Cần khuyến khích người thắng cuộc, đừng nhăm nhăm ưu tiên “ông anh cả”
[br/][div class="wow fadeIn bold italic"]Với vị thế và sự trải nghiệm, những ý kiến phân tích và đánh giá của PGS. TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thường có tính thuyết phục cao. Trái với sự ái ngại của không ít người, sợ hiểu lầm khi nhận xét về các doanh nhân giàu có, PGS. TS. Trần Đình Thiên thẳng thắn chỉ rõ những mặt tích cực của doanh nhân Việt Nam mà xã hội và Nhà nước cần công tâm nhìn nhận, tôn vinh. Và dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông Trần Đình Thiên đánh giá, kinh tế tư nhân Việt Nam là triển vọng của nền kinh tế thị trường, đang đứng trước “vận hội” mới, rất sáng sủa.[/div]
[br/]
[div class='intro-text' pc-style='left:-45px !important;' mobile-style='display:none']Không phải kiếm chác xong[br/] là bỏ chạy[/div]
[div class='intro-text' pc-style='display:none']Không phải kiếm chác xong là bỏ chạy[/div]
[br/]Nguyễn Thành Công: Sự trỗi dậy của Vingroup (VinFast), VietJet, THACO Trường Hải, FPT (công nghệ thông tin) hay như Tập đoàn TH (nông nghiệp công nghệ cao)… đều tạo thành những năng lực phát triển quốc gia. Những doanh nghiệp tư nhân lớn, các "đại gia" này đang giữ vai trò là những người sáng nghiệp, mở đường và dẫn dắt phát triển kinh tế ở thời kỳ mới nhưng có vẻ như họ vẫn đang bị một bộ phận xã hội nghi ngờ về sự giàu lên quá nhanh?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Câu chuyện họ bị gắn cái “mác” ấy là bình thường. Bởi cả hệ thống kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi vừa qua dường như gắn rất chặt với phương thức “đánh quả”, "chộp giật", đầu cơ trục lợi. Trong một hệ thống như vậy, ai không tranh thủ “lỗ thủng cơ chế” hay tình trạng “tranh tối, tranh sáng” để “đánh quả”, đầu cơ, nhân đó vươn lên làm giàu thật nhanh là kém.
Tôi nghĩ cả những doanh nghiệp “sáng nghiệp” nêu trên phần nào cũng phải tham gia vào những việc kiểu như vậy, thậm chí, còn tham gia một cách “xuất sắc”. Cho nên, họ khó tránh khỏi tai tiếng và nếu có tai tiếng cũng không phải là điều đặc biệt.
Tuy nhiên, điểm nổi bật và khác biệt của họ không nằm ở đó và cần phải phân biệt rạch ròi. Động cơ, mục đích kinh doanh và làm giàu thật sự của họ có lẽ không thuần túy là kiếm chác xong bỏ chạy, chỉ làm giàu cho mình, tranh thủ hưởng thụ tối đa mà không nghĩ gì đến dân tộc, đất nước. Tôi tin rằng những doanh nhân này biết tranh thủ quá trình chuyển đổi để làm giàu nhanh. Đó là những người biết chớp cơ hội.
Cơ hội sẽ qua nhanh và nếu không tranh thủ được thì có phải là người gàn dở, kém cỏi không? Nhưng khi những doanh nhân này làm giàu nhanh thì mục tiêu của họ cũng không thuần túy chỉ là “kiếm chác” và “làm giàu” cá nhân. Nhưng ở họ có một điểm khác biệt quan trọng, động cơ “làm giàu” luôn đi liền với một mục tiêu cơ bản: Lấy nền tảng, cơ sở giàu có vừa tạo lập được để tiếp tục làm giàu và đóng góp cho xã hội, tạo thêm năng lực phát triển mới cho đất nước.
Nguyễn Thành Công: Đại văn hào Mark Twain từng nói: “Hai mươi năm về sau bạn sẽ hối hận về những gì không làm hơn là những gì bạn đã làm. Hãy tháo dây và nhổ neo để ra khỏi bến đỗ an toàn. Hãy để cánh buồm của bạn đón trọn lấy ngọn gió…”. Và, theo quan sát của tôi, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp tư nhân như thế, họ đã đi từ "không" đến "có", đã vượt qua sự trói buộc, nhổ neo ra biển lớn dù phải đối đầu với vô vàn những khó khăn. Ông có thể nêu một vài dẫn chứng được không?
[br/]PGS. TS. Trần Đình Thiên: Không khó lắm nhưng vẫn luôn dễ bị phản bác, chịu “điều ra tiếng vào”, cho rằng có sự thiên vị, thậm chí là biện hộ, lấy lòng ở đây. Nhưng tôi không ngại điều đó.
Đầu tiên chắc phải kể đến FPT. Không đơn thuần chỉ là một công ty phần mềm, lập trình, bán máy tính… để kiếm lợi nhuận công ty và thu nhập cho người làm công, FPT luôn coi giá trị cốt lõi của mình là mang đến công nghệ mới, trang bị tri thức về công nghệ thông tin để nâng cao năng lực cho người Việt Nam, giúp xã hội ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng internet vào học tập, giải quyết các bài toán phát triển. Với thế mạnh về công nghệ và tập hợp lực lượng trí thức đông đảo, FPT đã tạo ra những giá trị mới, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế và mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
Ở khía cạnh cá nhân, trong những con người FPT mà tôi biết, tôi đều nhận thấy họ luôn mang trong mình khát vọng xây dựng niềm tự hào dân tộc.
TH TrueMilk cũng là một Tập đoàn như vậy – khác biệt, luôn vươn tới và cố gắng cống hiến cái tốt nhất. Tôi nghĩ chất “đánh quả” ở TH rất ít, có thể nói hầu như không có. TH chọn vươn lên trong một lĩnh vực cực kỳ khó khăn. Họ phải làm việc và trực tiếp giải quyết bài toán phát triển khó bậc nhất, đó là nông nghiệp – nông thôn, với người nông dân, trong những quan hệ ruộng đất vô cùng phức tạp và nhạy cảm.
Nền nông nghiệp nước ta vốn trình độ thấp, năng lực rất yếu, hoạt động manh mún, phân tán. Thế nhưng, TH lại xông vào làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên quy mô lớn, ở một đẳng cấp rất cao, có thể coi là cao nhất. Bằng cái tâm cùng với tư duy “bứt phá”, vượt trội và sự quyết đoán, doanh nhân đứng đầu TH Thái Hương đã góp phần làm thay đổi thị trường sữa Việt Nam cũng như thay đổi cả tư duy phát triển nông nghiệp một cách tích cực hiếm thấy.
TH mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài, xông vào cả những thị trường khó khăn như Nga và khó tính như Mỹ để chứng minh năng lực của doanh nghiệp Việt Nam. Đây thực sự là tấm gương làm thật chứ không phải đi đầu cơ đất đai, đầu cơ cổ phiếu để kiếm chác. Tôi nhìn thấy ở bà Thái Hương ý thức về sứ mệnh giúp người dân Việt Nam có thể tự hào về mảnh đất, về sản phẩm của chính họ trong cuộc đua tranh thế giới.
THACO Trường Hải của ông Trần Bá Dương cũng là một ví dụ “nặng ký”. Lao vào làm ô tô để khẳng định năng lực Việt Nam khi mà chiến lược ô tô “quốc doanh” - tất cả đều thất bại.
Hoặc như “Bầu” Đức của Hoàng Anh – Gia Lai, phong cách kinh doanh rất đáng nể trọng. Doanh nhân này thực sự vì Tổ quốc. Hãy xem tình yêu ông ta dành cho bóng đá Việt Nam, xem cách ông đầu tư vào bóng đá, cho bóng đá, kể cả những lúc hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh - Gia Lai gặp khó để biết một phong thái đàng hoàng, thẳng thắn của một người kinh doanh tử tế.
[br/]Gần đây, có hiện tượng Vingroup, mà nổi bật gần nhất là VinFast.
Tôi có nói mấy lần về trường hợp Vingroup và tôi tin vào ông Phạm Nhật Vượng. Vươn lên từ những gói mỳ ăn liền Việt Nam ở nước ngoài, sau “mở biên” hoạt động ra rất nhiều lĩnh vực một cách bài bản - thật sự là một nỗ lực vươn mình, với sự đóng góp quốc gia đáng nể trọng. Vingroup đi từ bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch, hệ thống trung tâm thương mại - siêu thị, cửa hàng tiện ích, cho đến nông nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục, và mới đây nhất là công nghiệp công nghệ cao (ô tô VinFast). Gắn liền với từng lĩnh vực là những trung tâm nghiên cứu sáng tạo.
Đây cũng là trường hợp dư luận trên mạng internet đề cập đến nhiều chiều và lắm ý kiến. Khen chê đủ cả. Tin tưởng có nhưng hoài nghi cũng không ít. Tôi biết ông Phạm Nhật Vượng không quan tâm đến điều này. Đơn giản vì ông tin vào mình, và không muốn mất thời giờ cho việc “thanh minh”.
Về phần tôi, tôi cho rằng ý kiến qua lại là điều khó tránh và hầu như không thể tránh khỏi. Và có khi đó cũng là điều cần thiết, theo nghĩa tạo thành áp lực - động lực thúc đẩy Vingroup tự chứng minh để khẳng định mình.
[br/]
Chắc còn nhiều trường hợp khác tương tự nhưng không thể kể hết được ở đây.
Nhưng nhìn chung, có thể nói những doanh nhân này cần phải được đánh giá công bằng, nghiêm khắc, không thể theo một chiều “chộp giật”, “kiếm chác” thông thường. Khen chê cũng phải thật sự đàng hoàng. Không phải để lấy lòng hoặc vùi dập họ một cách không thương tiếc.
Đó là những tấm gương để chúng ta thấy được sự lan tỏa và chuyển mình trong tư duy phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.
Thế còn để thay đổi nhận thức của xã hội về họ, để đất nước có một lực lượng doanh nhân đàng hoàng, đầy năng lực, sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức. Cần phải thay đổi triệt để phương thức phát triển, kéo theo đó là cả một nền văn hóa. Quá trình này cần sự hỗ trợ “khác thường” của Nhà nước, cần một khát vọng phát triển của cả một dân tộc mới có thể làm được. Quá trình phát triển sẽ định hình dần những giá trị tốt đẹp. Lớp doanh nhân trẻ, khởi nghiệp giờ đây tiếp cận đến hoạt động kinh doanh ngày càng nghiêm túc, tính đầu cơ, "chộp giật" càng ngày càng ít đi.
[br/][div class='intro-text' pc-style='left:-85px !important;' mobile-style='display:none']PHẠM NHẬT VƯỢNG[br/] – BẢN LĨNH CỦA DOANH NHÂN DÂN TỘC[/div]
[div class='intro-text' pc-style='display:none']PHẠM NHẬT VƯỢNG – BẢN LĨNH CỦA DOANH NHÂN DÂN TỘC[/div]
[br/]Nguyễn Thành Công: Ai đã từng đọc, thậm chí nhiều người chưa đọc “Thép đã tôi thế đấy” - cuốn sách gối đầu giường với rất nhiều thế hệ thanh niên - đều biết câu nói nổi tiếng của Paven Coocsaghin: "Cái quý nhất của con người là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…". Câu chuyện về Paven thổi lửa vào niềm kiêu hãnh, đánh thức ý chí của những con người không chịu khuất phục, chùn bước trước khó khăn, luôn mạnh mẽ tiến bước trên con đường đã chọn. Và đầu năm nay, tôi đọc được lời chia sẻ hiếm hoi của ông Phạm Nhật Vượng, cũng phảng phất tinh thần ấy: “Nếu làm chỉ để tiêu, chỉ để có cái nọ, cái kia thì tôi phải dừng lâu rồi. Lỡ làm người rồi, không thể sống một cuộc đời phí hoài được”.
Qua quan sát của mình, ông có bình luận gì về phẩm chất và năng lực của Phạm Nhật Vượng?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Người Việt thường không thích tôn vinh cá nhân. Bởi vì vấn đề cốt lõi là do xã hội được thiết kế theo cách đề cao tập thể, hòa tan cá nhân vào đó, dẫn tới chỗ khá cực đoan là ít đề cao, ít coi trọng những giá trị cá nhân. Cho nên, bây giờ có khen doanh nhân Phạm Nhật Vượng hay ai đó như một tấm gương, cần mổ xẻ những khía cạnh của con người đó để trở thành một gợi ý, một dạng năng lực cổ động cho xã hội là rất khó, dễ bị quy vào động cơ nọ, động cơ kia.
Cá nhân tôi đánh giá rất cao ông Phạm Nhật Vượng. Khách quan nhận xét, tôi thấy tầm nhìn, cách chơi của Phạm Nhật Vượng đúng là mang bản lĩnh của một doanh nhân dân tộc. Không màu mè, không phô trương mà tràn đầy năng lượng và ý tưởng sáng tạo. Nhưng Vingroup biết cách “phô trương”, theo nghĩa quảng cáo thương hiệu. Cách mà VinFast làm gần đây là rất chuyên nghiệp, thậm chí, rất đẳng cấp.
[br/]Nhưng về mặt cá nhân, tôi không thấy Phạm Nhật Vượng có chuyện khoe khoang hay lên tiếng cao giọng. Thậm chí, khi được hỏi có nhu cầu mua máy bay riêng giống như nhiều “đại gia” khác, ông cũng chỉ trả lời đại khái: “Người ta bay suốt ngày thì mới mua chứ tôi không đi đâu mấy, mua máy bay tính ra sẽ lỗ thì mua làm gì”.
Nhưng tầm nhìn của Phạm Nhật Vượng phải nói là rất tốt, ít người có và đến giờ, khó nói có ai biết được tầm nhìn của doanh nhân này là thế nào. Chỉ có điều, thấy ông ấy liên tục triển khai các “tuyến chơi”, tuyến kinh doanh, tuyến nào cũng gây sửng sốt. Tính liên tục khó tin đến mức làm người ta, cụ thể là tôi, cũng phải lo ngại thay cho ông ấy. Bởi vì trải rộng lực lượng trên quá nhiều mặt trận kinh doanh là điều tối kỵ, vì phải dàn mỏng binh lực trong một trận chiến, dễ lộ ra điểm yếu và có thể bị đối thủ "điểm huyệt".
Thời gian sẽ kiểm chứng giấc mơ đa ngành của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, cách làm của Vingroup, xét theo tầm nhìn, rất hợp logic phát triển. Trên thực tế, kết quả kinh doanh cho đến nay của Vingroup đang dần xóa tan các nghi ngờ. Có thể tóm lại mấy điểm cốt lõi về logic đó như sau:
Trước tiên, Vingroup nhằm vào phân khúc sản phẩm cao cấp, đánh trúng nhu cầu thị trường.
Hai là, tạo sự lan tỏa – kết nối, tạo dựng hệ sinh thái vững chắc, các lĩnh vực cung ứng, hỗ trợ nhau.
Đặc biệt, việc tham gia vào lĩnh vực đầu tư cho trí tuệ nhân tạo AI, hệ sinh thái khởi nghiệp tương tự mô hình thung lũng Silicon tại Hà Nội đầy khó khăn và phức tạp khẳng định quyết tâm của Vingroup trong nỗ lực hướng tới nền sản xuất dựa trên tri thức và khoa học, góp phần nâng cao hiệu suất cho kinh tế nước nhà.
Nhưng khía cạnh cần phải đặc biệt nhấn mạnh, chính là phẩm chất của Phạm Nhật Vượng - làm giàu nhưng sự giàu có hướng đến phục vụ xã hội. Có người vẫn còn nghi ngờ chuyện này, cũng là chuyện thường tình.
Người ta dù có giàu mấy cũng chẳng ăn tiêu được bao nhiêu. Nhưng điều đáng bàn là sự giàu có của cá nhân đó có mang lại lợi ích cho xã hội hay không. Dưới góc độ đó, sẽ có những đánh giá tích cực đối với Phạm Nhật Vượng và nhiều người giàu khác. Họ là những người huy động được các nguồn lực xã hội, kiến tạo được những giá trị và đóng góp cho xã hội. Trong cuộc cạnh tranh quốc tế hiện nay, họ góp phần tạo ra những năng lực phát triển thật sự cho đất nước.
[br/]Có lẽ còn nhiều việc khác ông Vượng làm âm thầm nhưng hướng đến xã hội, hướng đến nhân dân. Việc ông bỏ mấy triệu USD để tài trợ mua bản quyền giải bóng đá vô địch thế giới cho cả xã hội xem diễn một cách rất tự nhiên. Tôi có biết việc này. Và tôi thật sự bị ngạc nhiên.
Ông Vượng nói với tôi, ngoài 5 triệu USD tài trợ VTV mua bản quyền, Vingroup còn bỏ thêm 1 triệu USD để mua quảng cáo trên chính VTV. Tài trợ cho xã hội và quảng cáo cho mình là hai chuyện khác nhau, rành mạch, rõ ràng. Ông bảo, “em ngại xã hội đánh giá Vingroup tài trợ để quảng cáo, lăng xê mình chứ không phải vì động cơ tốt đẹp gì”.
Hay như trước đó, năm 2017, Vingroup đã đầu tư gần 30 triệu USD vào Quỹ đầu tư và Phát triển Bóng đá Việt Nam PVF trong chiến lược đào tạo các lứa cầu thủ tài năng nhằm hiện thực hoá giấc mơ World Cup.
Tôi biết, Vingroup vẫn đang triển khai các chương trình vì cộng đồng khác. Ít ồn ào nhưng đáng được tôn trọng và nể trọng.
[br/][div class='intro-text' pc-style='left:-85px !important;' mobile-style='display:none']TRUYỀN CẢM HỨNG, NHƯNG CŨNG[br/]CẦN ĐƯỢC TẠO CẢM HỨNG[/div]
[div class='intro-text' pc-style='display:none;']TRUYỀN CẢM HỨNG, NHƯNG CŨNG CẦN ĐƯỢC TẠO CẢM HỨNG[/div]
[br/]Nguyễn Thành Công: Một năm trước, khi công bố dự án công nghiệp ô tô VinFast, Vingroup đã gặp rất nhiều sự nghi ngờ. Tuy nhiên, cách đây mấy ngày, với ô tô VinFast, Việt Nam đã chính thức có tên trên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới. Là lãnh địa của nhiều “ông lớn” hùng mạnh, nhưng ô tô được Vingroup chọn làm “điểm quyết chiến chiến lược”. Cá nhân ông nhận định thế nào về khả năng thành công của dự án này?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: VinFast là minh chứng khẳng định niềm tin về năng lực của doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Đã phải mất rất nhiều thời gian, Việt Nam mới có được một sản phẩm chế tạo đẳng cấp để định vị mình trong bản đồ công nghiệp thế giới. Với VinFast, niềm tin “người Việt Nam làm được” không chỉ bùng cháy trở lại mà còn trở nên vững chắc hơn với cách làm sáng tạo, độc đáo và quyết liệt của Vingroup.
[br/]Tôi cho rằng, VinFast có khả năng thành công cao, dựa trên nền tảng Tập đoàn Vingroup - công ty mẹ. Tự thân VinFast cũng triển khai dự án rất bài bản, hiệu quả, tận dụng xu thế thời đại, huy động và sử dụng các nguồn lực phát triển như vốn, công nghệ, nhân lực một cách khôn khéo để đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, kiểu dáng và tính hiện đại cho sản phẩm.
Tôi nghĩ với dự án này, Vingroup đã cân nhắc và tính toán kỹ càng. Đó là lợi ích phát triển ngành dựa trên nền tảng công nghệ cao, liên kết phát triển theo chuỗi toàn cầu, là việc cung cấp những chiếc ô tô tốt và đẹp, mang logo chữ “V” cho người tiêu dùng, qua đó tạo hàng chục ngàn việc làm và thu nhập cho người lao động, đóng thuế cho ngân sách nhà nước và đóng góp phúc lợi xã hội.
Không thể phủ nhận một điều là trong năm nay, VinFast chính là câu chuyện truyền cảm hứng nhiều nhất trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
[br/]Nhưng ở chiều ngược lại, VinFast cũng cần được tạo cảm hứng từ sự ủng hộ của cả nước để tiếp tục bứt lên, tạo thành một năng lực, một sức mạnh mang tính biểu tượng quốc gia.
Nguyễn Thành Công: Nhìn vào sự phát triển kỳ diệu của Vingroup, Sun Group, Tập đoàn TH hay những doanh nghiệp khác, người ta thường hỏi, liệu có “sức mạnh” thần kỳ hay “bàn tay” nâng đỡ nào chăng? Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Những trường hợp trên đều gây ngạc nhiên, rằng tại sao họ giàu nhanh như thế.
Nhưng thứ nhất, có một chân lý chung thế này: Thời kỳ chuyển đổi thường là giai đoạn làm giàu nhanh và dễ nhất. Ở nước ta, nền kinh tế chuyển đổi trong mấy chục năm vừa rồi là cơ hội cho phép nhiều người làm giàu nhanh, tạo ra nhiều người giàu.
Thứ hai, cộng hưởng với cơ hội khách quan đó là năng lực đầu cơ, nắm bắt cơ hội nhạy bén của một số người. Những người này thường biết tận dụng cơ hội, mà trong thời kỳ chuyển đổi, cơ hội đó sinh ra từ tình trạng “tranh tối tranh sáng” của cơ chế, hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện, làm tăng tốc quá trình làm giàu.
Trong quá trình chuyển đổi, đáng lẽ Nhà nước phải tăng cường pháp trị, ngăn chặn đầu cơ, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động đầu cơ trục lợi, để lợi ích chuyển đổi chảy được vào ngân sách Nhà nước và được phân bổ công bằng hơn cho người lao động. Đây là một trong những nội dung thực chất của cái gọi là “quản lý quá trình chuyển đổi”, tránh cho quốc gia, ngân sách, người nghèo bị thiệt hại lợi ích.
Tuy nhiên, hệ thống thể chế, cơ chế chuyển đổi của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã không làm tốt công việc quản trị này. Cá nhân nào có tài đầu cơ sẽ dễ thu lợi lớn. Chính đây là lý do gây tai tiếng cho người nhanh giàu.
Tất nhiên, cơ hội khách quan có thể như nhau, nhưng trong số nhiều người giàu lại có người giàu vượt hẳn lên. Điều đó liên quan đến năng lực kinh doanh thực sự của họ chứ không đơn thuần và, càng ngày càng không phải là năng lực “chộp giật", "đánh quả”. Trong số này, Phạm Nhật Vượng, Trương Gia Bình, Trần Bá Dương, Nguyễn Thị Phương Thảo hay Thái Hương, cùng nhiều người khác là những nhân vật như vậy. Họ là những người có tầm nhìn, biết tận dụng lợi thế chuyển đổi, có khát vọng và biết tổ chức làm ăn lớn. Vì thế, họ giàu nhanh và tiếp tục tiến lên.
Như vậy, ở đây có hai nhóm yếu tố song hành, tích hợp lại, tạo nên sự phát triển kỳ diệu của doanh nghiệp. Trong đó, tôi đặc biệt lưu ý yếu tố tài năng doanh nhân.
[br/][div class='intro-text' pc-style='left:-105px !important;' mobile-style='display:none']ĐỪNG ĐỔ TỘI CHO DOANH NGHIỆP,[br/]LỖI LÀ CỦA NHÀ NƯỚC[/div]
[div class='intro-text' pc-style='display:none !important;']ĐỪNG ĐỔ TỘI CHO DOANH NGHIỆP, LỖI LÀ CỦA NHÀ NƯỚC[/div]
[br/]Nguyễn Thành Công: Từ trước đến nay, chúng ta vẫn biết ở các nước tư bản, các tập đoàn kinh tế khi lớn mạnh đến một mức nào đó, sẽ có thể thao túng kinh tế, sau đó chi phối chính trị, dần dần can thiệp vào chính sách và đường lối phát triển của đất nước. Ông có bình luận gì về thực trạng có một bộ phận các nhóm lợi ích thao túng kinh tế và có thể có khả năng tác động đến chính sách?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Thường thường, những sự lũng đoạn này do Nhà nước kém, luật lệ kém, do sự tha hóa quyền lực Nhà nước nên dẫn đến những nguyên tắc vận hành của hệ thống lỏng lẻo, những mắt xích rời rạc, trục trặc, như những toa tàu chệch đường ray, quan chức dễ bị mua chuộc…
Thế còn doanh nghiệp tham gia kinh doanh có động cơ tự thân là phải trở thành khổng lồ, phải độc quyền, phải mở rộng phạm vi và tầm ảnh hưởng. Đã gọi là cạnh tranh thì phải đè được đối thủ xuống, nghĩa là phải cố vươn tới độc quyền. Đó là xu hướng tự nhiên, tất yếu. Thế còn xã hội, nhà nước có cho họ độc quyền thao túng hay không lại là chuyện khác. Nhà nước phải đưa ra luật chơi để ngăn cản nguy cơ này. Không làm được điều đó là lỗi của Nhà nước, đừng đổ tội cho thị trường và doanh nghiệp. Như thế là sai, ngược và không giải quyết được căn nguyên của vấn đề.
Tôi thấy nước Nhật sau khi bị thất bại năm 1945, nước Mỹ vào làm nhiệm vụ giống như quân quản, xé tan những tập đoàn gia đình để chống độc quyền. Mỹ là nước theo đuổi giá trị Cạnh tranh tự do, không cho phép độc quyền. Trong cách tiếp cận thị trường tự do, họ cố gắng soạn ra những bộ luật chống độc quyền rất nghiêm khắc.
Châu Âu cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Gần đây, thỉnh thoảng họ “nện” cho Google hay Microsoft “một trận” vì “tội” độc quyền. Ví dụ, hồi tháng 7/2018, Google chịu án phạt chống độc quyền 5 tỷ USD của Liên minh Châu Âu (EU) vì lạm dụng hệ điều hành Android của mình. Hay như năm 2012, Microsoft đã phải nộp khoản tiền phạt 1,1 tỷ đô la sau khi thất bại trong việc kháng nghị cáo buộc độc quyền từ EU. Hàn Quốc ngay trong giai đoạn khủng hoảng năm 1997 – 1998, cũng đặt ra điều kiện phải hạn chế độc quyền.
Ở Việt Nam, xu hướng độc quyền, “bành trướng” của doanh nghiệp là quá trình tự nhiên. Vấn đề là ngăn chặn và có ngăn chặn hiệu quả hay không là câu chuyện của Nhà nước. Tôi cho rằng, Nhà nước phải cố làm được việc đó, để duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh. Nếu Nhà nước mà bị nhóm lợi ích thao túng, thì những nhóm lợi ích đó kiểu gì cũng gắn với lợi ích của nhóm tập đoàn khổng lồ, chia chác, lũng đoạn nền kinh tế, dần dần chi phối đến chính trị thì cực kỳ nguy hiểm.
[br/][div class='intro-text' pc-style='left:-105px !important;']MUỐN LIÊN KẾT, PHẢI CÓ CẠNH TRANH[/div]
[br/]Nguyễn Thành Công: Người xưa thường nói rằng, "có rất nhiều con đường để bạn chọn lựa, nếu muốn đi nhanh hãy đi một mình, nhưng nếu muốn đi xa hãy đi cùng nhau". Cách đây hơn chục năm, câu chuyện liên kết đã được nhắc đến nhiều nhưng đến giờ, sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với nhau để tạo ra chuỗi giá trị vần gần như bằng không. Trong thế giới phẳng, điều này đáng ngại như thế nào?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Một yếu tố quan trọng xác định thực lực và sức mạnh của doanh nghiệp Việt Nam là tính liên kết. Doanh nghiệp của Việt Nam xưa nay hầu như không có sự liên kết. Xã hội Việt Nam vốn là xã hội nông dân, gắn kết rời rạc, kinh tế nông nghiệp chẳng ai dính với ai, ruộng ông nào ông ấy cày.
Nhận định cho rằng doanh nghiệp Việt Nam tăng về số lượng nhưng vẫn yếu về lực lượng, hầu như chưa có “lực lượng doanh nghiệp Việt” đúng nghĩa, là có căn cứ và thật sự gây lo ngại. Đa phần là doanh nghiệp nhỏ, nhỏ li ti, lại không liên kết với nhau, làm sao có sức cạnh tranh quốc tế?
Doanh nghiệp nhỏ không lớn được, các tập đoàn tư nhân không nhiều, lại phải lớn trong một môi trường thể chế phân biệt đối xử, bị trói buộc bằng vô vàn thủ tục hành chính và phải gánh nhiều khoản chi phí nặng nề, lớn lên chủ yếu nhờ “cơ chế xin cho”, vào các “chiêu thức” đầu cơ chứ không phải là cạnh tranh lành mạnh thì làm sao có thể “kết thành lực lượng” để trưởng thành, tạo thành sức mạnh quốc gia, nương tựa vào nhau trong cuộc cạnh tranh quốc tế?
Ta thiết kế hệ thống kinh tế thị trường theo cách cố gắng hạn chế chứ không phải là khuyến khích, thúc đẩy cạnh tranh tự do. Nhưng thiếu cạnh tranh thì làm sao liên kết? Muốn liên kết, phải có cạnh tranh. Cạnh tranh được ví như linh hồn của kinh tế thị trường. Cạnh tranh kém triệt tiêu động lực cho doanh nghiệp lớn lên. Đây là tình trạng đặc biệt nguy hiểm đối với kinh tế thị trường.
Ta hay bàn “ngược”. Cứ nghĩ “cạnh tranh” và “liên kết” là hai phạm trù đối nghịch. Tuy nhiên, cạnh tranh không phải là tranh giành nhau miếng mồi “xin – cho”. Phải cạnh tranh sòng phẳng, đàng hoàng, chứ còn cứ tranh giành “miếng bánh xin cho” của nhà nước thì thật là tai họa, chỉ kéo lùi sự phát triển.
[br/]Nguyễn Thành Công: Ở góc độ quản trị doanh nghiệp, những thế hệ doanh nhân thành đạt chắc chắn sẽ già đi và cần những cuộc chuyển giao thế hệ hợp lý. Ông có lo ngại dòng chảy từ thế hệ này sang thế hệ khác sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của doanh nghiệp?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Không phải lo quá trình phát triển tự thân của các doanh nghiệp bị gián đoạn. Vấn đề là ở chỗ, cơ chế, chính sách hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp có được cải cách liên tục hay không. Doanh nghiệp tự sinh ra, lớn lên, chuyển giao và phát triển. Nhà nước mới cần phải lo - lo cho chính Nhà nước, đó là lo cơ chế kìm hãm, lo môi trường không ủng hộ doanh nghiệp, lo không có động lực cải cách.
Tóm lại, tôi không nghĩ cần phải lo ngại cho doanh nghiệp. Về nguyên tắc, doanh nghiệp yếu tự nó sẽ bị thải loại. Nhưng nếu nó yếu căn bản là do cơ chế, do hệ thống thì Chính phủ phải nỗ lực cải cách cơ chế, hệ thống để doanh nghiệp lớn lên. Và hiện nay, Chính phủ đang quyết tâm tiến hành công việc này.
[br/][div class='intro-text' pc-style='left:-105px !important;']PHẢI CHỌN ĐÚNG TRỤ CỘT[/div]
[br/]Nguyễn Thành Công: Nhìn sang Nhật Bản với các Keiretsu, Hàn Quốc với các Chaebol, gần đây là Trung Quốc với các Tập đoàn Alibaba, Wanda, Tencent,... dễ nhận thấy vai trò cực kỳ to lớn của những tập đoàn – đại gia này trong sự phát triển kinh tế quốc gia. Ở Việt Nam, theo ông, những doanh nhân như Phạm Nhật Vượng, Trương Gia Bình, Trần Bá Dương, Thái Hương, Mai Hữu Tín,… đã được đối xử một cách công bằng và tạo lập những điều kiện cần thiết để trở thành trụ cột cần có cho sự phát triển của một cộng đồng doanh nghiệp hay chưa?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Thực ra, ý thức tạo lập những trụ cột kinh tế quốc gia ở nước ta không chậm, nhưng có lẽ nó bị lệch hướng hơi lâu. Ở Việt Nam, việc xây dựng “trụ cột” nhắm đến các tập đoàn Nhà nước. Trong các nền kinh tế thị trường phát triển nhanh thì ngược lại: Đó là các tập đoàn kinh tế tư nhân. Nhà nước ta dành ưu đãi quá lâu cho lực lượng chủ lực, chủ đạo là các tập đoàn kinh tế Nhà nước nên có sự phân biệt đối xử với doanh nghiệp tư nhân, ít coi trọng họ. Nhưng kinh tế tư nhân vẫn tự lớn lên, hình thành những tập đoàn lớn, vượt qua hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước về mặt hiệu quả và chất lượng mà không hề nhận được ưu đãi gì từ cơ chế chính thức, về chính sách hỗ trợ.
Có hai cách để tập đoàn kinh tế tư nhân lớn lên đúng nghĩa trụ cột. Cách thứ nhất là cứ để khu vực tư nhân tiến hóa theo kiểu “kệ nó”, “tự nó”, chúng tự khắc lớn lên, sau mấy chục năm sẽ có những tập đoàn. Nhưng đối với những nước đi sau, muốn doanh nghiệp tư nhân lớn lên nhanh, phải có chiến lược hỗ trợ từ phía Nhà nước, để doanh nghiệp tư nhân nhanh chóng trở thành những trụ cột kinh tế đủ sức cạnh tranh với nước ngoài, trở thành xương sống cho nền kinh tế. Khi doanh nghiệp tư nhân lớn nhanh, đủ sức làm trụ cột thì nền kinh tế đất nước cũng sẽ lớn rất nhanh.
Kinh nghiệm rõ nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc. Ở những nền kinh tế này, do ý thức được chuyện đó nên việc hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân được đặt ra rất sớm. Nhờ đó, họ trở thành hai nền kinh tế “thần kỳ”. Nhưng vấn đề là ở cách hỗ trợ của Chính phủ hai nước này có khác biệt gì mà đáng học tập. Chứ như tập đoàn Nhà nước của ta, cứ “bơm đường, bơm sữa” vào, cho sống trong bầu không khí lúc nào cũng ôxy sạch, thì khi ra ngoài đường dễ bị “trúng gió”, thậm chí có nguy cơ “đột quỵ”.
[br/]
Bài học thứ nhất ở đây là, vẫn phải để cho doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh bình thường với các thành phần kinh tế khác. Nhưng để khuyến khích họ, cần chú ý thay nguyên tắc “chọn người thắng cuộc” bằng nguyên tắc “khuyến khích người thắng”.
Hàn Quốc thời Park Chung Hee bao nhiêu trụ cột quốc gia cũng nhờ cách làm đó mà lên. Trường hợp Nhật Bản cũng tương tự, xây dựng nên những tập đoàn kinh tế tư nhân làm trụ cột cho nền kinh tế, đi liền với những trục đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bám vào, hỗ trợ, liên kết tạo thành chuỗi nên rất mạnh.
Ở ta làm hơi lệch: Xây dựng các trụ cột theo nguyên tắc "chọn người thắng cuộc", bằng cách ưu tiên, ưu đãi doanh nghiệp Nhà nước. Kết cục là không có trụ cột mạnh, doanh nghiệp nhỏ và vừa thì không lớn lên được.
[br/]Việt Nam hiện nay mới bắt đầu có thái độ khác với các tập đoàn tư nhân lớn. Tôi cho rằng, tín hiệu này là rất tích cực. Nhưng cần làm mạnh, làm triệt để hơn nữa. Đúng nguyên lý khuyến khích người thắng cuộc thì sẽ làm được chứ cứ chọn người thắng trước, cứ nhăm nhăm ưu tiên "ông anh cả" làm chủ đạo thì cầm chắc thất bại.
Những tập đoàn lớn như Vingroup, TH hay FPT… là những doanh nghiệp tư nhân lớn, dựa vào nền tảng công nghệ cao, hướng đến cạnh tranh quốc tế, phải có những chính sách phù hợp để họ lớn lên nhanh và vững chắc hơn. Dựa vào đó, lực lượng doanh nghiệp Việt Nam mới trỗi dậy thật sự. Nếu không, sẽ không có doanh nghiệp vừa và nhỏ nào của Việt Nam có thể sống được trong thời đại cạnh tranh ngày nay.
[br/][div class='intro-text' pc-style='left:-105px !important;']LỢI THẾ ĐI SAU NHƯNG ĐỪNG ĐỂ TỤT LẠI[/div]
[br/]
[br/]Nguyễn Thành Công: Năm 2017 chứng kiến một sự kiện có ý nghĩa: Tập đoàn kinh tế tư nhân Sun Group đã gần như hoàn thành xây dựng sân bay Vân Đồn sau hơn 1 năm khởi công. Đây là một kỷ lục xây dựng công trình lớn ở Việt Nam, chất lượng cao, vốn chỉ được giao cho doanh nghiệp nhà nước đảm nhiệm, và thường chỉ được hoàn thành sau một quãng thời gian kéo dài hơn nhiều lần kế hoạch, sau nhiều lần nâng vốn. Trường hợp của Sun Group phải chăng ẩn chứa một thông điệp: Nhà nước cần, có thể và phải đặt lòng tin vào khu vực tư nhân, vào các tập đoàn tư nhân lớn trong việc giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế quốc gia, phải coi đây là trụ cột của việc kiến tạo phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt?
Trong hình dung của ông, với những đổi mới về tư duy và cách làm thời gian qua, kinh tế tư nhân Việt Nam sẽ có khả năng phát triển như thế nào trong giai đoạn tới?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Lực lượng chủ yếu tạo nên kinh tế thị trường đích thực đương nhiên là kinh tế tư nhân. Trong vòng xoay thể chế, kinh tế thị trường thế nào thì tư nhân là vậy. Kinh tế tư nhân, trong mọi nền kinh tế thị trường bình thường của thế giới, luôn đóng vai trò hai mặt: Một mặt là lực lượng, chủ thể chính, là nền tảng, quyết định thực trạng và triển vọng của kinh tế thị trường; mặt khác, lực lượng kinh tế tư nhân là sản phẩm quan trọng nhất của cơ chế thị trường.
Ở Việt Nam, ngay từ khi bắt đầu thời kỳ Đổi mới, kinh tế tư nhân đã đảm nhận tốt trọng trách là đứng lên cứu nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên, trong nền kinh tế chuyển đổi ở nước ta hơn 30 năm qua, kinh tế tư nhân lại có một số phận thật éo le: Mặc dù là lực lượng đã từng đóng vai trò “cứu tinh” của nền kinh tế khi hệ thống kinh tế kế hoạch hóa tập trung lâm vào khủng hoảng trầm trọng, đứng trước nguy cơ sụp đổ trong nửa đầu thập niên 80 của thế kỷ trước; thì kinh tế tư nhân, căn bản đi lên từ “vạch không xuất phát”, trong suốt 30 năm tiếp theo, vẫn là một “lực lượng tự nó”, theo nghĩa luôn luôn phải tự mình “xoay xở”, vật lộn với khó khăn, ít nhận được quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển cần thiết của “bà đỡ”, thậm chí, nhiều khi bị bỏ mặc và thường xuyên bị phân biệt đối xử.
Cách đối xử như vậy đối với khu vực tư nhân, thực sự là không công bằng. Dù xét từ góc độ đó là “lực lượng cứu tinh” nền kinh tế hay từ góc độ tôn trọng nguyên lý vận hành cơ bản của kinh tế thị trường, thì sự đối xử trên đều là không thật sự bình thường.
Sau bao phong ba, bão táp, kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn mạnh mẽ vươn lên. Nhưng nếu ngay từ khi Đổi mới, Nhà nước dành sự quan tâm thích đáng thì kinh tế tư nhân đã có thể phát triển vượt bậc hơn nữa.
Trong vài năm trở lại đây, khu vực kinh tế Nhà nước bộc lộ rõ sự kém hiệu quả, là lực lượng “đóng góp” nhiều nhất vào gánh nặng nợ quốc gia – “cục máu đông” cản trở phát triển kinh tế lớn nhất. Một số doanh nghiệp dù được giao nhiệm vụ “nòng cốt” cho nền kinh tế nhưng nhiều mục tiêu không thể hoàn thành.
Thậm chí, một số doanh nghiệp còn là yếu tố gây mất cân đối, phá vỡ ổn định vĩ mô, gây tổn thất lớn cho nền kinh tế, cả trực tiếp như mất vốn, gây lãng phí lớn, lẫn gián tiếp như làm méo mó môi trường kinh doanh... Sự thật đáng buồn là, chính các doanh nghiệp Nhà nước là "xác sống", với hàng loạt dự án đắp chiếu, hiệu quả sử dụng vốn, tốc độ tăng năng suất lao động giảm mạnh.
[br/]Trong khi doanh nghiệp Nhà nước chưa hoàn thành sứ mệnh dẫn dắt và tạo động lực phát triển cho cả nền kinh tế, Đảng và Nhà nước đã nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế tư nhân. Đại hội lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 1/2016) chính thức xác nhận: “Kinh tế tư nhân là một động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế”.
Quan điểm này được Chính phủ triển khai thành Chương trình hành động nhanh và quyết liệt thực sự: Xây dựng “Nhà nước kiến tạo phát triển” mà trục chính là “Chính phủ hành động”. Mục tiêu của “Nhà nước kiến tạo phát triển” và “Chính phủ hành động” là định vị đúng vai trò chức năng và phương thức hành động của Nhà nước, của Chính phủ trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt là nền kinh tế thị trường đang phải nỗ lực “tiến vượt” để “đuổi kịp” thế giới: Thay thế chức năng “chủ quản” và “quản lý”, bằng việc Nhà nước hướng tới xây dựng thể chế, kiến tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của thị trường. Đồng thời, Chính phủ tập trung tháo gỡ các vướng mắc, cản trở, trói buộc do thể chế để giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường năng lực cạnh tranh.
Tôi cho rằng, dưới tác động của chính sách, kinh tế tư nhân Việt Nam đang dần có sự thay đổi cơ bản về cơ cấu và chất lượng. Nếu như trước đây, kinh tế tư nhân sống theo kiểu được chăng hay chớ, đến đâu hay đến đó, chỉ biết đầu cơ, kiếm chác ngắn hạn, không có tầm nhìn chiến lược; thì bây giờ, khu vực kinh tế tư nhân có vẻ đang tìm ra một cách khác để phát triển. Đó không phải là mạnh ai nấy làm, không "li ti hóa" nữa mà đã bắt đầu khẳng định vai trò của các tập đoàn lớn.
Các tập đoàn này cũng đã biết tạo dựng chân dung của mình một cách đàng hoàng hơn, chứ không để mang tiếng là đầu cơ, "đánh quả", kiếm chác, “sân sau” nữa. Không chỉ Sun Group với sân bay Vân Đồn, nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân đã tham gia và hoàn thành nhiều dự án lớn, chất lượng và đẳng cấp, khẳng định vai trò và tư cách của kinh tế tư nhân. Xu hướng bây giờ là đầu tư thực, vươn ra thị trường quốc tế. Các tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam đang từng bước chứng minh họ xứng đáng là trụ cột của nền kinh tế.
[br/]Nguyễn Thành Công: Xin chân thành cảm ơn PGS. TS. Trần Đình Thiên về cuộc trò chuyện này!
[style style='display:none'].post-content {background-color: #f0ebe1; font-family: "Open Sans" !important}[/style]
[mobile-style style='display:none']#main-content{background-color:#f0ebe1}[/mobile-style]