Đề xuất táo bạo
Tại hội thảo “Giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh (công viên Hữu nghị Việt – Nhật) và các thiết chế văn hóa, hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch” diễn ra vào cuối tuần qua, nhiều chuyên gia bày tỏ đây là một ý tưởng táo bạo nhưng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng.
Theo đó, Công ty cổ phần tập đoàn môi trường Nhật Việt JVE đề xuất ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh kết hợp với hệ thống hầm ngầm chống ngập và cao tốc ngầm.
Song, nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực đô thị đều cho rằng, ý tưởng tuy táo bạo nhưng “quá sức” với điều kiện kinh tế như Việt Nam hiện nay cũng như khó có thể khả thi trong thực tế.
Giáo sư, Tiến sỹ Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam nhận định: “Có thể nói đề xuất của Công ty JVE là đề xuất táo bạo nhưng quá nhiều mục tiêu. Dưới góc độ chuyên môn tôi chỉ đề cập đến vấn đề xử lý môi trường và tiêu thoát ngập cho Hà Nội”.
Trong đó, vấn đề xử lý nước thải thì Việt Nam đã thành công với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở TP.HCM nên cũng không có gì khó khăn. Điều này đồng nghĩa với việc, để sông Tô Lịch có thể sạch sẽ hơn hiện nay thì cần kíp nhất là làm sao tách hoàn toàn nước thải ra khỏi sông.
“Tôi được biết, hiện Hà Nội đang triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với quy mô lớn, sẽ xây dựng hệ thống ống thu gom nước thải dọc hai bên sông Tô Lịch. Như vậy sau khi hoàn thiện thì vấn đề ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch cơ bản được giải quyết”- GS. Đào Xuân Học cho biết.
Còn với vấn đề thoát úng ngập cho Hà Nội, GS. Đào Xuân Học cho rằng, Chính phủ đã phê duyệt đầu tư hệ thống thoát nước, chống ngập cho Hà Nội với công suất 570m3/s, với công suất này thì về mặt vỹ mô hoàn toàn có thể tiêu thoát nước cho Hà Nội.
“Chúng ta phải nhìn lại, những trận mưa ngập vừa qua ở Hà Nội là do nội tại. Trong khi mực nước các sông Tô Lịch, sông Nhuệ còn rất thấp thì trong nội đô lại bị ngập do không tiêu thoát, không chảy kịp ra sông Tô Lịch, như vậy là do vấn đề hệ thống tiêu thoát nước nội đô chứ không do sông Tô Lịch hay sông Nhuệ tiêu thoát kém”- GS. Đào Xuân Học cho biết.
Theo đó, GS. Đào Xuân Học phân tích, có tình trạng này là do Thủ đô đã tăng mạnh về quy mô dân số cũng như đô thị mạnh mẽ cùng với đó là nhu cầu tiêu thoát nước cũng tăng lên, trong khi hệ thống tiêu thoát nước cũ lại không được nâng công suất mà chỉ kéo dài hệ thống ống ra thì rõ ràng tốc độ tiêu thoát nước không thể nhanh được.
Thêm vào đó, Hà Nội vẫn khai thác nước ngầm với quy mô lớn, việc này sẽ gây sụt lún tác động đến hệ thống thoát nước, gây chênh lệch làm cho việc tiêu thoát chậm hơn.
Cũng theo GS. Đào Xuân Học, việc làm bể ngầm ở luu vực sông Tô Lịch để chứa nước mỗi khi mưa lớn như đề xuất của Công ty JVE cần phải tính toán kỹ vì vốn đầu tư lớn trong khi hiệu quả thì chưa chứng minh được bằng cơ sở khoa học.
Cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng từng vấn đề
Còn theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, từ năm 2011, TP. Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên bờ tuyến sông Tô Lịch, trong đó yêu cầu tạo lập phát huy vai trò của mặt nước, tạo cảnh quan hai bên bờ sông, kết nối trục không gian hai bên… Tuy nhiên, đến nay quy hoạch này vẫn chưa được thực hiện do việc xử lý nguồn nước ô nhiễm tại dòng sông này chưa được giải quyết được.
“Vấn đề hiện nay cần phải làm sạch nước sông thì mới tính đến chuyện khai thác,” KTS. Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng dự án Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch cần kế thừa những điểm mạnh, điểm yếu của các công trình trước đó để rút ra kinh nghiệm và thích ứng với hoàn cảnh hiện tại, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu.
Ông cho rằng ý tưởng xây đường cao tốc ngầm và hầm chống ngập dọc sông Tô Lịch chưa nên bàn vội mà phải xác định mục tiêu và nguồn vốn cụ thể. Ngoài ra, lãnh đạo thành phố phải tính đến việc kết nối sông Tô Lịch với các sông hồ khác để tăng khả năng thoát nước, giải quyết vấn đề úng ngập.
Về các thiết chế văn hóa trong công viên, ông Nghiêm cho rằng cần lấy ý kiến nhiều chuyên gia văn hóa, lịch sử, dân tộc học để xây dựng các hạng mục đảm bảo thẩm mỹ.
“Trước đây, để dựng tượng đài Vua Lý Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm, chúng tôi đã lấy ý kiến rất nhiều chuyên gia, bàn bạc trong nhiều năm mới thống nhất được. Nay, dự án có tham vọng đặt một loạt tượng danh nhân văn hóa các triều đại thì phải nghiên cứu rất kỹ,” ông nói./.