Aa

Cần thận trọng khi xem xét đề xuất đánh thuế nhà và tài sản

Thứ Ba, 08/03/2022 - 06:09

Đề xuất đánh thuế bất động sản từ thứ 2 trở đi được cho là nhằm giảm đầu cơ, tăng nguồn thu cho ngân sách, nhưng cần phải tính toán thận trọng đảm bảo quyền lợi của người dân và giúp thị trường minh bạch.

Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản lấy ý kiến về các chính sách thu thuế bất động sản, bao gồm việc đánh thuế nhà và tài sản nhằm xây dựng đề cương báo cáo rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thực tế, các mức thuế đang được đề xuất khá tương đồng với cách thức được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Có thể kể đến ở Mỹ, chính quyền sẽ thu thuế rất cao khi bán nhà, hoặc khi sở hữu nhà thứ hai.

Khi đánh thuế bán nhà, Sở Thuế vụ Mỹ phân định rất rạch ròi ranh giới giữa nhà phục vụ sinh hoạt và nhà phục vụ đầu tư. Với thuế bất động sản tính một lần khi mua nhà, mức thuế tuy có sự khác nhau ở mỗi bang nhưng đều không quá 2,35% giá trị nhà.

Tuy nhiên, với một bất động sản chính để phục vụ sinh hoạt (có cách giám sát riêng), chính quyền các bang sẽ thu thuế rất thấp, thậm chí được miễn thuế bán đối với bất động sản có giá trị dưới 250.000 USD của một người Mỹ sở hữu, hoặc bất động sản có giá trị dưới 500.000 USD thuộc sở hữu hộ gia đình.

Tại Hàn Quốc, việc áp dụng mức thuế tài sản (thuế thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản) chia theo dòng sản phẩm bất động sản, cụ thể là đánh thuế 0,15-0,5% đối với nhà riêng; 0,25% đối với nhà chung cư; 4% đối với biệt thự, nhà trong khu sân golf, các khu vui chơi giải trí; 5% đối với nhà tại các khu đô thị lớn. Mức thuế được tính trên bảng giá đất do địa phương ban hành.

Tại Việt Nam, dự thảo Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính cũng đề xuất phương án áp dụng mức thuế tài sản chung  (gồm cả đất và nhà) với tỷ lệ 0,3% nếu xác định ngưỡng nhà không chịu thuế dưới 1 tỷ đồng hoặc áp dụng tỷ lệ 0,4% nếu ngưỡng nhà không chịu thuế là 700 triệu đồng. Phương án này dự kiến mang về cho ngân sách khoảng 31.000 tỷ đồng là phương án đang được Bộ Tài chính đề xuất áp dụng.

Theo các chuyên gia, việc đánh thuế tài sản đối với những căn nhà, đất thứ 2 trở đi và với những khu đất bỏ hoang nhiều năm là cần thiết. Thuế suất này không chỉ tạo thêm nguồn ngân sách ổn định từ thị trường bất động sản mà còn ngăn chặn được tình trạng đầu cơ.

Có ý kiến cho rằng việc đánh thuế khiến người mua, thuê nhà phải chịu thêm chi phí
Có ý kiến cho rằng việc đánh thuế khiến người mua, thuê nhà phải chịu thêm chi phí

“Hiện nay người dân đã bỏ tiền vào nhà đất nhiền hơn gấp 3-4 lần đầu tư sản xuất kinh doanh, là diễn biến bất lợi cho nền kinh tế. Trong khi đó, hoạt động đầu cơ áp đảo đã khiến giá nhà đất tăng cao, chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra lạm phát”, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định.

Tuy đồng tình với chính sách thuế của Bộ Tài chính, nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, thực tiễn tại Việt Nam có nhiều khác biệt, nên để đưa ra một chính sách thuế phù hợp theo mô hình các nước đi trước là không dễ dàng, nhất là khi chúng ta chưa có một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về thị trường nhà đất.

Chưa kể, tình trạng khai sai giá nhà nhằm giảm mức thuế phải nộp vẫn diễn ra khá phổ biến, bất chấp cảnh báo của cơ quan chức năng, từ đó khiến thông tin giá nhà đất có sự sai số lớn, nên khó làm cơ sở tính thuế cho căn nhà thứ 2.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, thông thường các bất động sản thứ 2 thường được chủ nhân sử dụng cho thuê hoặc mua bán khi được giá. Do vậy, nếu phải chịu quá nhiều khoản thuế, người dùng cuối cùng sẽ phải gánh chịu.

“Tôi đang thuê xưởng kỳ hạn 15 năm, đến nay đã 14 năm và đây là bất động sản thứ tư của chủ đất. Nếu đánh thuế trên bất động sản thứ hai trở lên thì mảnh đất 1.500m2 này giá cho thuê theo tôi có khả năng tăng gấp 4 lần hiện tại. Do đó, để có thể chi trả chi phí này tôi chỉ có thể tăng giá sản phẩm, hoặc giảm phụ cấp của lao động”, anh Hoàng Huy, Giám đốc Công ty TNHH Dũng Huy cho biết.

Đồng quan điểm, chị Hoàng Nguyệt- nhà đầu tư bất động sản lâu năm cho rằng, hiện nay đã có quá nhiều loại thuế khi mua/bán/cho thuê bất động sản như thuế trước bạ, thu nhập cá nhân, thuế môn bài, thuế kinh doanh cho thuê… Các loại thuế này được người kinh doanh bất động sản tính vào giá mua bán, giá cho thuê, do đó nếu có thêm khoản thuế khác thì nó cũng sẽ được đẩy vào người dùng cuối (người đi mua, người đi thuê), cũng không giúp giá bất động sản giảm.

“Chỉ nên đánh thuế với bất động sản không sử dụng chờ đầu cơ, còn với bất động sản xây cho thuê, kinh doanh, để ở thì nên bỏ qua”, chị Hoàng Nguyệt nhận xét.

Theo PGS.TS Võ Trí Hảo - Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định (trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam), thuế tài sản sẽ có tác động cơ cấu lại thị trường bất động sản theo hướng bền vững để giảm lãng phí nhưng đây là loại thuế nên thiết kế chỉ nhắm vào người giàu, đầu cơ.

Ví dụ, đánh thuế người sở hữu căn nhà 10 tỷ đồng là hợp lý, nhưng trong trường hợp sở hữu 2 căn nhà trị giá 1 tỷ đồng, trong đó có 1 căn dùng để ở, 1 căn để cho thuê thì việc đánh thuế là không phù hợp, bởi căn nhà cho thuê đã phải chịu nhiều loại thuế như thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng... Chưa kể, việc khai gian giá có thể khiến trường hợp người có 10 căn nhà, nhưng nộp thuế thấp hơn người có 1 căn nhà.

Nhìn chung, thuế nhà và tài sản nếu vận dụng hợp lý, có thể giúp thị trường bất động sản minh bạch, phát triển bền vững, là lực đỡ quan trọng cho nền kinh tế nhưng sẽ là "con dao hai lưỡi" nếu không được tính toán kỹ lưỡng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top