Aa

Cần lời giải căn cơ để phát triển bền vững

Thứ Sáu, 31/05/2019 - 13:21

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng “đổi mới mô hình tăng trưởng hướng tới tăng trưởng bền vững vẫn là bài toán đặt ra cần một lời giải căn cơ toàn diện”.

Tại cuộc thảo luận nhằm đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018 diễn ra sáng 30/5, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho ý kiến: "12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch tổng thu ngân sách sau 3 năm ngân sách hụt thu, bội chi được kiểm soát, nợ công trong giới hạn cho phép".

Khẳng định “kinh tế, ngân sách 2018 là một bức tranh đẹp, toàn diện”, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng tại Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và 5 tháng đầu năm 2019 Chính phủ cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại như: Mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố đầu vào thay vì đổi mới công nghệ. Khu vực nông nghiệp, tăng trưởng còn tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững. Khu vực công nghiệp, thì tính gia công trong sản xuất công nghiệp còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp bên ngoài; trình độ công nghệ sản xuất vẫn vào loại thấp so với thế giới và khu vực; nội lực của nền công nghiệp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Khu vực dịch vụ phát triển còn hạn chế, chưa thể hiện được vai trò chủ đạo dẫn dắt tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Theo vị đại biểu này thì “đổi mới mô hình tăng trưởng hướng tới tăng trưởng bền vững vẫn là bài toán đặt ra, cần một lời giải căn cơ toàn diện”.

đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ)

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ). Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đề cập đến những vấn đề cụ thể, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho biết, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019 đều tăng so với cùng kỳ, nhưng “tốc độ tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của số doanh nghiệp ngừng hoạt động”; “cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thì có hơn 5 doanh nghiệp rời thị trường”; “năng lực sản xuất, hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp còn thấp, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn”,…

Liên quan đến chất lượng lao động, đại biểu này cho rằng, năng suất lao động tăng qua các năm, nhưng chất lượng lao động còn bất cập. Hết 2018 nền kinh tế có khoảng 54 triệu lao động, nhưng có 22 triệu lao động chưa qua đào tạo, 41 triệu lao động chưa được đào tạo từ 3 tháng trở lên.

Điều này cho thấy, chất lượng lao động đang là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến tăng trưởng, nguy cơ dư thừa lao động khi đối diện với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang dần hiện hữu cần có giải pháp đột phá.

Về ngân sách nhà nước - nguồn lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, Chính phủ đã rất nỗ lực để cân đối được ngân sách; có nguồn thu để đáp ứng nhiệm vụ chi; kiểm soát bội chi, kéo nợ công ra xa mức trần.

“Chính phủ đã rất nỗ lực, quyết tâm”, nhấn mạnh điều này, song đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng vẫn còn những bất cập cần tiếp tục tháo gỡ để bảo đảm thu ngân sách bền vững.

7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Nhận định về tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, báo cáo khẳng định: Nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm 2019 và trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ là rất nặng nề. Để phát huy những kết quả đạt được, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành không chủ quan trong chỉ đạo điều hành; tập trung mọi nỗ lực để vượt qua khó khăn, thách thức; kiên định các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Qua đó, Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Chính phủ thực hiện trong thời gian tới gồm:

Một, kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.

Hai, thực hiện quyết liệt cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Ba, chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Bốn, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Năm, đẩy mạnh cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Sáu, tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Và thứ bảy là chủ động đẩy mạnh thông tin và truyền thông; tăng cường công tác phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top