Năm 2014, anh Hải mua một căn hộ bình dân tại khu đô thị mới Linh Đàm, giá khoảng 1 tỷ đồng. Có nhà mới, anh Hải phấn khởi đầu tư sửa sang, tốn hơn 150 triệu đồng. Là người khá kỹ tính nên anh Hải chịu chơi, bỏ ra thêm 250 triệu nữa để đóng nội thất và thay hết các loại cửa trong nhà bằng gỗ lim.
So với các căn hộ bên cạnh, căn nhà anh Hải được sửa rất kỹ lưỡng. Không ưng chất lượng của chủ đầu tư, anh Hải thuê thợ trát lại toàn bộ tường, làm trần thạch cao, sơn bả bằng sơn cao cấp. Khu nhà vệ sinh anh cũng thay toàn bộ gạch và thiết bị của Nhật Bản. Với hệ thống đèn chiếu sáng, anh Hải đầu tư toàn bộ đèn Led. Ngoài ra, anh Hải còn lắp thêm bốn điều hòa, hệ thống hút mùi,...
Về phần đồ gỗ, anh Hải thay thế toàn bộ cửa nhựa của chủ đầu tư bằng gỗ lim. Bàn ghế phòng khách, phòng ăn, tủ bếp, giường và tủ phòng ngủ cũng được đóng mới bằng gỗ xịn, cùng tông màu. Anh lát thêm sàn gỗ với giá 1,5 triệu đồng/m2, trong khi đó các loại sàn gỗ công nghiệp chỉ tầm 300 nghìn đồng/m2.
Anh Hải cho rằng, đây là căn nhà đầu tiên anh mua được để ra ở riêng nên anh dành rất nhiều tâm huyết và tài chính cho nó. Cho tới nay, anh Hải vẫn được cả tầng chung cư đánh giá là chịu chơi nhất tòa nhà.
Căn hộ anh Hải mua có giá mỗi mét vuông là 18 triệu đồng, chưa kể tiền chênh, cộng thêm tiền nội thất tính ra giá trị căn hộ lên tới gần 2 tỷ. Sau khi hoàn thiện, giá mỗi mét vuông căn hộ trên 20 triệu đồng.
Tương tự như anh Hải, chị Quỳnh Trang sống tại dự án căn hộ giá rẻ ở Hà Đông cũng khá tốn kém trong khoản đầu tư nội thất căn hộ. Căn hộ chị mua có giá dưới 1 tỷ đồng nhưng tổng mức đầu tư lên tới 1,2 tỷ đồng. Sau khi nhận căn hộ bàn giao thô, chị nhờ kiến trúc sư thiết kế lại toàn bộ căn hộ, thay thế tường bằng kính, lát thêm sàn gỗ, làm trần thạch cao, mua đồ nội thất cao cấp.
Cũng chính vì căn hộ giá rẻ nên một thời gian sau, chị thấy phát sinh nhiều vấn đề phiền phức. Không thoải mái khi sống tại đây, chị tìm cách rao bán. Tuy nhiên, cũng vì căn hộ đã sửa lại nhiều, giá thành bị đẩy lên cao so với mặt bằng chung nên rất ít khách hỏi mua.
Bán cũng dở, ở không xong
Mặc dù khá ưng ý với căn hộ đang sinh sống nhưng vấn đề phát sinh chính là chất lượng dịch và hạ tầng của tòa nhà. Tòa chung cư anh Hải sinh sống 41 tầng, mật độ dân cư khá cao, thường xuyên tắc thang máy vào giờ cao điểm. Chủ đầu tư cũng cắt bớt diện tích hầm để xe, khu vực sảnh tầng 1. Ở một thời gian, anh Hải cảm thấy không phù hợp nên tìm nơi khác chuyển đi.
Anh Hải rao bán căn hộ 1,8 tỷ đồng nhưng sau nhiều ngày, vẫn không có khách hỏi mua. Vấn đề phát sinh hiện nay là giá căn hộ nhà anh Hải quá cao so với giá bình quân đang rao bán tại tòa chung cư này. Nếu bán rẻ, anh Hải sẽ bị thiệt thòi về khoản nội thất đầu tư thêm, còn nếu bán đắt thì không có khách hỏi mua.
Anh Hải cảm thấy tiếc khi đầu tư số tiền lớn vào căn hộ mà tới giờ trầy trật không bán nhà. Anh cảm thấy tiếc đứt ruột vì khách chỉ trả có 1,4 tỷ đồng.
“Đúng là khi đầu tư cho căn hộ mình không nghĩ tới chuyện bán nên chỉ muốn sắm cái tốt để dùng, nhưng giờ nghĩ lại thấy sai lầm. Nội thất có xịn mấy thì cũng ít khi được tính vào giá bán, người mua không thể chấp nhận giá cao so với mức giá chung được”, anh Hải nói.
Sau thời gian dài rao bán 1 tỷ đồng, chỉ lác đác vài khách hỏi thăm vì căn hộ như nhà chị Trang nếu chưa sửa chỉ có giá 700 triệu đồng. Cuối cùng, vì tiếc nên chị đành ngậm ngùi không bán, tiếp tục chịu những vấn đề mà chung cư giá rẻ này đang tồn tại.
Thực tế, nhiều chủ nhà đã rơi vào tình huống rắc rối như anh Hải hay chị Trang ở trên. Theo một nhân viên môi giới, những chi phí đầu tư nội thất căn hộ thường không được tính nhiều vào giá bán. Chủ nhà phải chấp nhận thiệt thòi khi bán nhà với những trường hợp như vậy. Một nguyên nhân khác là thị trường đang có quá nhiều sự lựa chọn nên người mua cũng có quyền đòi hỏi./.