Vàng vẫn là một kênh đầu tư có thể mang lại lợi nhuận, xét về lâu dài, nếu chọn đúng thời điểm mua/bán và nắm giữ. Tuy nhiên, chỉ cần một chút thiếu thận trọng, một sự quan sát ngắt quãng hoặc không đầy đủ, người mua có thể rơi vào bẫy vàng!
Vàng miếng SJC chỉ còn chiếm 10 - 15% thị phần
Ngày 8/3/2020 giá vàng thế giới lần đầu tiên trong vòng năm năm qua vượt qua đỉnh 1.700 đô la Mỹ, lên mức 1.701,9 đô la Mỹ/ounce. Tám ngày sau, ngày 16/3/2020, nó trượt về 1.455,7 đô la Mỹ/ounce, tương đương giảm gần 14,5%. Sự “nhảy nhót” của vàng cũng chẳng kém gì các cú nảy lên đập xuống của chứng khoán.
Sự lên giá quá nhanh trong thời gian quá ngắn đã kích thích giới đầu tư vàng chốt lời. Ngoài ra, sự thiếu thanh khoản của thị trường tiền tệ thế giới, hay nói đúng hơn là tâm lý e ngại thị trường sẽ thiếu thanh khoản đi cùng dự báo sự lên giá của đô la Mỹ so với hầu hết các ngoại tệ mạnh khác, đã kích hoạt động thái tạm thời giã từ thứ kim loại quý hiếm này.
Sau khi bị bán tháo, đầu tuần trước giá vàng thế giới có vẻ ổn định khi dao động quanh ngưỡng 1.566 đô la Mỹ/ounce (tức 45,1 triệu đồng/lượng nếu tính theo tỷ giá thị trường tự do 23.900 đồng/đô la Mỹ và 44,8 triệu đồng/lượng nếu áp dụng tỷ giá phổ biến của các ngân hàng 23.740 đồng/đô la Mỹ, chưa tính thuế và phí).
Trong tuần qua, vàng kỳ hạn giao tháng 4 đã tăng 9,5% mức tăng tốt nhất từ nhiều năm trở lại đây, kể từ mức 13% vào 9/2008. Các nhà đầu tư kiếm được một khoản lợi nhuận lớn từ kim loại quý trước bối cảnh ảnh hưởng của thị trường tài chính trước dịch bệnh Covid-19.
Diễn biến giá vàng nội địa đã không bám sát giá quốc tế khi giá trong nước cao hơn bên ngoài tới 3,5 - 4 triệu đồng/lượng. Giá vàng thường phụ thuộc vào hai yếu tố: đầu cơ và cung cầu. Hiện tại sự đầu cơ trên thị trường vàng không mang tính áp đảo bởi rủi ro thất thường của giá vàng thế giới rất lớn.
Còn nhìn vào cung cầu, cầu đang cao hơn cung nhưng sự chênh lệch cung cầu thật sự không rộng. Theo đại diện bộ phận kinh doanh vàng của một ngân hàng ở phía Nam, số khách hàng mua vàng tăng với số lượng mua bình quân thấp. Người ta mua tầm 1 - 2 lượng/lượt. Không có các đơn đặt hàng vài chục lượng, vài trăm lượng.
Thực ra thị trường vàng chỉ cần một đơn đặt mua 100 lượng/ngày trong vài ngày liền là đã không có hàng. Người dân nắm giữ vàng dài hạn từ trước đến nay không còn nhiều. Họ hoặc đã bán chốt lời khi giá vàng vượt qua cửa ải 40 triệu đồng/lượng từ năm ngoái và tiếp tục bán dần khi giá lên; hoặc đã dừng mua khi giá trong nước cao hơn thế giới.
Vậy lý do gì khiến giá vàng nội cao hơn ngoại? Đó chính là vàng SJC đang lưu thông trên thị trường còn lại quá ít, chỉ ở mức 10 - 15% thị phần. Vàng SJC từ chỗ chiếm khoảng 70% thị phần đã bị thu hẹp qua các đợt gom vàng xuất lậu năm 2018 - 2019 (giá trong nước khi ấy thấp hơn đáng kể giá thế giới).
Trong khi đó, đã nhiều năm nay Ngân hàng Nhà nước không cấp hạn mức dập vàng nguyên liệu thành vàng miếng SJC. Cánh cửa dập vàng miếng SJC đã khép lại mà thương hiệu SJC vẫn tiếp tục đại diện cho giá của cả thị trường thì xem ra không hợp lý.
Hiện trên thị trường có nhiều thương hiệu vàng, song nếu người mua chỉ tập trung mua vàng SJC, điều tất yếu xảy ra là giá vàng SJC tăng do khan hiếm kỹ thuật. SJC lại đại diện cho thị trường, các nhãn vàng khác nhìn vào giá SJC để mua bán. Giá vàng nội cứ thế mà cao hơn giá thế giới.
Tâm lý dịch cúm
Sự kéo dài của dịch Covid-19 và ảnh hưởng của nó có thể gây nên một cuộc khủng hoảng đi kèm suy thoái kinh tế trên phạm vi toàn cầu đã gây tâm lý bất an cho không ít người. Họ nhìn vàng như một thứ tài sản an toàn nên có trong danh mục đầu tư và cất giữ phòng thân, nhất là trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm đã và đang có xu hướng hạ. Bên cạnh đó, có quan điểm cho rằng giá vàng thế giới có khả năng chỉ điều chỉnh và tiếp tục trong chu kỳ đi lên, và tận dụng cơ hội giá điều chỉnh để mua vào.
Giá vàng trong nước, vì vậy, đang neo đậu vào tâm lý mong manh, vốn có thể đảo ngược bất cứ lúc nào phụ thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19. Hơn nữa, có cầu ắt có cung. Giá vàng nội cao đã đẩy vàng nhập lậu quay trở lại. Vàng nhập lậu dưới dạng nguyên liệu (vàng ký) và không thể dập thành vàng miếng SJC, song có thể được tiêu thụ thông qua đường bán cho các cơ sở chế tác nữ trang.
Người tiêu dùng, một khi không mua được vàng SJC, quay sang mua vàng các thương hiệu khác. Với vàng SJC, người ta có thể mua/bán ở bất kỳ đâu, còn vàng thương hiệu khác thường mua ở đâu thì bán lại ở đó khi có nhu cầu. Các loại nữ trang có hơi hướng vàng miếng như vòng tay, nhẫn, kiềng... có thể đặt mua không khó khăn ở các tiệm vàng.
Ghi nhận ở các cửa hàng vàng và ngân hàng cho thấy lúc này sự dao động của giá vàng đang ở một nấc mới, chênh lệch giữa giá mua - giá bán đến 600.000 - 700.000 đồng/lượng, thậm chí cả triệu đồng/lượng tùy thời điểm trong ngày. Giá vàng cũng được cập nhật theo biến động tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ, giá vàng thế giới, tỷ giá giữa đô la Mỹ và các ngoại tệ khác...
Tụ hợp trong mình các biến số di động với tốc độ cao như vậy, giá vàng có thể là cái bẫy đầy rủi ro cho những người thiếu kinh nghiệm và không am hiểu nó.
Mở cửa thị trường vàng ngày 30/3, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji niêm yết ở mức: 47 triệu đồng/lượng (mua vào) và 47,8 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 100 nghìn chiều bán ra.
Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 46,90 triệu đồng/lượng (mua vào) và 47,82 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội. Giá vàng miếng SJC tại TP.HCM niêm yết ở mức 47,8 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay tăng 1,9% lên 1.620,20 đô la/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 trên sàn Comex New York giảm hơn 26,20 đô la xuống 1.625 đô la/ounce.