Aa

Chứng khoán Việt và TTCK thế giới "đồng thuận" tăng điểm

Thứ Hai, 27/08/2018 - 06:01

Thị trường chứng khoán Việt Nam và TTCK thế giới tuần qua đều ghi nhận sự đồng thuận về một điểm chung khi điểm số đều gia tăng…

TTCK Việt Nam đi qua một tuần "suôn sẻ" với biên độ thu hẹp

Sau giai đoạn giao dịch thăng hoa trước đó, VN-Index đã có một tuần giao dịch bình ổn với biên độ và thanh khoản thu hẹp, dù chỉ số này tiếp tục ghi nhận sắc xanh tích cực. Chốt tuần giao dịch, VNI đóng cửa ở mức 987,05 điểm, tăng 1,9% so với đầu tuần. Trong khi đó, HNX lại có trạng thái bứt phá khi ghi nhận mức tăng lên tới 3,3% dừng tại 111,62 điểm.

Biến động VN-Index trong 3 tháng

Biến động VN-Index trong 3 tháng

VN-Index ghi nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm trong tuần vừa qua với biên độ tăng/giảm mỗi phiên chỉ vài điểm. Ngay cả diễn biến trong phiên cũng mang nhiều sắc thái bất ngờ khi tình trạng "đánh úp" trong phiên vẫn thường trực diễn ra. Đáng chú ý hơn cả là trong những phiên giao dịch toàn thị trường đã có diễn biến tích cực nhờ nhóm cổ phiếu VN30 luân phiên thay nhau giữ nhịp thị trường, nổi bật là các cổ phiếu BID, VIC, VNM, GAS…

Trạng thái giằng co giữa mua và bán vẫn tiếp diễn mà không có tín hiệu cải thiện nào được ghi nhận. Mặt khác, yếu tố gây bất ổn tâm lý cũng tiềm ẩn khi mà tỷ giá và lãi suất huy động đang có dấu hiệu nhích lên. Bên cạnh đó hiện tượng khối ngoại vẫn liên tiếp bán ròng trong tuần qua tạo áp lực không nhỏ lên chỉ số và tâm lý nhà đầu tư. Dòng tiền của nhà đầu tư có phần thận trọng trong phiên và có dấu hiệu suy yếu làm thị trường rung lắc.

Gần về cuối tuần, sự kiến đàm phán Mỹ - Trung đã kết thúc mà không có kết quả đột phá nào ngoài việc hai nước tiếp tục đợt áp thuế thứ hai nhằm vào 16 tỷ USD hàng hóa mỗi bên. Điều này đã thúc đẩy tâm lý lo ngại về bất ổn leo thang.

Theo các chuyên gia FPTS, VN-Index vẫn sẽ phải đối mặt với rủi ro sụt giảm trong các phiên đầu tuần tới. Ngưỡng kháng cự của chỉ số đang tồn tại ở khu vực 990 -1000 điểm. Ở chiều ngược lại, khu vực 960 – 970 điểm sẽ giữ vai trò hỗ trợ mạnh cho xu hướng ngắn hạn. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên giữ tâm lý quá bi quan mà cần theo dõi kỹ thị trường tại các ngưỡng điểm quan trọng để ra quyết định hợp lý. Nếu xuất hiện sự điều chỉnh thì đây có thể sẽ là cơ hội để chọn lọc lại cổ phiếu cho kỳ vọng kết quả kinh doanh quý III/2018.

Trên thị trường phái sinh, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua vẫn đang ở mức trung bình tháng. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 83,800 hợp đồng.

Mặc dù trong suốt tuần qua, sắc xanh của thị trường luôn đến từ phiên chiều khi lực cầu gia tăng giúp VN30-Index giữ được sắc xanh. Tổng kết lại, cả 4 hợp đồng đều có mức tăng khá, đặc biệt là F1810 tăng tốt nhất nhóm. Tuy vậy, một thực tế là hiện tượng đi lên nhưng VN30-Index vẫn giằng co mạnh, các cổ phiếu có sự phân hóa, động lực của thị trường cơ sở đến từ một số mã nhất định. Chính vì vậy trong giai đoạn này, hiện tượng rung lắc trong phiên luôn tiếp tục diễn ra khiến một bộ phận nhà đầu tư luôn cần thật thận trọng khi giữ vị thế qua ngày.

TTCK thế giới "đồng thuận" với TTCK Việt Nam

Đối với các thị trường Mỹ, dường như các chỉ số chứng khoán đều tăng điểm trong tuần, dẫn đầu bởi cổ phiếu công nghệ và năng lượng. Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.874 điểm (tăng 0,74%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.790 điểm (tăng 0,24%), và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.945 điểm (tăng 1,42%).

Giá dầu thô tăng gần 6% trong tuần qua khi thị trường năng lượng lo ngại lệnh trừng phạt đối với Iran sẽ thắt chặt nguồn cung dầu toàn cầu. Tổng thống Donald Trump bày tỏ hy vọng rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ giữ lãi suất thấp, và ông cáo buộc cả Trung Quốc lẫn châu Âu thao túng tiền tệ của họ để đẩy mạnh xuất khẩu. Cùng lúc đó cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra tại Washington, DC, nhưng rất ít tiến triển.

Bên cạnh đó, các chỉ số chứng khoán châu Âu cũng đều có sự hồi phục trong tuần qua. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.577 điểm (tăng 0,25%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.394 điểm (tăng 1,07%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.432 điểm (tăng 1,31%). Đồng Euro tăng điểm so với đô la Mỹ bất chấp những căng thẳng thương mại đang diễn ra và những lo ngại về chính trị. Tuy nhiên dữ liệu kinh tế của Eurozone đã có dấu hiệu cho thấy một số yếu tố về căng thẳng thương mại đang ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà kinh doanh. Chỉ số PMI của các nhà quản lý mua hàng tháng 8 tại Đức giảm, và PMI khu vực đồng Euro cho thấy sự mở rộng yếu và sự lạc quan của các công ty ở mức thấp nhất trong 23 tháng qua.

Tại Nhật Bản, thị trường chứng khoán đã tăng điểm tuần đầu tiên trong tháng này. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở mức 22.601 điểm (tăng 1,5%) và chỉ số TOPIX Index đóng cửa ở 1.709 điểm (tăng 1%). Đồng Yên kết thúc tuần ở mức 111,3 yên / USD. Về vĩ mô, chi tiêu công của Nhật Bản trong tương lai có thể tăng mạnh do chi tiêu quốc phòng. Theo hãng tin Jiji, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẵn sàng yêu cầu một khoản kỷ lục 5,3 nghìn tỷ Yên (khoảng 65 tỷ đô la) cho chi tiêu quốc phòng trong ngân sách tài khóa 2019, tăng khoảng 100 tỷ Yên so với ngân sách tài khóa 2018.

Cuối cùng, thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng hồi phục trong tuần qua cùng với các thị trường khác trên thế giới. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.729 điểm (tăng 2,1%), và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 27.671 điểm (tăng 1,46%). Đối với thị trường Trung Quốc, tâm điểm thu hút sự chú ý của giới đầu tư trong tuần qua là cuộc đàm phán về vấn đề thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên cả hai bên đều không tỏ ra nhượng bộ và mỗi nước đã tiếp tục áp đặt mức thuế đã được công bố trước đây lên 16 tỷ USD đối với phía bên kia.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top