Aa

Cafe cuối tuần: Góc nhìn đa chiều về doanh nghiệp bất động sản

Thứ Bảy, 13/01/2018 - 06:01

Sau mỗi kết luận thanh tra về quản lý đầu tư xây dựng một số dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý, sử dụng quỹ đất, quỹ nhà thì các doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt với hàng loạt những phân tích mổ xẻ về sai phạm. Mặc dù, nếu đánh giá một cách khách quan, không phải doanh nghiệp nào cũng sai phạm; đa số những doanh nghiệp làm ăn chân chính vẫn đang có những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thị trường bất động sản trong năm qua đã chứng kiến sự "lột xác" của nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh những chủ đầu tư làm ăn chân chính, tự đổi mới và tìm được hướng đi riêng, mang đến những sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng thì vẫn tồn tại một bộ phận làm ăn "chộp giật", khiến xã hội có cái nhìn thiếu thiện cảm.

Đặc biệt, theo số liệu từ Cục Đăng ký quản lý kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong các ngành nghề kinh doanh, kinh doanh bất động sản hiện là ngành có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhanh nhất về cả số lượng và số vốn trong năm 2017. Cụ thể, có tới 5.065 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới với tổng số vốn trên 388.000 tỷ đồng. Bình quân một ngày, có 14 doanh nghiệp bất động sản ra đời.

Sự bùng nổ trong việc thành lập các doanh nghiệp bất động sản cũng đang đặt ra những câu hỏi xoay quanh năng lực hoạt động, tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp trên thị trường hiện nay.

Thiết kế: Thế Công.

Thiết kế: Thế Công.

Cafe cuối tuần này xoay quanh những đánh giá khách quan, ghi nhận nỗ lực cũng như chỉ ra những hạn chế còn tồn tại của các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam. Reatines xin giới thiệu các vị khách mời: Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính); Chuyên gia tài chính và bất động sản, TS. Đinh Thế Hiển; TS.Trần Ngọc Quang, Uỷ viên BTV Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM.

PV: Mới đây, xuất phát từ việc công bố thanh tra doanh nghiệp bất động sản, mặc dù đây là hoạt động thanh tra bình thường theo kế hoạch, nhưng nhiều cơ quan báo chí, thậm chí là chuyên gia lại phân tích, mổ xẻ và đi sâu vào sai phạm của từng doanh nghiệp. Có quan điểm cho rằng, đây là thái độ không tốt, thể hiện sự đối xử thiếu công bằng, thiếu minh bạch với doanh nghiệp bất động sản. Thưa ông Lê Hoàng Châu, quan điểm của ông về câu chuyện này như thế nào?

Ông Lê Hoàng Châu: Trước đây, một doanh nghiệp mỗi năm phải tiếp nhiều đoàn thanh tra của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ doanh nghiệp vào tháng 3/2017 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã ký ngay chỉ thị số 20, quy định rằng trong 1 năm, doanh nghiệp chỉ phải tiếp 1 đoàn thanh, kiểm tra.

Tuy nhiên, trên thực tế, Chỉ thị này chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Vừa qua, Bộ Xây dựng đã công bố danh sách các doanh nghiệp được thanh tra 2018, đây là câu chuyện hết sức bình thường nhưng báo chí đã có nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp có tên trong danh sách thanh tra đã được chọn lọc, rơi vào tầm ngắm sai phạm. Trong khi đó, đây là hoạt động bình thường của cơ quan quản lý Nhà nước đối với đối tượng chịu sự quản lý là các doanh nghiệp, dựa trên kế hoạch khách quan. Tất nhiên, có trường hợp doanh nghiệp thanh tra có sai phạm nhưng đó là cá biệt, thuộc diện thanh tra đột xuất, thanh tra theo phản ánh...

Cũng như trong ngành thuế, mỗi năm, cơ quan thuế phải quyết toán thuế với rất nhiều doanh nghiệp nhưng không thể quyết toán hàng năm với từng doanh nghiệp vì số lượng doanh nghiệp quá lớn. Riêng TP.HCM, có gần 400 ngàn doanh nghiệp, trong đó có khoảng 200 ngàn doanh nghiệp hoạt động thực sự. Do đó, người ta tính trên xác suất, năm nay có bao nhiêu doanh nghiệp, doanh nghiệp nào phải quyết toán thuế.

Trong danh sách doanh nghiệp thanh tra 2018, có nhiều doanh nghiệp hoạt động rất đường hoàng, hiệu quả, có uy tín trên thị trường, thể hiện ở chất lượng sản phẩm, giao dịch trên thị trường cũng như nghĩa vụ đóng thuế đối với Nhà nước. Thậm chí, trong đó có doanh nghiệp vừa rồi nhận được phần thưởng cao quý của Nhà nước.

PV: Định kiến về doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành bất động sản hiện còn rất lớn. Thậm chí quan điểm “doanh nghiệp bất động sản làm nghèo đất nước” đang tồn tại cho đến thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, đánh giá một cách công bằng, doanh nghiệp làm ăn chân chính vẫn còn rất nhiều, đóng góp lớn cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Theo các vị chuyên gia, đâu là nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp bất động sản bị gắn một cái mác không mấy thiện cảm như vậy?

TS. Đinh Thế Hiển: Có thể nói giai đoạn trước năm 2006, thường thì các công ty bất động sản (nhóm thứ nhất) có quan hệ quen biết với các quan chức, họ đã xin các dự án ngay ở cả khu dân cư, khu đất nông nghiệp và đền bù đất với giá rẻ để lấy đất, sau đó, doanh nghiệp phân lô nhưng chẳng đầu tư gì hết mà chỉ bán nền để lấy lời.

Đến giai đoạn 2006 – 2011, có thêm những dạng doanh nghiệp (nhóm thứ hai) vừa kết hợp vay vốn ngân hàng và dùng các dự án Nhà nước như BOT -đổi đất lấy hạ tầng, mua đất Nhà nước với giá rẻ thông qua mua trực tiếp hoặc mua qua qua công ty cổ phần hóa đã dẫn đến tình trạng xảy ra các dự án sai phạm. Với cách làm như vậy nên cộng đồng luôn nghĩ các doanh nghiệp bất động sản cấu kết với một số quan chức để mua đất của dân, đền bù với giá rẻ rồi bán đắt, cả chuyện lấy đất công với giá thấp...

Tuy nhiên từ giai đoạn 2012 đến này, cách thức hoạt động của các công ty bất động sản đã khác trước rất nhiều. Họ (nhóm thứ ba) có lực lượng bán hàng, có lực lượng đầu tư xây dựng, họ tự tổ chức vốn, mua bán đất đúng theo thương lượng và xây lên những chung cư hiện đại rất tốt. Tuy nhiên, trong nhóm này vẫn còn rơi rớt lại những doanh nghiệp làm ăn "chộp giật" như làm chung cư ẩu, chậm tiến độ. Đánh giá một cách khách quan, những doanh nghiệp đó thường là tàn dư của giai đoạn trước. Những doanh nghiệp nhóm thứ ba hiện giờ đều làm ăn có bài bản, xây dựng những khu đô thị khó mà chê được, cũng như có những đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

TS. Đinh Thế Hiển

TS. Đinh Thế Hiển.

PGS. TS Ngô Trí Long: Chúng ta vẫn biết, bất động sản là lĩnh vực rất lớn có đóng góp cho tài sản của quốc gia cho nên, quá trình xây dựng thị trường đã tạo ra một nguồn lực lớn, một tài sản lớn cho xã hội. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, có những doanh nghiệp làm ăn chân chính và bên cạnh đó, có những doanh nghiệp làm không tốt, khó nhận được lòng tin của xã hội.

Theo tôi, quan điểm “làm nghèo đất nước" là không phải mà đó là tình trạng một số doanh nghiệp bất động sản làm thất thoát tài sản của Nhà nước; sử dụng chưa hiệu quả tài sản công và xây dựng lên những khu chung cư mà người dân không đến ở gây ra lãng phí của công.

TS. Trần Ngọc Quang: Bất động sản cũng là một ngành sản xuất hàng hóa. Các doanh nghiệp, bằng trí tuệ, công sức lao động của cả một đơn vị, đã tạo ra sản phẩm bất động sản từ những mảnh đất khô cằn, hoang sơ thành những khu đô thị, nhà máy công xưởng, khu vui chơi giải trí... Những giá trị đó vô cùng lớn, thay đổi bộ mặt không chỉ của một khu vực mà cả một địa phương. Giả dụ như có định kiến thì cũng chỉ của một số ít người không nắm rõ. Lĩnh vực bất động sản đang trở nên vô cùng quan trọng, có tác động tích cực đối với cả nền kinh tế. Giá trị mà ngành bất động sản đem lại lớn hơn rất nhiều so với nhiều ngành kinh tế khác.

Ông Lê Hoàng Châu: Điều này xuất phát từ lịch sử, ngay ở thời kỳ cận đại, dân gian vẫn có những thuật ngữ để chỉ doanh nhân. Nếu chỉ một doanh nhân tốt, làm giàu chính đáng thì dân gian gọi là “hào phú” nhưng để chỉ một doanh nghiệp mà tâm không tốt thì thường dùng từ “trọc phú”. Dân gian đã có sự phân biệt rõ như vậy.

Thị trường bất động sản Việt Nam chỉ phát triển sau đường lối đổi mới của Nhà nước từ năm 1986. Manh nha ở TP.HCM vào năm 1987, lúc đó TP có chủ trương bán hoá giá nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang đi thuê. Khi tư nhân hóa nhà của Nhà nước, tạo ra thị trường hàng hóa. Luật Đất đai đầu tiên ban hành vào năm 1987, nhưng không có đột phá. Cho đến năm 1993, việc coi đất đai có giá đã giúp khai sinh thị trường bất động sản. Song khi mới hình thành, phải thừa nhận đó là một giai đoạn hoang dã; các doanh nghiệp lợi dụng mối quan hệ, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ để tìm kiếm lợi nhuận qua đầu tư kinh doanh bất động sản.

Thời điểm đó, kinh doanh, đầu tư bất động sản không cần giải phóng mặt bằng (GPMB). Một dự án 3 – 5ha, duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vẫn còn nhà của dân trên đó nhưng đã vẽ bản vẽ của chủ đầu tư rồi đi bán. Chủ đầu tư tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, bất chấp trách nhiệm và nghĩa vụ dẫn đến chuyện doanh nghiệp tự phân lô bán nền sau đó mới dùng tiền đó để đi đền bù, GPMB. Nếu GPMB không được thì điều chỉnh quy hoạch, làm công viên cây xanh, dẫn đến những khu dân cư không đầy đủ tiện ích.

Do đó, định kiến xã hội không tốt đẹp đối với doanh nghiệp bất động sản là xuất phát từ thực tiễn lịch sử để lại. Tuy nhiên, từ khi hệ thống pháp luật dần hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý rõ ràng đã ràng buộc về trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nhân. Thậm chí, giới môi giới trước đây coi là “cò”, đến 2006 mới chính thức được công nhận là nhà môi giới. Lúc đó, trách nhiệm của họ đối với khách hàng cũng đã được nâng lên một bước. Hệ thống pháp luật hoàn thiện thì quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp bất động sản được xác định một cách đầy đủ hơn.

Ông Lê Hoàng Châu

Ông Lê Hoàng Châu.

Hiện nay, doanh nhân là những người có học, có tâm, có tầm, có năng lực, có chữ tín và chữ tình. Văn hóa doanh nghiệp bất động sản cũng được nâng cao so với trước. Trước đây, doanh nghiệp tìm mọi cách để phân lô bán nền, duyệt dự án, làm sao để hệ số sử dụng đất cao lên, mật độ xây dựng cao lên, số lượng căn hộ nhiều lên mà bất chấp những tiện ích, dịch vụ. Bây giờ, doanh nghiệp nào làm theo chiêu thức đó sẽ thất bại. Các dự án dù là thương mại giá rẻ cũng được quan tâm đầy đủ tiện ích cho người dân.

“Thực tế cho thấy, từ năm 2014 trở lại đây, thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn và bước vào giai đoạn phục hồi với nhịp cung cầu có nhiều dấu hiệu khởi sắc, quy hoạch đô thị cũng từng bước được lập lại trật tự, đầu tư bắt đầu hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp bất động sản cũng đã có ý thức cải tiến về sản phẩm, cách thức hoạt động để bắt kịp với sự đòi hỏi của nhu cầu thị trường. Sự thay đổi tích cực đó nhờ một công cụ quản lý rất quan trọng, có thể nói mang tính bước ngoặt cho thị trường bất động sản Việt Nam, chính là Nghị định số 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư, phát triển đô thị”. Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Trong xã hội cũng đã có sự thay đổi cách nhìn đối với doanh nghiệp bất động sản. Thay vì trước đây, cộng đồng dư luận hình dung doanh nhân bất động sản là một ông đầu hói, bụng to, mặt bự, tay này xách cặp tiền, tay kia ôm người đẹp... một hình ảnh rất tệ hại. Thì bây giờ đã khác, doanh nghiệp bất động sản tạo việc làm cho hàng nghìn người, đóng góp ngân sách hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Tất nhiên, trong số hiện tại, vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp làm ăn "chộp giật", trục lợi, lừa đảo khách hàng như Alibaba, Việt Hưng Phát... Những doanh nghiệp này đã được Hiệp hội, cơ quan quản lý Nhà nước cảnh báo, vào cuộc điều tra. Đó là một động thái rất tích cực cho thấy, phải phân biệt rõ ràng đối với những doanh nghiệp làm ăn gian dối và ủng hộ những đơn vị uy tín, thượng tôn pháp luật, góp phần thanh lọc thị trường bất động sản ngày càng minh bạch, bền vững, từ đó, tạo ra góc nhìn công tâm hơn cho doanh nghiệp. Bởi không phải ai cũng có thể phân biệt rạch ròi điều đó. Người hiểu biết thì đánh giá tích cực vai trò của doanh nghiệp, còn dư luận mang tính tiêu cực thì quy cho tất cả doanh nghiệp bất động sản đều giống nhau.

Ngay cả Tổng cục thống kê vừa rồi cũng cho rằng đóng góp kinh tế của bất động sản không lớn như mọi người tưởng, chỉ 0,21% trong GDP của toàn quốc. Tuy nhiên, đó là một đánh giá chưa ổn. Bất động sản là lĩnh vực tiêu dùng lớn nhất của nền kinh tế. Nếu nhìn tất cả hoạt động của các ngành kinh tế hiện nay, không một ngành nào không gắn liền với bất động sản.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch Đầu tư, bất động sản liên quan đến 95 ngành kinh tế, sử dụng hàng chục ngàn sản phẩm của các ngành kinh tế khác, tạo ra giá trị cho xã hội. Đơn cử, có thể nhìn thấy rất rõ giá trị gia tăng của bất động sản khi biến một khu đất ruộng thành một khu đô thị là rất lớn.

Hay như quận 7 (TP.HCM) ngày xưa thu nộp ngân sách chỉ 2 – 3 trăm tỷ đồng lúc mới thành lập nhưng bây giờ, đã lên tới mấy ngàn tỷ đồng, bằng mấy tỉnh vùng sâu vùng xa. Như vậy, nói đóng góp của bất động sản vào tăng trưởng GDP không đáng kể là không đúng. 

PV: Thưa ông Lê Hoàng Châu, theo như phân tích của ông thì làm thế nào để cộng đồng, khách hàng hiểu được hiện tượng “trộn lẫn” doanh nghiệp tốt, xấu trên thị trường, từ đó có cái nhìn khách quan hơn đối với các doanh nghiệp bất động sản?

Ông Lê Hoàng Châu: Trăm nghe không bằng một thấy, khách hàng cần mục sở thị, khảo sát uy tín của doanh nghiệp từ các dự án do doanh nghiệp làm ra, khảo sát thông tin của doanh nghiệp, dự án từ các cơ quan quản lý như Sở Xây dựng, từ những đơn vị tư vấn uy tín, tham khảo từ bạn bè, người thân...

Doanh nghiệp bất động sản chân chính họ đều quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu mà thương hiệu có được đến từ uy tín, chất lượng sản phẩm, giá bán hợp lý, từ việc thực hiện đúng cam kết tiến độ, chính sách về giá cả, có sự chia sẻ giá trị gia tăng cho khách hàng và nhà đầu tư thứ cấp, làm tốt công tác hậu mãi chăm sóc khách hàng, làm tốt công tác quản trị chung cư... thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ nhìn nhận thấy.

Ngay cả khi bán nhà hình thành trong tương lai, với những chủ đầu tư uy tín, khách hàng có thể không cần ngân hàng bảo lãnh.

Có hiện tượng khách hàng bán tín bán nghi đối với hoạt động của một số doanh nghiệp là bởi những đơn vị này trước đây đã từng có tì vết, tiền lệ không tốt trong hoạt động kinh doanh của mình. Đơn cử như “hiện tượng” Địa ốc Alibaba gần đây mà nếu không có sự cảnh báo vào cuộc kịp thời của Hiệp hội và cơ quan chức năng thì sẽ có nhiều hơn con số gần 500 khách hàng bị lừa đảo. Như vậy, công tác tuyên truyền, thông tin của các Hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước và truyền thông có vai trò rất lớn trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng trước các doanh nghiệp làm ăn không đường hoàng.

PV: Vậy theo các chuyên gia, trong thời gian tới, Nhà nước nên hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản như thế nào? Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần nhìn lại bản thân để phải cải thiện, thay đổi ra sao để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững?

PGS.TS Ngô Trí Long: Theo tôi, đầu tiên, đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào không chỉ riêng bất động sản mà trong một nền kinh tế, khi nhu cầu nhà ở còn đang rất lớn thì doanh nghiệp đòi hỏi phải giữ chữ tín là số một. Phải tạo dựng thương hiệu, lấy lại được lòng tin đối với cộng đồng xã hội, với người dân, người tiêu dùng, đó là điều quan trọng. Mà lấy lại lòng tin bằng chất lượng, giá cả, thái độ phục vụ. Hiện nay, người tiêu dùng rất thông minh, nguồn cung tương đối nhiều, người ta có quyền lựa chọn. Có chữ tín thì sẽ tồn tại.

Bên cạnh đó, cũng không thể phân biệt loại hình doanh nghiệp lớn hay nhỏ, miễn là làm ăn chân chính. Có doanh nghiệp nhỏ mà làm tốt thì không thể phủ nhận đóng góp của họ.

Về phía Nhà nước, phải tạo ra môi trường cạnh tranh thực sự, tạo cơ chế chính sách, tạo sự công bằng bình đẳng, bởi tất cả các doanh nghiệp là như nhau, cần môi trường công bằng, lành mạnh để phát triển, phải có chế tài hoàn toàn nghiêm khắc đối với những đơn vị làm ăn mất uy tín.

PGS. TS Ngô Trí Long

PGS. TS Ngô Trí Long.

TS. Đinh Thế Hiển: Ở đây, phải nói các doanh nghiệp khi hoạt động cần có tính chuyên môn hóa và tập trung vào chất lượng, tức là chuyên mảng nào sẽ phụ trách mảng đó. Doanh nghiệp nào làm căn hộ thì chỉ làm căn hộ; trong phân khúc căn hộ, cũng phân ra doanh nghiệp chuyên làm loại hình cao cấp, trung bình hay giá rẻ.... Rõ ràng, chuyên môn hóa như vậy mới tốt.

Thứ hai là khi một dự án được xây dựng lên thì doanh nghiệp đầu tư cũng phải gắn chặt chẽ quan hệ với dự án đó chứ không phải bán lấy lời rồi lại tiếp tục phát triển dự án khác. Tất nhiên, doanh nghiệp cũng phải kết hợp với ban quản lý chung cư để quản lý đảm bảo dịch vụ của chung cư đó được tốt. Từ đó, không những khách hàng của mình được hưởng lợi mà chính doanh nghiệp cũng có danh tiếng, thương hiệu. Thế nên, doanh nghiệp không phải chỉ quan tâm giai đoạn khai thác đầu tư mà phải chú ý đến công tác sau bán hàng.

Thứ ba, trong quá trình chuyên môn hóa, doanh nghiệp phải có năng lực, phải có "chuỗi liên kết", doanh nghiệp đừng nên ôm hết mà phải chọn lựa trong từng giai đoạn, những đơn vị làm tốt trong từng phân khúc để cộng tác với nhau, hợp lý hóa hơn, tốt hơn thay vì tự mình làm từ A-Z.

TS. Trần Ngọc Quang: Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là hiện nay, thủ tục đầu tư trong hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản chưa được minh bạch. Chính vì vậy, chi phí cho những thủ tục đó vô cùng lớn. Đã đến lúc Nhà nước cần có những giải pháp để khắc phục tình trạng này một cách triệt để, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, khách hàng và lợi ích của quốc gia, không để những chi phí đó chảy vào nhóm lợi ích.

Về phía doanh nghiệp, rõ ràng, họ phải tìm con đường ngắn nhất để đạt được mục tiêu. Điều quan trọng, là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, làm thế nào để buộc doanh nghiệp phải đi con đường đúng thay vì phải đi đường tắt để đạt mục tiêu. Trách nhiệm đó thuộc về ý thức trách nhiệm và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước.

TS. Trần Ngọc Quang

TS. Trần Ngọc Quang.

Ông Lê Hoàng Châu: Mỗi doanh nghiệp hiện nay đều có ý thức xây dựng uy tín, thương hiệu, văn hóa của họ. Các doanh nghiệp đều rút kinh nghiệm từ nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, là phải có văn hóa doanh nghiệp riêng. Văn hóa đó thể hiện ngay trong chính sản phẩm của doanh nghiệp. Ví dụ, Phúc Khang lựa chọn đi theo bất động sản xanh, đó là sự lựa chọn khác biệt, chi phí tốn kém hơn nhưng người ta lựa chọn vì cho rằng, đó là xu hướng bền vững.

Văn hóa doanh nghiệp phải đi đôi với tinh thần của doanh nghiệp. Hiện nay, TP.HCM cũng có nhiều doanh nghiệp bất động sản kiểu “trọc phú”, muốn hưởng tất cả lợi nhuận mà không có ý định chia sẻ với đối tác, khách hàng. Đó là kiểu kinh doanh không bền vững. Bên cạnh đó, văn hóa doanh nghiệp cũng thể hiện ở cách ứng xử của chủ doanh nghiệp khi xảy ra sự cố đối với tập đoàn, dự án, thể hiện qua phong cách, hoạt động tổ chức hội nghị khách hàng, tôn trọng khách hàng hay không...

Cùng với điều kiện tiên quyết để thị trường phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp là thể chế và chính sách thì bản thân doanh nghiệp cũng phải nhìn lại chính mình. Pháp luật thông thoáng cởi mở nhưng phải thực hiện tốt vai trò quản lý Nhà nước bằng cơ chế, công cụ chính sách.

Để tạo được góc nhìn tích cực cho khách hàng, xã hội, mỗi doanh nghiệp nên thực hiện lời dạy của Khổng Tử: “Nhật nhật tân, hựu nhật tân”, tức là phải đổi mới hàng ngày để đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới. Tinh thần của doanh nghiệp phải là tinh thần khởi nghiệp liên tục. Thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp bao gồm tái cơ cấu đầu tư, tái cấu trúc sản phẩm, tái cấu trúc bộ máy và nâng cấp nguồn nhân lực...

Tôi vẫn nói với các hội viên, hiện có 4 vấn đề an toàn mà doanh nghiệp phải lưu ý, đầu tiên là an toàn về pháp lý, hoạt động kinh doanh dưới tinh thần thượng tôn pháp luật để tồn tại bền vững. Tiếp theo là an toàn tài chính và tín dụng, đó là vòng tuần hoàn của doanh nghiệp. An toàn thứ 3 là nội bộ, trong nội bộ đó phải là khối thống nhất về mặt mục tiêu, không có nghĩa là bao che nhau, nhưng phải có sự dung hòa, thống nhất, có cơ chế phản biện bên trong nội bộ để tiếp nhận các ý kiến trái chiều. Cuối cùng là an toàn tự mình phát triển tùy theo hoạt động kinh doanh.

Xin chân thành cảm ơn các quý vị!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top