Aa

Cảnh giác với chiêu “cắt máu” để “cướp” khách của môi giới BĐS

Thứ Ba, 18/07/2017 - 06:00

Trong cuộc đua “bão táp” của thị trường BĐS, nhất là ở thời điểm thị trường đang có dấu hiệu bùng nổ nguồn cung song sức mua lại giảm như hiện nay, để có thể “cầm cự”, không ít môi giới BĐS đã bất chấp mọi thủ đoạn, dùng đủ chiêu “cắt máu” để tranh giành khách hàng.

Đủ chiêu “cắt máu”

“Cắt máu” hoa hồng được giới môi giới BĐS quen dùng để nhắc đến việc nhân viên sale sử dụng đến chiêu giảm giá, tự trích phần hoa hồng của mình để trả cho khách khi “chốt” được đơn hàng. Và đây không phải là một điều "dễ chịu" đối với phần lớn các nhân viên sale BĐS khác.

Ngô V. (nhân vật đề nghị giấu tên) nhân viên sale của một sàn giao dịch BĐS khu vực quận Cầu Giấy than thở với PV về việc “mất” nhiều khách hàng bởi chiêu trò “cắt máu” không lành mạnh của đồng nghiệp.

“Khi thấy em chốt được một số căn, nhiều sale đã theo khách hàng của em ra đến tận cổng để xin số, sau đó gọi điện rồi hứa hẹn trích 100% hoa hồng nếu mua căn hộ mà sale đó bán. Nếu mình không “cắt máu” theo hoặc ít hơn so với người kia thì hầu như khách sẽ làm việc với bên nào mang đến cho họ nhiều lợi nhuận nhất”, Văn nói.

Nhân viên này còn cho biết thêm, đã chứng kiến nhiều trường hợp khách đến xem nhà mẫu, sau đó môi giới theo khách về tận nhà hoặc gọi điện liên tục, mục đích là để thuyết phục khách hàng mua căn hộ của mình. Điều này sẽ không có gì đáng nói nếu như tất cả môi giới đều thực hiện đúng như những gì đã nói. Nhưng trên thực tế, nhiều lời "đường mật" mà giới kinh doanh BĐS mang ra để thuyết phục khách hàng đến cuối cùng chỉ còn là lời hứa suông cốt làm sao bán được hàng, sau đó “phủi” trách nhiệm.

“Có nhiều người cũng chỉ là nhân viên kinh doanh như bọn em nhưng lại đi nói dối với khách hàng rằng, họ là trưởng phòng hay trưởng bộ phận nên phần trăm hoa hồng sẽ nhiều hơn, nếu khách mua nhà của họ thì sẽ được trích toàn bộ hoa hồng còn họ bán được hàng chỉ để đạt doanh số. Thấy được lợi nhuận trước mắt, nhiều khách hàng sẽ chuyển sang mua nhà của môi giới đó.

Tuy nhiên, khi bán xong nhà, môi giới không trả được hoa hồng như đã cam kết với khách hàng trước đó thì khách cũng không làm gì được. Đó là chưa kể, làm việc với những môi giới vô trách nhiệm như vậy, khách hàng còn có thể bị tư vấn mua phải những sản phẩm không tốt, không có giấy phép và nhiều vấn đề khác”, V. chia sẻ thêm.

môi giới sẵn sàng chiết khấu lại cho khách hàng phần lớn hoa hồng mình được nhận, thậm chí chiết khấu luôn 100%

Nhiều môi giới sẵn sàng chiết khấu lại cho khách hàng phần lớn hoa hồng mình được nhận, thậm chí chiết khấu luôn 100% để lấy doanh số.

Đương nhiên, thực tế cũng chứng minh rằng, không phải môi giới nào cũng làm ăn theo kiểu chụp giật, thiếu lành mạnh. Bên cạnh những "con sâu làm rầu nồi canh", vẫn còn nhiều môi giới tuân thủ nguyên tắc và đạo đức hành nghề song trước áp lực bị “cướp” khách, khi không đạt được doanh số, một số nhân viên môi giới cũng buộc phải “theo lao” nhưng vẫn cố gắng tiết giảm mức độ “cắt máu” để không bất đắc dĩ giành khách của đồng nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên gia tài chính BĐS cho rằng: “Thực trạng môi giới “cắt máu” để giật khách từ tay đồng nghiệp hay chỉ để lấy doanh số đang xảy ra khá nhiều trên thị trường BĐS. Có hiện tượng này một phần là do chủ đầu tư hứa với sàn, sàn hứa với môi giới, môi giới lại hứa với khách. Vòng luẩn quẩn này duy trì ở nhiều cấp bậc, tùy theo cấp độ phân phối. Cho nên, không phải khách hàng nào cũng được nhận đầy đủ quyền lợi từ hệ thống này.

Khi nhận ra môi giới không thực hiện việc chi trả phần trăm hoa hồng như đã hứa, cũng có trường hợp khách hàng làm gay gắt thì nhận được tiền hoa hồng nhưng khả năng này tùy thuộc vào đạo đức, sĩ diện của môi giới hoặc sàn, đôi khi cũng phụ thuộc năng lực tài chính của họ vào thời điểm đó. Do đó, trường hợp có môi giới chủ động cam kết sẽ trích 100% hoa hồng khi mua nhà, khách hàng nên yêu cầu môi giới ký xác nhận và có dấu chủ sàn”.

Thiệt thòi thuộc về khách hàng

Theo nhận định của các chuyên gia BĐS, "cắt máu" là một chiêu cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường của các môi giới. Có thể ngay tức thời, khách hàng sẽ được lợi nhưng nếu xét về mọi mặt, người chịu thiệt lại là chính người mua nhà.

Nhận định về vấn đề này, ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa cho rằng, trong trường hợp nhân viên sale chủ động “mồi chài” khách hàng, thì trước hết lỗi nằm ở công tác quản trị của công ty, đã không chỉ rõ tiêu chí trong ngành nghề kinh doanh cho nhân viên và thiếu chế tài quản lý.

thời điểm hiện tại, khách hàng có thể được lợi nhưng nếu xét về mọi mặt, người chịu thiệt lại là chính người mua nhà.

Tham rẻ mua nhà của những môi giới "cắt máu", dù ở thời điểm hiện tại, khách hàng có thể được lợi nhưng về lâu dài, người chịu thiệt lại là chính người mua nhà.

Bên cạnh đó, áp lực doanh số cộng với đạo đức nghề nghiệp yếu khiến cho các nhân viên khi bán hàng đã bất chấp mọi thủ đoạn. Việc này có thể không phải do lãnh đạo sàn yêu cầu mà do nhân viên không có tâm, không có tầm, không có năng lực nên phải dùng chiêu “hạ sách” để bán hàng, khiến cho thị trường bị lũng đoạn. Nhân viên môi giới khi thực hiện chiêu trò này, về trước mắt cũng bị thiệt hại. Tuy nhiên để cầm cự, họ vẫn chấp nhận. Đây là việc cần được lên án.

Về trường hợp khách hàng chủ động gây áp lực với môi giới, yêu cầu môi giới “cắt máu” để trả hoa hồng cho mình, theo ông Quý, nếu là những sale làm việc tận tâm, đàng hoàng, cần khuyến cáo khách hàng đây là việc không nên bởi như vậy thì phần thiệt hại sẽ thuộc về khách hàng chứ không phải sale.

“Ví dụ, một căn hộ 2 tỷ đồng, mức hoa hồng mà sàn sau khi thỏa thuận với chủ đầu tư sẽ rơi vào khoảng 4 – 5%, sau khi trừ đi các khoản thuế, tiền quảng cáo, sự kiện, marketing, truyền thông, nuôi bộ máy,... cuối cùng tỷ lệ mà công ty nhận được cao lắm chỉ 2 – 3%. Tuy nhiên, 2 - 3% này phải chia cho các nhân viên tùy theo vị trí và tỷ lệ từng công ty. Do đó, số phần trăm mà nhân viên sale bán trực tiếp được nhận không đáng kể, trong khi còn phải chi trả tiền đi lại, tiếp khách... Hơn nữa, cũng không phải bán xong một căn hộ là được nhận tiền ngay.

Cho nên nếu như khách vì một lý do nào đó mà gây áp lực cho sale để đạt được lợi cho mình, trước mắt có thể khách hàng thấy là giảm được tiền nhưng về lâu dài thực ra lại là tổn hại cho khách. Bởi khi mua bất kỳ sản phẩm nào không riêng gì BĐS cũng đều cần chế độ bảo hành, hậu mãi. Nếu gây áp lực cho sale thì sau này, khi sản phẩm có vấn đề, khách hàng sẽ chịu thiệt đủ đường. Bởi vì đã "cắt máu" thì việc tư vấn hoàn thiện thủ tục sau khi mua nhà sẽ không được tốt và chắc chắn, khách hàng cũng không được hưởng sự quan tâm từ môi giới. Đáng lo ngại nhất là để bù vào phần máu đã cắt, nhiều môi giới sẵn sàng tư vấn những BĐS không tốt, không phù hợp cho khách”, ông Quý phân tích.

Trên thực tế, đã có nhiều khách hàng chỉ vì “tham bát bỏ mâm”, mua nhà của các sale, các đại lý “cắt máu” sau một thời gian thì bị bỏ rơi, tự mình làm mọi thứ từ thủ tục đến việc mua bán, cho thuê… Thậm chí, khi phát sinh sự cố sau khi về ở hay bán lại, khách hàng không nhận được sự tư vấn, hỗ trợ xử lý nào của các môi giới đó.

“Nhìn chung, dù xảy ra ở góc độ nào, thì đây là vấn đề không nên cho cả khách lẫn sale. Với sale, một khi đã hành nghề cần phải có trách nhiệm tư vấn, đưa ra lời khuyên hợp lý cho khách hàng. Còn với khách, không nên vì cái lợi trước mắt mà đưa mình vào tình thế rủi ro sau này. Cái quan trọng chưa hẳn là mức phần trăm hoa hồng khách hàng nhận được, mà quan trọng là lựa chọn được những sale tử tế.

Khách hàng cũng nên hiểu rằng, khi mua một BĐS, tiền phí môi giới này không phải tiền của khách hàng mà là tiền của chủ đầu tư khấu hao từ sản phẩm. Họ mất bao nhiêu tiền để chi trả cho truyền thông, marketing, mời khách đến sàn, chăm sóc tư vấn, bỏ thời gian công sức và hy sinh nhiều thứ khác nữa mới có thể có dịch vụ tốt cho người mua nhà. Cho nên, nếu được tư vấn bởi một sale nhiệt tình, tận tâm, thì thực chất chính khách hàng đã được hưởng lợi từ đó”, ông Quý khẳng định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top