Aa

Cần đưa vấn đề quản lý nước lên mức độ trọng yếu hàng đầu

Thứ Năm, 19/12/2019 - 15:47

Đó là ý kiến của PGS. TS. Trương Mạnh Tiến trước thực trạng có quá nhiều cơ quan, bộ, ngành cùng quản lý nguồn nước, gây không ít khó khăn, bất cập trong thời gian qua.

Đối với mỗi quốc gia, tài nguyên nước là nền tảng cơ bản để phát triển kinh tế - xã hội. Mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội phải dựa trên khả năng thực tế của nguồn nước, phù hợp với các xu thế diễn biến nguồn nước trong tương lai. Do vậy, công tác quản lý, đảm bảo an ninh nguồn nước đóng vai trò quan trọng thiết yếu, đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững.

Đánh giá về thực trạng mô hình quản lý nước tại Tọa đàm “Mô hình quản lý tài nguyên nước từ góc nhìn thực tiễn tiến tới phát triển bền vững vùng cư dân ven biển” sáng 19/12, PGS. TS. Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường cho rằng: "Mỗi quốc gia có một chiến lược khác nhau. Bộ Tài nguyên và Môi trường có Cục Tài nguyên nước. Bộ Nông nghiệp cũng có một Tổng cục Thủy lợi để lo nước cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Bộ Công Thương cũng có cơ quan quản lý với nguồn nước phục vụ sản xuất công nghiệp. 

Chính vì có nhiều bộ, ngành, cơ quan chịu trách nhiệm về việc này nên đã gây một số khó khăn đối với việc quản lý nguồn nước. Còn như Trung Quốc, đất nước ngay cạnh Việt Nam, dù trải qua nhiều thời kỳ khác nhau nhưng nhà nước luôn duy trì Bộ Thủy lợi. Ý là cần phải đưa vấn đề quản lý nước lên mức độ trọng yếu hàng đầu".

Ông Tiến cũng nhận định, mô hình quản trị tài nguyên nước thế nào thì tùy đặc điểm của mỗi quốc gia, nhưng yếu tố trước hết phải đảm bảo là sự dồi dào, đa dạng của nguồn tài nguyên nước. Điều đó đặc biệt có ý nghĩa, nhất là với đất nước nông nghiệp như Việt Nam.

Mặt khác, hiện nguồn nước cũng đang cạn kiệt nhanh chóng do biến đổi khí hậu và do ô nhiễm. "Nếu nguồn nước ô nhiễm, có chất độc hại thì sẽ tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống con người", Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nhấn mạnh.

Hai khách mời tham gia tọa đàm (bên phải)

Nhìn nhận ở góc độ khác, nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài khi gần 2/3 lượng nước của nước ta là từ nước ngoài chảy vào. Những năm qua các nước ở thượng lưu đang tăng cường xây dựng các công trình thủy điện, chuyển nước và xây dựng nhiều công trình lấy nước đã gây nguy cơ nguồn nước chảy về nước ta sẽ ngày càng suy giảm và Việt Nam sẽ khó chủ động được về nguồn nước. Vậy nên quản lý nước xuyên quốc gia cũng là vấn đề rất quan trọng cần được quan tâm.

Trước vấn đề trên, bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cho hay: “Đúng là nguồn nước của nước ta được ví là cuối nguồn của 2 dòng sông Hồng và sông Mê Kông. Việc sử dụng nước của chúng ta bị phụ thuộc vào sự sử dụng nước ở thượng nguồn. Tài nguyên nước là tài nguyên chung nhưng việc các nước thượng nguồn sử dụng nước ảnh hưởng rất lớn đến nước ta. Đây là việc liên quan đến sự hợp tác giữa các nước trong khu vực dùng chung dòng sông.

Trong tiểu vùng sông Mê Kông, có thể thấy rõ việc xây dựng thủy điện ở Lào ảnh hưởng trực tiếp đến Campuchia và Việt Nam. Trong khu vực có cả một Ủy ban sông Mê Kông, đã có nhiều thảo luận tại ủy ban này để điều hòa việc sử dụng nước dòng sông. Trong đó có thể thấy có sự xung đột lợi ích giữa các nước ở thượng nguồn và cuối nguồn.

"Trong bối cảnh đó, Việt Nam chúng ta khá thiệt thòi. Khi nói câu chuyện quản lý tài nguyên nước thì khả năng đàm phán ở mặt trận quốc tế là rất quan trọng để có thể đảm bảo quyền lợi sử dụng tài nguyên nước cho mình", bà Nguyễn Ngọc Lý nhấn mạnh.

Trước những diễn biến phức tạp liên quan đến an ninh nguồn nước, theo các chuyên gia, nền kinh tế có thể mất đến 3,5% GDP nếu không đảm bảo về nguồn nước. Đó là con số khủng khiếp nếu so với tốc độ tăng trưởng chung 6 - 7% hiện nay.

Do vậy, PGS. TS. Trương Mạnh Tiến cho rằng, tất cả các bộ có vai trò trong quản lý tài nguyên nước như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp, Bộ Xây dựng… đều phải làm tốt hơn nữa vai trò của mình và cố gắng sao để có sự phối hợp thật chặt chẽ, sự liên kết giữa Trung ương và địa phương, thậm chí, với các quốc gia trong khu vực để đảm bảo được tối đa những nguồn nước vào được nội địa. Ví dụ, làm các hồ chứa, bảo vệ các thủy vực và hạn chế tối đa sự ô nhiễm nguồn nước...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top