Aa

Cần tạo điều kiện thông thoáng trong chuyển nhượng dự án

Thứ Tư, 14/06/2017 - 07:02

Đó là đề xuất của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM xoay quanh câu chuyện giải cứu, chấn chỉnh các dự án BĐS còn dở dang hoặc “ngủ quên” trong cơn “bạo bệnh”.

 Vượt qua “bạo bệnh”

Thời gian gần đây, thị trường BĐS Việt Nam chứng kiến sự vào cuộc của nhiều doanh nghiệp lớn, giúp "hồi sinh" không ít các dự án đã nhiều năm liền ngủ quên.

Có thể kể đến sự xuất hiện trở lại trên thị trường sau thời gian dài bất động của tòa nhà CT5 thuộc ô đất CT2, Khu đô thị Văn Khê mở rộng (Usilk City). Dù được khởi công từ năm 2008, nhưng suốt gần 1 thập kỷ, dự án này vẫn gần như "sống dở chết dở". Dự án này sau đó cũng bị "khui" hàng loạt sai phạm như huy động vốn không đúng, chậm tiến độ trong nhiều năm, chưa lắp đặt xong hệ thống phòng cháy chữa cháy, chân đế vẫn còn ngổn ngang thì đã buộc phải cho dân vào ở... 

Hàng nghìn khách hàng đã đóng tiền mua căn hộ tại dự án này từ nhiều năm trước mắc kẹt vì chủ đầu tư – Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long không còn năng lực tài chính để triển khai tiếp dự án. Tuy nhiên, mới đây, Hà Nội đã có văn bản chấp thuận cho Công ty Sông Đà Thăng Long chuyển nhượng tòa CT2-105 Usilk City cho Công ty cổ phần Hải Phát Thủ Đô.

Dự án 

Dự án Usilk City xuất hiện trở lại trên thị trường sau thời gian dài bất động.

Trong khi đó, một trong những dự án tỷ đô “trùm mền” khá nổi tiếng trên thị trường BĐS TP.HCM là Kenton Node. Dự án này đã tạm dừng mấy năm nay khi đã xây dựng gần như xong phần thô một số block chung cư do thị trường khó khăn vào những năm 2009. Khi đó, chủ đầu tư đã trả lại hết tiền mua nhà và bồi thường cho các khách hàng mua căn hộ tại đây để điều chỉnh dự án cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Sau khoảng 7 năm “hấp hối”, mới đây, dự án Kenton Residences vừa được Công ty Xây dựng - Sản xuất - Thương mại Tài Nguyên “hồi sinh” trở lại với tên gọi mới là Kenton Node Hotel Complex.

Thông tin từ người sáng lập Công ty Tài Nguyên cho biết, giai đoạn 1 của dự án Kenton Node, công ty đã hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai để triển khai khu nhà ở dọc tuyến Nguyễn Hữu Thọ. Tuy nhiên vào thời điểm không lâu sau đó, thị trường BĐS suy thoái, dự án bị chững lại. Trong suốt thời gian thị trường trầm lắng, công ty cũng đã dùng nhiều giải pháp để gỡ khó cho dự án, bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý tại TP.HCM như thay đổi thiết kế, kết hợp giữa nhà ở với dịch vụ, trong đó có khách sạn quy mô 550 phòng... 

Cần xem chuyển nhượng dự án cũng là nhu cầu kinh doanh

Với nhiều nỗ lực giải cứu từ các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như nội lực của các doanh nghiệp, đến nay, thị trường BĐS đã có những dấu hiệu sôi động trở lại. Tuy nhiên, dự án xuất hiện ngày càng nhiều như “sao” trong khi năng lực tài chính, quản lý của chủ đầu tư thì có hạn, việc giải cứu dường như là không xuể. Bởi thế mà hiện hàng loạt dự án vẫn nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt” suốt nhiều năm liền không thể điểm danh hết.

Ở Hà Nội, chuỗi dự án của Vina Megastar, Tricon Tower, AZ Lâm Viên, Habico Tower Phạm Văn Đồng, Nam Đàn Plaza, B5 Cầu Diễn, Ha Noi Times Tower... là những "vũng bùn" đang kéo tuột giấc mơ và của cải của bao chủ đầu tư đình đám lẫn khách hàng. Trong khi đó, toà tháp 41 tầng Saigon One Tower hoàn thành dang dở cũng như một vết đen trên bầu trời TP.HCM. Còn cư dân dự án PetroVietnam Landmark Tower, 584 Tân Kiên cũng đã đấu tranh ròng rã mấy năm liền nhưng không biết đến bao giờ mới nhận được căn hộ hoàn thiện.

Thậm chí, cả một thành phố đáng sống như Đà Nẵng cũng đang nhức nhối bởi những “vết sẹo” chưa lành như Golden Square, Danang Centre, Vien Dong Meridian Tower...

Chưa kể những nhiêu khê trước khi nộp tiền sử dụng đất, xác định giá đất không chỉ làm lãng phí thời gian của doanh nghiệp, mà còn khiến những dự án đang trong cơn “bạo bệnh” dễ “chết lâm sàng

"Chưa kể những nhiêu khê trước khi nộp tiền sử dụng đất, xác định giá đất không chỉ làm lãng phí thời gian của doanh nghiệp, mà còn khiến những dự án đang trong cơn “bạo bệnh” dễ “chết lâm sàng".

Trao đổi với Reatimes, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM cho biết: “Cách đây 7 năm, chúng tôi đã đưa ra khái niệm về 3 dở dang. Một là sản phẩm dở dang, công trình dở dang và dự án dở dang. Dự án dở dang chính là lãng phí lớn nhất về tài nguyên đất đai của thị trường BĐS. Đó chính là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho trên thị trường BĐS hiện nay. 

Đơn cử như ở TP.HCM có khoảng 14.000 căn nhà tồn kho cuối năm 2012 sau khi thống kê từ 36 dự án, đó là những căn hộ đếm được. Nhưng những dự án dở dang, lượng hàng tồn kho tiềm ẩn trong đó rất lớn. Để giải quyết vấn đề này, ngay từ năm 2006, khi xây dựng luật kinh doanh BĐS thì chúng tôi đã đề nghị phải thông thoáng trong việc cho chuyển nhượng dự án, trong khi đó Luật Kinh doanh BĐS 2006 lại có những yêu cầu chuyển nhượng dự án quá khắt khe”.

Ông Châu lý giải, khắt khe ở đây là chẳng những phải có sổ đỏ dự án, mà còn phải làm xong hạ tầng mới được phép chuyển nhượng. Tuy nhiên, khi mua xong dự án, mà doanh nghiệp mua lại muốn thay đổi quy hoạch thì phải phá dỡ toàn bộ hạ tầng cũ rất lãng phí.

Chủ tịch HoREA cho rằng: “Các nhà quản lý nên xem chuyển nhượng dự án cũng là một nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp chuyên đi làm dự án, tới một mức nào đó thì chuyển nhượng, có doanh nghiệp sẽ làm đến sản phẩm cuối cùng.

Chuyển nhượng dự án là chuyển nhượng giữa nhà đầu tư A và nhà đầu tư B, nhưng công việc A chưa thực hiện với nhà nước thì B sẽ tiếp tục thực hiện, không phải là chuyển nhượng sản phẩm cho người mua cuối cùng là khách hàng. Cho nên đừng câu nệ về vấn đề chuyển nhượng dự án phải làm hết tất cả các thủ tục. Chúng tôi vẫn kiên định đề nghị việc chuyển nhượng dự án chỉ cần một điều kiện tiên quyết là quỹ đất của dự án phải là quỹ đất sạch. Song đến nay đề xuất này vẫn chưa được chấp nhận thuận”.

Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị thực hiện cơ chế phối hợp “chuỗi 5 nhà” (nhà đầu tư phát triển dự án - nhà thầu thi công - nhà cung ứng vật tư, trang thiết bị - nhà băng - Nhà nước). Các chủ thể này cùng nhau hợp tác sẽ tạo được sức mạnh để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững và đặc biệt là không để dự án “chết lâm sàng”, gây lãng phí vốn, tài nguyên đất.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top