Aa

Sống dầu đèn, chết kèn trống

Chủ Nhật, 13/12/2020 - 10:00

Thế nhưng “ngọn kèn tiếng trống” cổ truyền đưa người đã khuất về đến tận nơi an nghỉ cuối cùng vẫn là chủ đạo, nó chính một nét văn hóa làng quê Việt không bao giờ có thể phai mờ.

Đó là câu cửa miệng của các người già làng tôi từ xưa đến nay. Xưa không có điện thì tối đến cũng phải có đèn. Có ngọn đèn thắp lên nó làm rạng rỡ con người. Nhà nào nghèo cũng phải có cái đèn dầu Hoa Kỳ để giữa nhà. Đèn để người lớn ngồi nói chuyện trà nước thư giãn sau một ngày lao động vất vả, trẻ em đọc sách học bài. Nhà có điều kiện, tối đến còn thắp đèn tọa đăng sáng choang hàng xóm. Đêm tối ở thôn quê thanh vắng và êm ả, không rộn rã xe pháo như ngoài phố. Nhà không có ngọn đèn thắp lên, nom âm u như nhà ma. 

Thời xa xưa nữa, khi mà đèn Hoa Kỳ thắp bằng dầu hỏa chưa phổ biến thì dân nước Việt thắp sáng ban đêm cũng bằng đèn dầu, nhưng là các loại dầu ép từ củ, hạt thực vật như lạc, cọ, trẩu. Dịp gần đây khi viết về tướng quân Trần Nguyên Hãn tôi mới tìm hiểu và được biết có cả loại dầu dọc được ép từ hạt quả dọc, một loại quả quen thuộc với món canh chua ở miền Bắc. Một thời cụ Trần Nguyên Hãn đã phải giả làm người bán dầu dọc, lang thang khắp nước tìm người đồng chí hướng đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi nước ta…

Còn đám ma quê tôi, nhất thiết phải có kèn trống do phường bát âm, hay còn gọi là phường kèn đám ma trình diễn. Gọi là phường bát âm, bởi đúng và đủ nghi lễ thì phải có nhiều loại nhạc cụ khác nhau để khi tấu nhạc lên đủ tám âm. Nào kèn, sáo, trống, chiêng, nhị, đàn nguyệt, hồ… Ở thôn quê, người ta cũng giản tiện đi nhiều, nhưng dứt khoát phải có kèn! Không có tiếng kèn, mà người ta hay gọi là “ngọn kèn” nó không ra một đám ma! Như là một lỗi trầm trọng nhất của người sống với người quá cố. Nhưng nghe nói, loại kèn thổi ở đám ma này do dân ta du nhập lâu đời vào đời sống văn hóa của mình, chứ không phải người Việt phát minh ra. Chả thế mà bộ kèn đám ma ba loại cao, trung, trầm dân Việt gọi là kèn bầu, nhưng dân tộc Dao họ gọi là kèn pí lè, dân Chăm gọi là kèn saranai… 

Nhà có người từ trần, việc đầu tiên là phải cử người đi đón phường kèn. Có đón được phường kèn về thì mới khâm liệm rồi phát tang cho con cháu được. Và tiếng kèn nỉ non cất lên như lời ai điếu báo cho hàng xóm láng giềng, bạn bè gần xa đến thăm viếng. Phường kèn quê tôi bây giờ thường chỉ có 2 - 3 tay kèn, 1 ông kéo nhị, 1 ông đánh trống giữ nhịp. Có thể có thêm tay đàn bầu cho thêm phần nỉ trầm bổng. Nhưng cơ bản là phải có kèn. Tôi không hiểu về âm nhạc lắm nên chả biết hết họ thổi những bài nào trong đám. Nhưng chắc chắn luôn phải mở đầu bằng bài lâm khốc ai oán rồi các điệu xuân bắc, xuân nữ, nam ai… Và trên đường ra mộ thường là bài lưu thủy. Nghe nhiều đâm quen vậy! Ông nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh có bài thơ rất hay về kèn đám ma:

“Chợt nghe kèn trống đám ma

Giật mình lại tưởng người ta khóc mình

Vào xem cho rõ sự tình

Vẫn không biết được khóc mình hay ai.”

Thật ra ở đây ông ấy không định nói về kèn trống đám ma. Mà chắc ông ấy định nói về cái thói thương vay khóc mướn của văn nhân nghệ sĩ. Ông ấy mượn câu chuyện tự dưng đi ngoài phố, bỗng chợt nghe tiếng kèn đưa tiễn một con người mà chạnh lòng cho kiếp nhân sinh... Nhưng cái sâu xa của thơ Bảo Sinh xin đề cập đến ở một dịp khác.

Cơ mà đến dự nhiều đám ma, tôi chợt nhận ra, cũng phường kèn này thổi các bài giống nhau ở các đám khác nhau hình như nghe khang khác. Rất khác.

Quê tôi, đám ma những người già, đại thọ từ tám mươi trở lên người ta gọi là “hồng tang”, hình như là do có đến hàng chắt chít, đội khăn hồng đi đưa tang thì phải? Đám tang này hầu như rất ít tiếng khóc hờ ai oán. Lúc nhập quan hay xuống mộ cũng có vài tiếng khóc hờ cho phải phép, còn cơ bản là không. Bởi người ta cho rằng, sống đến thế là tận tuổi trời rồi, về với tiên tổ thôi, không có gì phải đau buồn cho lắm. Tuổi trời cho bao nhiêu sống hết bấy nhiêu. Đời con người cũng như phao dầu của ngọn đèn, hết dầu thì đèn phải tắt. Nên xưa tôi còn nhớ, ở làng những đám ma như vậy khi đưa linh cữu ra khỏi nhà người ta còn đốt pháo…

Nhưng ở đám tang những người chết trẻ, người chết bất ngờ, đột tử, chết đau đớn… mọi sự đời còn đang dở dang thì không hiểu sao, tiếng kèn đám ma nghe rất đau thương ai oán. Nhất là khi hạ huyệt. Làng tôi có tục lệ đưa đám vào sáng sớm. Khi hạ quan tài xuống huyệt mộ, tiếng kèn bỗng rên lên bi thiết, tiếng trống đổ hồi, tiếng chiêng rền rĩ hòa cùng với tiếng những nắm đất rơi lịch bịch trên nắp ván thiên…Đó là cái âm thanh mà tôi đã phải nghe nhiều lần trong đời. Nhưng lần nào cũng mang lại cho mình một cảm xúc khó tả. Bi thương.

Vì đưa linh cữu ra nghĩa trang vào buổi sớm nên đám ma quê tôi thường diễn ra qua đêm. Và đêm đó ngày xưa thường là lúc diễn tấu của các tay kèn. Nhiều đám xem rất thu vị. Nhất là tại các đám “hồng tang” như tôi đã nói. Lúc ấy phường kèn đám ma thành các nghệ sĩ, họ diễn các tích chèo đò đưa mẹ qua sông, diễn các trích đoạn chèo và hát các bài chầu văn cổ nói về tình cảm con cái với cha mẹ, ca ngợi công lao tác tạo của các bậc sinh thành… Nhưng nay theo đời sống mới, các đám tang phải dừng thổi kèn lúc đêm khuya, nên hầu như không còn những buổi diễn xướng dân gian như vậy nữa.

Ngày nay làng tôi và cả vùng xung quanh hầu hết đạt nông thôn mới, đèn điện nước máy sáng choang rộn rã. Đèn ngoài đường, đèn ngoài sân vườn có khi để sáng suốt đêm. Còn tại các đám ma, phường kèn nay đã trang bị cả tăng âm loa đài khá hoành tráng, thậm chí có phường còn thêm cả ghi ta phím lõm, kèn tây. Thế nhưng “ngọn kèn tiếng trống” cổ truyền đưa người đã khuất về đến tận nơi an nghỉ cuối cùng vẫn là chủ đạo, nó chính một nét văn hóa làng quê Việt không bao giờ có thể phai mờ.  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top