Cải tạo chung cư cũ và kế hoạch "trên giấy"
Câu chuyện cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội và TP.HCM đã được đưa ra cách đây gần chục năm nhưng đến nay kết quả dường như vẫn dậm chân tại chỗ với thông tin “đã phê duyệt”.
Theo thống kê Sở Xây dựng TP. Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.516 chung cư cũ có quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1990. Ngoài ra, một số nhà được xây dựng từ trước năm 1954 tập trung chủ yếu ở 4 quận nội thành cũ và các quận như Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân.
Tuy nhiên, sau 10 năm Hà Nội mới xây dựng, cải tạo lại được khoảng 1% trong tổng số hơn 1.500 chung cư cũ. Còn lại hầu hết các dự án đã và đang triển khai không thể thực hiện đúng tiến độ, thậm chí có dự án khởi công cả chục năm nhưng vẫn “nguyên xi”.
Nhìn tổng quát việc cải tạo, xây mới chung cư cũ còn nhiều nan giải là do một số nguyên nhân. Thứ nhất là những cơ chế ưu đãi hiện tại của Chính phủ chưa đủ khiến nhà đầu tư hào hứng; cùng với đó là việc đầu tư cải tạo chung cư cũ lợi nhuận doanh nghiệp thu về không nhiều.
Rút khỏi loạt dự án bất động sản trong nước, VinaCapital thu về hơn 153 triệu USD
VinaLand Limited - đơn vị đầu tư bất động sản trực tiếp của công ty quản lý tài sản VinaCapital Việt Nam đã bán cổ phần của mình tại dự án Phú Hội City, một khu đô thị nằm ở phía Nam tỉnh Đồng Nai và thu về số tiền tương ứng là 15,8 triệu USD. Trong một thông báo mới đây, VinaLand cho biết đã hoàn tất việc thoái vốn và thu hồi toàn bộ số tiền.
VinaLand tiết lộ số tiền này tương đương khoảng 2% giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ (tính đến cuối tháng 9/2017).
Dự án Phú Hội City có diện tích 84ha, được VinaCapital mua lại từ năm 2007, được quy hoạch thành khu dân cư trong tương lai. Dự án nằm cách TP.HCM 27km về phía Đông, cách Sân bay Quốc tế Long Thành 15 km và đã hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng.
Căn hộ giá rẻ “cháy hàng” cuối năm
Giao dịch phân khúc căn hộ trung cấp, bình dân ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực khi phần lớn nguồn cung mới tung ra đều có tỷ lệ hấp thụ cao.
Nhìn chung các dự án mới chào hàng trong tháng 10, 11 đều có giao dịch rất tốt. Bên cạnh loại hình căn hộ trung cấp, bình dân, phân khúc nhà phố, biệt thự và căn hộ cao cấp cũng khởi sắc hơn so với tháng 9. Ở phân khúc căn hộ tầm trung, loạt dự án mới chào bán đều ghi nhận tỷ lệ hấp thụ lên đến 90%.
Theo ông Ngô Đình Hãn - Giám đốc Công ty Bất động sản Nam Long, phần lớn các dự án có giao dịch tốt thời gian qua đều tập trung tại khu Đông và Nam Sài Gòn, nơi có lợi thế về phát triển hạ tầng mạnh, kết nối linh hoạt vào trung tâm và quỹ đất đẹp đang ngày một khan hiếm. Việc chú trọng triển khai đồng bộ hệ thống tiện ích dịch vụ, nâng cao tiêu chuẩn sống tại nhiều dự án trung cấp, bình dân cũng là nguyên nhân khiến người mua nhà ngày càng chuộng dòng sản phẩm này.
Đẹp lạ công trình vòm tre của Võ Trọng Nghĩa ở Sơn La
Công trình độc đáo với tre mới của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa nằm ở vùng đồi núi cao của Việt Nam, thành phố Sơn La. Nhìn từ xa cấu trúc của công trình này như được sao chép từ địa hình xung quanh, đầy ấn tượng.
Nhóm kiến trúc vòm tre này bao gồm 5 ngôi nhà. Chúng được bao quanh bởi núi đá và rừng cây rậm rạp gần khu vực trung tâm thành phố. Vì thế, điều này khiến nhiều người liên tưởng đến các mái vòm như tượng trưng cho những ngọn núi, hay có thể nói lối kiến trúc này là sự sao chép của địa hình khu vực.
Với mục đích phục vụ cho một tổ hợp gồm nhà hàng ở Sơn La và một sảnh nghi thức, nhóm công trình trên được thiết kế để tạo ra một không gian tao nhã mới lạ.
Nói về nguyên liệu xây dựng công trình, VTN architects chia sẻ: “Tre là một loại vật liệu rất quen thuộc với văn hóa thiểu số địa phương và dễ kiếm được”. Cả 5 nhà vòm trong nhóm kiến trúc có diện tích 227m2. Nhà vòm lớn nhất cao khoảng 15,6m, được thiết kế làm không gian cho một quán café. Trong khi đó, hai nhà vòm khác có chiều cao 12,5m và 2 nhà còn lại cao 10,5m được sử dụng như nơi nghỉ ngơi cho những du khách đến với sảnh nghi thức.
Tìm lời giải cho các dự án tái định cư
Các dự án tái định cư đang gặp phải nhiều vấn đề về chất lượng xây dựng, tiện ích nghèo nàn, vị trí không thích hợp… khiến người dân chê không về ở, gây lãng phí tiền của và tài nguyên đất. Đâu là hướng đi khả quan để giải quyết bài toán nhà tái định cư?
Hà Nội đang đặt mục tiêu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng khoảng 2.700 dự án, thu hồi đất gần 6.000 ha, bố trí tái định cư cho hơn 19.000 hộ dân. Điều này cho thấy, nhu cầu về nhà tái định cư rất lớn.
Tuy nhiên, dù nhu cầu lớn, thậm chí còn rất cấp bách, nhưng trên thực tế, ở cả Hà Nội và TP.HCM vẫn còn nhiều khu nhà tái định cư bị bỏ hoang nhiều năm trời do không có người dân chuyển về ở, dẫn đến tài sản Nhà nước bị thất thoát, lãng phí, cảnh quan đô thị cũng bị ảnh hưởng.
Trong báo cáo tư vấn cho Chính phủ Việt Nam về nhà ở, Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra nguyên nhân thất bại của các dự án nhà ở. Cụ thể, các cơ quan tham gia không rõ ràng về mặt thể chế, chỉ phối hợp trên cơ sở giải pháp tình thế và thực hiện cơ chế báo cáo là chủ yếu. Điều này làm hạn chế năng lực và việc triển khai các chương trình nhà ở một cách tổng thể, cũng như đạt hiệu quả chi phí.