“Cần thả con tép bắt con tôm - đó mới là chính sách khôn khéo mà hiệu quả”

“Cần thả con tép bắt con tôm - đó mới là chính sách khôn khéo mà hiệu quả”

Hà Thương (Thực hiện)
Hà Thương (Thực hiện) ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Hai, 31/07/2023 - 06:00

Trong cuộc trao đổi với Reatimes mới đây, TS. Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) nhấn mạnh: “Nhà nước cần có sự uyển chuyển trong chính sách điều hành. Lúc nào cần giảm thu thì nên giảm thu, lúc nào cần tăng chi tiêu thì nên tăng chi tiêu... Điều quan trọng là kích thích tiêu dùng để tăng trưởng nguồn thu chứ không phải đè một nguồn thu rồi thu hoài. Cần thả con tép bắt con tôm - đó mới là chính sách khôn khéo mà hiệu quả”.

******

Lãi suất cho vay giảm lên giảm xuống vẫn chưa đến 2%

PV: Ngày 10/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng lên 14%, tăng từ mức 11% trước đó. Với mức điều chỉnh này thì từ nay đến cuối năm, hệ thống ngân hàng sẽ phải bơm ròng ra nền kinh tế thêm 1,1 triệu tỷ đồng. Theo ông, đây có được xem “nắng hạn gặp mưa” cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như toàn thị trường trong bối cảnh khát vốn hiện nay?

TS. Huỳnh Thanh Điền: Đầu tiên, chúng ta cần hiểu lý do vì sao NHNN lại có động thái nới room tín dụng ở thời điểm hiện tại. 

Theo tôi, nguyên nhân là do tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 quá thấp, chỉ đạt 3,72% - cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011 - 2023.

Vậy câu hỏi cần đặt ra tiếp theo là tại sao tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm giảm sâu, gần thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua?

Có hai nguyên nhân cho thực tế này. Thứ nhất là do thị trường các nước tồn kho lớn, trong khi doanh nghiệp Việt Nam không kịp cơ cấu lại, dẫn đến xuất khẩu nước ta giảm mạnh. Những ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn chính là những ngành suy giảm mạnh nhất như dệt may, giày da, gỗ.

Thứ hai, khi xuất khẩu giảm, lao động trong nước mất việc làm đã dẫn đến sức mua, khả năng chi tiêu bị thu hẹp.  

Trong bối cảnh như vậy, buộc Chính phủ phải mở rộng chính sách tiền tệ để khôi phục tổng cầu trong nước. Đó là lý do mà room tín dụng đã được nới lên 14% thay vì 11% như hồi đầu năm. 

Ngày 10/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng lên 14%, tăng từ mức 11% trước đó. (Ảnh: Vietnam+)

PV: Như vậy, việc mở rộng chính sách tiền tệ bằng cách nới room tín dụng trong bối cảnh hiện nay là điều cần thiết?

TS. Huỳnh Thanh Điền: Không chỉ nới room tín dụng mà trước đó, NHNN đã nhiều lần giảm lãi suất điều hành. Trong vòng 3 tháng, NHNN đã giảm 4 lần lãi suất điều hành trên toàn hệ thống. 

Điều này cho thấy, Chính phủ bắt đầu có chiều hướng mở rộng chính sách tiền tệ. Và tất nhiên, đây là việc làm quan trọng để kích thích tổng cầu, khôi phục nền kinh tế. 

Khi dòng tiền đổ ra nền kinh tế lớn, dư địa để các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay sẽ dễ hơn. Khi đó, vấn đề nguồn vốn cho các doanh nghiệp đang “khô hạn tiền” sẽ phần nào được hoá giải. 

PV: Lý thuyết là vậy nhưng thực tế thì phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa dễ dàng trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Ông bình luận sao về hiện trạng này?

TS. Huỳnh Thanh Điền: Đúng là hiện nay dù chính sách tiền tệ có phần được mở rộng nhưng khả năng hấp thụ của doanh nghiệp trong nước vẫn còn rất thấp. Tuy nhiên, vấn đề này không xuất phát từ phía các doanh nghiệp mà nằm ở phía chính sách. 

"Nói là mở rộng nhưng cơ bản chính sách tiền tệ Việt Nam 6 tháng đầu năm vẫn rất thận trọng. Biểu hiện là dù điều chỉnh giảm lãi suất nhiều lần nhưng cộng đi cộng lại chưa tới 2% nên lãi suất cho vay hiện vẫn ở mức cao. Có thể nói, tần suất điều chỉnh lớn nhưng liều lượng lại rất thấp".

TS. Huỳnh Thanh Điền

Bởi nói là mở rộng nhưng cơ bản chính sách tiền tệ Việt Nam 6 tháng đầu năm vẫn rất thận trọng. Biểu hiện là dù điều chỉnh giảm lãi suất nhiều lần nhưng cộng đi cộng lại chưa tới 2% nên lãi suất cho vay hiện vẫn ở mức cao. Có thể nói, tần suất điều chỉnh lớn nhưng liều lượng lại rất thấp. 

Do dó, NHNN có dự định bơm tiền ra để hoạt động kinh tế bắt nhịp trở lại nhưng bơm với lãi suất cao thì việc làm ăn của doanh nghiệp khó có thể hiệu quả. Khi đó, doanh nghiệp vừa khó tiếp cận vốn vay, vừa không sẵn sàng để vay. 

Mới đây, NHNN có ban hành Thông tư 06 bổ sung thêm loạt quy định về một số nhu cầu vốn tổ chức tín dụng không được cho vay. 

Thực tế, những quy định bổ sung của Thông tư 06 là đúng và về lâu dài là cần thiết để đảm bảo tính an toàn của cả hệ thống ngân hàng. Nhưng có lẽ, thời điểm này không phù hợp để Thông thư 06 ra đời. Nó sẽ thể hiện tính quá thận trọng trong bối cảnh đáng lẽ phải cởi mở của chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ, khích lệ doanh nghiệp làm ăn. 

 Nới lỏng chính sách tiền tệ phải ăn khớp với chính sách tài khoá 

PV: Vậy chính sách tiền tệ cần được điều hành như thế nào, theo ông?

TS. Huỳnh Thanh Điền: Quan điểm của tôi là chúng ta không nên quá thận trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, thay vào đó là hãy cởi mở hơn. 

Từ quý III/2022, nhằm hạn chế tình trạng lạm phát, NHNN đã đặt mục tiêu ổn định lên hàng đầu, chấp nhận hy sinh tăng trưởng để giữ vững ổn định nền kinh tế. Nhưng đến thời điểm hiện tại, kinh tế Việt Nam đã giảm quá mạnh khi tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2023 chỉ hơn 3%.

Xuất phát điểm nền kinh tế Việt Nam nhỏ, quy mô bé nên cần phải duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong khoảng thời gian dài thì mới có khả năng theo kịp các nước. Các nước tăng trưởng chỉ 1% hay 2% thì cũng đã rất lớn, còn mình dù tăng 3% thì cũng chỉ rất thấp. 

Do đó, lúc này cần thiết phải đổi mục tiêu điều hành chính sách. Không nên giữ mục tiêu quá thận trọng và ổn định nền kinh tế, chúng ta nên trọng tâm vào mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng. 

Tất nhiên mở rộng tiền tệ thì cũng cần phải đi đôi với tài khoá, phải đảm bảo hai chính sách này kết hợp hài hoà. Phải tính toán rất rõ, việc chi tiêu cho ngành này thì khả năng khôi phục như thế nào và room tín dụng phải dành một khoản cho ngành đó là bao nhiêu. Nếu chính sách cứ nói chung chung là huề cả làng, không có tác dụng. Doanh nghiệp có việc làm không vay được, doanh nghiệp không có việc làm lại vay được. 

TS. Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM)

PV: Nói đến chính sách tài khoá, ông có đánh giá như thế nào về việc điều hành chính sách này của ớc ta trong 6 tháng đầu năm?

TS. Huỳnh Thanh Điền: Thời gian qua, Chính phủ đã khá quyết liệt trong việc thực hiện các chính sách tài khoá, nhưng kết quả theo tôi là chưa như mong đợi. 

Giải ngân đầu tư công trong 6 tháng đầu năm còn rất chậm. Đặc biệt, giải ngân đầu tư công mới chỉ tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông nên chỉ giải quyết công ăn việc làm cho lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng. Còn lại, Chính phủ chưa sử dụng đầu tư công như một công cụ để hỗ trợ những ngành nghề khác, nhằm khôi phục nền kinh tế. 

Vì vậy, việc mở rộng tài khoá để tác động đến nền kinh tế chưa lớn và chưa toàn diện, đặc biệt là những ngành kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng như giày da, dệt may, gỗ, dịch vụ. 

Khi mở rộng đầu tư công, chúng ta cần phân tích từng nhóm ngành cụ thể để định hướng được dòng chi tiêu của Chính phủ nên đi vào đâu trước tiên và mức độ tác động đến ngành đó như thế nào, chứ không nên chỉ chăm chăm vào đầu tư các công trình hạ tầng. 

Ngoài ra, như đã nói, 6 tháng đầu năm Chính phủ có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng lại không ăn khớp với chính sách tài khoá. Đơn cử như việc cho doanh nghiệp vay tiền, kêu anh hãy vay đi nhưng bản thân doanh nghiệp không có việc làm thì vay để làm gì?

Do đó, tài khoá phải hướng đến tạo việc làm thì tiền tệ mở rộng ra mới hấp thụ được. Còn nếu đơn thuần chỉ mở rộng tiền tệ và kêu doanh nghiệp đi vay thì doanh nghiệp cũng sẽ không vay vì không có cơ hội để đầu tư phát triển.  

 Nền kinh tế lúc này cần chi nhiều hơn thu 

PV: Nhiều ý kiến cho rằng: Nền kinh tế lúc này cần chi nhiều hơn thu. Với góc nhìn của mình, ông nghĩ sao về quan điểm này?

TS. Huỳnh Thanh Điền: Không ai đánh giá sức mạnh của nền kinh tế thông qua việc Nhà nước thu bao nhiêu tiền mà chỉ đánh giá thông qua GDP và thu nhập quốc dân. Còn việc thu hay chi chỉ là công cụ để thúc đẩy GDP và thu nhập quốc dân tăng cao. Ví dụ như Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới nhưng cũng là nước có nợ quốc gia nhiều nhất thế giới. 

Vì vậy, điều quan trọng là cần có sự uyển chuyển trong chính sách. Lúc nào cần giảm thu thì nên giảm thu, lúc nào cần tăng chi tiêu thì nên tăng chi tiêu. Bởi khi nền kinh tế mạnh lên, Nhà nước thu bù cũng không thiệt vào đâu. Thậm chí, khi doanh nghiệp làm ăn tốt, tiêu dùng tăng cao, rất nhiều khoản thuế Nhà nước có thể thu được như VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. 

Với giai đoạn hiện nay, tôi cho rằng, việc tăng chi giảm thu là hợp lý. Một nền kinh tế đang suy giảm nghiêm trọng, Nhà nước cần bơm tiền ra đúng nơi, đúng thời điểm để hỗ trợ thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu chỉ chăm chăm vào các khoản thu sẽ chỉ làm nền kinh tế suy giảm mạnh hơn. 

Cụ thể, các khoản thuế nên có sự điều chỉnh thấp hơn. Hiện nay, Việt Nam đang đánh thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp quá cao. Một biểu thuế xây dựng hơn chục năm nhưng không sửa, mức giảm trừ gia cảnh gần đây có được điều chỉnh nhưng thực tế cũng không ăn thua. 

Nguyên tắc là nên để tiền mặt lại cho doanh nghiệp, người dân để họ mạnh dạn chi tiêu. Khi đó, Nhà nước sẽ thu thuế VAT thay vì thuế thu nhập của họ. Nói chung, điều quan trọng là kích thích tiêu dùng để tăng trưởng nguồn thu chứ không phải đè một nguồn thu rồi thu hoài. Cần thả con tép bắt con tôm - đó mới là chính sách khôn khéo mà hiệu quả.

PV: Với lĩnh vực bất động sản, điều gì là cần nhất lúc này để thị trường hồi phục, thưa ông?

TS. Huỳnh Thanh Điền: Với ngành bất động sản, giai đoạn hiện tại là cơ hội tốt để chấn chỉnh lại thị trường, giúp thị trường đi đúng hướng và phát triển bền vững hơn. 

Trước đây, bất động sản Việt Nam phát triển không giống ai, cứ bơm tín dụng là thị trường sôi động, thắt tín dụng là thị trường đứng hình. Biết rằng, tín dụng là dòng vốn không thể thiếu để thị trường này phát triển, nhưng cũng cần có sự điều tiết phù hợp để thị trường không phụ thuộc quá lớn. Ngược lại, chính sách về dòng vốn tín dụng cũng cần hài hoà, tránh giật cục. 

Ngoài ra, Chính phủ nên ưu tiên cho việc mua nhà lần đầu, những dự án bán lần đầu, gọi là sản phẩm sơ cấp. Còn đối với thị trường thứ cấp, nên hạn chế bơm tiền vào để tránh tình trạng mua đi bán lại. 

Riêng lĩnh vực bất động sản, phải cuối quý IV/2023 thị trường mới có dấu hiệu rục rịch khởi sắc và phải sang năm 2024 thị trường này mới hồi phục mạnh mẽ. (Ảnh: Tùng Dương)

Luật pháp liên quan đến ngành bất động sản cũng cần có những quy định rõ ràng để tránh hoạt động đầu cơ. 

Nền kinh tế có căn cơ hay không nằm ở chỗ, người dân kiếm tiền phải bằng cách tạo ra các hàng hoá dịch vụ, mang đến lợi ích cho xã hội; chứ không phải có tiền là đầu cơ đất, đầu cơ nhà. Bởi điều này không tạo ra giá trị cho sự phát triển của nền kinh tế mà tiền chỉ đang chạy vòng quanh, từ túi người này qua túi người khác, thành ra huề cả làng.

PV: Ông có dự đoán gì về tình hình tăng trưởng nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng trong nửa cuối năm 2023?

TS. Huỳnh Thanh Điền: Nhìn lại 6 tháng đầu năm, đánh giá một cách khách quan thì cách điều hành của Chính phủ đều có đường nét rõ ràng như: Mở rộng tài khoá, đẩy mạnh đầu tư công, giảm thuế VAT, giảm lãi suất, mở rộng room tín dụng. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự hài hoà giữa chính sách tài khoá và tiền tệ nên nền kinh tế vẫn chưa có những biến chuyển mạnh mẽ, thị trường bất động sản cũng vậy. 

Dù nỗ lực nhưng với đà của mình thì khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra, song 6 tháng cuối năm sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn 6 tháng đầu năm. Đâu đó khoảng 6%.

Riêng lĩnh vực bất động sản, phải cuối quý IV/2023 thị trường mới có rục rịch khởi sắc trở lại và phải sang năm 2024 thị trường này mới hồi phục mạnh mẽ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top