Aa

Cánh bãi mùa đông bên sông Đuống

Chủ Nhật, 03/01/2021 - 08:00

Tôi đã nhiều lần ngồi trên đê, ngắm nhìn những làn khói lan man trên đồng bãi chiều đông xám xịt. Tôi ngồi lặng đi như thể mụ mẫm trong một cảm giác không tả nổi. Man mác buồn. Cô đơn vô cớ…

Làng Ngọ Xá quê tôi ở bên bờ sông Đuống. Cũng là một ngôi làng cổ của xứ Kinh Bắc. Trong thần phả của làng còn ghi rằng, đình làng thờ Tam Công đại vương, vốn là những vị thiên thần được thờ tự trong một ngôi miếu cổ bên bờ sông. Hai bà Trưng kéo quân đi qua, vào làm lễ. Các ngài bèn hiển linh xuống giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Tô Định ở thành Luy Lâu gần đó… 

Ngày xưa làng nằm giáp ngay bờ sông, ngoài đê. Nhưng nước lụt lên ngày càng cao, tàn phá nhiều quá nên làng mới chuyển vào phía trong đê độ vài trăm năm nay. Cơ mà cánh bãi khá rộng trải dài từ chân đê ra đến tận bờ sông vẫn còn nguyên của làng. Hồi xưa, khi còn nhỏ, cánh bãi ven sông là cả một thế giới hoang vu bí ẩn cần khám phá với đứa trẻ ham chơi như tôi. Lúc bấy giờ cánh bãi làng tôi vẫn còn nhiều chỗ đất bỏ hoang cây cối mọc tự do rậm rạp, nhất là dải bờ vở dọc theo sát mép nước sông. Rất nhiều loại cây mọc chen chúc nhau như rừng. Lau lách, cỏ mía, cỏ lau phất phơ trong gió. La liệt cỏ gấu, cỏ gà bên dưới. Búi cúc tần thơm hăng hắc. Vài cây xoan lẻ. Một cây gạo cổ thụ xù xì gai góc. Những búi tre ngả bóng xuống mặt nước. Những khóm chuối tây, chuối tiêu, chuối hột lẫn lộn. Rồi đám dây leo lạc tiên, vú vò chằng chịt đan xen quấn quýt. Có chỗ đột nhiên xuất hiện những thảm tơ hồng vàng ươm như dải lụa ai đó trải quên bên bờ sông vắng. Trong đám cây cỏ rậm rạp ấy là cả một cộng đồng chim: Sáo sậu, chim chích, chích chòe và cuốc lủi, bói cá, cun cút… Và cả những con cáo tinh khôn, những con rái cá cần mẫn sớm khuya lăn lội nữa.

Dịch vào phía trong một chút là những thửa ruộng màu đã được khai phá từ lâu. Mỗi năm nước sông Đuống vốn bắt nguồn từ sông Hồng chỗ cửa Đức Giang, khoảng tháng 6, tháng 7 âm lịch lại dâng lên ngập hết bãi bờ. Ngày ấy nước sông còn chưa bị các con đập thủy điện trên thượng nguồn chặn lại nên lũ lụt dữ dội và màu đỏ rực của phù sa. Nước từ từ dâng lên lụt tràn cánh bãi lúc nào không biết. Đều đặn năm nào cũng vậy. Có năm nước chỉ ngập bãi độ một đến hai tuần rồi rút xuống dưới bờ vở sông. Nhưng có những năm nước ngập rất lâu, cả tháng trời nước mới rút ra hết khỏi cánh bãi. Nước ngâm lâu quá, cỏ cây hầu như rụng lá, chết vãn cả. Thế nhưng con nước lũ đỏ rực ấy sau khi rút đi lại để một lớp phù sa mỡ màng nâu non trải dài rộng khắp cánh bãi. Nếu ai đã được ngắm cái lớp phù sa nâu non tinh khiết nguyên sơ, đọng lại sau mùa lụt như thủa lập đất lập nước cổ xưa hẳn sẽ không bao giờ quên. Lớp phù sa non ấy lại bồi đắp nuôi dưỡng cỏ cây như một sự đền bù thiệt hại. Cây cối lại nhanh chóng lên xanh tốt trở lại trong sự ngỡ ngàng của con người…

Những năm nước lụt ngâm lâu, đất phù sa cánh bãi nhão ra dẻo quánh, hút chặt chân người. Có khi các cô thợ cấy phải mang theo một thân cây chuối, để bám vào đó mà di chuyển chứ không thì bị hút xuống bùn phù sa không lên nổi. Cấy cây mạ xuống, lúa xuống mọc lên vùn vụt. Tốt tươi xanh thẫm đến hóa lốp. Nhưng hầu hết những thửa ruộng bãi cấy sau lũ hầu như là trò đánh bạc với trời, không mấy khi được gặt hái bởi lúc nước rút, đa số đã quá vụ cấy lúa mùa nên không bị lốp thì khi trổ bông, gặp rét thóc thường lép nhiều. Người làng tôi sau rút kinh nghiệm chả cấy lúa mùa trên cánh bãi nữa, họ đợi cho gió heo may mùa thu về làm se khô bùn phù sa rồi cày cuốc lên, để ải, đập cho nhỏ trồng ngô, khoai, rau đậu vụ đông. Bọn trẻ choai học cấp 1 chúng tôi khi ấy khoái nhất vụ này!

Chả là trường chúng tôi ở xóm dưới, cách một cánh bãi, ngay rìa đồng. Mỗi buổi tan học, bọn trẻ trai làng tôi đứa nào đứa nấy vơ vội sách vở, ba chân bốn cẳng chạy như bị ma đuổi ra khỏi cổng trường, tuột luôn xuống ruộng qua cánh bãi để tắt về làng. Thế nhưng hầu như chẳng có hôm nào về nhà ngay, cánh trẻ làng sở tại đuổi theo truy kích, đánh nhau tay bo, vật nhau và dàn quân hai bên trên cánh đồng nhặt những hòn đất phù sa ném vào nhau! Tôi cũng không hiểu nguồn cơn từ đâu mà cánh trẻ làng tôi khi ấy và cánh trẻ làng dưới lại “thâm thù” nhau đến vậy. Hầu như ngày nào cũng có những trận “pháo kích” qua lại với nhau bằng những hòn đất phù sa trên cánh bãi giữa hai làng. Náo nhiệt. Vui nhộn. Chửi nhau ầm ĩ cả cánh đồng. Thỉnh thoảng có thằng không tránh kịp trúng đạn phù sa bên đối phương la oai oái như cháy nhà. Thế nhưng về cơ bản là cũng chẳng có thằng nào làm sao, chỉ cho đến khi một bên oải trước làn mưa đất của đối phương, đành tháo chạy thì “trận chiến” mới chấm dứt. Và bọn bên kia hò reo chiến thắng!

Những trận chiến mưa đất phù sa vào nhau trên cánh bãi mùa đông của bọn trẻ nhiều tay đàn ông tuổi tôi nay còn nhớ. Sau này lớn lên một chút, tự dưng chúng tôi chán cái trò nghịch dại ấy, chả đứa nào còn hứng thú dàn quân ra trận trên cánh đồng đất bãi mùa đông ném nhau cho ấm người nữa. Dịp gần đây, có lúc ngồi với mấy ông bạn cũ ở làng bên, nhắc lại, sao dạo ấy bọn mình hay đánh nhau thế nhỉ? Ôi thì cái tuổi trẻ choai như mấy chú gà trống đang mọc lông măng, ngứa sườn nên cứ phải chí chóe liên tục với nhau. Rồi mai vào lớp lại chơi lại gọi nhau là bạn bè ấy mà…

Lớn lên chút nữa, tôi lại rất thích được mỗi buổi chiều mùa đông ngồi trên đê nhìn xuống cánh bãi. Cả một cánh bãi rộng mênh mang, tươi một màu đất phù sa nục nạc, phẳng phiu. Người ta dùng những chiếc bừa trâu kéo, bừa cỏ trên những thửa đất đã được đập nhỏ. Vun hết cỏ khô, cỏ chết, cỏ tươi về một góc ruộng rồi châm lửa đốt. Làn khói xanh uể oải bốc ra từ những đống cỏ đó luễnh loãng tan dần vào chiều hôm, phảng phất mùi ngai ngái, thơm thơm cay cay của những củ gấu bị nướng. Tôi đã nhiều lần ngồi trên đê, ngắm nhìn những làn khói lan man trên đồng bãi chiều đông xám xịt. Tôi ngồi lặng đi như thể mụ mẫm trong một cảm giác không tả nổi. Man mác buồn. Cô đơn vô cớ…

Nhưng chỉ nửa tháng sau, cánh bãi quê tôi lại xanh mướt giữa mùa đông lạnh giá. Ngô đỗ, rau đậu, khoai tây khoai lang, cà chua rau cải rau diếp, xu hào bắp cải hành mùi chen chúc nhau dưới ruộng. Trên bờ vùng bờ thửa và phía bờ vở ngoại bãi sông, cây cỏ lại mọc lên rậm rạp như chưa từng trải qua trận lụt tàn phá. Cây gạo cổ thụ vẫn đứng cô đơn trên bờ sông mang trên thân mớ lá già xanh sẫm chưa trút. Bởi đến khi lá cây trút xuống cũng là lúc cây gạo sẽ nở bừng những bông hoa đỏ chói chang, cả cây gạo sẽ thành ra như một ngọn đuốc lửa thắp lên bừng sáng giữa đồng bãi mênh mông xanh. Thì lúc ấy đã là cuối xuân rồi…  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top