Nhận xét này được các đại biểu Quốc hội nêu khi thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chiều ngày 10/6.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn tỉnh Đồng Nai) nhắc lại quan điểm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi trình sửa luật lần này là phải phòng ngừa được rủi ro và đánh giá dự thảo Luật có nhiều nội dung thiết kế xoay quanh vấn đề này. Tuy nhiên, ông An đề nghị bổ sung thêm nội dung đề phòng rủi ro cho hệ thống, để khi xảy ra sự cố thì hệ thống có thể chống đỡ hiệu quả.
“Với sự kiện SCB hay trường hợp của Mỹ, dù có hệ thống ngân hàng mạnh vẫn xảy ra các ngân hàng đổ vỡ. Do đó, sửa luật lần này cần bổ sung thêm quy định về phòng ngừa rủi ro hệ thống, để khi xảy ra sự cố thì hệ thống có thể chống đỡ”, đại biểu Trịnh Xuân An đề xuất.
Một nội dung đáng chú ý khác là việc xử lý sở hữu chéo liên quan đến các tổ chức tín dụng. Vị đại biểu nhấn mạnh cần chấm dứt tình trạng này chứ không phải hạn chế.
“Tình trạng sở hữu chéo là vấn đề rất được quan tâm với hệ thống tín dụng hiện nay. Việc này ai cũng biết, nhưng điểm mặt chỉ tên thì lại rất khó, vì có sự lòng vòng, lắt léo trong hệ thống tín dụng”, ông Trịnh Xuân An nói.
Vị đại biểu đến từ đoàn Đồng Nai đánh giá những quy định nằm trong Điều 55 và Điều 127 của dự thảo Luật chưa đủ mạnh để chấm dứt, như chỉ giảm tỷ lệ cổ phần, giảm hạn mức tín dụng.
“Tôi cho rằng đây là những giải pháp mang tính chất thụ động, còn chấm dứt sở hữu chéo liên quan tới công khai minh bạch và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân dính dáng tới việc này. Do đó, cần thiết đặt lại mô hình cơ quan giám sát, kiểm tra liên quan tới ngân hàng”, đại biểu An đề xuất.
Theo ông An, để xảy ra trường hợp như SCB, vi phạm đều liên quan tới cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng.
“Hiện luật mới thiết kế ở một điều, cần quy định rõ hơn thành một chương và cần có cơ quan thanh tra, kiểm tra hoạt động tín dụng mang tính độc lập. Hiện đã có quốc gia tái thành lập lại cơ quan này”, ông góp ý và kiến nghị không nhất thiết giảm cổ phần, room cấp vốn, thậm chí có thể cho phép sở hữu ở mức cao hơn, nhưng quan lý được để tổ chức cá nhân không dám, không thêm sử dụng tài sản chéo với công ty của mình.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Đoàn TP. Hà Nội) nêu quan điểm rằng tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Đặc biệt là việc huy động vốn để cho vay giữa các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của các tập đoàn kinh tế tư nhân.
Theo đại biểu Trung, dự thảo Luật sửa đổi, điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu của các cá nhân, tổ chức tăng tính đại chúng của các tổ chức tín dụng và mở rộng thêm các diện đối tượng liên quan là cần thiết. Điều này “tránh quyền tự quyết tập trung vào một ông bà chủ nào đó, hạn chế điều hành của tổ chức phục vụ cho các công ty sân sau và nhóm lợi ích mà tổn hại đến ngân hàng hoặc nhóm cổ đông nhỏ”.
Tuy nhiên, ông Trung cho rằng các giải pháp nêu trong dự thảo chỉ là giải pháp kỹ thuật để hạn chế các cổ đông lớn.
“Cần nghiên cứu bổ sung 2 vấn đề. Một là, bổ sung thêm các quy định, tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế hành vi lạm quyền cổ đông lớn, quyền quản trị điều hành để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng. Hai là, phải cần nghiên cứu, đề xuất thêm các biện pháp, giải pháp để quản lý, kiểm soát việc lách luật, sử dụng nhiều cá nhân pháp nhân khác đứng tên cổ phần tạo nhóm cổ đông lớn để điều hành các tổ chức tín dụng”, ông Nguyễn Hải Trung kiến nghị.
Trước đó, tại phiên thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) ngày 5/6, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp căn cơ, lành mạnh thị trường khi sửa Luật vì tình trạng sở hữu chéo, “đại gia phía sau ngân hàng vẫn nhức nhối”.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn tỉnh Quảng Trị) nhận xét sở hữu chéo ngân hàng làm gia tăng một số rủi ro như tăng vốn ảo thông qua việc đi vay để đầu tư, góp vốn lẫn nhau (trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua công ty con, cháu). Hoặc một hệ lụy khác là rủi ro thâu tóm, chi phối của nhóm cổ đông lớn và người có liên quan: việc ngân hàng mẹ, các công ty con, công ty liên kết cùng đầu tư vào một doanh nghiệp, sở hữu cổ phần chi phối hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại.
Ông Đồng phân tích tình trạng này khiến vốn toàn hệ thống không tăng thực mà chỉ tăng trên sổ sách, kéo theo hệ lụy làm sai lệch về quản trị ngân hàng cũng như việc đánh giá rủi ro, trích lập dự phòng hay giám sát các hoạt động tài chính.
Chia sẻ thêm về thực trạng sở hữu chéo ngân hàng và công ty tài chính, ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết hiện tượng lách luật tỷ lệ sở hữu, hạn mức tín dụng cho đối tượng doanh nghiệp vay thông qua "vốn bật tường" từ ngân hàng A sang ngân hàng B hoặc công ty tài chính A sang công ty tài chính B; hay sau ngân hàng A là thấy bóng dáng ngân hàng A’ hoặc doanh nghiệp B và phần lớn là doanh nghiệp bất động sản. Việc này tiềm ẩn sự thao túng, sở hữu chéo.
Do đó, theo các đại biểu cần thiết phải rà soát đồng bộ hệ thống pháp luật để thắt chặt/hạn chế những vụ việc qui mô lớn, gây ra tổn thất nghiêm trọng cho hệ thống tài chính, đặc biệt sau sự việc SCB./.