Aa

Thu hồi dự án “treo” ở Thanh Hóa: “Cán bộ không làm tròn trách nhiệm thì nên thay thế”

Thứ Ba, 26/07/2022 - 06:10

Liên quan tới những dự án "treo" tại Thanh Hóa, ông Lê Văn Cuông cho rằng, cán bộ được giao trọng trách nhưng không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có tiêu cực thì nên kỷ luật, thay thế.

"Không chấp nhận nhà đầu tư năng lực kém, có dấu hiệu đầu cơ, găm giữ đất để kiếm lời…"

164 dự án có sử dụng đất chậm tiến độ là con số vừa được ông Lê Đức Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nêu ra kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, cách đây không lâu. Trong số đó, nhiều dự án được tỉnh giao đất nhưng qua nhiều năm nhà đầu tư không triển khai dù đã được gia hạn nhiều lần. Trong khi đó nhiều nhà đầu tư khác có nhu cầu đầu tư lại không có đất…

Đây cũng là lần đầu tiên vấn đề dự án “treo” được đưa vào chương trình nghị sự kỳ họp với hẳn một “chuyên đề” tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, quyết liệt. Chừng ấy thông tin cũng đủ hiểu mức độ quan tâm của cử tri, dư luận lớn như thế nào về những dự án đang ngày một làm nghèo quê hương.

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã “truy” trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi để xảy ra tình trạng dự án chậm tiến độ, gây lãng phí; nhiều đại biểu quan tâm đến đất sau thu hồi sẽ sử dụng như thế nào; có tình trạng nhà đầu tư lợi dụng quy định lập dự án để chuyển nhượng nhằm tư lợi hay không?… Cá biệt, có đại biểu truy vấn lãnh đạo tỉnh tới 4 lần trong cùng một câu hỏi mới thỏa mãn vấn đề đưa ra.

Những câu hỏi không ngại “đụng chạm” và truy vấn đến cùng của các đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa được ông Lê Đức Giang - Phó chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn trả lời: “Nguyên nhân các dự án chậm tiến độ là do công tác thẩm định yếu kém, nhà đầu tư yếu kém. Nguyên nhân nữa là do nhà đầu tư yếu về tài chính, và cá biệt có nhà đầu tư chuyển nhượng dự án để kiếm lời”.

Trước hàng triệu cử tri và nhân dân trong tỉnh vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh cam kết trước cử tri và UBND tỉnh rằng, sẽ thành lập tổ công tác rà soát lại các dự án không còn khả năng triển khai, đồng thời cương quyết thu hồi đất các dự án đã gia hạn nhiều lần để tránh lãng phí…

Như để khẳng định thêm quyết tâm chính trị của tỉnh về việc thu hồi dự án “treo”, ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu: “Đối với đất đã thu hồi phải đưa ngay vào sử dụng, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, đánh giá đúng năng lực nhà đầu tư. Không chấp nhận nhà đầu tư năng lực kém, có dấu hiệu đầu cơ, găm giữ đất để kiếm lời…”.

Quan điểm trên nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cử tri và nhân dân trong tỉnh. Bởi, các dự án “treo” không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương mà còn khiến nguồn tài nguyên đất bị lãng phí, gây thất thu ngân sách.

Ở một góc nhìn khác, cử tri kỳ vọng các dự án đầu tư vào tỉnh để làm giàu đẹp cho quê hương chứ không phải “trùm mền” hết năm này qua năm khác, vừa gây lãng phí, vừa gây mất niềm tin của người dân. Thử hỏi, mấy ai không cảm thấy xót xa khi nhìn thấy cảnh một đô thị, hoặc khu công nghiệp hàng chục năm sau chỉ là bãi đất trống bỏ hoang, dân mất tư liệu sản xuất phải tha phương cầu thực. Trong khi đó, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan tới dự án “treo” rất hiếm khi được nhắc tới.

Ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. (Ảnh: Vietnamnet)

Kỳ vọng vào quyết tâm của lãnh đạo tỉnh

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cương quyết thu hồi dự án “treo”, vi phạm các quy định về Luật đất đai, Luật Đầu tư là điều rất đáng hoan nghênh.

“Có những doanh nghiệp cần tư liệu sản xuất thì không có. Trong khi rất nhiều dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì doanh nghiệp lại chây ì, hoặc không đủ năng lực thực hiện. Đây là nghịch lý, gây bức xúc dư luận thời gian vừa qua. Cử tri phân vân, đặt câu hỏi, đằng sau những dự án “treo” này có dấu hiệu của lợi ích nhóm, tiêu cực, hay sự đó là thiếu cương quyết của chính quyền?

Do đó, việc cử tri, đại biểu kiến nghị, đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự Hội đồng nhân dân đòi hỏi cơ quan có trách nhiệm phải trả lời minh bạch, dứt khoát và có giải pháp xử lý chứ không thể nói chung chung, hoặc giơ cao đánh khẽ. Tại phiên chất vấn, có đại biểu thậm chí chỉ đích danh các dự án có vi phạm, số khác đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng trong vấn đề này cho thấy rõ tính quyết liệt, không ngại va chạm trong chất vấn. Điều này được dư luận hoan nghênh, đánh giá cao.

Ý kiến chất vấn của đại biểu, cam kết trách nhiệm của chính quyền và ý kiến kết luận của chủ tọa Hội đồng nhân dân cũng tạo tiền đề cho việc xử lý vi phạm của các dự án sử dụng đất được thuận lợi hơn, tích cực hơn. Đây cũng là cơ hội để chính quyền thể hiện năng lực, trách nhiệm, phát huy hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính trong việc thực thi công vụ”, ông Cuông nhận định.

Ông Cuông cũng cho rằng, vai trò giám sát của cử tri, đại biểu hội đồng, nhân dân về việc thực thi pháp luật của cơ quan có thẩm quyền đối với dự án “treo” là rất quan trọng.

“Lời hứa của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trước sự giám sát của đại biểu, cử tri và nhân dân cũng có thể xem là cam kết trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình thực thi công vụ. Cử tri có trách nhiệm tham gia giám sát quá trình thực hiện đó có đúng như cam kết không, có đảm bảo quy định pháp luật không? Cá nhân tôi kỳ vọng khi đã có chủ trương và quyết tâm chính trị, người thực thi pháp luật nói sẽ đi đôi với làm”, ông Cuông nhận định.

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Vietnamnet)

Cũng theo ông Cuông, việc quyết thu hồi với dự án chây ì, chậm tiến độ, vi phạm pháp luật không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trước dân, mà còn là “mệnh lệnh” phải thực hiện vì sự phát triển chung của tỉnh.

“Đây là những tồn lại của lịch sử đòi hỏi chính quyền đương nhiệm phải xử lý. Muốn làm được như vậy đòi hỏi cơ quan có trách nhiệm phải thực sự quyết tâm, liêm chính trong thực thi công vụ. Quá trình thực hiện thu hồi, nếu có vướng mắc về pháp luật thì xin ý kiến cấp trên để tháo gỡ, xử lý.

Bên cạnh đó, công tác thẩm định dự án thẩm tra về năng lực của chủ đầu tư về vốn, khả năng huy động vốn, quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý… cũng cần quan tâm đúng mức. Nếu người được giao trọng trách không thực hiện tròn vai thì sẵn sàng kỷ luật, thay thế”, ông Cuông đề nghị.

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế. (Ảnh: Vnexpress)

Đồng quan điểm trên, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế phân tích thêm: "Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là việc quy hoạch theo ý muốn đặc biệt là dự án mang tính thương mại, không theo xu hướng thị trường. Một số nơi để doanh nghiệp chiếm đất chứ không phải làm dự án. Có nhà đầu tư chiếm đất nhưng không làm, cũng không chịu hợp tác với Nhà nước thu hồi. Tình trạng này không mới nhưng vẫn tồn tại qua nhiều năm gây bức xúc dư luận”, TS. Trần Du Lịch nói.

Cũng theo TS. Trần Du Lịch, Chính phủ đã có chỉ đạo về việc thu hồi các dự án treo, thì các địa phương cũng phải kiên quyết thực hiện, tránh tình trạng kéo dài gây lãng phí nguồn lực đất đai, gây bức xúc cho người dân.

"Chúng ta đã có hệ thống pháp luật khá đầy đủ và hoàn chỉnh. Vấn đề còn lại là các tỉnh/thành cần quyết tâm, thực hiện cho đúng quy định của pháp luật. Những địa phương không làm được việc này thì phải áp dụng chế tài xử lý trách nhiệm rõ ràng”, ông Lịch nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top