Aa

Cần giám sát chặt chẽ, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với vi phạm

Việt Khoa
Việt Khoa tranvietkhoa1987@gmail.com
Thứ Sáu, 27/08/2021 - 09:30

Theo một số chuyên gia, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 139 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng cần phải được giám sát chặt chẽ, đồng thời truy cứu trách nhiệm hình sự đối với vi phạm.

Sau gần 4 năm thực hiện Nghị định số 139/2017/NĐ-CP (Nghị định số 139) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở đã có những giá trị thiết thực.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Nghị định số 139 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, thiếu tính khả thi và cần thiết phải sửa đổi như việc xác định thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm đối với dự án đầu tư xây dựng để tính thời hiệu xử phạt; không có chế tài xử phạt hành vi xây dựng không phép, sai phép đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn.

Bên cạnh đó, thời gian thực hiện xin cấp và điều chỉnh giấy phép theo Nghị định số 139 cũng chưa phù hợp với từng loại công trình; chưa có biện pháp chế tài dừng thi công xây dựng đối với công trình vi phạm; chế tài xử lý đối với một số hành vi vi phạm hành chính chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, mức xử phạt còn thấp…

Do vậy, việc thay thế Nghị định số 139 là cần thiết, phù hợp với pháp luật và thực tế hiện nay.

Sửa đổi, bổ sung 125 hành vi, nâng 2 lần mức phạt

Theo Bộ Xây dựng, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 139 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng gồm 89 Điều, chia thành 7 chương, bao gồm 70 nhóm hành vi vi phạm trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng, chế tài xử lý đảm bảo tính phòng ngừa, răn đe cao, có tính khả thi trên thực tiễn. Trong đó, sửa đổi, bổ sung 125 hành vi, nâng 2 lần mức phạt và tịch thu phương tiện vi phạm.

Cụ thể, dự thảo Nghị định lần này điều chỉnh mức phạt theo hướng tăng từ 1,5 đến 2 lần so với mức phạt đã quy định tại Nghị định 139, đặc biệt tăng đối với một số hành vi, nhóm hành vi liên quan vi phạm quy định về điều chỉnh quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, kinh doanh bất động sản, quản lý sử dụng nhà chung cư.

dự án 176 định công
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 139/2017/NĐ-CP tăng mức phạt tiền lên đến 800 triệu đồng đối với một số hành vi kinh doanh bất động sản như chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án mà không đảm bảo đầy đủ các yêu cầu hoặc các điều kiện theo quy định.

Đáng chú ý, đối với vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, kinh doanh bất động sản, có hành vi bị xử phạt lên đến 1 tỷ đồng, buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với trường hợp tổ chức, cá nhân cố tình tiếp tục vi phạm.

Đồng thời, Dự thảo Nghị định cũng tăng mức phạt tiền lên đến 800 triệu đồng đối với một số hành vi kinh doanh bất động sản như chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án mà không đảm bảo đầy đủ các yêu cầu hoặc các điều kiện theo quy định, bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt.

Chưa đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực; huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết.

Trước đó, theo Nghị định số 139 hiện hành, mức phạt cao nhất trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản chỉ là 300 triệu đồng.

Đối với hành vi điều chỉnh quy hoạch không phù hợp với quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn áp dụng hoặc điều chỉnh quy hoạch không đúng căn cứ, điều kiện, nguyên tắc, trình tự điều chỉnh, đề xuất mức xử phạt tiền lên đến 250 triệu đồng (mức phạt tại Nghị định 139 là 70 triệu đồng), đồng thời buộc tổ chức vi phạm phải lập lại quy hoạch xây dựng.

Cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với vi phạm

Chia sẻ về những thay đổi trong dự thảo lần này, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho rằng: “Việc bổ sung 125 hành vi trong Dự thảo Nghị định mới lần này đã bao quát các tình huống thực tiễn. Đặc biệt, đã đi thẳng vào tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý như việc xây dựng nhà ở nông thôn; những vấn đề thường gây bức xúc dư luận và là nguyên nhân nảy sinh tiêu cực như điều chỉnh quy hoạch, bán bất động sản chưa đủ điều kiện pháp lý hay không đúng tiến độ thực hiện dự án, quản lý sử dụng tòa nhà chung cư, trong đó có quỹ bảo trì”…

Để nghị định phát huy hiệu quả, Ông Doanh cho rằng, vấn đề cốt lõi khi xử lý sai phạm là phải được phát hiện kịp thời, xử lý đúng pháp luật và được giám sát chặt chẽ.

“Bên cạnh các chế tài đủ mạnh đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong lĩnh vực xây dựng thì cũng cần có chế tài đủ mạnh và biện pháp quản lý, giám sát đủ chặt chẽ, đối với các lực lượng chức năng, nhất là trách nhiệm của cấp chính quyền phường và quận trong việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn”, ông Doanh nhận định.

vi phạm trật tự xây dựng mẫn xá
Cần có chế tài đủ mạnh và biện pháp quản lý, giám sát đủ chặt chẽ, đối với các lực lượng chức năng, nhất là trách nhiệm của cấp chính quyền phường và quận trong việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Luận bàn về những điểm mới của Dự thảo Nghị định lần này, luật sư Vũ Thị Phương Loan - Trưởng Văn phòng Luật sư Phương Loan cho rằng, để đảm bảo tính răn đe, ngoài việc bị xử phạt hành chính thì các doanh nghiệp vi phạm có thể bị áp dụng chế tài hình sự.

“Thậm chí, người có thẩm quyền về quản lý trong kinh doanh bất động sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có các hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn” gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội đã được quy định trong Bộ luật Hình sự”, luật sư Loan nói.

Chia sẻ về việc đề xuất tăng mức phạt nêu trên, Luật sư Loan cũng cho rằng, cần áp dụng biện pháp mạnh hơn là yêu cầu chủ đầu tư xử phạt bổ sung, đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản có thời hạn. Tương xứng với hành vi vi phạm buộc chủ đầu tư nộp lại toàn bộ số lợi nhuận bất hợp pháp để sung công quỹ Nhà nước, buộc hoàn trả kinh phí, khôi phục lại tình trạng ban đầu và hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy định hoặc cam kết…

Để phủ kín chế tài xử lý vi phạm liên quan đến lĩnh vực xây dựng, luật sư Vũ Thị Phương Loan kiến nghị Dự thảo Nghị định mới cần bổ sung một số nội dung:

Thứ nhất, biện pháp khắc phục hậu quả buộc dừng thi công đối với công trình xây dựng vi phạm về khởi công, công trình chỉ được tiếp tục thi công xây dựng khi đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm xác nhận đã khắc phục xong vi phạm nhằm ngăn chặn, xử lý hiệu quả, triệt để ngay từ giai đoạn đầu…

Thứ hai, đối với các chủ đầu tư cố tình vi phạm, ngoài việc xử phạt thì chủ đầu tư còn phải phá dỡ công trinh vi phạm, xây dựng theo đúng quy hoạch ban đầu, thậm chí phải bị thu hồi Quyết định đầu tư dự án... giao cho chủ đầu tư khác thay thế chứ không để chủ đầu tư lập lại quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch dự án rồi vẫn bán thu lợi nhuận, bởi kéo theo hậu quả không đồng bộ về cơ sở hạ tầng, áp lực lớn cho xã hội về các lĩnh vực giáo dục, an ninh, y tế…

Thứ ba, đối với lĩnh vực chuyển nhượng dự án không đúng quy định, trách nhiệm không chỉ nằm ở các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mà còn có trách nhiệm từ phía cán bộ quản lý Nhà nước vì đã không thực hiện đúng quyền hạn cũng như nghĩa vụ của mình trong khâu quản lý các giao dịch về kinh doanh bất đống sản (đặc biệt là chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư kinh doanh bất động sản).  Khi các cán bộ, nhân viên quản lý Nhà nước sai phạm thì việc xử lý cần bổ sung các quy định của pháp luật cho đồng bộ, tránh chồng chéo.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top