Aa

Vàng, chứng khoán khó đoán định

Thứ Hai, 16/03/2020 - 06:15

Không loại trừ nhà đầu tư bán vàng để bù đắp cho việc vay mượn mua chứng khoán hoặc chuyển sang các kênh đầu tư khác.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp và lan rộng của dịch Covid-19 trong tuần qua, giới đầu tư tài chính thế giới và tại Việt Nam đều ồ ạt bán tháo tài sản.

Bán tháo mọi tài sản

Thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu ghi nhận một tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008. Chỉ số Dow Jones của Mỹ mất tới 8.000 điểm. Trong đó, chỉ riêng phiên ngày 12/3, Dow Jones giảm tới hơn 2.350 điểm, tương đương gần 10%, mức giảm chưa từng có kể từ năm 1987; S&P 500 mất gần 261 điểm, tương đương 9,51%, trong khi Nasdaq Composite giảm hơn 750 điểm, tức 9,43%. Chứng khoán châu Âu thậm chí còn có phiên tồi tệ hơn khi các chỉ số có mức giảm trên dưới 12%, mức giảm theo ngày tồi tệ nhất trong lịch sử của chứng khoán khu vực này.

Thị trường vàng, chứng khoán vừa trải qua một tuần sụt giảm tồi tệ nhất trong nhiều năm Ảnh: Tấn Thạnh

Ở châu Á, các TTCK lớn như Nhật, Hồng Kông, Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore… cũng rớt thảm hại trong suốt một tuần. Không ít lần các thị trường Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ và Hàn Quốc phải ngắt giao dịch vì giảm quá sâu. Trong làn sóng bán tháo đó, VN-Index của Việt Nam cũng mất 14,55%, giảm mạnh nhất trong vòng 12 năm, vốn hóa "bay hơi" 25,5 tỷ USD khi số ca mắc Covid-19 liên tục tăng từng ngày.

Trong bối cảnh như vậy thì vàng, dầu, tiền điện tử cũng không còn là nơi "trú ẩn" an toàn của giới đầu tư toàn cầu. Họ bán tất cả để chuyển sang nắm giữ tiền mặt. Chỉ trong 2 ngày giao dịch 12 và 13/3, Bitcoin đã "bổ nhào" gần 50%, chỉ còn 3.195 USD/coin. Giá vàng thế giới giảm tới 5,1% - mức giảm lớn nhất kể từ tháng 11/2016.

Tại Mỹ, chốt phiên ngày 12/3 (giờ địa phương), mỗi ounce vàng mất gần 60 USD, về 1.575 USD - thấp nhất kể từ đầu tháng 2/2020. Tại thị trường châu Á ngày 13/3, mỗi ounce tăng 14 USD lên 1.589 USD, quy ra tiền Việt khoảng 44,58 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng tại Việt Nam khoảng 2,5 triệu đồng/lượng.

Cũng chịu chung số phận, giá dầu thế giới hôm 13/3 tiếp tục giảm trong ngày thứ 3 liên tiếp. Giá dầu thô Brent ở Anh có lúc giảm còn 32,55 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ở Mỹ có lúc giảm còn 30,84 USD/thùng. Theo Reuters, giá dầu đang chịu thêm sức ép từ nguồn cung dầu giá rẻ từ Ả Rập Saudi và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga bất đồng về chuyện cắt giảm thêm sản lượng vào tuần rồi. Công ty tư vấn Eurasia Group (Mỹ) nhận định nhu cầu dầu toàn cầu sụt giảm do Covid-19 và sự gia tăng sản lượng khai thác của Nga và Ả Rập Saudi có thể khiến nguồn cung bị dư 4 triệu thùng/ngày.

Sẽ còn giảm sâu?

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) nhận định chính sự lây lan nhanh của Covid-19, việc Mỹ hạn chế đi lại từ châu Âu, cũng như các hoạt động thể thao, giải trí bị đình chỉ, các nhà hàng đóng cửa khiến giới đầu tư lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu. Từ đó thúc đẩy họ ồ ạt bán tháo các loại tài sản, kể cả vàng.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, cho rằng không loại trừ nguyên nhân nhà đầu tư bán vàng để bù đắp cho việc vay mượn để mua chứng khoán hoặc chuyển sang các kênh đầu tư khác, bởi nếu tính từ đầu năm 2020 đến nay vàng vẫn là kênh tăng giá nhiều nhất. Trong danh mục đầu tư, vàng là tài sản dễ bán nhất để thu hồi tiền mặt, tạo thanh khoản cho nhà đầu tư khi muốn chuyển sang các kênh khác như đồng USD hay trái phiếu chính phủ Mỹ.

Giá vàng thế giới trong phiên 12/3 (giờ Mỹ) có thời điểm giảm hơn 80 USD/ounce và vài tuần trước cũng có phiên giao dịch giá vàng mất cả 100 USD/ounce. Nhưng nếu so với đà lao dốc của các kênh khác, như Bitcoin (gần 50%) hay dầu thô mất giá 30% thì đà giảm của giá vàng không bằng… "Giá vàng đang được điều chỉnh giảm trong ngắn hạn và xu hướng bán tháo chủ yếu diễn ra ở các nhà đầu tư nhỏ, bằng chứng là ngân hàng trung ương các nước, các quỹ đầu tư lớn vẫn không bán vàng ra trong những phiên giảm vừa qua. Xu hướng tăng của giá vàng vẫn được củng cố trong trung dài hạn. Dù vậy, với mức độ biến động lớn, bất thường của giá vàng vừa qua thì rất rủi ro cho nhà đầu tư có ý định "lướt sóng" ngắn hạn" - ông Phan Dũng Khánh phân tích.

Dưới góc nhìn khác, chuyên gia tài chính - TS. Lê Đạt Chí cho rằng yếu tố khiến giá vàng lao dốc mạnh trong những ngày qua xuất phát từ quyết định không giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Cụ thể, ECB đã quyết định không cắt giảm lãi suất như kỳ vọng của thị trường nhưng đã thông qua chương trình mua trái phiếu (QE) đến hết năm 2020 trị giá lên tới 120 tỷ euro/tháng, gấp 6 lần hiện nay. Trước đó, các nhà đầu tư kỳ vọng ECB sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,1 điểm % nhằm kích thích kinh tế trong bối cảnh nguy cơ nền kinh tế khu vực rơi vào suy thoái.

Theo vị chuyên gia này, vàng thường được xem là công cụ nhằm đa dạng hóa kênh đầu tư nhưng trong bối cảnh đồng USD tăng giá mạnh và kinh tế Mỹ được củng cố thì vàng khó tăng giá mạnh. Trước tác động của dịch Covid-19, sức mua của nền kinh tế các nước, trong đó có Mỹ bị giảm sút không phải vì thiếu tiền mà do mắc nợ như các cuộc khủng hoảng kinh tế trước. Nếu giải quyết bài toán kiểm soát dịch tốt sẽ làm sức cầu nền kinh tế quay trở lại, như việc Mỹ thông báo đã làm việc với các công ty bảo hiểm trong việc chi trả cho người bệnh bị nhiễm Covid-19. Điều này khiến người dân Mỹ yên tâm, đồng USD tăng giá và vàng vì lý do đó sẽ khó lòng tăng giá mạnh trong ngắn hạn. "Nếu cuộc họp chính sách sắp tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không cắt giảm lãi suất, giá vàng sẽ có giảm sâu. Và trên thị trường hàng hóa, cả dầu và nhiều loại nguyên liệu khác cũng đang trong chu kỳ giảm giá" - TS. Lê Đạt Chí nói.

Ở thị trường vàng trong nước, các chuyên gia vàng cho rằng với biên độ chênh lệch giá mua - bán được doanh nghiệp neo ở mức cao trên nửa triệu đồng/lượng, cộng giá vàng SJC cao hơn vàng thế giới tới 2,5 triệu đồng/lượng đang đẩy rủi ro cho nhà đầu tư, người tham gia thị trường. Thậm chí sẽ kích thích nhu cầu gom USD nhập vàng lậu về để làm vàng trang sức, từ đó tạo áp lực lên tỷ giá USD/VNĐ.

Tránh bán tháo

Trước diễn biến khó khăn của TTCK tuần qua, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng đề nghị các doanh nghiệp, công ty chứng khoán, ngân hàng và nhà đầu tư cần vững tin vào nội lực của nền kinh tế và sức bền của thị trường, cần tránh những phiên bán tháo không cần thiết.

Ngoài ra, ông cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ có thêm những giải pháp ngắn hạn hỗ trợ thị trường, trong bối cảnh các chỉ số chính đã giảm sâu vì lo ngại diễn biến dịch phức tạp của Covid-19. "Những gì trong khả năng thẩm quyền Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ triển khai quyết liệt để hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư" - ông Dũng nhấn mạnh.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top