Đánh giá cao những bước đi vững chắc của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô thời gian qua, nhưng một số đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng về kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong năm 2019 khi vừa qua giá xăng, giá điện đều điều chỉnh tăng, đồng thời nhiều mặt hàng dịch vụ công cũng sẽ điều chỉnh từ nay tới cuối năm.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn băn khoăn về giải pháp thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2019 mà Quốc hội đề ra.
Đại biểu cho rằng: “Lạm phát quý I/2019 chưa đáng lo ngại nhưng bắt đầu từ nay đến cuối năm 2019 sẽ có những vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm, giải quyết. Bởi vì giá điện, giá xăng dầu (vừa được điều chỉnh tăng-PV) là chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất, sẽ tác động nhiều đến kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến tăng chỉ số giá tiêu dùng”.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến dẫn số liệu giá điện tăng 8,36% vào thời điểm cuối tháng 3 đã tác động đến CPI tháng 4/2019 tăng khoảng 0,29% so với tháng 3/2019. Bên cạnh đó, thuế môi trường áp dụng cho xăng dầu cũng đã tăng. Với mức tăng thuế này, giá xăng dầu bình quân chung năm 2019 dự kiến tăng khoảng 5% so với năm 2018, chưa kể dự báo giá xăng dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng.
Đại biểu cũng lo ngại tình hình bệnh dịch sẽ ảnh hưởng tới giá cả thực phẩm, việc quyết định thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng tác động tới lạm phát.
Đại biểu của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đề nghị Chính phủ chủ động điều hành bảo đảm cân đối cung, cầu những mặt hàng liên quan tới người dân nhằm ổn định giá cả thị trường; điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình phù hợp, tránh gây ra tác động bất lợi đến chỉ số giá tiêu dùng; tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, đẩy nhanh hoàn thiện định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xác định giá dịch vụ theo lộ trình; tính đúng, tính đủ chi phí thực hiện dịch vụ giá và điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vi mô khác nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vi mô để kiềm chế lạm phát theo như Nghị quyết Quốc hội đã đề ra.
“Tôi rất tin tưởng và hy vọng với sự năng động, sáng tạo, điều hành linh hoạt của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cùng với địa phương, nền kinh tế vĩ mô của chúng ta năm 2019 sẽ ổn định và lạm phát sẽ được kiềm chế”, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho biết.
Tại phiên thảo luận này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã được Chủ toạ phiên họp mời phát biểu để nói thêm về việc kiểm soát lạm phát, điều hành giá cả, trong đó có giá điện.
Phó Thủ tướng khẳng định “Kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế là chủ trương và nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ”.
Vẫn theo Phó Thủ tướng, 3 năm qua, Chính phủ đã liên tiếp kiểm soát lạm phát tăng dưới 4%. Trong năm 2019, Quốc hội đề ra mục tiêu kiểm soát lạm phát “khoảng 4%”, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ đặt mục tiêu tích cực hơn là “dưới 4%”. Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ sau khi tính toán các yếu tố ở trong nước và tình hình giá cả thế giới trong dài hạn đã lựa chọn mục tiêu điều hành lạm phát năm nay từ 3,3- 3,9%.
Thực tế diễn biến CPI trong 5 tháng đầu năm 2019 theo đúng theo kịch bản được Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá đề ra ngay từ đầu năm nhằm hướng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội đã giao. Cụ thể, CPI tháng 1/2018 tăng 0,1%, CPI tháng 2/2019 tăng 0,8%, CPI tháng 3/2019 giảm 0,21%, CPI tháng 4/2019 tăng 0,31%, CPI tháng 5 tăng 0,49%.
Bình quân 5 tháng đầu năm tăng CPI 2,74% so với cùng kỳ năm 2018 là mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua (5 tháng đầu năm 2017 tăng 4,47%, năm 2018 tăng 3,01%).
Phó Thủ tướng đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Yến và các đại biểu Quốc hội khác về các giải pháp điều hành lạm phát từ nay tới cuối năm. Trong đó, tập trung các nhiệm vụ sau: Điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành giữ ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá, giữ ổn định lạm phát cơ bản trong khoảng 1,8%.
Chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu hiện và biến động khó lường về cung cầu và chịu tác động lớn từ giá thế giới như thịt lợn, lương thực, xăng dầu, LPG; mặt hàng đang có nhu cầu cao như vật liệu xây dựng.
Tiếp tục đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện. Điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thế giới kết hợp với trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm bình ổn giá trong nước.
Tăng cường công tác dự báo, tính toán tác động của việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu đến chỉ số giá tiêu dùng. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý cần được thực hiện với mức độ và thời điểm phù hợp bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm theo các kịch bản điều hành giá đã đề ra, hạn chế tác động chi phí đẩy đến sản xuất, tiêu dùng và đời sống của người dân
Chính phủ sẽ công khai minh bạch các chi phí đầu vào của hàng hoá do Nhà nước quản lý, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và xử lý nghiêm các sai phạm trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ và kiểm soát lạm phát kỳ vọng.
Điều hành giá điện phải bảo đảm 2 mục tiêu
Về giá điện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết điện là vật tư chiến lược, và an ninh an toàn điện là một cân đối lớn và trọng yếu của nền kinh tế. Để tăng 1% GDP thì phải tăng ít nhất 1,5% sản lượng điện. Trong 3 năm qua mức tăng sản lượng điện bình quân là 10,15% và năm 2019 trên cơ sở kịch bản GDP tăng 6,8% thì điện ít nhất phải tăng 11,23%. Vì vậy, điều hành giá điện phải đạt 2 mục tiêu, một là kiểm soát được lạm phát và có giá hợp lý để kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư cho ngành điện.
Theo quy định của Luật Điện lực và Luật Quản lý giá thì điện là mặt hàng điều tiết theo thị trường nhưng có quản lý của nhà nước và khung giá, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Việc điều chỉnh giá điện trên cơ sở rà soát cơ cấu và tổng nguồn điện kể cả thuỷ điện, điện than, điện dầu, tuốc bin khí, điện gió, điện mặt trời thì tổng đầu vào dự kiến tăng lên khoảng 20.032 tỷ đồng, trong đó có điều chỉnh giá than cho điện vào 2 đợt (đợt 1 từ 5/1/2019 và đợt 2 là 20/3/2019) với 5.412 tỷ đồng (Chi phí đầu vào của than cũng tăng khi độ âm khai thác âm 300 m so với mặt nước biển).
Thứ hai là việc điều chỉnh giá than trộn nội địa và nhập khẩu là 1.920 tỷ đồng. Thứ ba là điều chỉnh tăng giá khí trong bao tiêu theo giá thị trường theo Nghị quyết của Quốc hội từ năm 2014 mà bây giờ Chính phủ mới thực hiện được là 5.852 tỷ đồng và điều chỉnh giá khí trên bao tiêu theo giá thị trường là 600 tỷ đồng và chênh lệch tỷ giá là hơn 5.042 tỷ đồng.
Để bảo đảm được bù đắp đó và có mức lợi nhuận tối thiểu 3% cho ngành điện thì EVN và Bộ Công Thương đề xuất 3 kịch bản điều chỉnh giá điện là 7,31%, 8,36% và 9,26%. Trên cơ sở cân nhắc nhiều mặt thì Thường trực Chính phủ đã họp, thảo luận rất kỹ với các bộ, ngành, các Tập đoàn, Tổng công ty và kết luận sẽ chọn phương án 8,36% và điều chỉnh trong khoảng 15-30/3/2019.
“Lý do chọn tháng 3 để tăng giá điện là CPI thường giảm sau khi đã tăng mạnh trong tháng 1 và 2. Thực tế có 10 lần điều chỉnh giá điện thì 4 lần lựa chọn điều chỉnh vào tháng 3. Nếu điều chỉnh muộn hơn, vào giữa năm hoặc tháng 7 thì tỷ lệ điều chỉnh phải cao hơn để bù đắp các khoản trên”, Phó Thủ tướng nói.
Về biểu giá điện và cách tính giá điện, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam và thế giới hay có cách tính giá điện theo biểu giá bậc thang. Còn về nguyên nhân hoá đơn tiền điện tăng cao trong tháng 4/2019, theo các đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hiệp hội Người tiêu dùng và Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội sơ bộ đánh giá do việc điều chỉnh giá điện tăng, số ngày ghi công tơ tháng 4 nhiều hơn tháng 3 là 3 ngày, nhu cầu sử dụng điện tăng cao do thời tiết nắng nóng bất thường làm tổng điện năng thương phẩm trong tháng 4 tăng 10,26% so với cùng kỳ năm 2018 và 14,23% so với tháng 3 năm 2019.
"Qua kiểm tra sơ bộ của đoàn liên ngành trên thì cách tính và thu tiền điện của EVN chưa phát hiện ra sai phạm gì”, Phó Thủ tướng cho biết.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá luôn chỉ đạo ngành điện, EVN công khai, minh bạch chi phí đầu vào, tăng cường năng lực quản trị, tiết giảm chi phí, giảm tổn thất điện năng. Năm 2017, ngành điện đã tiết giảm được 2.248 tỷ đồng và năm 2018 tiết giảm được 2.326 tỷ. Hao hụt điện năng năm 2018 còn 6,83%, giảm 0,37% so với mục tiêu đến 2020 của Chính phủ và Chính phủ còn chỉ đạo EVN tiết giảm 7% chi phí thường xuyên hàng năm.
Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp lý, mở rộng phạm vi thị trường bán buôn điện, rà soát, thiết kế thị trường bán lẻ điện phù hợp với điều kiện Việt Nam, hoàn thiện khung pháp lý hiện hành, thí điểm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2021.
Trên cơ sở đề xuất của chuyên gia, người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đã giao EVN sớm trình Chính phủ sửa biểu giá điện hợp lý hơn và bảo vệ người có thu nhập thấp và phù hợp với nhu cầu sử dụng điện tăng cao của người dân, bảo đảm hài hoà lợi ích các hộ tiêu dùng điện.
Các bộ, ngành và EVN làm tốt hơn công tác cung cấp thông tin, truyền thông, bảo đảm niềm tin của nhân dân với điều hành của Chính phủ. Thanh tra Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra và xử lý nghiêm sai phạm nếu có của EVN và các cơ quan liên quan. Chính phủ cũng đề xuất Kiểm toán Nhà nước đưa vào kế hoạch kiểm toán tài chính và kiểm toán chuyên đề giá điện của EVN trong năm 2019.