, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ được hưởng lợi.

Về mặt tiêu cực, việc vốn rút về các thị trường mới nổi cũng đã tạo ra hiện tượng khối ngoại bán ròng, gây ảnh hưởng không tích cực lên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tiêu biểu là trong suốt 3 tháng qua, dòng tiền đã rút ròng ra khỏi thị trường mới nổi, riêng thị trường Việt Nam thì các nhà đầu tư nước ngoài đã rút tổng cộng 178,3 triệu USD.

Tuy nhiên, theo đánh giá của BVSC, đây là lộ trình đã được đưa ra từ trước và việc điều hành của FED cũng khá minh bạch, do đó nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị cho diễn biến này.

Rủi ro lạm phát đến từ giá dầu

Thông tin Mỹ sẽ tiếp tục áp lệnh trừng phạt lên Iran đã làm cho giá dầu phái sinh tăng mạnh và được nhiều chuyên gia dự đoán là có thể duy trì xu hướng tăng đến cuối năm 2018. Đây là mức cao nhất kể từ khi giá dầu mất giá liên tục từ năm 2014 dưới ảnh hưởng của căng thẳng chính trị Nga – NATO. Đánh giá về tác động của việc giá dầu tăng đối với Việt Nam, nhóm phân tích nhận định nếu điều này xảy ra sẽ tác động theo chiều hướng tiêu cực tới chỉ số CPI.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top