Aa

Cảnh giác trước những xu hướng lừa đảo đầu tư mới

Thứ Tư, 25/04/2018 - 06:31

Trong nền tài chính điện tử toàn cầu hiện nay, nhà đầu tư phải thật sự cảnh giác để tránh mắc những cái bẫy ngày càng tinh vi hơn.

Hình minh họa

Hình minh họa

Sự phát triển của hệ thống thông tin liên lạc toàn cầu đã đem lại nhiều lợi ích cho thị trường tài chính quốc tế. Tuy vậy, những cải tiến này lại đi kèm nhiều hiểm họa, và những người sử dụng Internet thiếu hiểu biết đang trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ lừa đảo mong muốn thu lợi bất chính mà không phải rời khỏi "hang ổ" của chúng.

Chúng ta đều đã thấy trong hòm thư rác những email đến từ các vua chúa, hoàng tử nước ngoài mong muốn tẩu tán tài sản ra nước ngoài sớm. Và tất cả chúng ta đều đã có lúc tự hỏi ai lại có thể mắc vào những cái bẫy lừa đảo lộ liễu như vậy.

Nhưng, những phi vụ lừa đảo nguy hiểm nhất lại là thứ mà các nạn nhân không thể nhận ra mà tránh được. Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của những trò lừa tinh vi này.

Để viết được bản báo cáo về tài chính cá nhân xuất bản năm ngoái, Cục Quy chuẩn Hoạt động Tài chính Vương quốc Anh (FCA) đã khảo sát hơn 13.000 cá nhân về tình hình tài chính của họ. Một lượng lớn trong số này được hỏi về những làn họ bị lừa đảo mất tiền.

Kết quả là khoảng 1 trên 500 người Anh đã mất tiền oan cho bọn lừa đảo. Tính ra trong một ngày, con số này là 250 người trên toàn quốc. Cho dù chỉ có một số ít người mắc bẫy, số tiền mà họ gửi đi cũng đã đủ làm giàu cho những kẻ lừa đảo.

Điều này đặc biệt đúng với những phi vụ lừa đảo đầu tư. Tổ chức Action Fraud cho biết một năm người Anh mất khoảng £32,000 vì bị lừa đảo đầu tư. Sự thiếu quản lý trong lương hưu, cùng với trần lãi suất tiết kiệm thấp, đang tạo cơ hội cho những kẻ lừa đảo lợi dụng.

Một trong những phương pháp được nhiều kẻ lừa đảo sử dụng nhất là bắt ép nạn nhân phải đưa ra quyết định trong thời gian ngắn để “tránh mất đi cơ hội đầu tư.” Nhưng, cạm bẫy của bọn lừa đảo luôn luôn tiến hóa. Câu hỏi đặt ra là: Làm cách nào để có thể tránh được chúng?

Những xu hướng lừa đảo đầu tư mới

Khi một trò lừa đảo được nhiều người biết tới, bọn lừa đảo sẽ thôi sử dụng chúng. Tuy vậy, chúng cũng luôn tạo ra những trò lừa mới với cái tên thật khó nghe để đánh lừa nạn nhân. Một số ví dụ gần đây gồm có Cryptocurrency (tiền ảo), Binary Options (mua bán ngoại tệ theo khung thời gian), và Contracts for Diference (chứng khoán phái sinh.) Tuy những hình thức giao dịch này đều có thật và mang trong mình cơ hội lẫn rủi ro cao, những cái tên bạn đọc được trong email quảng cáo có thể chỉ là tấm mạng che đi một trò lừa đảo.

Cryptocurrency

Thật khó cho bất kỳ ai chưa một lần nghe tới cụm từ Cryptocurrency – tiền ảo trong năm ngoái, cùng với đà tăng phi mã của đồng Bitcoin. Chính sự kiện này đã khiến cho hàng trăm đồng tiền ảo mới được ra đời.

Tuy vậy, không những tiền ảo là một thị trường đầy rủi ro, ở nhiều nước luật pháp cấm hoặc không quản lý việc kinh doanh tiền ảo. Vì vậy, nếu bạn bị lừa đầu tư tiền ảo, bạn sẽ không bao giờ nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan luật pháp.

Binary Options và Contracts for Difference

Binary Option – Mua bán ngoại tệ theo khung thời gian – và Contracts for Difference – Chứng khoán phái sinh – là hai hình thức đầu tư hay được bọn lừa đảo sử dụng. Cả hai đều cho phép nhà đầu tư đánh cược vào sự thay đổi giá trị của các đồng ngoại tệ và hàng hóa trong tương lai gần.

Những email lừa đảo dạng này chào mời những cơ hội để bạn có thể tham gia hai hình thức đầu tư trên. Chúng luôn hứa hẹn mức lãi kinh khủng, nhưng khi bạn gửi tiền cho kẻ lừa đảo, bạn sẽ không bao giờ nhận lại vốn hay lãi cả. Bọn lừa đảo thường tự quảng cáo chúng như những kẻ thành công, sành điệu trên mạng xã hội để thu hút nhiều người vào tròng.

Các trò lừa đảo mua bán ngoại tệ theo khung thời gian hiện là một trong những vấn nạn lớn của Anh Quốc. Tổ chức Action Fraud dự tính số tiền bị lừa đã lên tới 32 triệu Bảng Anh trong năm 2017.

Cổ phiếu và Trái phiếu

Mua bán cổ phiếu và trái phiếu cũng là một trong những hình thức lừa đảo phổ biến. Có những người lạ tự nhiên gọi cho bạn, nhiều khi từ những đầu số tổng đài và bạn được hứa hẹn một khoản lãi khổng lồ nều bạn chịu bỏ ra một số tiền mua mã cổ phiếu hay trái phiếu nhất định.

Tuy nhiên, kể cả khi những mã cổ phiếu, trái phiếu này có thật, nhiều khả năng chúng sẽ bị đội giá lên quá cao. Bạn có thể sẽ phải trả tiền đặt cọc trước. Các công ty ma thường là tác giả của những chiêu trò lừa đảo dạng này. Ở Anh, phi vụ lừa đảo mua cổ phiếu lớn nhất bị cảnh sát bắt trị giá tới 6 triệu Bảng Anh.

Công ty ma

Nhiều công ty ma được lập nên trông giống như những doanh nghiệp tài chính nghiêm chỉnh được nhà nước công nhận. Trang web của các công ty ma này thường có các số điện thoại mà nếu bạn gọi tới thì sẽ được gặp người của một công ty khác.

Bọn lừa đảo không chỉ lấy đi tiền mà còn lấy cả thông tin của bạn. Nếu bạn điền vào một mẫu đơn của một công ty ma, chúng đã có tên, email và số điện thoại của bạn. Chúng có thể sử dụng những thông tin này để lại lừa bạn trong tương lai hoặc bán cho các công ty quảng cáo.

Tốt nhất là bạn nên tìm hiểu thông tin của các công ty được đăng ký với Cục quản lý đăng ký kinh doanh hay Cục thuế để biết chắc liệu bạn có đang bị lừa bới một doanh nghiệp ma hay không.

Dấu hiệu của bọn lừa đảo

Bọn lừa đảo luôn vắt óc để nghĩ ra những cạm bẫy tinh vi hơn. Tuy vậy, chúng luôn để lộ ra những dấu hiệu mà bạn có thể tinh ý nhận thấy để tránh rơi vào: Hứa hiện lãi siêu khủng nhưng lại ít rủi ro; Đăng tải các review và lời tri ân giả trên trang web để tăng độ tin cậy; Gây áp lực về thời gian lên nạn nhân; Nịnh nọt, tâng bốc bạn là nhà đầu tư thông minh; Đóng giả là một công ty làm ăn nghiêm chỉnh, với thông tin đăng ký doanh nghiệp không chính xác; Cho những điều khoản giữ bí mật vô nghĩa vào hợp đồng, ví dụ như khiến nạn nhân sợ không dám hỏi ý kiến người thân; Nói rằng hiện đang có rất nhiều người mong muốn hay đã rót vốn vào cơ hội đầu tư này.

Bạn nên làm gì? 

Nếu bạn tự nhiên nhận được cuộc gọi mời chào, hãy tỏ ra cẩn trọng. Nếu đầu dây kia liên lạc với bạn lần đầu tiên, hãy dập máy ngay. Các doanh nghiệp tài chính nghiêm chỉnh chỉ gọi điện cho các khách hàng đã từng ít nhất 1 lần giao dịch với họ. Và hãy chỉ làm ăn với các công ty được cấp phép bởi Cục quản lý thành lập doanh nghiệp, Cục thuế, hay Bộ Tài chính công nhận.

Hãy thử tìm kiếm danh sách các doanh nghiệp tài chính được cấp phép kinh doanh trên mạng và kiểm tra xem bọn lừa đảo có đang copy thông tin của bất kỳ công ty trong danh sách này không.

Cuối cùng, bạn hãy tìm kiếm sự tư vấn của các chuyên gia đạt chuẩn mà bạn được gặp mặt tận nơi, thay vì nói chuyện qua điện thoại. Và nếu bạn đang nghi ngờ mình đang liên lạc với bọn lừa đảo, hãy gọi đến cơ quan có thẩm quyền để trình báo.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top