Aa

Việt Nam cần thêm nguồn cung mặt bằng bán lẻ để hút vốn ngoại

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Thứ Bảy, 01/10/2022 - 06:06

Việt Nam đang có nhiều lợi thế so với các nước trong khu vực về thu hút dòng vốn ngoại. Nếu nguồn cung mặt bằng bán lẻ được cải thiện, Việt Nam sẽ thu hút thêm nhiều thương hiệu quốc tế trong thời gian tới.

Loạt “ông lớn” nước ngoài đổ bộ gia nhập thị trường bán lẻ Việt

Báo cáo Cushman & Wakefield quý II/2022 cho thấy, toàn TP.HCM không có thêm nguồn cung bán lẻ mới trong quý, tổng nguồn cung vẫn ổn định ở mức khoảng 1,1 triệu m2. Tỷ lệ trống được ghi nhận ở mức 5,1%, giảm 0,4% so với quý trước, giá chào thuê trung bình toàn thị trường đạt 49 USD/m2/tháng, tăng 4% so với năm 2021. Tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tăng mạnh, đạt khoảng 117 tỷ USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong quý này, một loạt các “ông lớn” nước ngoài đã khai trương thêm cửa hàng hoặc thông báo kế hoạch mở rộng quy mô. Cụ thể, cuối tháng 4 vừa qua, Uniqlo đã tổ chức sự kiện khai trương cửa hàng mới rộng đến 3.000m2 tại Saigon Centre, thu hút đông đảo khách hàng đến tham dự và trải nghiệm.

Một nhà bán lẻ ngoại được giới trẻ ưa thích khác là Muji, tiếp tục thừa thắng xông lên với cửa hàng thứ 4 tại Cresent Mall quận 7, bên cạnh cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM và 2 cửa hàng tại Hà Nội. AEON cũng đã có kế hoạch mở rộng chuỗi bán lẻ quy mô nhỏ lên đến 100 cửa hàng MaxValu vào cuối năm 2025 và tăng từ 6 trung tâm thương mại hiện tại lên 16 trung tâm thương mại tương lai. Ngoài ra, nhiều nhãn hàng mới cũng đang bước đầu gia nhập thị trường với các cửa hàng trực tuyến trước khi mở các cửa hàng truyền thống tại Việt Nam như Sephora, Perfect Diary và Maje.

Cũng vì vậy, một năm trở lại đây, tại các thành phố lớn đang xuất hiện nhiều hơn các thương hiệu bán lẻ mở mới hoặc tăng số lượng cửa hàng. Phân khúc bình dân phục vụ nhu cầu đại chúng như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đồ gia dụng, dịch vụ sức khỏe, ăn uống đều hoạt động tốt và đang tiếp tục mở rộng.

Cải thiện nguồn cung mặt bằng bán lẻ là giải pháp quan trọng thu hút nhiều thương hiệu lớn đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Bên cạnh sự mở rộng của khối ngoại, một xu hướng mới đang nở rộ là việc hình thành hệ sinh thái đa ngành của các chủ đầu tư bất động sản nội địa, trong đó có ngành ăn uống và hàng tiêu dùng để cung cấp dịch vụ và sản phẩm thiết yếu cho khách hàng là cư dân, nhân viên văn phòng nội khu. Nhờ đó, thay vì để trống diện tích bán lẻ trong dự án và chờ khách thuê đến, chủ đầu tư giờ đây có thể tự lấp đầy và vận hành dãy nhà phố hoặc khối đế thương mại.

Theo nhận định của Cushman & Wakefield, thị trường bán lẻ hiện nay đã qua thời thương hiệu nội hay ngoại mà doanh nghiệp bán lẻ nào nhanh tay hơn và có chiến lược trong việc tập trung vào trải nghiệm của khách hàng sẽ giành chiến thắng.

Sau thời gian “thử nghiệm” bán hàng trực tuyến bất đắc dĩ mùa giãn cách, các nhà bán lẻ đã tự tin hơn, thói quen của người tiêu dùng trong và sau Covid-19 cũng thay đổi, đòi hỏi những toan tính mới của chính mỗi doanh nghiệp khi triển khai mô hình kinh doanh kết hợp đa kênh.

Ngoài ra, sự phát triển của mạng xã hội và dịch vụ quảng cáo đi kèm cũng giúp thương hiệu giảm được áp lực tìm được mặt bằng đẹp, vị trí trung tâm để quảng bá thương hiệu. Đặc biệt, đối với các nhà bán lẻ đã có chỗ đứng trên thị trường như Zara và H&M, đang chú trọng mở nhiều cửa hàng nhỏ phục vụ cư dân trong một khu vực bên cạnh duy trì cửa hàng flagship ở vị trí trung tâm để khẳng định thương hiệu và nâng cao trải nghiệm với khách hàng.

Theo Cushman & Wakefield, khách hàng Việt tuy đã có thời gian làm quen với việc mua hàng online, họ vẫn sẵn sàng đến cửa hàng để được trải nghiệm sản phẩm trực tiếp. Có thể thấy, mặt bằng bán lẻ vẫn có chỗ đứng không thể thay thế được trong mô hình bán lẻ đa kênh.

“Dự báo, đến cuối năm nay, ước tính có 98.000m2 trung tâm thương mại gia nhập khu Đông và Tây TP.HCM. Thị trường bán lẻ được kỳ vọng sẽ năng động hơn trong những năm sắp tới, khi mà ngày càng nhiều thương hiệu quốc tế đến với thị trường Việt Nam”, Cushman & Wakefield nhận định.

Đâu là lý do khiến thị trường Việt Nam có sức hút mạnh?

Theo ông Nick Bradstreet, Giám đốc Bộ phận Bán lẻ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại Savills, Thái Lan và Việt Nam đang là hai thị trường nổi bật tại Đông Nam Á. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ toàn cầu, đặc biệt là các công ty có văn phòng tại Singpapore đang nghiên cứu cơ hội đầu tư tại hai nước. Tuy nhiên, ngành bán lẻ của Thái Lan đã chịu ảnh hưởng đáng kể do yếu tố dịch bệnh. Nguyên nhân đến từ sự sụt giảm trong doanh thu bán lẻ đối với khách quốc tế trong hai năm Covid-19.

Trong khi đó, Việt Nam sở hữu nguồn cầu nội địa mạnh mẽ. Ngành bán lẻ Việt Nam ít bị phụ thuộc vào các yếu tố nước ngoài. Hơn nữa, khó khăn trong việc di chuyển quốc tế đã thay đổi thói quen tiêu dùng người Việt. Do không thể bay ra nước ngoài, họ đã làm quen với việc mua sắm trong nước.

Điều này phản ánh ở các chỉ số tiêu dùng hàng hóa bán lẻ của Việt Nam khi có sự phục hồi bắt đầu từ giai đoạn cuối năm 2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Có thể thấy, ngành bán lẻ quốc nội đang dần bắt kịp với tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn tiền Covid-19. Nền kinh tế Việt Nam giữ được đà tăng trưởng tốt ở mức 6,4% trong 6 tháng đầu năm 2022. Đây là những tín hiệu tích cực để thu hút các thương hiệu bán lẻ tìm hiểu và tạo dựng lòng tin về tiềm năng phát triển của quốc gia.

Ông Nick Bradstreet nhận định: "Thị trường Việt Nam đang có lợi thế để bật cao hơn so với những thị trường lớn trong Đông Nam Á như Singapore và Thái Lan. Hầu hết các thương hiệu nổi tiếng quốc tế đều đã có mặt tại những thị trường này. Từ các hãng bình dân như H&M, Zara đến những nhãn hàng cao cấp như Louis Vuitton, Dior đều đã có 5 đến 6 cửa hàng tại Singapore và Bangkok. Trong khi đó, các thương hiệu này chỉ mới mở khoảng 1 đến 2 cửa hàng tại các thành phố lớn của Việt Nam. Đây chính là cơ hội cho các nhãn hãng, thương hiệu đến Việt Nam và mở rộng thị trường".

Ông Nick Bradstreet, Giám đốc Bộ phận Bán lẻ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại Savills

Tuy nhiên, vị chuyên gia Savills cũng chỉ ra, các doanh nghiệp hiện tại đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng phù hợp. Những thương hiệu thuộc phân khúc cao cấp thường hướng đến những địa điểm tập trung nguồn khách hàng cao cấp, thường là ở khu vực trung tâm. Họ có thói quen đặt cửa hàng tại các trung tâm thương mại trên những trục phố "đắt giá", ví dụ như IFC Mall của Hồng Kông hay IAPM Mall của Thượng Hải. Tuy nhiên, nguồn cung phù hợp tiêu chuẩn tại Việt Nam vẫn còn rất hạn chế.

Hiện nay, chỉ có một tòa nhà tọa lạc tại vị trí đắc địa ngay giữa trung tâm thành phố, ở góc giao bốn tuyến đường chính Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi và Lê Thánh Tôn (quận 1, TP. HCM) và quy tụ nhiều thương hiệu nổi tiếng.

Xét tại thị trường Hà Nội, khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm hiện cũng đang thiếu hụt mặt bằng phù hợp với các thương hiệu cao cấp. Nghiên cứu từ Savills cho thấy, giá thuê khu vực này cũng trở nên cạnh tranh hơn, có những tuyến phố ghi nhận mức tăng 15% giữa năm 2020 và 2021.

“Điểm nghẽn lớn nhất doanh nghiệp nước ngoài gặp phải trong quá trình gia nhập thị trường nằm ở điều kiện mặt bằng. Việc thiếu đi không gian tại trung tâm để phù hợp với các tiêu chí về thương hiệu và kỹ thuật làm phức tạp hóa quá trình mở cửa hàng. Điều này khiến các nhãn hàng xa xỉ chần chừ khi đưa ra quyết định. Do vậy, khi gia nhập thị trường mới, họ thường tìm đến một đơn vị trung gian để làm cầu nối với chủ đầu tư”, ông Nick Bradstreet cho biết.

Vì vậy, theo chuyên gia này, giải pháp để ngành bán lẻ Việt Nam hút hơn nữa các thương hiệu quốc tế, đặc biệt ở phân khúc cao cấp, nằm ở vấn đề nguồn cung. Chủ đầu tư cần chú ý để xây dựng các mặt bằng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh nhà phố bán lẻ, thị trường cần bổ sung thêm trung tâm thương mại cao cấp tại khu vực trung tâm thành phố. Những dự án này cần được thiết kế và vận hành một cách chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các nhãn hàng quốc tế./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top