Lời tòa soạn:
Những năm qua, câu chuyện tranh chấp chung cư đã trở thành vấn đề nan giải của thị trường nhà ở. Nội dung tranh chấp rất đa dạng, mức độ tranh chấp cũng khác nhau, nhẹ thì đơn thư khiếu nại, nặng thì căng băng rôn phản đối, tụ tập đông người căng băng rôn tại dự án, tại văn phòng của chủ đầu tư, thậm chí đưa nhau ra tòa.
Bên cạnh đó, trong cộng đồng cư dân hàng nghìn người sinh sống ở tòa chung cư, rất khó tránh khỏi những câu chuyện mâu thuẫn giữa các cư dân với nhau. Thế nhưng, việc chính quyền địa phương, chủ đầu tư và Ban quản trị, Ban quản lý tòa nhà đã vào cuộc quyết liệt để giải quyết những vụ việc đó hay chưa vẫn là điều gây ra nhiều tranh cãi.
Thậm chí, có tình trạng nhiều Ban quản trị, Ban quản lý tòa nhà còn lạm quyền, tự cho mình quyền "cưỡng chế" tài sản của cư dân thay các cơ quan quản lý Nhà nước. Điều này phần nào báo động động về việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý, vận hành chung cư hiện nay.
Trên tinh thần nghiên cứu, thông qua khảo sát, tìm hiểu một số dự án chung cư còn tồn tại những vi phạm, Reatimes khởi đăng tuyến bài Bài học nhìn từ việc mâu thuẫn tại chung cư Watermark 395 Lạc Long Quân: Cần xác minh dấu hiệu vi phạm trong việc tự ý di chuyển tài sản của cư dân? mong muốn đưa đến cho độc giả những góc nhìn khách quan về vấn đề này.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!
Hoang mang vì nhóm người “lạ mặt” tự ý di dời tài sản cư dân
Như Reatimes đã phản ánh, câu chuyện mâu thuẫn giữa cư dân, Ban quản trị và Ban quản lý tòa nhà chung cư Watermark (địa chỉ số 395 đường Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) đến nay vẫn chưa có hồi kết. Sở dĩ câu chuyện lùm xùm vẫn diễn ra căng thẳng bởi lẽ, các bên chưa tìm được tiếng nói chung trong công tác quản lý, vận hành và sử dụng căn hộ cũng như không gian chung tại chung cư cao cấp này.
Theo phản ánh của đại diện Công ty Cổ phần ABC Toàn Cầu (ABC Toàn Cầu) cho biết, công ty này là đơn vị đang trực tiếp sở hữu, quản lý, sử dụng căn hộ Top19B cùng phần sân thượng tương ứng - 19B, tại tầng 19 tòa nhà Chung cư Watermark.
Việc sử dụng căn hộ Top19B và phần sân thượng trên được xác lập trên cơ sở ABC Toàn Cầu ký kết Hợp đồng mua căn hộ chung cư số WM/SPA/TOP19B/001 ngày 24/01/2018, với chủ đầu tư - Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Tây Hồ Tây. Đồng thời, công ty đã tiếp nhận bàn giao trực tiếp từ chủ đầu tư và có sự tham gia chứng kiến của Ban quản trị tòa nhà (theo Biên bản bàn giao phòng mái tầng 19 góc Tây Bắc và diện tích sân thượng tương ứng (Top19B) thuộc dự án chung cư Watermark, ghi ngày 31/1/2018).
Theo phản ánh, sáng ngày 25/12/2021, gần 30 người có mặt tại sân thượng tầng 19 chung cư Watermark và tự ý di chuyển tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của Công ty ABC Toàn Cầu, giá trị hơn 472.100.000 đồng.
Sau khi tiếp nhận bàn giao, từ tháng 1/2018 đến nay, ABC Toàn Cầu đã sở hữu, sử dụng căn hộ Top19B và phần sân thượng 19B có đặt các chậu cảnh hoa, bonsai có giá trị lớn.
Tuy nhiên, trong thời gian ngắn vừa qua, Ban quản lý tòa nhà đã nhiều lần gửi văn bản đến ABC Toàn Cầu cho biết sẽ "trục xuất" tài sản thuộc sở hữu của công ty này. Về phía khu vực sân thượng 19B, ABC Toàn Cầu chỉ đồng ý giảm bớt số cây, chứ không chấp nhận bỏ hết. "Ngày 23/7/2021, ông Lê Đình Phong - Giám đốc Ban quản lý tòa nhà đã cho nhân viên lên di chuyển các cây cảnh của ABC Toàn Cầu và sự việc chỉ dừng lại khi có sự ngăn cản của ABC Toàn Cầu, Công an phường Nghĩa Đô can thiệp. Sau sự kiện này, chúng tôi phát hiện bị mất 11 chậu cây cảnh", đại diện Công ty ABC Toàn Cầu cho hay.
Đến ngày 17/12/2021 và ngày 23/12/2021, ABC Toàn Cầu lần lượt nhận được Công văn số 44/CV-BQL và Công văn số 76/2021/TB ngày 23/12/2021 của Ban quản lý tòa nhà do ông Lê Đình Phong ký, về việc yêu cầu di dời vật dụng, cây cảnh tại sân thượng tầng 19. Ngay sau đó, ABC Toàn Cầu đã có văn bản số 2412/CV-ABC-BQL đề ngày 24/12/2021 yêu cầu và cho rằng, không tổ chức cá nhân nào được phép mượn danh cơ quan chức năng cưỡng chế hoặc xâm hại tài sản thuộc sở hữu của ABC Toàn Cầu.
"Bất chấp ý kiến của ABC Toàn Cầu, sáng ngày 25/12, gần 30 người đàn ông lạ mặt, mang theo xe đẩy, xe kéo cùng một số các dụng cụ khác, thường xuyên tháo bỏ khẩu trang tụ tập trên khu vực tầng 19. Cho dù chủ tài sản cố gắng ngăn cản và nhưng nhóm người kia vẫn ngang nhiên xông vào phần sân thượng 19B để tự ý cưỡng đoạt, di chuyển trên 30 chậu cây với giá trị ước tính tới thời điểm hiện tại là 472.100.000 đồng", đại diện ABC Toàn Cầu cho hay.
Theo như phản ánh, Ban quản lý tòa nhà nhiều lần thông báo và cố ý thực hiện thành công việc di chuyển chậu cảnh hoa, bonsai thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Công ty ABC Toàn Cầu. Theo tìm hiểu được biết, Ban quản lý tòa nhà đưa ra lý do để di dời toàn bộ tài sản trên là bởi, họ thực hiện theo yêu cầu tại Biên bản rút kinh nghiệm của Công an PCCC&CHCN quận Cầu Giấy (Hà Nội) “để đảm bảo khu vực tập kết cứu hộ cứu nạn tòa nhà”.
Tuy nhiên, đại diện ABC Toàn Cầu cho rằng, tại thời điểm nhóm người trên có mặt vào sáng 25/12/2021, không hề có sự xuất hiện của bất kỳ cán bộ nào thuộc Công an PCCC&CHCN quận Cầu Giấy. Trái lại, nhóm người trên với dáng vẻ hung hăng và lớn tiếng thách thức những người ngăn cản.
Để tìm hiểu rõ hơn về nội dung trên, PV đã liên hệ Ban quản lý tòa nhà thuộc Công ty Quản lý và Khai thác toà nhà VNPT (PMC) - đơn vị trực tiếp quản lý khai thác toà nhà Watermark, nhưng chưa nhận được câu trả lời cho vấn đề trên. Về phía chính quyền địa phương, tại thời điểm xảy ra vụ việc, lãnh đạo UBND phường Nghĩa Đô cũng đã tiếp nhận phản ánh và cử lực lượng chức năng xuống hiện trường để kiểm tra, đảm bảo tình hình an ninh trật tự.
Có hay không dấu hiệu việc cưỡng đoạt tài sản?
Bày tỏ quan điểm về việc phản ánh nhóm người tự ý di dời tài sản hợp pháp của Công ty Cổ phần ABC Toàn Cầu nêu trên, luật sư Đoàn Hải Nam, Công ty Luật TNHH Bross & Partners phân tích: "Hành vi của nhóm người liên quan trên là trái phép, thể hiện sự coi thường pháp luật, quy định về phòng chống dịch bệnh. Hành vi đó có dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản, quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015".
"Các cơ quan chức năng cần tiến hành điều tra, xác minh dấu hiệu tội phạm, hình sự trong hành vi cưỡng đoạt tài sản, đồng thời tiến hành khởi tố vụ án hình sự nếu đã có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm và căn cứ khởi tố vụ án", luật sư Đoàn Hải Nam nhận định.
Trao đổi về vụ việc trên, luật sư Cao Sỹ Nghị, Trưởng Văn phòng luật sư Cao đưa ra những ý kiến phân tích như sau: “Theo Điều 41 về Quyền và trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư và Điều 42 về Quyền và trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư được quy định trong Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 (được sửa đổi, bổ sung) của Bộ Xây dựng, đối với Ban quản trị và đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư, thì không có bất kỳ nội dung nào cho phép các đơn vị này được quyền kết luận, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng nhà chung cư và cũng không quy định nào cho họ được quyền áp dụng các biện pháp chế tài mang tính cưỡng chế như đã nêu trên.
Điều 104 về Quyền và trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư tại Luật Nhà ở cũng không quy định các quyền nào tương tư cho Ban quản trị và đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư. Thậm chí, tại Khoản 4 Điều 17 (Ban quản trị nhà chung cư) trong Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư quy định rất rõ ràng là: "Các quyết định của Ban quản trị nhà chung cư nếu vượt quá quyền hạn quy định tại Điều 41 của Quy chế này thì không có giá trị pháp lý; trường hợp gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân thì các thành viên Ban quản trị phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật".
Vụ việc trên không phải là lần đầu khiến người dân sinh sống trong tòa chung cư cao cấp Watermark lo lắng, sợ hãi. Trước đó, chủ căn hộ tại tầng 18 chung cư cao cấp Watermark có dấu hiệu của việc bị đục phá đường ống nước phía dưới căn hộ Top19B và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn tòa nhà. Vụ việc này xảy ra nhiều lần nhưng không được quản lý tòa nhà can thiệp quyết liệt, ngăn chặn kịp thời và lực lượng chức năng phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) đã phải nhiều lần có mặt để lập biên bản vụ việc.
Ngoài ra, người được ủy quyền sử dụng căn hộ Top19B cũng từng phản ánh, gia đình họ có 5 người đang sinh sống trong căn hộ này. Tuy nhiên, vài tháng trước, gia đình cư dân này luôn phải sống trong trạng thái bất an vì liên tục bị Ban quản lý tòa nhà thông báo sẽ cắt các dịch vụ như thang máy, điện, nước.
Lý do, Ban quản lý tòa nhà cho rằng, khu vực căn hộ Top19B sử dụng đang vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và sử dụng sai công năng. Trong khi đó, căn hộ trên được cho là tài sản của Công ty ABC Toàn Cầu và quản lý, sử dụng hợp pháp để "ở" (căn cứ theo Hợp đồng mua bán chung cư với chủ đầu tư) từ tháng 1/2018 đến nay.
Sau đó, Ban quản lý tòa nhà Watermark 395 Lạc Long Quân đã yêu cầu trong vòng 5 ngày (kể từ 29/7/2021), ABC Toàn Cầu phải thực hiện chuyển đồ đạc, nội thất ra khỏi khu vực Top19B. “Sau thời gian này, nếu Quý công ty không thực hiện, theo ủy quyền và nghị quyết của Ban quản trị, chúng tôi sẽ tiến hành hạn chế các tiện ích của khu vực Top19B, bằng việc khóa thang lên Top19B và một số dịch vụ khác”, Ban quản lý tòa nhà từng yêu cầu chủ sử dụng căn hộ Top19B thực hiện.
Việc bị yêu cầu chuyển đồ đạc, nội thất ra khỏi căn hộ chẳng khác nào đẩy cư dân vào tình cảnh "màn trời, chiếu đất". Đặc biệt, mới đây nhất là vụ việc cư dân cho rằng nhóm người lạ mặt tự ý đến di dời tài sản, giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng, càng khiến các cư dân sinh sống trong tòa chung cư cao cấp hết sức lo ngại.
Đại diện Công ty ABC Toàn Cầu bày tỏ sự nghi vấn, ở đây có hay không việc “lợi ích nhóm” hay cố tình gây khó dễ cho các tổ chức, cá nhân đang sử dụng tài sản hợp pháp lại tòa chung cư Watermark này? Bức xúc cho rằng tài sản có giá trị hàng trăm triệu đồng bị xâm phạm trái pháp luật, đại diện ABC Toàn Cầu đã làm đơn tố cáo gửi Công an phường Nghĩa Đô, Công an quận Cầu Giấy, Viện Kiểm sát Nhân dân quận Cầu Giấy, Công an TP. Hà Nội và các cơ quan bảo vệ pháp luật, đề nghị điều tra, làm rõ vụ việc.
Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.