Aa

Cần thiết giãn, hoãn nợ để doanh nghiệp khó khăn có cơ hội tái tạo sức lực

Thứ Bảy, 08/04/2023 - 06:03

Giãn hoãn nợ là việc cần thiết để doanh nghiệp có cơ hội tái tạo sức lực và vực dậy hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Kết luận cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vào ngày 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành “không để lãng phí thời gian” trong việc tháo gỡ vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, nỗ lực tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn để hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, tạo sinh kế cho người dân. Trong đó, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp cần các biện pháp xử lý tích cực hơn.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn trong nghĩa vụ thanh toán nợ và đối diện nguy cơ mất khả năng thanh khoản trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Để tồn tại và vượt qua giai đoạn khó khăn, thời gian gần đây, doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị ngân hàng cho phép hoãn, giãn nợ hay giữ nguyên nhóm nợ.

Ngân hàng Nhà nước chủ trương giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn

Trước nhiều kiến nghị thực hiện chính sách giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp, tại Tọa đàm Khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh cuối tháng 3, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, việc giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp là cần thiết và đề xuất này đã được trình lên Thống đốc. Tới đây Ngân hàng Nhà nước sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai giải pháp cơ cấu lại nợ đối với khách hàng tương tự như chính sách đã triển khai trong thời kỳ xảy ra đại dịch Covid-19 các năm 2021 - 2022.

Trao đổi với Reatimes, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận định, thực trạng khó khăn về tài chính trong bất động sản và các lĩnh vực khác đã được Chính phủ nhận diện rõ hơn trong thời gian qua và sẽ tiếp tục tập trung xử lý trong thời gian tới.

TS. Cấn Văn Lực
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia
(Ảnh: Reatimes)

Trong đó, vấn đề cần kíp cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng là được giãn, hoãn nợ. Đây là việc cần thiết để doanh nghiệp có cơ hội được tái tạo sức lực và vực dậy hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh.

TS. Cấn Văn Lực cho biết: "Thị trường tài chính và thị trường bất động sản là hai thị trường quan trọng của bất kỳ nền kinh tế nào. Thống kê của chúng tôi từ năm 1971 đến nay, có đến 70% các cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ hai thị trường này. Vậy nên, việc kiểm soát rủi ro và phát triển lành mạnh hai lĩnh vực này là cực kỳ quan trọng".

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, thời gian qua nguồn vốn ngành bất động sản ách tắc và dẫn tới nhiều hệ lụy: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản có vấn đề; nhà đầu tư mất niềm tin, không tiếp tục đầu tư, thậm chí không cho phép doanh nghiệp bất động sản được giãn, hoãn nợ như đã từng diễn ra trong vài tháng vừa qua.

Theo đó, khi nợ xấu tăng lên, hệ thống ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro cao hơn và doanh nghiệp cũng bị hạn chế khả năng tiếp cận vốn, thậm chí tác động tiêu cực sẽ lan tỏa sang các lĩnh vực kinh tế và ngành nghề khác.

“Quốc hội và Chính phủ nhận diện rất rõ điều này và đã chỉ đạo rất quyết liệt, làm sao sớm giải quyết, khoanh vùng vấn đề để không dẫn tới đổ vỡ hệ thống. Hiện nay Chính phủ đang xử lý theo hướng này. Về cơ bản phía Ngân hàng Nhà nước đã đồng ý giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn.

Tuy nhiên, cần tính toán thời hạn, thời điểm cơ cấu cụ thể. Các ngành nghề, doanh nghiệp nào sẽ được ưu tiên giãn, hoãn cần phải tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở cân đối các mục tiêu vĩ mô của chính sách tiền tệ, nhằm hạn chế nợ xấu và giữ ổn định các tổ chức tín dụng. Đối với ngành bất động sản, để công bằng và hợp lý hơn, Thống đốc đã đề nghị Bộ Xây dựng rà soát để xem kỹ hơn phân khúc nào, nhóm nào sẽ được ưu tiên, chứ không phải tất cả”, ông Lực nói.

Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cũng đồng tình cần có giải pháp cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản bởi hầu hết những cuộc suy thoái trong quá khứ thường bắt nguồn từ khủng hoảng của thị trường bất động sản

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng không có thẩm quyền để đáp ứng giải pháp do các doanh nghiệp bất động sản đưa ra như cơ cấu nợ, giãn nợ trong nhiều tháng hay giảm lãi suất cho khoản vay bất động sản. Mà thị trường tài chính và bất động sản là hai lĩnh vực yêu cầu tính thị trường rất cao, tức là để thị trường quyết định là chủ yếu. Việc giãn, hoãn nợ cụ thể như thế nào sẽ phải phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại.

“Ngân hàng Nhà nước chỉ có thể xem xét để giảm bớt tỷ lệ an toàn khi cho vay bất động sản và dành ưu đãi cho những doanh nghiệp có dự án, pháp lý đầy đủ nhằm hỗ trợ một phần cho các doanh nghiệp này. Từ đó, doanh nghiệp sẽ có vốn tín dụng để triển khai tiếp chứ không thể nào cào bằng tất cả doanh nghiệp”, ông Hiển nêu.

Bên cạnh đó, việc cho phép giãn hoãn, cơ cấu lại các khoản nợ vay, giúp hàng loạt nợ xấu trở thành “không xấu”. Tuy nhiên, sau thời gian cơ cấu, nợ xấu của ngân hàng có khả năng sẽ tăng mạnh, do đó các ngân hàng sẽ phải tính nhiều đến các biện pháp dự phòng rủi ro.

Giãn, hoãn nợ mới là bước tạm thời

Tuy cần thiết nhưng giãn hoãn nợ mới là bước tạm thời để doanh nghiệp có thời gian xoay xở. Song song với đó, các chuyên gia đánh giá, cần những giải pháp đồng bộ khác để hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường bất động sản phục hồi. Đơn cử như việc hỗ trợ cho vay các dự án sắp sửa hoàn thành nhưng đang thiếu vốn, hay tháo gỡ các ách tắc pháp lý cho các dự án và thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội để khơi thông nguồn cung ra thị trường.

TS. Đinh Thế Hiển cũng nhìn nhận, nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau cũng đang gặp khó khăn về vốn nên Chính phủ cũng không thể có nguồn lực đủ mạnh để “giải cứu”. Trong khi đó, việc ổn định thị trường bất động sản là cần thiết nhưng cũng phải ổn định kinh tế và hệ thống ngân hàng.

“Để tính tới đường dài và bền vững, các doanh nghiệp bất động sản phải giải bài toán tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, có thể chấp nhận “hy sinh” dự án, lĩnh vực không phải cốt lõi để thu gọn tài chính, giảm nợ vay, chỉ tập trung một vài dự án chủ lực để phát triển, nhất là các loại bất động sản có nhu cầu ở và kinh doanh thực sự”, ông Hiển nêu quan điểm.

nhà ở xã hội
Cần thiết tháo gỡ các ách tắc pháp lý cho các dự án và thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội để khơi thông nguồn cung ra thị trường.
(Ảnh: Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

TS. Cấn Văn Lực cho biết, Chính phủ đã nhận diện rõ vấn đề và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường, như ban hành Nghị định 08/NĐ-CP gỡ khó cho trái phiếu doanh nghiệp, Nghị quyết 33/NQ-CP đưa ra những quyết sách tháo gỡ khó khăn khá toàn diện cho thị trường bất động sản. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo tăng cường cho vay đối với người mua nhà.

“Chúng ta nên chia ra giải pháp ngắn hạn và giải pháp lâu dài, căn cơ. Ví dụ, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ nên có một đề án lớp lang, bài bản đối với phân khúc nhà ở xã hội. Trong đó, phải xử lý câu chuyện pháp lý, quy hoạch, nguồn vốn, đặc biệt quy trình thủ tục phải đơn giản hóa và xem xét quyền lợi các bên rõ ràng, hấp dẫn hơn. Đồng thời phải đảm bảo minh bạch, công khai, bớt đi tính trục lợi.

Để vực dậy thị trường bất động sản, nguyên tắc là cần sự vào cuộc của tất cả các bên, thậm chí là ở cấp độ Bộ Chính trị, như có thể có một nghị quyết riêng về nhà ở xã hội. Hai là Quốc hội cũng phải có một nghị quyết thí điểm, đề ra một số cơ chế chính sách đặc thù cho phân khúc nhà ở xã hội, sau đó Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, bắt tay triển khai thực hiện.

Trước mắt, chúng tôi nhận thấy năm nay và năm tới, chúng ta phải sớm tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý, ở cấp nào thì giải quyết cấp độ đó mới giải tỏa được những dự án đang tồn đọng, dở dang và những hàng hóa đang bị ách tắc. Điều này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của bộ ngành và các địa phương. Ví dụ câu chuyện liên quan đến tính tiền thuê đất để sử dụng đất mỗi địa phương phải xử lý ngay để doanh nghiệp sẵn sàng nộp tiền và triển khai tiếp dự án”, ông Lực nói.

Về vấn đề vốn, theo TS. Cấn Văn Lực, những thách thức đối với thị trường trái phiếu vừa rồi đã có Nghị định 08 tháo gỡ và sắp tới sẽ tiếp tục có những chính sách khác để chúng ta tháo gỡ thị trường vốn bất động sản. Hiện Chính phủ và các địa phương, doanh nghiệp đã và đang vào cuộc giải quyết quyết liệt vấn đề trái phiếu đến hạn của năm nay và năm tới.

“Tôi rất hy vọng vào bốn chữ thiện chí và chia sẻ lẫn nhau giữa Nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư, và tôi tin với những giải pháp tương đối quyết liệt, đồng bộ hiện nay thì chúng ta sẽ có kết quả. Về lâu dài, chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa việc hoàn thiện thể chế, luật lệ sao cho đồng bộ và đảm bảo thực thi hiệu quả trong thực tế thì tôi tin là chúng ta sẽ tháo gỡ được và thị trường bất động sản dự báo có thể phục hồi vào quý IV/2023”, ông Lực nhấn mạnh./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top