Trong các tình cảm thiêng liêng của con người, không gì sánh bằng tình mẫu tử. Dẫu, bất kỳ ai sinh ra cũng đều là “hoa trái” của tình yêu. Phải có bố, có mẹ mới có mình. Tuy nhiên, người mẹ là người mang nặng đẻ đau, “đàn ông vượt sông có bầu có bạn, đàn bà vượt cạn chỉ có một mình”, (thành ngữ Việt). Tuổi nâng giấc, bú mớm, rồi lớn lên... hành trình đời người luôn có bóng dáng mẹ.
Những ngày đầu tháng 5, tôi có mặt ở quê nhà dưỡng thương, cần yên tĩnh. Đầu giờ buổi sáng, cuối giờ buổi chiều, tôi hay thả bộ xuống vườn bà Tâm - người đàn bà nay đã ngoài 70, là thông gia của gia đình, bách bộ. Bà Tâm không có nhà, bà vừa được đưa vào TP.HCM chữa bệnh. Tôi nhớ bà, với tình cảm trân trọng bà đã dành cho các con, trong đó có em trai tôi, con rể của bà và các cháu. Tôi muốn nhắc đến hai câu chuyện nhỏ, về bà.
Vườn nhà bà có một cây vải và một cây nhãn. Năm vừa rồi là mùa thứ hai có quả. Khi em trai tôi hái xuống, bà nhắc: “Con để phần, chia cho hàng xóm mỗi nhà một ít”. Khổ. Em trai tôi bảo đại ý, bây giờ có ai ăn đâu bà. Nhà ai cũng hoa quả đầy vườn.
Đúng thật, cái làng quê nơi tôi sinh ra ngày xưa nghèo khó. Đói nên lũ trẻ chui từ vườn nhà nọ sang vườn nhà kia, vặt trộm, bẻ trộm đủ thứ. Miễn là cho được vào mồm vì cái bụng đang sôi. Cuộc sống thay đổi, từ dạo xóa vườn tạp, ai cũng trồng cây ăn quả trong vườn. Nhiều nhất ở làng tôi, có lẽ là Xoài. Xoài ê hề, chín rụng đầy gốc. Không còn ai để ý, ngó ngàng. Trẻ con chỉ thích bim bim. Sữa, kem đầy tủ lạnh chúng chẳng ngó ngàng nữa là hoa quả, loại muốn ăn phải đi rửa, gọt vỏ. Mắt đứa nào cũng muốn dán vào màn hình điện thoại.
Bà Tâm biết vậy, hiểu vậy, nhưng không mang sang biếu hàng xóm, bà áy náy. Trưa bà đội mê nón, lội bộ giữa trưa hè, bà đến từng nhà. Bà vui khi “hoàn thành nhiệm vụ”.
Nhà bà Tâm khá rộng rãi, thoáng mát. Vợ chồng con trai và một con gái út đang làm ăn, lập nghiệp ở phía Nam. Bà cũng đi theo nuôi cháu gần 15 năm nay. Đây là năm đầu tiên bà trở lại quê nhà. Ngôi nhà, chỉ có một mình bà. Vì nhà bà và gia đình con rể “cách nhau chỉ dậu mùng tơi” nên sinh hoạt gần như một nơi. Nhà bà thừa “công năng”.
Cách đây mấy tháng, mấy chú công tác một đơn vị khảo sát đo đạc ngoài Bắc vào thực hiện dự án ở địa phương. Bà cho 5 anh em thuê ở, mỗi tháng chỉ lấy “gọi là” 1 triệu đồng. Trong nhà có thứ gì, bà mang cho “nhắc phần” các chú. Con gái thấy mẹ vất vả, mới nhắc: “Mẹ cứ đối xử với người thuê nhà như đối xử với khách rứa? Tiền thì chỉ lấy có 1 triệu bạc/tháng?”.
Bà không vui. Bà mắng: “Thế ngày xưa bộ đội ở nhà dân, ai lấy tiền?”. “Chịu bà luôn! Bà nói đúng nhưng không hợp hoàn cảnh bây giờ!”, con rể lắc đầu. Nói với mẹ vậy, nhưng em trai tôi và con gái bà thống nhất: “Bà thích làm gì kệ. Sướng rọt bà là được”.
Bà Tâm vốn là một sỹ quan quân y. Chồng bà cũng là bộ đội, tham gia đánh Mỹ, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Ông mất sớm, sau khi nghỉ hưu chừng chục năm. Môi trường quân ngũ và gia phong của một gia đình, hình thành nên tính cách bà. Bà luôn hướng đến sự “đủ đầy” trong quan hệ với hàng xóm, láng giềng, người đời, không riêng với ruột thịt.
Tiếp xúc với bà gần 2 tháng, trong thời gian đợt dịch thứ 4 bùng phát hiện nay, tôi cứ nghĩ mãi về bà. Liệu bà có phải là “người xưa”, phương ngữ Nghệ gọi là “người đời sơ”? Tức là tốt, thánh thiện, không hề nghĩ xấu về ai, càng không bao giờ làm việc xấu.
Tôi cứ nghĩ mãi, liệu tên người có ảnh hưởng tới số mệnh không? Rõ ràng, số mạng của một con người không phụ thuộc vào cái tên. Biết bao nhiêu người tên đẹp, chói sáng lại “vào tù, ra tội” đấy thôi. Kể cả bây giờ có “phong trào” Tây hóa danh tính con cái, có phải lũ trẻ đứa nào được đặt “tên Tây” cũng trở thành công dân nước ngoài như bố mẹ chúng ao ước đâu. Chắc chắn triết lý nhà Phật đúng. Tâm và Tài mới quyết định.
Nhà Phật răn dạy con người: “Có Phúc ắt có Phần”. Bà Tâm không phải là phật tử, nhưng tấm lòng bà luôn từ bi, hỷ xả. Tôi nghĩ, bà đang gieo “phúc”, gieo “đức” vào cuộc sống. Tất nhiên, bà không nghĩ thế, cứ làm điều gì tốt, bà làm. Bà nêu gương, ngay cả việc ham đọc sách hàng ngày. Chính vì thế, các con và thế hệ các cháu nội, ngoại của bà hiện nay đều là những người sống nâng niu đạo lý. “Phúc đức tại mẫu” (thành ngữ), lời cổ nhân dạy cấm có sai. Tôi không phải là người hoàn toàn duy lý, luôn “nhìn cây, thấy rừng”, nhưng luôn tự dặn lòng mình quan sát, trắc nghiệm.
Chẳng dấu giếm gì, khi tôi “tự thuật” rằng, tôi mất mẹ từ khi còn quá bé. Đó cũng là lý do tôi hay quan sát về tấm lòng mẹ, đọc thơ viết về mẹ của các nhà thơ kim cổ đông tây, trong và ngoài nước. Tôi tìm hiểu bằng tất cả sự trống vắng, khát khao được lấp đầy tủi hờn từ những ngày thơ bé. Có lẽ không có nhà thơ nào không viết về mẹ.
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” (Ca dao).
Nhà thơ đồng hương của tôi, TS. Lê Thành Nghị không phải là cá biệt. Trong “Lê Thành Nghị Tuyển tập”, NXB Hội Nhà văn quý 4/2020 có “Trong mưa nhớ mẹ”, “Mẹ trên cao”, “Chào mẹ”, “Về quê” là bốn bài thơ về mẹ, ông viết trong quãng thời gian 10 năm đầu của thế kỷ 21. Đọc thơ, biết Lê Thành Nghị cũng như tôi không còn mẹ, hình như mẹ ông cũng mất từ lâu.
“Sớm muộn rồi ai cũng sẽ trở về với mẹ
Cho dù mẹ ta ra đi khi còn rất trẻ
Người mang theo những mùa tóc xanh vào biếc cỏ
Làm tàn nhạt bao nhiêu mùa hoa ở trong vườn”.
Dẫu bà đi xa, nhưng ông luôn nhận ra mẹ bên mình:
“Người vẫn đứng chờ ta ở cuối con đường
Khóc thầm lúc ta vấp ngã
Người thường đêm ngồi yên lặng bên giường
Mỗi lần đau, đêm dài ta chẳng ngủ
Trong hiếm hoi niềm vui, thường nhật nỗi buồn
Ta gọi mẹ và vượt dốc dễ dàng hơn”.
Bài này ông viết năm 2002, khi nhà thơ ngoài 50 tuổi. Ở tuổi “tri thiên mệnh”, ông nhận ra vô vi. Nhà thơ an yên, thư thái, thiền và tĩnh lặng trong lẽ tự nhiên.
“Sớm muộn rồi con cũng về với mẹ
Hoàng tử bé con của mẹ ngày nào
Thôi kệ những thành bại, sang hèn, buồn vui, sướng khổ
Ta sẽ bao như mẹ giữa mây cao” (Mẹ trên cao).
...
Xin chào mẹ! Đến ngày con biết sống
Là đến ngày tóc đã hóa màu tro
Xin chào mẹ! Đêm đã dần về sáng
Thêm một đêm không mẹ lại sắp qua (Chào mẹ).
Nhà thơ Lê Thành Nghị sinh ra và lớn lên ở Tân Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh. Những năm cuối thập niên 60 ông ra Hà Nội học. Đầu năm 1972, nhà thơ Lê Thành Nghị nhập ngũ, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào giai đoạn quyết liệt. Hoàn thành nhiệm vụ ông trở về đầu quân cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông cũng đã từng được Nhà nước, Quân đội cử sang Liên Xô (cũ) nghiên cứu sinh. Dù cho đi đâu, hình bóng mẹ luôn trong trái tim nhà thơ.
“Không phải chỉ có một người trót một lần lơ đãng trong mưa
Tôi cũng đã bao ngày mưa giăng nhớ mẹ
Nỗi nhớ dâng trên mái phố mái nhà
muốn về nơi buồn trông cửa bể
Chỗ mẹ ngồi nhớ những đứa con xa” (Trong mưa nhớ mẹ).
Đúng là “Trên thế gian này người tuyệt vời thật nhiều nhưng tuyệt vời nhất là mẹ của con” (Lời bài hát Nga). Trái tim mẹ, luôn là chốn bình an nhất của mọi đứa con, là sức mạnh để mỗi đứa con bước qua “mưa gió cuộc đời”.
Đọc thơ Lê Thành Nghị, biết ông nặng lòng với đất nước, quê hương, rưng rưng nỗi niềm xứ sở. “Ôi quê hương! Chỉ có thể quỳ trước quê hương / Như quỳ trước những gì tinh túy nhất!” (Rượu quê). Ông tự hào về nơi chôn nhau, cắt rốn: “Làng tôi làng Kim Chùy / Tựa lưng vào Hồng Lĩnh” (Sau lưng là Hồng Lĩnh); tự hào về Hà Tĩnh, về miền Trung, dẫu trải những ngày gian khó: “Miền Trung quê anh cát bay trong sữa mẹ / Nên những hạt cát lớn lên biết yêu mẹ vô cùng / Không có miền đất nào gian khó như miền Trung / Vì thế, sông núi ở đây lãng mạn vô vùng” (Bên hồ sen I).
Mẹ và quê hương trong thơ Lê Thành Nghị với tư cách nhân vật thi ca hòa làm một. Về quê cũng là về với mẹ và ngược lại. “Con đường bóng mẹ liêu xiêu/ Bao nhiêu thương nhớ, bao nhiêu đợi chờ?” (Về quê).
Khi tôi viết bài này thì đất nước đang kỷ niệm 47 năm Ngày Thống nhất đất nước. Để có ngày lịch sử này, biết bao bà mẹ Việt Nam đã dứt ruột, dành những đứa con mang nặng đẻ đau cho đất nước. Biết bao người lính ra đi không trở về trong ngày Chiến thắng. Không chỉ đất nước có danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, không chỉ có Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng được xây dựng ở Quảng Nam mà trong lòng mỗi người dân trên đất nước yêu hòa bình này đều có tượng đài trong trái tim về người mẹ.
Mẹ tôi mất từ khi tôi quá bé, thế nhưng đi suốt cuộc đời, cho đến hôm nay, tôi nhận được tình cảm của biết bao bà mẹ khác. Có điều này, thật kỳ lạ, trong văn chương và nghệ thuật, hình ảnh người mẹ không chỉ còn khu biệt trong không gian sinh nở mà nó được chuyển hóa thành hình tượng Tổ quốc.
Trong văn hóa tâm linh, hình ảnh người mẹ thành tên các dòng sông (sông Cái, sông Cả), thành cột kèo chính của mọi kiến trúc (cột Cả, cột Cái)... Mẹ chính là “căn cước” của phồn sinh, đời này sang kiếp khác./.