Căn hộ chung cư 85 tỷ đồng đắt nhất Việt Nam gây sửng sốt thị trường giờ ra sao?
Năm 2010, một dự án mang tên Habico Tower nằm trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) do Công ty Cổ phần Hải Bình làm chủ đầu tư và Tập đoàn Dongriwon Development (Hàn Quốc) vận hành khai thác đã chào bán mức giá bán căn hộ cao khó tin.
Theo đó, căn hộ rẻ nhất cũng có giá 21 tỷ đồng và căn đắt nhất là 85 tỷ đồng. Cụ thể, các căn hộ diện tích từ 280 - 422m2 có giá bán từ 1,1 - 1,8 triệu USD (tương đương 21 - 34 tỷ đồng). Còn đối với các căn penthouse (thông tầng) diện tích từ 375 - 788m2 có giá từ 1,8 - 4,4 triệu USD (tương đương từ 34 - 85 tỷ đồng). Dự án có tổng cộng 136 căn hộ loại cao cấp và penthouse, được sở hữu trong vòng 44 năm.
Mức giá bán căn hộ tại dự án Habico Tower khấy đảo thị trường bất động sản được thời gian ngắn, bỗng dưng dự án ngừng thi công vô thời hạn khi xảy ra sự cố vào tháng 5/2011. Đó là khi nhà thầu tiến hành căng cáp dự ứng lực tại sàn tầng 9 khối căn hộ thì xảy ra sự cố bê tông sàn bị phá hủy.
Kể từ đó, công trình nằm “bất động”, không có hoạt động thi công, cẩu thang, vận tháp đã không còn trên công trường.
Sau một thời gian dài hơn 7 năm “đắp chiếu” kể từ ngày dự án xảy ra sự cố, đến nay dự án vẫn nằm phơi sương, hứng nắng…. trên mặt đường Phạm Văn Đồng – một vị trí đắc địa tại quận Bắc Từ Liêm.
Gian lận chuyển giá trong doanh nghiệp bất động sản: Không thu hút FDI bằng mọi giá
Những năm trở lại đây, bất động sản trở thành một trong “top 10” lĩnh vực thu hút vốn FDI nhiều nhất. Song, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải đánh giá lại khách quan chất lượng và đóng góp thực sự của những doanh nghiệp bất động sản nước ngoài đến nền kinh tế. Bởi thực tế cho thấy, vấn nạn gian lận chuyển giá tại doanh nghiệp FDI đang gióng lên những hồi chuông đáng báo động.
Đánh giá từ giới phân tích bất động sản cho hay, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào bất động sản Việt Nam theo ba phương thức chủ yếu là góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp và cho vay vốn đầu tư. Trong đó, mô hình liên kết với doanh nghiệp trong nước là phương thức hợp tác “yêu thích” của các doanh nghiệp FDI nước ngoài.
Phân tích về hành vi gian lận chuyển giá trong lĩnh vực bất động sản, Ths. Vũ Khánh Toàn, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán nhà nước Khu vực I, cho rằng: một trong những hình thức dễ dàng gian lận trong chuyển giá được các công ty đầu tư nước ngoài đang thực hiện, đó là liên doanh với một công ty nội địa, hơn là vào đầu tư thẳng. Nguyên nhân là các công ty đa quốc gia này muốn sử dụng hệ thống phân phối và thị phần có sẵn của các công ty nội địa.
Sau một thời gian liên doanh thì các công ty đa quốc gia này sẽ dùng các thủ thuật khác nhau, trong đó có thủ thuật chuyển giá để đẩy công ty nội địa ra và chuyển công ty liên doanh thành công ty 100% vốn nước ngoài. Các thủ thuật này chủ yếu là làm nâng lên chi phí hoạt động của công ty con, công ty con sẽ báo lỗ liên tục trong nhiều năm nhưng vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động.
Nhà đầu cơ tháo chạy khỏi thị trường đất nền
Sau các thông tin điều chỉnh mới về đặc khu của Chính phủ được công bố, hàng loạt nhà đầu cơ, lướt sóng đã rầm rộ rao bán cắt lỗ đất nền tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc để thu hồi vốn.
Ông Nguyễn Viết Xuân, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, ngay khi thấy dấu hiệu trầm lắng xuất hiện trên thị trường, ông đã nhanh tay bán số đất mà mình đã đầu tư tại Vân Đồn. Mặc dù số lời thu được không cao do giá mua vào đã gần chạm đỉnh, nhưng ông cũng mừng vì đã kịp bán hết số đất đang “ôm”.
Được biết, giá đất nền, đất dự án tại Phú Quốc đã giảm trung bình từ 20-30% so với thời điểm sốt giá. Giá của một lô đất được bán ra đã giảm tới 200-500 triệu đồng, thậm chí là cả tỷ đồng nhưng vẫn bị mặc cả. Giá đất ở khu vực Vân Đồn (Quảng Ninh) cũng ghi nhận giảm từ 30 - 50%.
Giá đất thổ vườn ở một số khu vực của xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa nếu cách đây 3 tháng được hét lên đến hàng tỷ đồng/lô thì nay dù đã giảm tới 50% nhưng vẫn không bán được. Giá của mỗi công đất lúc này đã rớt tới 500 triệu - 1 tỷ đồng, tùy vị trí.
"Xóm đường tàu" - nét mực buồn trên bức tranh Thủ đô hoa lệ
Xóm đường tàu trên đường từ ga Long Biên đến ga Hà Nội đã xuất hiện từ rất lâu. Mọi người đã dần quen với hình ảnh cũng những ngôi nhà lụp xụp, xuống cấp nằm san sát nhau ở sát cạnh đường tàu.
Theo đánh giá của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho thấy, hiện trên toàn quốc có hơn 5.500 điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt. Trong đó, có 1.516 điểm đường ngang hợp pháp và trên 4.000 điểm đường ngang dân sinh. Tại các điểm đường ngang dân sinh luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra mất an toàn giao thông đường sắt.
Thậm chí, nhiều dãy nhà nằm sát cạnh đường tàu, người dân sinh hoạt, kinh doanh một cách thoải mái, lấn chiếm hành lang đường sắt. Trẻ em vui đùa ngay trên đường ray xe lửa. Nét sinh hoạt này trở thành những điểm thú vị với người nước ngoài, nhưng cũng khiến không ít người phải rùng mình vì sự hiểm nguy, và bởi những "xóm đường tàu" giường như vẫn là những "nét mực buồn" trên bức tranh đô thị hiện đại.
"Quá nhiều dự báo khiến nhà đầu tư phải dè chừng"
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Phó Giám đốc Công ty CP Nhà đất Hùng Vương, hiện tại có quá nhiều dự báo về thị trường bất động sản từ các chuyên gia đã khiến nhà đầu tư và môi giới cẩn trọng và rụt rè hơn trong việc đầu tư kinh doanh.
Nhà đầu tư và môi giới tiếp cận thông tin qua thực tế và các kênh phương tiện thông tin. Khi hàng loạt các dự báo từ phía chuyên gia về tình trạng vỡ bong bóng hay khủng hoảng, họ sẽ trở nên dè chừng hơn.
Tuy nhiên, tâm lý của họ vẫn vẫn không xoay chuyển bởi để lấn sâu được vào thương trường bất động sản, họ đã phải có kiến thức về lĩnh vực này vững vàng. Còn nhà đầu tư lướt sóng, không chuyên, họ dễ dàng rơi vào trạng thái hoang mang, dè chừng hơn.