Aa

Cán bộ cố tình sai hay không tài nào… làm đúng?!

Thứ Ba, 18/01/2022 - 06:15

Việc thiếu một hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ dẫn đến những chiều hướng xấu trong thực thi, đưa quy định pháp luật vào đời sống.

 

LTS: Trong những năm gần đây, hàng loạt cán bộ lãnh đạo địa phương đã vướng vào vòng lao lý vì những vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai. Đa phần các vụ việc sai phạm đều có một điểm chung là cán bộ cơ quan công quyền kết hợp với doanh nghiệp tạo thành “liên minh”, lợi dụng kẽ hở của pháp luật nhằm thâu tóm những lô đất ở vị trí đắc địa với mức giá thấp, gây thất thoát lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước, làm suy giảm lòng tin của người dân vào sự công bằng và tôn nghiêm của pháp luật.

Bên cạnh những trường hợp cố ý làm sai, nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn nếu cứ áp dụng đúng mọi quy định thì có thể làm chậm thời cơ phát triển của cả địa phương và doanh nghiệp, nhưng nếu "sáng tạo" thì có thể bị truy xét trách nhiệm cá nhân.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào loại bỏ những quy định đã “lỗi thời” nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn với nguồn lực, triển khai các dự án thuận lợi, khuyến khích được cán bộ nhà nước cống hiến và đồng thời cũng “không thể, không dám, không muốn” cố ý sai phạm.

Với mong muốn đưa ra nhiều góc nhìn nghiên cứu, phản biện, Reatimes khởi đăng tuyến bài: "Sai phạm quản lý đất đai ở nhiều địa phương, thực trạng và giải pháp".

Bài 1: Cán bộ cố tình sai hay không tài nào… làm đúng?!

Trân trọng giới thiệu tới quý độc giả!

Một số giải pháp tình thế được đưa ra là chưa đủ để bảo đảm cho một hệ thống pháp luật thống nhất, khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện cho người dân theo yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Và việc thiếu một hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ dẫn đến 3 chiều hướng xấu trong thực thi, đưa quy định pháp luật vào đời sống.

Chiều hướng 1: Cố tình tận dụng “kẽ hở” của luật để trục lợi.

Chiều hướng 2: Vô tình làm sai do thiếu hiểu biết hoặc nhận thức không đầy đủ.

Chiều hướng 3: Cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ bắt bớ nên nảy sinh tâm lý “phòng thủ”, không dám làm, không dám tham mưu.

MUỐN KHÔNG SAI THÌ KHOAN HÃY LÀM

Sau khi nhiều lãnh đạo cấp cao tại địa phương vướng vòng lao lý, tâm lý chung của một số cán bộ cơ quan nhà nước tại địa phương là không muốn bị sai thì tạm thời chưa làm (không vận dụng, sáng tạo), mọi việc từ bé đến lớn đều phát văn bản xin ý kiến các cấp trên... cả vòng quy trình như vậy thì không biết tới bao giờ mới giải quyết xong.

Vì vậy có địa phương sau một thời gian xảy ra chuyện hai cựu chủ tịch cùng dàn lãnh đạo Sở và hàng loạt cấp dưới vướng vòng lao lý thì đặt ra một quy định “trái khoáy” là chủ đầu tư muốn cấp giấy phép xây dựng tại Sở Xây dựng thì buộc phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…).

Đây là quy định “đặc thù”, hoàn toàn không có trong pháp luật về đất đai cũng như pháp luật về xây dựng. Và mặt khác, doanh nghiệp chấp nhận nộp tiền sử dụng đất để được cấp phép xây dựng, đủ điều kiện xây dựng cũng không thể bởi quy trình xác định giá đất cụ thể thường kéo dài. Chủ đầu tư không thể nộp tiền sử dụng đất khi không biết con số phải nộp là bao nhiêu.

Nhìn rộng ra, đó không chỉ là câu chuyện của một địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai. Đã thành thông lệ, quy trình định giá đất một dự án khu đô thị thường kéo dài tối thiểu 2 năm, cá biệt có dự án phải 3-4 năm đã ảnh hưởng rất nặng nề đến kế hoạch kinh doanh, bán hàng của chủ đầu tư khi giá đất là tham số đầu vào vô cùng quan trọng để xác định giá bán phù hợp chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Chủ đầu tư biết bán hàng với giá nào thì có lời khi chưa thể biết số tiền sử dụng đất sẽ phải nộp?

Có thể nói, công tác định giá đất luôn phức tạp, nhạy cảm và tiềm ẩn nhiều tiêu cực. Liên tục những vụ bắt bớ, khởi tố vì sai phạm trong định giá đất, đấu giá, đấu thầu, xác định tiền sử dụng đất đã dẫn đến tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong bộ máy cán bộ, công chức.

RỐI VÀ VƯỚNG

Pháp luật đất đai quy định 4 phương pháp định giá đất cụ thể khác nhau (so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư) nhưng địa phương kêu trời vì áp dụng mỗi phương pháp lại cho một kết quả… khác nhau. Vậy thì ai dám ký phê duyệt giá đất khi chưa có công cụ hệ thống thông tin đất đai để bảo đảm kết quả định giá đất sát giá thị trường?

Gần đây, có địa phương còn nảy ra ý tưởng đề xuất thuê đơn vị tư vấn kiểm toán quốc tế uy tín để kiểm toán lại, đánh giá độc lập kết quả của tư vấn định giá đất, thậm chí đề xuất xin ý kiến bộ ngành quản lý, hỏi các cơ quan thanh tra, kiểm toán về thủ tục, kết quả xác định giá đất để yên tâm ký phê duyệt giá đất. Các cơ quan có chức năng hậu kiểm được huy động để tiền kiểm, nhằm tránh sai sót. Cách làm này nếu được triển khai thì sẽ giúp cán bộ yên tâm “kê cao gối ngủ”, nhưng các nhà đầu tư thì chịu thiệt hại lớn vì để hoàn thành hết các thủ tục như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian.

Tâm lý sợ trách nhiệm, sợ sai của một bộ phận cán bộ là điều dễ hiểu và hậu quả là đang làm chậm thủ tục pháp lý các dự án đầu tư và hiện tượng phổ biến hiện nay là cả những vấn đề đã sáng rõ nhưng địa phương vẫn cần hướng dẫn của các cơ quan trung ương cho từng tình huống cá biệt mới dám quyết, dám làm.

Rõ ràng là chính sách pháp luật về đất đai, đầu tư hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập, thí dụ trong công tác định giá đất, cơ quan có thẩm quyền tham mưu việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho doanh nghiệp là Sở Tài nguyên Môi trường. Tuy nhiên, cũng chính Sở này lại chính là cơ quan chủ trì tham mưu về giá đất, tạo ra “vòng tròn kín” tiềm ẩn tiêu cực, xin - cho. Để đảm bảo tính độc lập, khách quan thì cơ quan chủ trì định giá đất phải độc lập với cơ quan chủ trì tham mưu quyết định giao đất, cho thuê đất.

Hay như vấn đề đã từng “làm nóng” nghị trường Quốc hội thời gian trước về việc cho phép doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất thì Luật Đất đai hiện hành chưa rõ ràng, thậm chí mâu thuẫn, xung đột giữa điều luật này với điều luật khác. Cụ thể là Điều 59 quy định UBND cấp tỉnh quyết định cho phép tổ chức chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng Điều 118 lại đặt ra các trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất (ví dụ trường hợp giao đất xây dựng nhà ở để bán).

Vậy trường hợp nào doanh nghiệp đang sử dụng đất được chuyển mục đích sử dụng đất, trường hợp nào phải đấu giá, đấu thầu? Quy định không rõ ràng này đã gây cản trở, đặc biệt là việc di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, không còn phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Trường hợp này Nhà nước muốn, doanh nghiệp muốn nhưng không thể di dời bởi không thuộc trường hợp thu hồi đất mà cũng không được chuyển mục đích sử dụng đất.

Hay như một vấn đề nổi cộm khác là việc quy hoạch có thời hạn rất ngắn (quy hoạch sử dụng đất chỉ có thời hạn 10 năm) và nhanh chóng lạc hậu do hạn chế trong công tác dự báo, tầm nhìn khi lập quy hoạch. Trong khi đó, thời hạn dự án là thời hạn giao đất, thuê đất lại rất dài, lên đến 50-70 năm. Điều đó dẫn đến các tình huống trớ trêu khi doanh nghiệp mới thuê đất xây dựng nhà máy và vận hành được 10-20 năm đã nơm nớp lo âu vì… không còn phù hợp với quy hoạch.

CƠ CHẾ NÀO BẢO VỆ CÁN BỘ SÁNG TẠO?

Muốn làm đúng hoàn toàn thì không thể nhanh, muốn làm nhanh thì phải chấp nhận có ít nhiều sai sót. Đó là bối cảnh chung của công tác thực thi pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, đất đai suốt những năm qua và cần thay đổi để tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu: “Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”.

Trên cơ sở Văn kiện của Đảng, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung: “Xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung”.

Kết luận số 14-KL/TW cũng nhấn mạnh: Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm”.

Chủ trương như vậy là rất đúng và tạo sự thuận lợi cho các bộ ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ, giúp cho cán bộ yên tâm hơn khi thực thi công vụ. Tuy nhiên, cũng có những băn khoăn đặt ra là nếu cán bộ “sáng tạo” thì có vi phạm pháp luật không, bởi chủ trương là một chuyện, nhưng đối chiếu với các quy định thực tế vẫn bị sai (chưa có sửa đổi) thì ai dám “đột phá”?

Những năm qua Chính phủ và các ngành đều đang rất nỗ lực cắt giảm các loại thủ tục, mục tiêu đặt ra là phải tạo mọi sự sự thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh hơn, mạnh hơn. Vậy nhưng trên thực tế thì vẫn còn khá nhiều các loại quy định, quy ở nhiều ngành, nhiều địa phương không còn phù hợp cần tiếp tục được tháo gỡ, thu hút đầu tư phát triển.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Đảng đã đề ra quan điểm phát triển: “Lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách bảo đảm đồng bộ, minh bạch các yếu tố thị trường để có khả năng vốn hóa các nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả. Phát triển thị trường, đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất, tăng cường đăng ký quyền sử dụng đất và áp dụng định giá đất theo thị trường bảo đảm công khai, minh bạch”.

Chỉ khi chúng ta quan tâm xây dựng được một hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch thì mới ngăn chặn được chuyện cán bộ cố tình làm sai và cũng tránh được những lo ngại không biết làm thế nào cho đúng.

01/18/2022 06:15
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top