Cần sớm ổn định tâm lý thị trường địa ốc
Câu chuyện 60 dự án BĐS bị Bộ Tài chính đề xuất thanh tra đang gây xôn xao thị trường bất động sản. Mức độ sai phạm nếu có trong việc định giá quyền sử dụng đất của các dự án như thế nào có lẽ phải chờ đợi kết luận chính thức của Thanh tra Chính phủ.
Tuy nhiên, làm thế nào để sớm ổn định tâm lý thị trường địa ốc, trên hết là đảm bảo quyền lợi của người mua nhà trong việc này là vấn đề đang được đặt ra.
Một số ý kiến cho rằng, danh sách các dự án này đã được lập từ năm 2016 và đến nay có không ít chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước; thậm chí một số dự án, cư dân đã chuyển về sinh sống.
Do đó, nếu không sớm phân định rõ ràng từng trường hợp cụ thể, sẽ gây xáo động không đáng có trên thị trường, ảnh hưởng tới quyền lợi của các chủ đầu tư và cả người dân đã mua nhà tại các dự án này.
Chẳng hạn, tại TP. HCM có 11 dự án trong tổng số 60 dự án được đề xuất thanh tra, trong đó qua ghi nhận thực tế, có nhiều dự án đã hoàn thành, người dân đang sinh sống ổn định, có những dự án đang triển khai thi công, có những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư…
Thông tin sắp bị thanh tra, dù chưa biết thực hư ra sao, nhưng người mua nhà tại các dự án trên đang thấp thỏm như “ngồi trên lửa”.
Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại quận Tân Bình chia sẻ, những ngày cuối tuần qua, mỗi ngày sàn giao dịch nhận hàng chục cuộc gọi của khách hàng, người thì lo sợ hỏi thăm tình hình dự án, người đặt vấn đề đòi lại tiền đã mua căn hộ…
Xem chi tiết tại đây.
Vẫn la liệt dự án BĐS “đắp chiếu” chờ giải cứu
Bốn toà tháp căn hộ của The Pride bừng sáng khi màn đêm buông xuống thì ở gần đó, dự án Usilk City vẫn là một màu đen kịt. Cùng nằm ở phía Bắc quận Hà Đông ở phía Tây Hà Nội và cùng gặp khó khăn vào lúc thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng 5-6 năm về trước, nhưng số phận hai dự án lại kết thúc trái ngược.
Trong khi The Pride vượt qua cơn bĩ cực và hoàn thiện gần 2.000 căn hộ để bàn giao cho khách hàng, thì Usilk City vẫn sống dở chết dở. Ba toà nhà đầu tiên chưa hoàn thành xong, chưa có sân chơi, chưa lắp đặt xong hệ thống phòng cháy chữa cháy, chân đế vẫn còn ngổn ngang thì đã buộc phải cho dân vào ở.
Hàng nghìn khách hàng đã đóng tiền mua căn hộ tại dự án này từ nhiều năm trước mắc kẹt vì chủ đầu tư – Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long không còn năng lực tài chính để triển khai tiếp dự án. Mặc dù chủ đầu tư cũng đã tìm mọi cách hồi sinh dự án, như tìm kiếm nguồn tài trợ ngân hàng, tìm nhà đầu tư mua lại dự án, bán bớt dự án ở nơi khác để dồn tiền xây tiếp dự án này nhưng đến giờ vẫn bế tắc.
Xem chi tiết tại đây.
Mặt bằng bán lẻ Sài Gòn phân hoá mạnh
Báo cáo của Savills Việt Nam, trong những tháng đầu năm, giá thuê trung bình mặt bằng bán lẻ tại TP HCM tăng nhẹ 1% so với quý trước, những dự án có vị trí tọa lạc tại khu trung tâm tiếp tục xu hướng tăng giá tích cực hoặc ổn định. Trong khi đó, số liệu quý I của CBRE Việt Nam cũng cho thấy các trung tâm thương mại tổng hợp vị trí rìa trung tâm có giá thuê giảm 5% so với quý trước. Các mặt bằng bán lẻ loại này đang dần nhận được ít sự quan tâm của khách thuê.
Nghiên cứu mới nhất của Colliers International cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, vị trí của mặt bằng bán lẻ tiếp tục là yếu tố quyết định rất lớn khả năng thu hút khách thuê cũng như định vị giá thuê. Một trung tâm mua sắm mới vừa được khai trương chiếm 6 tầng của dự án căn hộ hạng sang tại quận 3, thuộc khu trung tâm TP HCM, với 12.000 m2 diện tích bán lẻ đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều khách thuê.
Có 35% khách thuê là các dịch vụ ăn uống, ngành hàng F&B quen thuộc như Starbucks, King BBQ, HotPot, Lotteria... Trung tâm bách hóa này cũng đón khách thuê chủ chốt tại tầng hầm là siêu thị Bon Grocer. Đây là trung tâm thương mại đầu tiên của nhà bán lẻ RomeA tại Việt Nam. Mức giá chào thuê mặt bằng tại khu vực quận 3 lên đến 80 USD/m2/tháng đã ảnh hưởng đến giá chào thuê bình quân của các khu mua sắm trên địa bàn này tăng lên.
Xem chi tiết tại đây.
VNREA sẽ tham gia bảo trợ cho Giải thưởng BĐS Việt Nam 2017
Tiếp nối thành công của hai mùa giải trước, Vietnam Property Awards 2017 được tổ chức bởi Tập đoàn truyền thông PropertyGuru đã trở lại mạnh mẽ hơn với sự gia tăng đáng kể các hạng mục.
Năm nay, Vietnam Property Awards 2017 thu hút hơn 100 đề cử cho 32 hạng mục. Con số này gia tăng so với 22 hạng mục kể từ lần đầu tiên ra mắt cách đây 2 năm, phản ánh sự phát triển sôi động của thị trường.
Đây là năm thứ ba Vietnam Property Awards tổ chức tại Việt Nam. Năm 2017, dưới sự giám sát độc lập của công ty giám sát BDO - công ty kế toán và kiểm toán lớn thứ 5 trên thế giới, hiện có mặt tại 151 lãnh thổ với gần 60.000 nhân sự, mùa giải năm nay hứa hẹn sẽ là một sự kiện thành công với hàng loạt đề cử ấn tượng.
Cụ thể, BDO xem xét từng hồ sơ đề cử được gửi về cho Ban tổ chức và kiểm tra xem liệu có đáp ứng đủ các tiêu chí tham dự được công bố hay không. Đại diện của BDO cũng tham gia chuyến thăm thực địa của hội đồng giám khảo đến các dự án được chọn nhằm đảm bảo thủ tục chấm thi được tuân thủ đúng đắn. Cuối cùng, BDO sẽ kiểm duyệt các kết quả từ ban giám khảo, đồng thời đưa ra kết quả cuối cùng trước Ban tổ chức.
Doanh nghiệp BĐS kiến nghị những gì tới Thủ tướng?
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, trong lĩnh vực BĐS có sự không nhất quán giữa các luật và các quy định, cụ thể ông dẫn chứng hiện nay đang bị mâu thuẫn trong các quy định về cấp phép quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Liên quan đến Luật Kinh doanh BĐS mới ban hành, ông Hiệp cho hay, điều 56 quy định chủ đầu tư phải mua bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai khi bán cho khách trong suốt quá trình xây dựng, nhưng các văn bản hướng dẫn và các quy định cụ thể của quy định này vẫn không rõ ràng và quá chậm trễ. Cụ thể, Luật có hiệu lực từ 1/7/2015 nhưng đến tháng 9/2015 Ngân hàng Nhà nước mới có Thông tư hướng dẫn, nhưng hướng dẫn quá chung chung thiếu những chi tiết cần thiết cho việc áp dụng như mức phí bảo lãnh trong một đời dự án có thay đổi không?
Ông Nguyễn Thế Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Reenco Sông Hồng, Phó Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp Việt – Đức nêu ý kiến: Doanh nghiệp BĐS hiện gặp rất nhiều khó khăn, chúng ta đưa ra những kỳ vọng cao quá trong khi vốn, dòng tiền đưa vào BĐS chỉ có ngân hàng và một số quỹ. Thêm nữa việc thành lập các quỹ ở Việt Nam rất khó. Còn vốn nhàn rỗi trong dân hay nguồn kiều hối là nguồn tiền rất lớn nhưng theo quy định doanh nghiệp không được huy động.
Các doanh nghiệp BĐS cần nguồn lực vốn rất lớn, nếu doanh nghiệp không có sự hỗ trợ của Nhà nước hay phát huy quyền tối đa của doanh nghiệp thì rất khó làm. Vì thế, Nhà nước cần tạo điều kiện về dòng tiền để DN phát huy tối đa nguồn lực đó.
Ngoài ra, ông Điệp kiến nghị Nhà nước cần có quy định chính sách, pháp luật liên quan đến một số mô hình phát triển condotel, officetel hiện đang vướng.
Xem chi tiết tại đây.
60 dự án bị đề xuất thanh tra: “Thanh tra không có nghĩa là luôn có sai phạm”
PGS. TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Về nguyên tắc hoạt động, việc thanh, kiểm tra căn cứ theo Luật Thanh tra, khi cơ quan quản lý nhà nước nhận thấy có dấu hiệu rửa tiền, tham nhũng hoặc những hành vi sai phạm nhưng việc thanh tra phải tuân thủ nguyên tắc rõ ràng, có thời điểm nhất định chứ không phải thanh tra tất cả dự án làm ảnh hưởng thị trường.
Mỗi dự án trong danh sách mà Bộ Tài chính đưa ra có những điểm đặc thù và tình trạng pháp lý khác nhau. Nếu các dự án này bị tạm dừng để thực hiện thanh tra thì có thể gây hoang mang cho thị trường, làm lãng phí thời gian, của cải của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư và người mua nhà tại các dự án này.
Động thái của Bộ Tài chính là đưa ra một thông báo không rõ ràng, không chỉ rõ là thanh tra định kỳ hay đột xuất. Kiến nghị tạm thời đình chỉ thi công (không nói rõ tạm dừng thi công trong thời hạn bao lâu) các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai thực hiện tại trung tâm thành phố lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất không qua đấu giá (quy định tại điều 118 Luật Đất đai năm 2013) một cách vội vàng, áp dụng cho hàng loạt doanh nghiệp là không phù hợp, không chính xác, thiếu cơ sở pháp lý làm ảnh hưởng đến hoạt động lành mạnh của nhiều hệ thống kinh doanh sản xuất liên quan đến thị trường BĐS.
Đành rằng, lành mạnh và minh bạch hoàn toàn phù hợp với chức năng quản lý của Nhà nước trên thị trường BĐS. Song việc thanh tra, quản lý phải có tính xây dựng, giúp các đơn vị có sai sót, khiếm khuyết khắc phục, sửa chữa mà không làm ảnh hưởng đến nhịp độ phát triển của thị trường”.
Xem chi tiết tại đây.